Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Món ăn - thuốc dưỡng gan, sáng mắt

Ngày nay, con người phải làm việc nhiều trên máy tính; người cao tuổi bị đục thủy tinh thể, trẻ em học, đọc sách báo, xem tivi không đúng cách... nên dễ bị căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, đau vai, lưng... đặc biệt là suy giảm thị lực. Đông y cho rằng nguyên nhân chủ yếu do bẩm sinh hoặc do bệnh tật khiến can thận suy yếu, khí huyết hư suy gây nên.
Chữa bệnh bằng ẩm thực là một trong nhiều phương pháp nhằm bổ dưỡng can thận, ích khí dưỡng huyết giúp tăng cường thị lực. Xin giới thiệu cùng bạn đọc các món ăn giúpsáng mắt.
Cháo quyết minh cúc hoa: quyết minh tử 15g, cúc hoa 8g, gạo lức 100g.
Quyết minh tử sao cho thơm, hoa cúc trắng sao qua. Hai thứ cho vào nồi, đổ 200ml nước ninh còn 100ml, bỏ bã, cho thêm nước vừa đủ rồi cho gạo đã vo sạch và đường phèn vào nấu cháo. Ngày ăn 1 - 2 lần, ăn liền 5 - 7 ngày là một liệu trình.
Công dụng: bổ can, tỳ. Trị cận thị hoa mắt, đục thủy tinh thể.
Cháo củ từ dạ minh sa: dạ minh sa 10g, củ từ 30g, dây tơ hồng 10g, gạo lức 60g, đường đỏ vừa đủ. Tất cả cho vào túi vải đổ 100ml nước ninh còn 500ml, cho gạo đã vo sạch và đường đỏ vào nấu cháo, cháo chín cho đường đỏ vào. Ăn trong ngày, liền 15 - 20 ngày.
Công dụng: bổ can, tỳ. Trị cận thị hoa mắt, đục thủy tinh thể.
Cháo gan dê: gan dê 1 cái, gạo 60g, hành, muối vừa đủ. Gan dê rửa sạch thái miếng, đổ nước vừa đủ đun chín, sau cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo, cháo chín cho gia vị. Ngày ăn 1 bát, ăn liền 7 ngày.
Công dụng: dưỡng can sáng mắt chữa cận thị, quáng gà, hoa mắt.
Món ăn - thuốc dưỡng gan, sáng mắt 1
Cháo gan dê
Cháo câu kỷ tử: câu kỷ tử 20g, gạo nếp 50g, đường trắng vừa đủ. Tất cả cho vào nồi, đổ nước ninh nhừ thành cháo. Ăn vào sáng và tối, có thể ăn lâu dài.
Công dụng: dưỡng âm, bổ huyết, ích tinh, minh mục. Trị cận thị, hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm, váng đầu ù tai, lưng gối mỏi, xơ cứng động mạch, viêm gan mạn tính.
Canh gan lợn trứng gà: gan lợn 200g, trứng gà 1 quả, hành 4 - 5 cây. Gan rửa sạch thái lát, cho nước luộc chín, đập trứng vào khuấy đều, khi chín cho hành, gia vị là được. Ăn tùy ý.
Công dụng: bổ huyết, dưỡng gan, sáng mắt, trị cận thị, quáng gà.
Canh gan lợn, rau chân vịt: gan lợn 100g, rau chân vịt 150g, gừng, hành, muối, bột ngọt, dầu ăn vừa đủ. Gan rửa sạch thái mỏng, rau rửa sạch cắt ngắn. Đổ nước vào nồi, cho gừng băm nhỏ, dầu ăn, muối, đun to lửa cho sôi rồi cho gan, rau vàos, gan chín cho gia vị là được, ăn kèm trong bữa ăn.
Công dụng: bổ gan, dưỡng huyết, bổ âm nhuận táo. Trị cận thị, hoa mắt, nhìn vật lờ mờ, váng đầu ù tai, chân tay tê bại.
Lương y Đình Thuấn

Mất ngủ, cần kiên trì điều trị

Mất ngủ với người cao tuổi (NCT) là một vấn nạn vì nó làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏetuổi thọ của họ, đặc biệt là người còn mang trong mình nhiều bệnh tật khác.
Nguyên nhân mất ngủ
Khi tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là cần đáng chú ý, bởi vì nó rất nhạy cảm. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai, phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Thông thường sau lứa tuổi này, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào nơron thần kinh bị hủy hoại và như vậy ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ cũng không thể không bị ảnh hưởng.
Mất ngủ còn cho thấy chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ (ăn bữa tối quá no, uống nhiều chất kích thích (cà phê, trà đặc...). Dùng một số thuốc để điều trị một số bệnh nào đó cũng làm cho NCT bị mất ngủ. Môi trường sống ô nhiễm bụi, chất thải, chất độc hại, nhiều tiếng ồn (nhạc, tiếng động), ánh sáng chói chang hoặc nhà ở chật chội, thiếu ánh sáng hoặc nhiều gió lùa, nhất là mùa đông giá lạnh cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của NCT.
Cuộc sống tinh thần cũng làm ảnh hưởng khá lớn đến giấc ngủ của NCT. Trong gia đình hòa thuận, luôn có tiếng cười thì NCT sẽ ngủ ngon, nhưng hay cãi cọ, nhiều bất đồng (trong gia đình hay hàng xóm láng giềng) sẽ làm cho NCT “khó ăn, khó ngủ”.
Có rất nhiều loại bệnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của NCT, loại hay gặp nhất là đau nhức xương khớp. Bệnh đau nhức xương khớp có thể biểu hiện cả ngày lẫn đêm nhưng hay gặp nhất vẫn là ban đêm, nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi thay đổi thời tiết.
Nếu giấc ngủ chưa ổn định, cần đến gặp bác sĩ khám bệnh cho mình để được điều chỉnh thuốc
Nếu giấc ngủ chưa ổn định, cần đến gặp bác sĩ khám bệnh cho mình để được điều chỉnh thuốc
Bệnh về tim mạch cũng làm ảnh hưởng khá nhiều đến giấc ngủ của NCT, đặc biệt bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành) làm cho NCT hay bị đau tức ngực, khó chịu và vì vậy sẽ lo lắng, mất ngủ.
Nếu NCT mắc một số bệnh về đường hô hấp (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn, giãn phế quản, khí phế thũng) gây khó thở, ho nhiều, thiếu oxy trầm trọng làm cho người bệnh lo lắng, hốt hoảng không thể nào ngủ được hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc. NCT mắc các bệnh về đường tiêu hóa (bệnh dạ dày - tá tràng, bệnh viêm đại tràng co thắt), ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ. Nhiều người bị đau âm ỉ suốt đêm không thể nào chợp mắt được và vì vậy sức khỏe sa sút một cách nghiêm trọng.
Một số bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường cũng là một trong các tác nhân làm cho NCT bị mất ngủ vì hay đi tiểu đêm. Bởi vì, sau mỗi một lần đi tiểu đêm rất khó ngủ tiếp và trằn trọc suốt đêm, đặc biệt trong mùa đông lạnh giá.
Điều trị mất ngủ là phải kiên trì
Khi mất ngủ, NCT nên đi khám bệnh để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp. Không nên dùng đơn thuốc hoặc thuốc của người này để điều trị cho người kia, bởi vì tính chất và nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Khi đã có chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cần tuyệt đối tin tưởng và kiên trì điều trị, nếu giấc ngủ chưa ổn định hoặc giấc ngủ chưa được như mong muốn, cần đến gặp bác sĩ khám bệnh cho mình để được điều chỉnh thuốc, không nên buồn chán, lo lắng lại càng gây mất ngủ. Với những người đang mắc một số bệnh nào đó, nên tích cực điều trị và tin tưởng, không nên lo lắng thái quá sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ.
Bên cạnh đó, ăn uống phải điều độ và không nên kiêng khem quá mức và cũng không nên quá lạm dụng trong khâu ăn, uống (bia, rượu, chua cay, cà phê, thuốc lá). Một số NCT có nguy cơ suy dinh dưỡng với nhiều lý do khác nhau nhưng người nhà cần biết sớm để khắc phục, nếu để kéo dài tình trạng này, ngoài rối loạn giấc ngủ còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể. Trong mỗi một gia đình có NCT nên tạo cho họ một không khí yên bình, tránh để xảy ra các tác động xấu về tinh thần không tốt cho giấc ngủ. Ngoài ra, cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày là việc làm hết sức cần thiết cho giấc ngủ của NCT. Hiện nay có nhiều hình thức vận động thể như: đi bộ, chơi cầu lông, quần vợt, bơi, tập thể dục dưỡng sinh, nhưng có lẽ thông dụng nhất, không tốn kém, dễ áp dụng là đi bộ. Mỗi một ngày nên đi bộ có tổng cộng thời gian không quá 60 phút, không nên đi bộ một lúc mà chia ra làm 2 - 3 lần, mỗi lần không quá 15 - 20 phút là vừa. Đối với những NCT có bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, mạch vành cần đi bộ chậm không được chạy, nhảy hoặc vận động mạnh. Không nên đi bộ vào lúc nhiệt độ lạnh quá hoặc nóng quá hoặc lúc trời đang mưa, gió mạnh mà nên chọn thời điểm thích hợp nhất cho bản thân mình.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

5 điều nên làm ở tuổi hồi xuân

Trong nhân dân thường hay nói phụ nữ 50 tuổi đã toan về già. Sự thay đổi nội tiết sinh dục chính là nguyên nhân của hiện tượng này (y học gọi giai đoạn tiền mãn kinh). Xét về mặt khoa học, giai đoạn này buồng trứng bắt đầu lão hóa nên có sự thay đổi về nội tiết kéo theo những hệ lụy về sức khỏe. Sau đây là 5 việc phụ nữ tuổi hồi xuân nên làm để giữ gìn sức khỏe.
Có hay không sự hồi xuân?
Các chuyên gia nội tiết cho rằng, phụ nữ bước vào tuổi 45 trở đi, buồng trứng bắt đầu “lên lão”, cho nên sự bài tiết hormon hướng sinh dục ngày một giảm đi, do đó cơ thể phát ra những xung động theo cơ chế điều khiển ngược lên cấp trên. Thế là tổng chỉ huy nội tiết ở trên não bộ phát lệnh cho thùy trước tuyến yên làm tăng nội tiết tố hướng sinh dục FSH (Folicle stimulating hormon) sẽ kích thích xuống buồng trứng khiến lớp áo trong của nang trứng tăng tiết estrogen. Chính vì thế, cơ thể có sự trở lại của estrogen. Mặt khác, khi buồng trứng yếu thì tuyến thượng thận tăng tiết testosterone. Chính testosterone làm rối loạn kinh nguyệt nhưng lại làm tăng ham muốn. Vì thế, có người dịu dàng, có người nóng nảy tùy thuộc vào sự biến động nội tiết. Nội tiết tăng kéo theo sự thay đổi tâm lý. Xét về mặt khoa học, tuổi hồi xuân đã mang lại sức sống mới, bởi sự góp mặt quan trọng của nội tiết tố sinh dục nữ nhằm ngăn chặn tiến trình “lão hóa” cũng như ngăn chặn hàng loạt các yếu tố tiêu cực đi sau tiến trình này, chẳng hạn như: các bệnh về tim mạch, thiếu máu cơ tim cục bộ, dư thừa chất béo gây gan nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, thấp khớp, loãng xương, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và bệnh sa sút trí tuệ...
5 điều nên làm ở tuổi hồi xuân
Dành 30 phút đến 1 giờ tập môn thể thao mình yêu thích như yoga, dưỡng sinh khiến chị em duy trì độ dẻo dai, giảm tích tụ của cholesterol khi chạm ngưỡng hồi xuân.
5 việc nên làm
Tập thể dục hằng ngày: Tập thể dục không phải ai cũng đều thích, có những người đưa ra một triệu lý do để hoãn đến phòng tập thể dục. Tuy nhiên, cũng có những người đã kết hợp tập thể dục vào cuộc sống hàng ngày của họ và không bỏ lỡ mặc dù có bận rộn đến đâu.
Tốt nhất mỗi ngày hãy dành từ 30 phút đến 1 giờ, vào buổi sáng hoặc buổi tối cho việc đi dạo hoặc chạy bộ và hít thở bầu không khí trong lành. Cố gắng chọn một môn thể thao mà mình yêu thích và nên duy trì luyện tập thường xuyên, không nên bỏ dở giữa chừng vì giúp cho cơ thể duy trì sức khỏe dẻo dai, sự tích tụ của cholesterol không có cơ hội xuất hiện. Cũng có thể tập yoga hoặc tập dưỡng sinh...
Nếu các chị không đến được phòng tập thể dục thường xuyên, hãy cố gắng tìm thời gian để căng cơ tại chỗ, nghe nhạc êm dịu và làm theo một số video tập luyện ở nhà. Điều tốt nhất về tập thể dục là nó không chỉ giúp các chị khỏe mạnh mà còn giảm căng thẳng.
Ăn uống hợp lý: Nếu không muốn làm tăng lượng cholesterol trong máu, hãy thay thế các thức ăn nguồn gốc động vật bằng cá, hải sản và ngũ cốc. Với một liều lượng thích hợp, chúng tạo năng lượng cho người phụ nữ và làm da tươi sáng, có sinh lực hơn. Bổ sung rau quả cho cơ thể là việc làm cần thiết. Rau quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng chống lão hóa, giữ cho cơ thể một sức khỏe tốt và một vóc dáng thon gọn. Phụ nữ nên tập thói quen uống sữa mỗi ngày. Sữa làm giảm nguy cơ loãng xương. Điều quan trọng là nên tránh các loại thực phẩm chiên, bánh mì kẹp thịt và thịt chế biến. Hạn chế ăn các loại đồ rán, thịt mỡ hoặc thức ăn chứa nhiều chất béo. Nếu thích ăn bơ, phomát, kem hoặc uống sữa thì hãy chọn những loại có ít chất béo. Theo tiến sĩ Nupur Krishnan, lựa chọn thức ăn lành mạnh trong chế độ ăn uống là sự khởi đầu của một cơ thể khỏe mạnh. Thật là sai lầm nếu các chị bỏ qua bữa ăn do công việc bận rộn và chọn thực phẩm không lành mạnh. Lượng nước uống trong một ngày cũng rất quan trọng. Chuyên gia dinh dưỡng và dinh dưỡng thể thao Deepshikha Agarwal nói rằng uống ít nước là sai lầm lớn. Bà nói: “Đó là một quan niệm sai lầm rằng uống nhiều nước gây ra, giữ nước”.
Giảm căng thẳng: Cuộc sống ngày nay có quá nhiều lo âu, căng thẳng. Làm thế nào để sống mà ít phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực đó nhất? Viết một thời khóa biểu linh hoạt mỗi tuần, bao gồm 7 ngày và những công việc cần làm trong mỗi ngày. Nó sẽ giúp các chị biết mình cần hoàn thành những công việc gì trong tuần, giúp các chị khỏi bị chìm nghỉm trong biển công việc và kết quả là phải đối mặt với căng thẳng. Các chị cũng có thể sử dụng phương pháp massage mặt, thậm chí là đi cắt tóc, gội đầu nếu có điều kiện. Trong trường hợp tức giận, mất bình tĩnh, hãy đếm từ 1 đến 10. Nếu có thể, hãy tránh xa những người mà ta không thích. Tóm lại, hãy đặt những lo toan thường nhật sang một bên để cho đầu óc thảnh thơi, vui vẻ.
Chế độ nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi và tạo cho mình nếp sinh hoạt mới là một khâu quan trọng trong quá trình hồi xuân của phụ nữ. Cố gắng ngủ sớm hơn và nhiều hơn bình thường một chút. Giấc ngủ luôn mang đến nguồn sinh lực quý giá và giúp ngăn ngừa những nếp nhăn của tuổi tác. Các vấn đề như cảm thấy bị kích thích và gắt gỏng bị đau cơ thể và bồn chồn có thể là do thiếu ngủ gây ra. Đây là một trong những điều quan trọng nhất cho sức khỏe. Các chị hãy đảm bảo rằng không thức quá khuya mà hãy đi ngủ sớm sẽ thấy sự khác biệt do giấc ngủ mang lại. Thói quen sử dụng cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác không tốt cho phụ nữ ở tuổi này.
“Yêu điều độ”: Đối với phụ nữ trung niên, việc quan hệ tình dục điều độ, thích hợp là một hình thức vận động thể dục tốt nhất, nó tác dụng lên toàn diện các cơ bắp, gia tăng hoặt động vừa phải của tim, gia tăng nhịp thở, vận động các khớp xương tay chân và cột sống, giúp cải thiện sức khỏe. Đặt biệt là quan hệ sẽ tạo nên hưng phấn, giúp phục hồi nhanh chóng những khả năng đã bị đánh mất, nó đem lại bình an và hạnh phúc, mang lại niềm vui tinh thần, thỏa mãn về mặt tâm lý và có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống của gia đình.

BS. Phạm Minh Nguyệt

Khi về già bạn sẽ như thế nào

Không còn mong giàu sang, sợ bệnh tật, sống cô đơn, cái chết... có thể là cảm xúc bạn sẽ gặp khi trở nên già đi.
Khi về già bạn sẽ như thế nào

Đau nhức xương khớp

Thời tiết chuyển mùa, đặc biệt khí hậu lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh xương khớp xuất hiện ở người cao tuổi (NCT) làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của họ.
Viêm khớp là hiện tượng đau nhức khủng khiếp ở các khớp, sưng nề, bầm, đi lại, cử động khó khăn hoặc mỗi khi đụng vào rất đau. Các triệu chứng này thường xuất hiện ngày càng tăng thêm và có thể đưa đến thoái hóa khớp, do đó, mỗi khi thời tiết thay đổi, nhất là mưa, lạnh thì NCT có cảm giác khó chịu ở các khớp xương nhiều hơn.
Nguyên nhân gây đau nhức khớp mùa lạnh
Nguyên nhân đau nhức khớp vào mùa lạnh là do không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít gây nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, nuôi dưỡng các màng hoạt dịch và sụn khớp, chúng bị kích thích gây nên đau nhức khớp. Hơn nữa, một số NCT thường ngày đã bị các bệnh về khớp mãn tính (thoái hóa cột sống, thoái hóa sụn khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm dây chằng, lao cột sống) hoặc đã, đang bị viêm khớp gây đau nhức, nay gặp thời tiết lạnh càng đau nhiều hơn.
Ngoài ra, ở những NCT bị bệnh gút mãn tính, loãng xương cũng gây đau nhức xương khớp, nếu bị lạnh bệnh lại càng gia tăng. Đau nhức xương khớp mùa lạnh có thể gặp ở NCT béo phì, thừa cân do các khớp phải chịu trọng lực của cơ thể đè lên các xương khớp, thêm vào đó còn có trọng lực của áo quần mùa đông vừa nặng vừa gây khó khăn trong vận động càng làm cho xương khớp bị đau nhức.
Với NCT khi vào mùa lạnh, bị đau nhức xương khớp gây cho họ cảm giác khó chịu, đau nhức, tê buốt ở các khớp xương khớp, dai dẳng ám ảnh, “hành hạ” nhất là về đêm. Đặc biệt, ở những NCT có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu quần áo ấm, thiếu chăn, nhà ở không kín gió thì bệnh đau nhức xương khớp càng hành hạ nhiều hơn, khổ cực hơn. Do cảm giác chân, tay tê buốt, đau nhức lưng, đầu gối, bàn tay, ngón tay, khiến cho NCT gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn cảm thấy buồn phiền. Một số trường hợp đau dây thần kinh liên sườn do thoái hóa cột sống lưng làm cho người bệnh nhầm tưởng là mắc bệnh về tim mạch hoặc bệnh phổi nên càng hoang mang lo lắng. Điều đáng nói là càng bị đau, nhức xương, khớp thì người bệnh càng sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động và càng ngày bệnh càng nặng thêm gây cứng khớp. Thêm vào đó nếu không phát hiện sớm để điều trị và dự phòng thì hậu quả khó lường trước.
Nguyên tắc phòng và chữa trị
Khi bị đau nhức khớp, nhất là vào mùa lạnh, người cao tuổi (NCT) nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để xác định nguyên nhân (tổn thương thực thể, thoái hóa khớp hay chỉ là do viêm khớp phản ứng). Trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị tốt hơn. Người bệnh hoặc người nhà không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và không tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt là thuốc loại corticoid (prednisonlon…) hoặc không steroid (voltagen...). Bởi vì, chúng có nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm nếu chưa có ý kiến của bác sĩ khám bệnh chỉ định, đặc biệt là những NCT có thêm các bệnh về hô hấp (hen suyễn), bệnh về tiêu hóa (viêm loét dạ dày - tá tràng…).
Đau nhức ở vị trí nào thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó
Đau nhức ở vị trí nào thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó
Người bệnh có thể tự làm là, mỗi khi có dấu hiệu đau, nhức khớp, tê, mỏi xảy ra, nhất là khi ngủ dậy ở vị trí nào thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách cạo gió, thoa bóp dầu (dầu gió, dầu cao sao vàng…). Mục đích của việc tự làm này là làm nóng vùng xunh quanh đó để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp, do đó sẽ giảm đau.Những trường hợp đã bị viêm khớp, thoái hóa khớp mãn tính cần có các loại thuốc giảm đau dự phòng để mỗi khi gió lạnh, đông về đau nhức khớp có thể dùng tạm khi chưa đến phòng khám ngay được. Cần lưu ý là các loại thuốc giảm đau nhức khớp phải được bác sĩ chỉ định.
Về phòng bệnh, dù có bệnh lý khớp từ trước hay không, trong mùa lạnh, NCT cũng cần giữ ấm cơ thể mình, trong đó đặc biệt lưu ý các khớp. Để làm tốt điều đó cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất. Khi ra khỏi nhà cần mặc ấm hơn để không cảm lạnh. Về chế độ dinh dưỡng, lý tưởng nhất là có chế độ hợp lý để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân và đầy đủ các vi chất cần thiết, cần tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi. Hàng ngày nên vận động nhẹ nhàng các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khớp.

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG

Bí quyết giúp người cao tuổi ngủ ngon

Về chế độ dinh dưỡng
Đối với người cao tuổi chức năng tiêu hóa kém nên cần ăn những thức ăn dễ tiêu và có nhiều vitamin B1, loại giàu chất khoáng như rau (rau muống, mồng tơi), quả (cam, quýt, đu đủ chín)...; thịt lợn, thịt gà, cá tươi, đậu phụ, sữa đậu nành. Nhưng phải bảo đảm đủ 3 chất chủ yếu: đạm (thịt, cá...), đường (gạo, bánh mì...) và dầu thực vật (hạn chế ăn mỡ động vật, đồ xào, chiên…). Hạn chế ăn đồ ngọt nhiều đường là điều nên làm đối với người có tuổi. Nên ăn các thức ăn hấp luộc,  hạn chế các thức ăn nhiều cholesterol: bơ, mỡ động vật các loại phủ tạng: óc, tim, gan, thận, bầu dục, lòng lợn, tiết canh, lòng đỏ trứng. Nhóm cung cấp chất bột, đường bao gồm cơm, mỳ, bún phở, khoai củ... Nên ăn mức vừa phải, chỉ nên ăn 1- 2 lưng bát cơm 1 bữa, nên ăn thêm khoai củ để cung cấp chất xơ ngăn ngừa táo bón. Để không bị đầy bụng gây ra hiện tượng khó ngủ về đêm, người cao tuổi nên ăn sớm, trước 7 giờ hoặc nên ăn ít đi, có những bữa lót dạ nhẹ nhàng trước khi đi ngủ khoảng 2 tiếng như một chút sữa nóng sẽ giúp các cụ dễ ngủ hơn. Đồ ăn cần có độ mềm nhất định.
Bí quyết giúp người cao tuổi ngủ ngon
Trái cây rất tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, người cao tuổi không nên uống rượu, bia, nên tránh những loại nước uống gây mất ngủ như cà phê và những nước uống có chất cafein như Pepsi, Coca Cola. Nên tránh xa khói thuốc lá (không hút thuốc lá; vận động những thành viên trong gia đình và hàng xóm bỏ thuốc lá).
Về sinh hoạt
Đối với người cao tuổi cần chú ý rằng, sức khỏe của mỗi người không giống nhau, có thể chia các nhóm theo tuổi, tình hình luyện tập trước đó, có mắc bệnh lý mạn tính,… thì sinh hoạt, luyện tập sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, với người cao tuổi không mắc bệnh lý mạn tính thì có thể hình thức luyện tập thể thao tương đối phù hợp hơn là là tập dưỡng sinh và đi bộ, đạp xe đạp,...  Khi tập cần phải khởi động thân thể một cách nhẹ nhàng, tập từ động tác dễ đến động tác khó tập những động tác bắt đầu từ cổ, tay, thân mình, chân. Các động tác phối hợp càng nhịp nhàng càng tốt. Nơi tập cần bảo đảm vệ sinh, thoáng mát, tránh gió lùa, nhất là mùa lạnh, tốt nhất có cả nơi ngồi nghỉ, tránh mưa, gió đột ngột. Không nên tập quá sức mình, để cho sau mỗi lần tập thấy thoải mái, nhẹ nhõm. Điều này không chỉ có lợi cho giấc ngủ mà còn tránh được tình trạng tăng cân ở người cao tuổi.
Bí quyết giúp người cao tuổi ngủ ngon
Tập thể dục đều đặn giúp người cao tuổi ngủ ngon.
Thư giãn trước khi ngủ
Cần tạo môi trường yên tĩnh, thư giãn trước khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ. Tạo thói quen về giờ giấc sinh hoạt, đi ngủ. Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi. Khi đi ngủ không nên đọc sách, xem ti vi, nhìn đồng hồ, tránh căng thẳng, lo lắng, xúc động,…
Trước khi đi ngủ nên xoa bóp cơ, khớp nhẹ nhàng và nên đấm bóp lưng bằng tay hay bằng dụng cụ chuyên dụng. Có thể ngâm chân bằng nước ấm với các loại thảo dược cũng giúp cho người cao tuổi ngủ ngon hơn.

BS. Thanh Bình

Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi

Viêm phế quản mạn tính là bệnh hô hấp phổ biến ở người cao tuổi. Trên 80% là do hút thuốc lá, thuốc lào.
Khói thuốc làm giảm vận động lông chuyển của tế bào niêm mạc phế quản, làm quá sản, phì đại, tăng tiết nhày của các tuyến. Khói thuốc lá còn kích thích bạch cầu đa nhân giải phóng men tiêu protein, gây co thắt phế quản. Ngoài ra phải kể đến nguyên nhân ô nhiễm khói bụi: SO2, NO2... ,các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và các đợt nhiễm khuẩn phế quản cấp tính, khí hậu lạnh và ẩm. Một nguyên nhân nữa đó là cơ địa và di truyền: dị ứng, nhóm máu A, thiếu IgA, bệnh nhày nhớt và giảm alpha1 antitripsin.
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm phế quản mạn tính dựa vào triệu chứng ho khạc đờm từng đợt hoặc thường xuyên 3 tháng trong 1 năm và sau 2 năm liên tục.
Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi
Viêm phế quản mạn tính được chia làm 3 thể lâm sàng:
Viêm phế quản mạn tính đơn thuần: người bệnh chỉ ho khạc đờm. Buổi sáng ho nhiều hơn. Đờm nhày trong dính, vàng đục khi có bội nhiễm, và ho thường tăng vào mùa thu, mùa đông.
Viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn: người bệnh khó thở và khò khè do phế quản bị tắc nghẽn bởi niêm mạc phế quản dày, tăng tiết.
+ Viêm phế quản mạn tính nhày mủ: Người bệnh khạc đờm nhày mủ từng đợt do bội nhiễm hoặc liên tục. Người cao tuổi dễ mắc thể co thắt và các đợt kịch phát.
Như vậy dựa vào lâm sàng cũng đã có thể chẩn đoán được viêm phế quản mạn tính, tuy nhiên để khẳng định hơn nữa và để phát hiện các bệnh khác cũng có triệu chứng ho khạc đờm kéo dài như: lao phổi, giãn phế quản, hen phế quản, ung thư phế quản... cần chụp lồng ngực. Trên phim lồng ngực có thể phát hiện được 3 hội chứng:
+ Hội chứng phế quản: thành phế quản dày, hình ảnh đường ray.
+ Hội chứng phế nang: tăng sáng.
+ Hội chứng mạch máu: mạch máu ở trung tâm to, ở ngoại vi thưa thớt.
Chụp CT lồng ngực độ phân giải cao phát hiện các tổn thương nói trên rõ hơn, chính xác hơn.
Điều trị
Điều trị viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi tuân theo nguyên tắc chung:
+ Kháng sinh được chỉ định khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn đờm vàng, có mủ. Sốt và chỉ số bạch cầu tăng trong máu. Thể tắc nghẽn mạn tính và nhày mủ nên chọn kháng sinh mạnh, phổ rộng ngay. Ưu tiên 2 nhóm: cephalosporin thế hệ 2, 3 và macrolid: rovamyxin, roxithromixin.
+ Thuốc long đờm: acemux, bisolvon.
+ Nếu phế quản tắc nghẽn, khó thở sử dụng:
Giãn phế quản: salbutamol, theophylin. Corticoid: prednisolon, metylprednisolon. Vận động liệu pháp: vỗ rung, dẫn lưu tư thế. Rối loạn thông khí nặng phải hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không xâm nhập hoặc thở máy xâm nhập.
Phòng bệnh
Phòng mắc viêm phế quản mạn tính rất quan trọng trước hết là không hút thuốc lá, thuốc lào. Nếu đã hút thuốc phải bỏ hút càng sớm càng tốt. Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây ô nhiễm. Làm việc ở nơi khói bụi, hơi độc phải có phương tiện bảo hộ, ít nhất là mang khẩu trang. Phòng những đợt bùng phát cấp tính cần ngăn chặn các đợt viêm nhiễm cấp tính, cúm. Mùa lạnh phải giữ ấm. Điều trị sớm các viêm nhiễm đường hô hấp trên. Tiêm vaccin chống cúm, tiêm hoặc uống các vaccin đa giá để hạn chế viêm nhiễm đường hô hấp. Thường xuyên tập thể dục thể thao các môn phù hợp: thái cực quyền, luyện thở bằng thở bụng để cải thiện rối loạn thông khí./.

BS. Thành An

Những tai nạn phòng the của người lớn tuổi

Các chuyên gia thì cho rằng, một cuộc sống tình dục năng động có thể làm chậm quá trình lão hóa, giảm được nhiều nguy cơ bệnh tật khác và giúp sống thọ thêm 7-8 năm. Vì vậy, hãy tự trang bị cho mình những kiến thức thiết yếu để vừa an vui tuổi già vừa tránh những ‘tai nạn’ sau đây.
Mang thai ngoài ý muốn
Ở người lớn tuổi, nguy cơ thụ thai thường giảm hẳn ở cả hai giới, do đó, họ không còn cảm thấy rõ ràng sự cần thiết phải dùng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, vì những hiểu biết không đầy đủ nên nhiều phụ nữ ở độ tuổi trung niên đôi khi vẫn mang thai ngoài ý muốn. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, nhiều người vẫn cho rằng họ không thể có thai!
Việc vỡ kế hoạch hóa sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho gia đình và cả xã hội. Đồng thời, việc mang thai ở phụ nữ sau 35 tuổi là một yếu tố có thể gây nên những dị tật ở thai nhi.
Lời khuyên:
- Sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ, đặc biệt phụ nữ ở độ tuổi từ 35 trở đi.
Những tai nạn phòng the của người lớn tuổi
Nhiều phụ nữ ở độ tuổi trung niên đôi khi vẫn mang thai ngoài ý muốn. Ảnh minh họa
Trầy xước niêm mạc vùng kín
Ở phụ nữ lớn tuổi, các hóc-môn sinh dục không còn đảm bảo được hoạt động của nó và dẫn đến niêm mạc âm đạo khô, khó tiết dịch trong khi quan hệ. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra các vết rách và có thể chảy máu khi quan hệ. Điều này gây khó chịu cho cả hai người, đồng thời còn tạo ra cảm giác ức chế và khó chịu cho cuộc sống vợ chồng.
Một số lời khuyên:
- Đừng quên chú trọng nhiều vào màn dạo đầu. Hãy kéo dài thời gian dạo đầu để “cô bé” có đủ độ ướt cần thiết.
- Sử dụng chất bôi trơn. Bạn nên dùng chất bôi trơn dạng nước để làm giảm sự khô rát. Cần kiểm tra kỹ nhãn mác trước khi mua vì một số thành phần như glycerin hay lidocaine có thể gây kích ứng cho vùng da mỏng manh ở khu vực này.
- Thay đổi tư thế “yêu”. Tư thế “nữ ngồi trên” được đánh giá là kiểu “yêu” lý tưởng nhất để làm giảm nguy cơ xuất hiện các vết rách ở vùng kín.
- Nếu vết rách quá lớn, chảy nhiều máu hoặc bị viêm, bạn cần đến bác sĩ phụ khoa để kiểm tra và điều trị ngay.
Gãy ‘cậu bé’
Tai nạn này thường xảy ra khi các quý ông thực hiện các động tác quá mạnh mẽ trong lúc hành sự. Nếu ‘cậu bé’ bị gãy, nam giới sẽ nghe thấy âm thanh kèm theo các triệu chứng như bị đau, sưng phồng và thâm tím ở dương vật. Tai nạn này thường gặp ở người trẻ vì xu hướng thích tìm kiếm cảm giác mới, tuy nhiên ở người lớn tuổi vẫn không hiếm người xảy ra tình trạng này.
Lời khuyên:
- Giữ nhịp độ đều đặn vừa phải trong lúc giao hợp, không nên thử các tư thế ‘lắt léo’ và khó thực hiện.
- Khi gặp phải tai nạn này, bạn cần đến bệnh việc để được giúp đỡ ngay về mặt y khoa. Sau khi xác định chính xác vị trí bị tổn thương, các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật để khâu hoặc nối lại những vết rách, đứt. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ khiến “cậu bé” bị dị dạng và bạn phải đối mặt với chứng rối loạn cương dương.
Những tai nạn phòng the của người lớn tuổi
Gãy dương vật cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa
Viêm nhiễm đường niệu dục
Điều này thường xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Như đã nói, việc quan hệ dễ làm rách niêm mạc vùng âm đạo và là cửa ngõ để các vi khuẩn, kí sinh trùng xâm nhập. Triệu chứng thường gặp là huyết trắng bất thường, ngứa, hôi và gây cảm giác khó chịu.
Ngoài ra, hoạt động tình dục là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ. Trong quá trình giao hợp, vi khuẩn có thể xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang hay thận gây ra những triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu như đi tiểu thường xuyên, tiểu rát, buốt, đau vùng thắt lưng, đau bụng.
Để ngăn ngừa căn bệnh này, bạn có thể áp dụng những bí quyết sau:
- Tiểu trước và sau khi yêu. Điều này giúp tống đẩy vi khuẩn ra khỏi niệu đạo và làm giảm áp lực cho bàng quang. Cần đảm bảo rằng bàng quang đã sạch nước tiểu sau khi bạn bước ra khỏi phòng vệ sinh.
- Không nên lạm dụng xà phòng, dung dịch vệ sinh để rửa cô bé. Việc làm này sẽ phá hủy sự cân bằng toan kiềm ở vùng kín và tạo điều kiện để vi khuẩn gây bệnh hoạt động.
- Rửa tay trước và sau khi yêu, sau mỗi lần tiếp xúc với vùng kín, hậu môn.
- Uống nhiều nước. Bổ sung thêm nước có thể giúp loại bỏ vi khuẩn bằng cách làm loãng nước tiểu và giúp bạn đi tiểu nhiều hơn.
Lây bệnh qua đường tình dục
Một tình trạng bi hài thường gặp ở các quý ông có nhu cầu cao và không được vợ thỏa mãn, họ có xu hướng tìm kiếm những cuộc vui với gái làng chơi. Và vì không được trang bị kiến thức đầy đủ, họ tự làm khổ mình bởi những căn bệnh lây qua đường tình dục.
Cần nhớ rằng các bệnh hoa liễu (bệnh lây qua đường tình dục như Siđa/HIV/AIDS, giang mai, lậu,...) không chừa một lứa tuổi nào. Tuổi càng cao thì nếu không biết tự bảo vệ, bệnh sẽ có thể càng mau nặng hơn vì hệ miễn dịch đã có những suy giảm nhất định.
Lời khuyên:
- Bất cứ lúc nào, hãy sử dụng những công cụ để bảo vệ mình khi quan hệ, đơn giản nhất là bao cao su.
- Vợ chồng nên cởi mở trao đổi và thông cảm cho nhau trong chuyện phòng the để gìn giữ hạnh phúc và bảo vệ sức khỏe cho nhau.
Những tai nạn phòng the của người lớn tuổi
Quý ông có nhu cầu cao không được vợ đáp ứng có xu hướng tìm kiếm bên ngoài. Ảnh minh họa
Bệnh tim và đột quỵ
Khoa học đã chứng minh rằng quan hệ tình dục điều độ có thể giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu bạn đang có một bất thường về tim mạch thì phải cẩn trọng trong chuyện yêu của mình. Hoạt động tình dục được coi như là một sự ‘gắng sức’ có thể là kích tố để gây nên những cơn đau tim đột ngột.
Ngoài ra, lượng máu lưu thông trên não của người già giảm, tim phổi đều yếu cần chú ý trong sinh hoạt tình dục. Đời sống tình dục cũng có hạn sử dụng như chính cơ thể con người. Vì vậy, cần chú ý nếu bạn có những dấu hiệu khi quan hệ như đau đầu dữ dội, khó nói chuyện hay không nói được, cảm giác suy yếu hoặc tê cóng một bên cơ thể, những trục trặc về thị lực hoặc khó tập trung nhìn người hoặc đồ vật nào đó. Khi đó, bạn nên tạm ngừng cuộc yêu và gặp các chuyên gia để được tư vấn càng sớm càng tốt.
Thực tế, những tai nạn này rất hiếm gặp trừ khi bạn đã mang sẵn những bất thường bên trong mà không hề biết.
Lời khuyên:
- Bạn nên hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình để có một kế hoạch tốt trong chuyện phòng the. Đồng thời, hãy mạnh dạn trình bày tình trạng của mình với các bác sĩ để được tư vấn đúng đắn, tránh những sai lầm đáng tiếc.
Tuyến Trần tổng hợp

Ðể hết khổ vì bệnh trĩ

Trĩ là bệnh rất phổ biến ở cả nam và nữ, đặc biệt là người cao tuổi (NCT), gây ra sự ám ảnh, đau đớn, khổ sở, giảm chất lượng cuộc sống và gây nhiều biến chứng cho người bệnh. Theo kết quả một cuộc nghiên cứu được đưa ra gần đây, khoảng 30 - 50% dân số Việt Nam mắc căn bệnh này. Tuy vậy, bệnh trĩ có thể phòng ngừa được.
Vì đâu mắc trĩ?
Trĩ là sự giãn hoặc phồng lên quá mức của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống các đám rối tĩnh mạch của trực tràng gây nên. Có 3 loại trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng như đặc thù nghề nghiệp khi còn trẻ, tư thế làm việc đứng hoặc ngồi quá lâu, ít vận động (công nhân dệt may, đứng máy), lái xe đường dài; nhân viên văn phòng (do tính chất công việc căng thẳng, phải ngồi nhiều); hoặc một số NCT bị viêm đại tràng mạn tính, táo bón kéo dài, nhịn đại tiện thời gian lâu, ít vận động, do mắc bệnh lỵ mạn tính, nhất là lỵ amíp, mỗi ngày đi đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng (bởi vì, mỗi lần rặn áp lực trong ổ bụng sẽ tăng lên 10 lần); mặt khác, do ngại ăn rau, uống ít nước gây táo bón, đại tiện khó khăn (phải rặn) nên nhiều NCT cũng mắc bệnh. Những người lúc trẻ hay phải mang vác nặng và trong một thời gian dài làm cho áp lực ổ bụng tăng lên và làm cho tĩnh mạch trực tràng và hậu môn bị phình, giãn ra, về già sẽ bị bệnh; hoặc mắc bệnh mạn tính về hô hấp, viêm họng mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, COPD... ho kéo dài làm tăng áp lực ổ bụng, kéo theo tăng áp lực trực tràng; cũng có thể mắc bệnh.
Ðể hết khổ vì bệnh trĩ
Thường xuyên tập thể dục, vận động cơ thể tránh táo bón dẫn đến bệnh trĩ.
Triệu chứng và biến chứng của bệnh trĩ
Chảy máu khi đại tiện là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất làm cho người bệnh rất lo lắng, băn khoăn. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ người bệnh phát hiện khi nhìn vào giấy lau vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Càng về sau do bệnh nặng thêm, mỗi lần đi đại tiện, phải rặn nhiều, máu bám vào phân càng nhiều, thậm chí máu chảy thành giọt hay thành tia. Đôi khi đi đại tiện thấy một số cục máu là do máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng. Khi bệnh đã nặng, đi lại nhiều hoặc ngồi xổm cũng ra máu ở hậu môn.
Sa búi trĩ: Ở NCT, khi mắc bệnh trĩ rất dễ sa búi trĩ ra ngoài mỗi lần đi đại tiện (gặp ở hầu hết các trường hợp bị trĩ nội). Lúc đầu, sau mỗi khi đại tiện thấy có máu và một khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, có thể tự tụt vào được. Càng về sau búi trĩ càng thòi ra, khối lượng cũng to dần lên và không tự tụt vào được, phải dùng tay nhét vào. Khối búi trĩ đó dần dần nằm ngoài hậu môn không đẩy lên được, nếu cố đẩy sẽ rất đau đớn, đặc biệt với người tuổi cao, sức yếu.
Thông thường bệnh trĩ không gây đau, chỉ đau khi có biến chứng như tắc mạch hoặc sa trĩ bị nghẹt hay do các bệnh khác kèm theo ở vùng hậu môn như nứt kẽ hậu môn, áp-xe cạnh hậu môn...
Bệnh trĩ gây nhiều biến chứng đối với người cao tuổi. Khi bệnh nặng, thành của đám rối tĩnh mạch quanh trực tràng, hậu môn giãn mỏng nên rất dễ thủng, rách và chảy máu. Nếu chảy máu nhiều và kéo dài sẽ làm người bệnh bị thiếu máu, thậm chí phải cấp cứu do chảy máu nhiều gây trụy mạch. Khi trĩ thòi ra ngoài lâu sẽ gây chảy máu, nứt hậu môn, thậm chí rặn quá nhiều còn ảnh hưởng tới tầng sinh môn. Nứt, rách hậu môn và tầng sinh môn rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn từ phân và nước tiểu gây áp-xe, viêm nhiễm nặng hoặc gây nhiễm khuẩn huyết.
Điều trị và dự phòng thế nào?
Khi NCT nghi ngờ mắc bệnh trĩ, nên đi khám ngay để được điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh trĩ đang ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc uống, thuốc đặt hậu môn) kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý. Khi bệnh đã nặng, điều trị nội khoa không còn hiệu quả thì sẽ được can thiệp bằng ngoại khoa (thắt, cắt).
Ðể hết khổ vì bệnh trĩ
Để phòng bệnh trĩ, chế độ ăn có vai trò rất quan trọng. NCT cần ăn nhiều chất xơ, tăng cường rau xanh và trái cây chín sau mỗi bữa ăn, đặc biệt với những người bị táo bón lâu ngày có nguy cơ mắc bệnh trĩ. Cần uống đủ lượng nước (mỗi ngày uống khoảng từ 1,5 - 2 lít). Nên tránh các loại có tính chất kích thích (cà phê, nước chè, rượu) và các loại gia vị cay, nóng (ớt, hạt tiêu, mù tạt). Nên tập thói quen đi đại tiện đều đặn hàng ngày vào một giờ nhất định, khi đi ngoài không nên ngồi lâu. Hàng ngày cần vận động cơ thể như đi bộ, chơi thể thao phù hợp với hoàn cảnh và sức lực của mình.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Nguyên nhân nào gây chóng mặt?

Những nguyên nhân
Nguyên nhân thường gặp nhất trong chóng mặt ở người cao tuổi (NCT) là ảnh hưởng của tiền đình. Tiền đình là vùng nằm sau ốc tai, là một hệ thống có vai trò trò quan trọng trong duy trì tư thế, dáng bộ, điều hòa, phối hợp cử động mắt, đầu, phản xạ các cơ và vận động thân mình nói chung. Vì vậy, khi tiền đình bị ảnh hưởng do bất kỳ một nguyên nhân nào cũng có thể sẽ gây rối loạn thăng bằng, rung giật nhãn cầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn thực sự và được gọi là rối loạn tiền đình. Nguyên nhân tổn thương tiền đình có thể do nhiễm khuẩn gây viêm tiền đình. Bên cạnh đó, nguyên nhân do những tổn thương (chấn thương vùng đầu, viêm mê đạo của vùng ốc tai hoặc chấn thương gây vỡ xương đá), do tắc mạch máu não vùng sau cổ (tắc, hẹp) hoặc do hội chứng Menière đều có gây triệu chứng chóng mặt (hội chứng Menière gồm có chóng mặt, ù tai, giảm thính lực).
Một nguyên nhân gặp khá nhiều gây chóng mặt ở NCT là rối loạn vận mạch do hệ thống mạch máu (động mạch cung cấp máu cho vùng tiểu não bị ảnh hưởng hoặc do lượng máu đến ít đi do thoái hóa cột sống cổ hoặc mạch máu bị tắc, nghẽn do xơ vữa động mạch đối với động mạch cột sống thân nền).
Nguyên nhân của xơ vữa thành động mạch thì có nhiều nhưng do tăng mỡ trong máu, đặc biệt là tăng cholesterol, trong đó tăng cholesterol xấu (LDC-cholesterol) là đáng chú ý hơn cả, bởi vì có nguy cơ làm xơ vữa động mạch. Khi động mạch bị xơ vữa thì lòng động mạch bị hẹp lại làm cho lượng máu đi qua khó khăn gây hạn chế lưu thông máu đến não, nhất là động mạch thân nền gây thiếu máu tiền đình. Các loại u não cũng gây nên chóng mặt, buồn nôn như: u não, u tiểu não, u dây thần kinh số VIII. Chóng mặt ở NCT cũng có thể gặp do ngộ độc thực phẩm bởi hóa chất hoặc bởi vi khuẩn (vi khuẩn gây ngộ độc thịt có độc lực mạnh và tác động chủ yếu vào hệ thần kinh trung ương như Clostridium butulinum hoặc S. aureus). Ngoài ra, chóng mặt có thể gặp ở NCT bị tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp hoặc tụt huyết áp do các nguyên nhân khác nhau (mất máu, mất nước, mất chất điện giải, hạ đường huyết…) hoặc rối loạn tuần hoàn não.
Nguyên nhân nào gây chóng mặt?
Biểu hiện chóng mặt
Chóng mặt là một triệu chứng thường có kèm theo một số triệu chứng khác như: hoa mắt, ù tai, buồn nôn hoặc nôn gây rất khó chịu cho người bệnh và rất dễ tái phát. Chóng mặt ở NCT có thể biểu hiện ở nhiều tư thế khác nhau nhưng hay gặp nhất là khi đang nằm xuất hiện chóng mặt, đặc biệt là khi thay đối tư thế (đang nằm ngửa chuyển sang nằm nghiêng trái hoặc nghiêng phải). Chóng mặt thường xảy ra lúc nửa đêm, gần sáng, khi tỉnh dậy không ngồi lên được do hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và có thể nôn. Người lảo đảo, choáng váng, mất thăng bằng nếu cố dậy để đi có thể bị ngã hoặc dúi dụi xuống đất, có trường hợp bị sang chấn làm gãy xương (lồng ngực, khung chậu, chân, tay). Các triệu chứng này làm cho người bệnh rất khó chịu đặc biệt là khi người bệnh thay đổi tư thế. Chứng chóng mặt ở NCT, nếu nhẹ thì thoáng qua, nếu nặng thì không thể thay đổi tư thế được và nôn nhiều.
Trong trường hợp NCT chóng mặt do rối loạn tuần hoàn não (thiếu máu não) thì người bệnh còn có đau đầu, đôi khi đau đầu dữ dội, liên tục (tỉ lệ đau đầu trong trường hợp này chiếm tới 90%).
Nguyên tắc phòng và điều trị
Khi bị chóng mặt dù chỉ mới thoáng qua cũng nên đi khám bệnh để được bác sĩ xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh, trên cơ sở đó sẽ được điều trị, nhất thiết không được chủ quan. Nếu NCT sức yếu, giảm trí nhớ thì rất cần có người nhà đi cùng để được bác sĩ tư vấn và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc và phòng bệnh. Nên lưu ý là chứng chóng mặt ở NCT hay tái phát do các nguyên nhân phức tạp và phải chữa trị lâu dài. Vì vậy, NCT không chủ quan, không bỏ thuốc điều trị. Hơn nữa, ngoài các loại thuốc dùng chữa triệu chứng chóng mặt, còn được dùng thuốc điều trị nguyên nhân. Do đó, việc sử dụng thuốc phải thường xuyên, tuy nhiên, dùng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu phải do thầy thuốc chỉ định và cần dùng đủ liều, liên tục không được dùng ngắt quãng.
Ngoài việc dùng thuốc, cần tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng nhưng đúng động tác. Tùy theo nguyên nhân gây chóng mặt, bác sĩ sẽ có tư vấn phương pháp vận động cơ thể khác nhau cho phù hợp với từng người và chế độ ăn, uống hợp lý tránh bệnh tăng lên hoặc tái phát. NCT nên khám bệnh định kỳ để được bác sĩ theo dõi bệnh một cách liên tục, có hệ thống .

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons