Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Tắc động mạch ngoại biên: Âm thầm nhưng nguy hiểm

Bệnh động mạch ngoại biên (BĐMNB) là bệnh lý tương đối phổ biến ở người cao tuổi. Phần lớn động mạch bị tắc thường là động mạch đùi, tiếp theo là động mạch khoeo, động mạch chày sau, động mạch chày trước. Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh là do các mảng vữa xơ, gây hẹp hoặc gây tắc lòng mạch, làm giảm lượng máu đến hai chân. BĐMNB nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến hoại tử đầu ngón chân, thậm chí phải tháo khớp hoặc cắt cụt chân.
Người bị BĐMNB có những biểu hiện gì?
Triệu chứng thông thường của BĐMNB là đau chân cách hồi, tức là đau, khó chịu, bị chuột rút ở hông, đùi, bắp chân khi đi bộ, khi tập thể dục hoặc leo cầu thang. Triệu chứng này sẽ giảm khi ngừng vận động, mặc dù điều này có thể mất một vài phút. Bệnh dễ bị bỏ sót vì nhiều người cho rằng đau chân là dấu hiệu bình thường của lão hóa, hoặc nghĩ rằng do bệnh viêm khớp, đau thần kinh tọa. Hơn nữa, chỉ 1/3 bệnh nhân có BĐMNB là có biểu hiện triệu chứng, còn lại bệnh diễn biến thầm lặng. Có thể nói tắc ĐMNB là kẻ giết người thầm lặng.
Tắc động mạch ngoại biên: Âm thầm nhưng nguy hiểm
Tập thể dục thường xuyên giúp giảm triệu chứng của BĐMNB, đồng thời làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Những ai có nguy cơ bị BĐMNB?
Người hút thuốc lá: những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh cao gấp 4 lần những người không hút thuốc.
Người thừa cân béo phì: thường có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ ngay cả khi họ không có yếu tố nguy cơ khác.
Người mắc bệnh đái tháo đường: bệnh đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ bị BĐMNB cũng như các bệnh tim mạch khác.
Người bị cholesterol trong máu cao: cholesterol cao góp phần gia tăng các mảng bám trong động mạch, làm giảm đáng kể lưu lượng máu chảy. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.
Người bị tăng huyết áp: tăng huyết áp cũng là một trong những nguyên nhân gây BĐMNB.
Chẩn đoán bằng cách nào?
Xét nghiệm chỉ số mắt cá chân - cánh tay (ABI): Được tính bằng huyết áp cao nhất ở cổ chân chia cho trị số huyết áp cao nhất ở cánh tay. Đây là một xét nghiệm thực hiện đơn giản, chỉ mất vài phút và có giá trị, có thể dùng để tầm soát bệnh trong cộng đồng. Khi nghỉ, ABI bình thường trong khoảng 0,9 - 1,3; chỉ số lớn hơn 1,3 thường gợi ý động mạch chày không đè xẹp được; chỉ số 4,1 - 9,0 là bệnh mạch máu ngoại biên nhẹ và vừa; chỉ số dưới 4,0 thường chỉ ra có bệnh mạch máu ngoại biên nặng.
Siêu âm mạch máu Doppler: Nhằm phát hiện hình thái, giải phẫu, huyết động của tổn thương.
Chụp cắt lớp vi tính động mạch (CT): đặc biệt hữu ích ở những bệnh nhân với máy tạo nhịp tim.
Chụp cộng hưởng từ động mạch: cung cấp thông tin tương tự như chụp CT mà không sử dụng tia X.
Xquang mạch máu xóa nền (DSA - Digital Substraction Angiography):được sử dụng khi có chỉ định can thiệp, sau các xét nghiệm không xâm lấn.
Bệnh có điều trị và dự phòng được không?
Điều trị BĐMNB chủ yếu là nội khoa bằng các thuốc điều trị triệu chứng đau cách hồi như cilostazol 100mg, dùng 2 viên một ngày; naftidrofuryl oxalat: uống 2 - 3 lần một ngày, mỗi lần 1 viên.
Điều trị tái thông: can thiệp nội mạch và phẫu thuật mạch máu, được chỉ định trong trường hợp:
- Cần can thiệp sớm với những trường hợp có thiếu máu đe dọa chi như đau khi nghỉ, loét chân do thiếu máu, hoại thư.
- Không đáp ứng với phương pháp luyện tập chức năng và thuốc.
- Đau chân nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
Việc lựa chọn tái thông bằng can thiệp nội mạch hay phẫu thuật phụ thuộc tuổi, bệnh mắc kèm, dạng tổn thương.
Để dự phòng và làm giảm nhẹ triệu chứng của BĐMNB, cần lưu ý:
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: bỏ thuốc lá, giảm cân nếu quá cân (bằng tập luyện thể thao và chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau quả, hạn chế mỡ động vật); kiểm soát huyết áp (thường xuyên đo huyết áp và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi bị tăng huyết áp); kiểm soát đường máu bằng đo đường máu hằng ngày; điều trị tăng lipid máu và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở bệnh nhân BĐMNB bằng các thuốc kháng tiểu cầu.
Có chế độ luyện tập thể dục thường xuyên: tập thể dục thường xuyên giúp giảm mức độ nghiêm trọng và tần số của các triệu chứng của BĐMNB, đồng thời làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch khác. Có thể bắt đầu từ từ bằng đi bộ cho đến khi thấy đau thì nghỉ một lát rồi lại tiếp tục bài tập, ít nhất 30 phút đi bộ. Mỗi đợt tập 3 lần một tuần và kéo dài trong 3 tháng. Việc luyện tập thời gian đầu có thể đau và khó chịu, tuy nhiên nếu kiên trì, sẽ dần dần cải thiện đáng kể các triệu chứng và có thể đi lâu hơn mà không bị đau.
Tóm lại, BĐMNB là bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên bệnh tiến triển âm thầm, triệu chứng nghèo nàn, thậm chí là không có triệu chứng dẫn đến dễ bị bỏ sót. Đối với những người tuổi cao (lớn hơn 70 tuổi), hoặc lớn hơn 50 tuổi kèm theo các yếu tố nguy cơ hoặc có triệu chứng đau chân cách hồi nên đi kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm để chẩn đoán sớm BĐMNB...

BS. Nguyễn Xuân Thanh (Viện Lão khoa)

Phòng viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng việc điều trị với người cao tuổi (NCT) thì gặp nhiều khó khăn hơn do sức đề kháng ngày một suy giảm.
Nguyên nhân gây bệnh
NCT do sức đề kháng ngày một giảm, thường mắc chứng sa sút trí tuệ (ảnh hưởng rất lớn đến sự điều hòa của thần kinh trung ương) đi tiểu không kiểm soát được cho nên dễ bị viêm đường tiết niệu ngược dòng. NCT có thể gặp nhiễm trùng đường tiết niệu cả phần trên (thận) và cả phần dưới (niệu quản, bàng quang, và niệu đạo).
Phòng viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi
Nên tập thói quen uống nhiều nước nhưng nên uống vào buổi sáng và chiều
Nguyên nhân nội sinh gây nhiễm trùng đường tiểu ở NCT như: Sỏi đường tiết niệu, một số trường hợp do cản trở dòng chảy của nước tiểu, lâu dần nước tiểu bị nhiễm vi sinh vật gây nhiễm trùng đường tiết niệu như: Một số bệnh của tiền liệt tuyến, bệnh đái tháo đường, chấn thương cột sống, nằm lâu do bại liệt hoặc do bất động bởi cố định xương bị gãy (gãy xương đùi hoặc xương chậu hay gặp ở NCT). Một số nguyên nhân ngoại sinh gây nên viêm đường tiết niệu như nong niệu đạo, mổ lấy sỏi hoặc mổ u xơ tiền liệt tuyến bị bội nhiễm, viêm tiền liệt tuyến đưa đến viêm đường tiết niệu.
Về căn nguyên gây nhiễm khuẩn cũng rất đa dạng nhưng chủ yếu là do vi khuẩn trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là E.coli. Ngoài ra, còn gặp một số NCT bị viêm đường tiết niệu do vi nấm.
Một số biểu hiện
Một số triệu chứng hay gặp viêm đường tiết niệu ở NCT như đau lưng. Đau lưng có thể âm ỉ và xuất hiện từng lúc nhưng có khi đau thành cơn rõ rệt nhất là mỗi lúc có bưng bê hoặc xách, mang vật nặng. Nhiều trường hợp có sốt và rét run (tuy nhiên ở NCT có sức đề kháng kém thì sốt nhẹ hoặc không sốt mà chỉ thấy ớn lạnh), đi tiểu nhiều lần, tiểu khó (buồn đi tiểu nhưng không tiểu được) và có thể tiểu đau, buốt. Màu của nước tiểu có thể đục, có thể màu hồng (đái ra máu đại thể). Nếu viêm đường tiết niệu do có vật cản như sỏi đường tiết niệu thì thường kèm theo đau lưng hoặc có cơn đau quặn thận có thể bị đái dắt, đái buốt… Để chẩn đoán viêm đường tiết niệu ngoài các triệu chứng lâm sàng do bác sĩ khám bệnh khai thác và phát hiện được thì rất cần làm các xét nghiệm có liên quan như siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm nước tiểu tìm căn nguyên vi khuẩn bằng cách cấy nước tiểu đúng thường quy mới hy vọng tìm ra căn nguyên gây nhiễm trùng của nó.
Làm gì khi bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu?
Một biện pháp nên làm thường xuyên là vệ sinh cá nhân cho thật tốt. Vệ sinh đường sinh dục ngoài và xung quanh vùng sinh dục ngoài (nhất là NCT là phụ nữ). Nên tập thói quen uống nhiều nước nhưng nên uống vào buổi sáng và chiều, cần hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ buổi tối để tránh đi tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Mỗi lần buồn đi tiểu là phải đi tiểu ngay không được nhịn tiểu bởi vì nhịn tiểu làm cho nước tiểu ứ đọng thời gian lâu sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn và nguy cơ sẽ làm nhiễm trùng đường tiết niệu ngược dòng. Không nên uống bia vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ buổi tối. Trước khi đi ngủ buổi tối nên nhớ đi tiểu. Nếu NCT bị các bệnh như sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang…), các bệnh về tiền liệt tuyến thì cần được khám bệnh để được giải quyết càng sớm càng tốt tránh ảnh hưởng gây viêm đường tiết niệu khi đã biết rõ nguyên nhân.

BS. Quốc Ninh

Mối nguy hiểm với người cao tuổi

Tiền đình là một bộ phận quan trọng của tai (ốc tiền đình), có vai trò giữ thăng bằng tư thế và các phối hợp khác của cơ thể như cử động mắt, đầu và thân mình. Hội chứng tiền đình (HCTĐ) gặp chủ yếu ở người trưởng thành, nhưng người cao tuổi (NCT) chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Rối loạn tiền đình ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Làm thế nào để nhận biết HCTĐ?
Bệnh thường xảy ra vào lúc nửa đêm gần sáng, khi tỉnh dậy không ngồi được hoặc lúc thay đổi tư thế thì hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, có thể nôn nhiều lần và kéo dài. HCTĐ có thể xảy ra một cách thoáng qua nhưng có khi lặp đi, lặp lại nhiều lần. Người bệnh lao đao, choáng váng, mất thăng bằng, ù tai, giảm thính lực ở một hoặc hai bên tai (nếu tái đi tái lại nhiều lần). Nếu cố dậy để đi có thể bị ngã hoặc dúi dụi xuống đất, cũng có trường hợp bị sang chấn. Cũng có khi người bệnh bị ngất (syncope) mất ý thức tạm thời, vã mồ hôi, choáng váng.
Mối nguy hiểm với người cao tuổi
Người bị hội chứng tiền đình thường bị hoa mắt chóng mặt, ù tai.
Vì sao NCT hay bị HCTĐ?
HCTĐ gây nên bởi sự tác động vào một số cơ quan như hệ tinh thần kinh, tai, tim mạch, mắt hoặc thoái hóa cột sống cổ hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc, trong đó sự ảnh hưởng đến ốc tai tiền đình đóng vai trò chủ yếu. Có rất nhiều nguyên nhân gây HCTĐ như tuần hoàn não kém, thời tiết thay đổi hoặc do ngộ độc độc tố hay ngộ độc hóa chất (ngộ độc thực phẩm); do viêm tai xương chũm mạn tính hoặc do dây thần kinh tiền đình bị tổn thương; do NCT dùng một số thuốc (kháng sinh nhóm aminoglycosis, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau) hoặc do uống nhiều rượu cũng có khả năng gây nên HCTĐ. Ngoài ra, HCTĐ rất hay gặp ở NCT bị thoái hóa cột sống cổ hoặc làm việc nhiều áp lực, môi trường ít vận động, ngồi lâu trước máy vi tính, phòng lạnh kín làm cho vùng cột sống cổ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt dần dần động mạch cột sống thân nền dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng não bộ gây HCTĐ và đây cũng là một lý do làm bệnh dễ tái phát.
Không tự ý điều trị khi bị HCTĐ
Khi bị rối loạn tiền đình, người bệnh nên chọn tư thế nằm cho thích hợp (nghiêng trái hay nghiêng bên phải hoặc nằm ngửa), tránh thay đổi tư thế và nên tránh ánh sáng chói chang như ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn công suất lớn hoặc tránh tiếng động mạnh (tiếng ồn ào, trống, nhạc...). HCTĐ nếu không điều trị tích cực sẽ kéo dài, tái diễn liên tục, để lại những di chứng mất thăng bằng, lao đao, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Muốn biết có bị HCTĐ hay không thì cần đi khám bệnh để xác định chắc chắn, tốt nhất là khám chuyên khoa tai, mũi, họng. Điều trị HCTĐ quan trọng nhất là giải quyết triệu chứng chóng mặt và buồn nôn, nôn, đặc biệt là chóng mặt. Khi lên cơn rối loạn tiền đình cần cho người bệnh nằm ở nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn và kết hợp thuốc (vừa thuốc uống vừa thuốc tiêm). Tuy vậy, người bệnh không được tự ý mua thuốc tự điều trị mà phải được bác sĩ chuyên khoa trực tiếp khám bệnh, chỉ định và phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Mối nguy hiểm với người cao tuổi
Cấu trúc giải phẫu của tai (ốc tiền đình).
HCTĐ có dự phòng được không?
Để không mắc HCTĐ hoặc đã mắc HCTĐ rồi thì bệnh ổn định và không tái phát, cần tìm nguyên nhân để điều trị (ví dụ bệnh tăng huyết áp, bệnh huyết áp thấp, chứng tăng mỡ máu, bệnh thoái hóa cột sống cổ, viêm tai xương chũm...). Khi đã bị viêm tai, mũi, họng, xoang cần vệ sinh răng miệng, họng hàng ngày và tích cực điều trị. Tránh ngồi nhiều trong phòng lạnh, ngồi lâu trước máy vi tính, ngồi lâu một chỗ trong phòng. Thường xuyên tập thể dục nhất là vùng đầu, cổ gáy theo hướng dẫn của bác sĩ. Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào hai bên tai mỗi ngày 50-100 lần. Người bệnh cũng không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt... Những người đã từng mắc HCTĐ thì không nên đi xe đạp, xe máy ngay cả việc lên, xuống cầu thang đề phòng ngã gây tai nạn (gãy xương, xuất huyết não,...). Nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38oC trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật, nhìn đôi, mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi khám ngay. Vì ngoài HCTĐ, nó có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.

BS. Đặng Phương Linh

Bệnh hay gặp ở phụ nữ trung niên

Phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên thường gặp những bệnh bỗng từ đâu đến khiến họ bối rối và khó khăn khi xử trí. Ðó là những cơn bốc hỏa đột ngột, chân tay nhức mỏi thường xuyên, đau đầu triền miên, hay bị hồi hộp, khó thở...
Loãng xương
Loãng xương là căn bệnh không gây chết người, nhưng là mối đe dọa đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Tuổi mãn kinh, phụ nữ rất dễ bị loãng xương, đặc biệt những người nhỏ bé, người tiền căn gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng. Khi bị loãng xương rất dễ dẫn đến nguy cơ gãy xương hông, xương đùi, cổ xương đùi, xương cẳng chân, bị đau lưng và còng lưng do cột sống bị sụp. Loãng xương còn làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây loãng xương thường do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, đặc biệt thiếu canxi và vitamin D. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc có chứa chất steroid... cũng dễ bị loãng xương.
Phòng ngừa: Cần có chế độ ăn uống tăng canxi ngay từ tuổi vị thành niên, vận động và tập thể dục vừa sức, đồng thời tránh các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc corticoid. Nên bổ sung 1.000mg canxi và 200 - 4.000 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D để giúp xương phát triển tốt, nhất là từ nguồn thực phẩm, thức ăn hàng ngày. Nên dùng sữa có hàm lượng chất béo thấp (3 cốc/ngày). Việc khám sức khỏe định kỳ là hết sức cần thiết với phụ nữ trung niên. Để sống khỏe mạnh ở tuổi mãn kinh, cần giữ cân nặng bình thường, ổn định huyết áp, giảm mỡ máu, vận động nhiều, ăn ít chất béo, tăng cường rau xanh, trái cây, chất xơ, tập thể dục đều đặn.

Phụ nữ trung niên cần tập thể dục đều đặn và ăn nhiều rau, quả để phòng tránh bệnh tật.
Phụ nữ trung niên cần tập thể dục đều đặn và ăn nhiều rau, quả để phòng tránh bệnh tật.
Hội chứng tiền mãn kinh
Người phụ nữ trong thời kỳ phát triển, cơ thể liên tục tiết ra estrogen - nội tiết tố nữ - để tạo ra các đặc tính của phái nữ. Sang tuổi mãn kinh, buồng trứng trong cơ thể phụ nữ không phát triển, nội tiết tố không tiết ra nữa, bắt đầu thiếu hụt estrogen. Vùng khung chậu bị ảnh hưởng, rất dễ sinh ra các bệnh viêm âm đạo, ngứa âm hộ, rong kinh, âm đạo khô, giao hợp khó khăn..., có thể dẫn đến bệnh sa sinh dục, sa bàng quang, són tiểu. Thiếu estrogen cũng ảnh hưởng tới tâm thần kinh, tuyến nội tiết, hệ vận mạch, gây ra nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, bị bốc hỏa từng cơn, chóng mặt, hồi hộp không lý do, đau nhiều nơi trên cơ thể, dễ cáu gắt, sinh ra những lo âu, dễ buồn tủi... Phòng ngừa: Có thể uống estrogen thay thế nội tiết buồng trứng khi mãn kinh để điều hòa cơ thể, song phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Ung thư vú
Đây là nỗi ám ảnh của phụ nữ tuổi trung niên - căn bệnh âm thầm mà rất nguy hiểm. Có tới 18% phụ nữ tuổi 40 chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, tăng 77% ở tuổi trên 50. Ung thư vú là căn bệnh gây tử vong khá cao cho phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có chế độ ăn uống nhiều chất béo. Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trung niên: gia đình có mẹ hoặc chị em ruột bị ung thư vú, nguy cơ tăng gấp 3 - 5 lần; béo phì: nguy cơ gấp 3 lần; không cho con bú sữa mẹ hoặc không sinh con, hoặc có con đầu lòng quá muộn; dậy thì sớm và mãn kinh muộn.
Để phòng bệnh này, ngoài thực hiện lối sống lành mạnh; hạn chế thực phẩm chế biến quá kỹ, thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo; không nên uống rượu, đồ uống kích thích, không hút thuốc lá; tăng cường luyện tập... chị em nên tự khám mỗi tháng xem có gì bất thường ở ngực, nhũ hoa... đồng thời cần được khám định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm một lần. Khi nhận thấy các triệu chứng như: sự thay đổi kích thước và hình dạng của vú, xuất hiện những khối u hay sưng tấy ở nách, chảy máu ở núm vú hay đau ngực... thì có thể là dấu hiệu ung thư vú, hãy nhanh chóng đến các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để kiểm tra và điều trị khi khối u còn nhỏ.
Bệnh tim mạch
Ở độ tuổi sinh nở, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim. Khi đến tuổi tiền mãn kinh, lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn bùng nổ các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...) ở phái nữ với diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu người ta thấy rằng, liệu pháp hormon thay thế không thể giúp được phụ nữ ở tuổi mãn kinh phòng ngừa được sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Ngoài sự thay đổi nội tiết, nguyên nhân khiến phụ nữ ở độ tuổi này mắc bệnh tim mạch nhiều hơn so với các độ tuổi khác và nhiều hơn nam giới là do tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 cao hơn, hay bị các rối loạn tuyến giáp hơn, có nhiều vấn đề (áp lực) trong gia đình và công việc hơn so với nam. Hệ thống tim mạch ở phụ nữ cũng dễ bị tổn thương hơn khi có tác động của các tác nhân độc hại, ví dụ thuốc lá, rượu bia... Bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành ở phụ nữ diễn biến phức tạp hơn, hiệu quả chữa trị kém hơn (các phương pháp can thiệp mạch vành hiện đại như thông mạch vành bằng cách đặt stent, nong mạch và nối mạch thông đạt hiệu quả thấp ở phụ nữ), nên vấn đề phòng bệnh, phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh này là quan trọng hàng đầu.
Những biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch ở phụ nữ là giảm cân nếu bị thừa cân, luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý; không nên uống rượu bia, hút thuốc lá; tăng cường rèn luyện thể dục thể thao; chế độ ăn uống phải hợp lý; không ăn quá 5 - 6g muối/ngày; tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin E, C, A, B6, B12, acid folic và axít béo không no Omega-3 để bảo vệ thành mạch máu trước nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa; hạn chế ăn thịt mỡ, da động vật và các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như tim, gan động vật, bơ, kem, sôcôla; tăng số ngày ăn cá, đậu trong tuần, dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn...; luôn kiểm soát hàm lượng cholesterol, glucoza trong máu và các chỉ số huyết áp ở mức độ cho phép; giảm căng thẳng thần kinh...   

ThS. Hà Hùng Thủy

Để thoái hóa khớp không còn là nỗi lo

Thoái hóa khớp (THK) là một trong những bệnh khớp mạn tính rất thường gặp ở người cao tuổi (NCT) với hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn trong khớp. Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết... Bệnh làm giảm chức năng vận động, gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Những ai hay bị THK?
THK xảy ra do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tái tạo sụn và thoái hóa sụn. Tuổi càng cao thì quá trình tái tạo sụn càng giảm, đồng thời tốc độ thoái hóa sụn tăng lên. Sự mất cân bằng giữa hai quá trình này dẫn tới hiện tượng các tế bào sụn già không được thay thế, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharid giảm rối loạn. Từ đó, chất lượng sụn giảm dần, tính chất đàn hồi và khả năng chịu lực giảm. THK cũng thường gặp ở người bị các dị dạng bẩm sinh, biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm, u...; người thừa cân béo phì; những người nghề nghiệp phải khuân vác, xách vật nặng thường xuyên. Ngoài ra, những người có cơ địa già sớm, mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương, bệnh gut cũng là nguyên nhân gây THK.
Để thoái hóa khớp không còn là nỗi lo
Người cao tuổi nên tăng cường vận động để phòng thoái hóa khớp.
Khi bị THK, người bệnh có những biểu hiện gì?
Đau là biểu hiện đầu tiên và thường gặp nhất. Người bệnh đau ở vị trí khớp bị thoái hóa, đau âm ỉ, ít khi đau lan (trừ trường hợp thoái hóa cột sống gây chèn ép rễ và dây thần kinh); đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Một số ít trường hợp có sưng, nóng, đỏ tại vị trí khớp bị thoái hóa. Người bệnh bị hạn chế vận động chủ động và thụ động tại các khớp bị thoái hóa, mức độ hạn chế không nhiều và có thể chỉ hạn chế ở một số động tác. Các khớp bị biến dạng nhưng không nhiều, nguyên nhân do mọc các gai xương, lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch. Ngoài ra, người bệnh có thể bị teo cơ, có tiếng lạo xạo khi vận động, tràn dịch khớp (thường là khớp gối). Chụp Xquang không phải là yếu tố quyết định để chẩn đoán thoái hóa khớpvì có thể có những trường hợp biểu hiện trên phim Xquang nhưng không có triệu chứng lâm sàng hoặc phải một thời gian rất lâu sau đó mới biểu hiện các triệu chứng lâm sàng. Biểu hiện thường là hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, chồi xương, gai xương. Ngoài ra, một số phương pháp chụp đặc biệt có thể phát hiện sớm các tổn thương của sụn khớp, đĩa đệm như: chụp cắt lớp, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), chụp Xquang có bơm thuốc cản quang.
Cần phân biệt thoái hóa khớp với viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao cột sống.
Điều trị và dự phòng THK như thế nào?
Nguyên tắc cơ bản trong phòng và điều trị thoái hóa khớp là làm chậm quá trình hủy hoại khớp, đặc biệt là ngăn sự thoái hóa của sụn khớp; giảm đau và duy trì khả năng vận động, hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phế cho người bệnh, trong đó, điều trị nội khoa là chủ yếu bằng các thuốc giảm đau chống viêm, thuốc kích thích tế bào sụn, tăng chất nhầy của khớp. Ngoài dùng thuốc, vật lý trị liệu (siêu âm, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, đắp bùn, luyện tập chỉnh sửa tư thế...) và châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt đem lại hiệu quả tốt với người bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm kéo dài hoặc không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn đối với người bệnh, đặc biệt hay gặp là gây viêm loét dạ dày - tá tràng thứ phát nên người bệnh không được tự ý dùng thuốc mà phải có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Điều trị ngoại khoa: chỉ tiến hành khi điều trị nội khoa không có kết quả, tổn thương khớp quá nặng, có các biến chứng như liệt, teo cơ, rối loạn đại tiểu tiện, người bệnh trên 60 tuổi.
Lời khuyên của thầy thuốc: Để phòng và điều trị bệnh thoái hóa khớp có hiệu quả, cần hướng dẫn người cao tuổi thực hiện các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh cho khớp bị quá tải bởi trọng lượng và vận động: duy trì cân nặng hợp lý, tránh các tư thế: đứng lâu; ngồi vẹo lệch, không cân đối. Tập luyện thường xuyên và vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, không nên tập vận động quá mạnh hoặc quá lâu. Với người cao tuổi, tốt nhất nên tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng thời gian 20 - 30 phút/ngày. Thực phẩm ăn uống nên đa dạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi (trứng, sữa, tôm, cua, lươn và các loại nhuyễn thể, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm hoặc màu vàng...). Ngoài ra, có thể dùng các loại thuốc có chứa thành phần glucosamin bởi vì glucosamin tham gia quá trình chuyển hóa tổng hợp nên thành phần của sụn khớp.
ThS.BS. Nguyễn Hải Yến

(Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy)

Hiểu về tăng mỡ máu để phòng ngừa

Tăng mỡ máu là một chứng bệnh gặp khá phổ biến. Đây là bệnh liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống cũng như chế độ sinh hoạt của mỗi người, nhất là người cao tuổi. Tác hại của tăng mỡ máu là rất đáng được quan tâm vì có thể gây những biến chứng như gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não...
Mỡ máu là gì?
Mỡ máu gồm cholesterol và triglyceride. Cholesterol là một chất béo có tên là steroid có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể. Phần lớn cholesterol không có nguồn gốc từ thức ăn mà được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn như trứng, sữa, não, thịt đỏ, mỡ động vật... Cholesterol rất cần cho sự hoạt động của màng các tế bào và rất cần cho các hoạt động khác của cơ thể để sản xuất ra nội tiết tố và cũng là thành phần rất quan trọng của muối mật.
Hiểu về tăng mỡ máu để phòng ngừa
Tăng triglyceride gây gan nhiễm mỡ.
Chất triglyceride được hình thành khi chất axit béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol, nếu lượng axit béo tự do bị dư thừa không được hấp thu ở gan thì chúng sẽ trở thành triglyceride...
Vì sao bị tăng cholesterol và triglyceride máu?
Khi cholesterol hoặc triglyceride máu vượt quá giới hạn bình thường thì được gọi là tăng. Cholesterol máu bình thường <5,2mmol/l, khi vượt quá chỉ số bình thường này được coi là tăng cholesterol máu. Khi triglyceride máu trên 2,3mmol/l được gọi là triglyceride cao. Còn khi tăng cả cholesterol và triglyceride thì được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.
Tăng cholesterol máu là do chế độ ăn không hợp lý như ăn quá nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, trứng (nhất là lòng đỏ trứng), sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ, lòng động vật, tôm trong các bữa ăn hằng ngày. Tiếp đến là người béo phì, ngoài ra, người ta cũng có thể gặp do di truyền, mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, các bệnh về gan.
Hiểu về tăng mỡ máu để phòng ngừa
Người cao tuổi nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ, nội tạng động vật để phòng tăng mỡ trong máu.
Tăng triglyceride hay gặp nhất là do uống quá nhiều rượu, béo phì, di truyền, lười vận động hoặc rối loạn gen chuyển hóa, các bệnh viêm gan...
Vậy cần làm gì để ngăn chặn tăng cholesterol, triglyceride?
Hạn chế ăn mỡ động vật và nên thay bằng dầu thực vật trong các bữa ăn hằng ngày. Không nên ăn nhiều lòng động vật mà nên ăn nhiều cá, mỗi tuần nên ăn từ 2 - 3 lần cá thay thịt. Cần tăng cường ăn rau, hoa quả.
Không nên uống rượu, bia hoặc uống quá nhiều rượu, bia hàng ngày, nhất là các loại rượu tự nấu, tự pha chế và rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với người cao tuổi thì không nên ăn quá nhiều tinh bột. Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn, sau mỗi một bữa ăn nên có trái cây để ăn như cam, bưởi, táo, nho...
Tăng cường vận động cơ thể: Mỗi ngày nên đi bộ hoặc tập các môn thể thao phù hợp với sức khỏe từng người khoảng chừng 30 - 60 phút chia làm 2 - 3 lần, không nên chơi thể thao hoặc đi bộ liền một lúc 60 phút. Hạn chế tăng cân, béo phì. Nên đi khám bệnh và xét nghiệm mỡ máu định kỳ, khi có hiện tượng tăng mỡ máu, bác sĩ sẽ tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp. Tuyệt đối không nên tự động mua thuốc để điều trị mỡ máu khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

BS. Bùi Thanh Hà

Tình dục và tuổi tác

Do nhiều biến đổi của cơ thể xảy ra khi tuổi càng cao (từ 40 tuổi trở đi), da có nhiều nếp nhăn, vết nám, tóc bạc và rụng, người béo ra nhất là bụng và vú, nội tiết tố nam giảm đi. Vậy về tình dục có những thay đổi gì khi tuổi tác tăng dần?
Khó khăn và cách khắc phục
Tình dục và tuổi tác
- Muốn cương được cần có nhiều kích thích tình dục hơn khi trẻ. Dương vật và bìu đều giảm cảm xúc nên cần nhiều kích thích trực tiếp hơn, nhiều ve vuốt hơn mới cương cứng lên được. Đối tác của bạn cũng nhiều tuổi hơn và không còn sức hấp dẫn kích thích như xưa. Ở tuổi này, đôi khi đang mải mê với thú vui vợ chồng thì dương vật của bạn lại bị xìu mềm. Bạn và vợ bạn đừng buồn nản vì hiện tượng nhất thời này, khi ấy cần bàn tay hợp tác của các quý bà sẽ làm cho nó cương cứng trở lại.
- Dương vật cứng nhưng không cứng như trước. Nó có thể kém cứng chút đỉnh và lại dễ bị xìu mềm hơn vì hệ thống sợi chun giãn và mạch máu ở dương vật đã bị suy yếu. Cũng đừng lo. Việc giao hợp không đòi hỏi một dương vật cứng như sắt mà chỉ cần đủ cứng.
- Thời gian giữa hai lần cương và khả năng giao hợp lần sau thay đổi tùy theo tuổi và tùy thuộc vào từng cá nhân nữa. Ở tuổi 20-30, sau khi xuất tinh rồi chỉ cần vài chục phút, dương vật có thể cứng lại, lần giao hợp thứ hai vẫnxuất tinh bình thường và có thể thực hiện tới lần 3, lần 4... trong cùng ngày. Nhưng từ tuổi 50 thì có thể bạn phải đợi lâu, có khi cả tuần hay lâu hơn mới cương được. Còn khi già hơn nữa, ví dụ trên 60 tuổi thì bạn đã thiếu cả nội tiết nam (testosteron) nên còn thưa hơn nữa.
- Khi xuất tinh, độ phóng không còn mạnh mẽ như trước và sự xìu đến nhanh hơn. Có khi đang phóng đã xìu ngay. Tinh dịch như tự chảy ra chứ không còn là phóng tinh nữa. Bạn vẫn có khoái cực và đừng làm gì ảnh hưởng đến khoái cực của vợ bạn. 3 biện pháp làm vợ bạn vẫn đạt khoái cực là:
- Tăng và kéo dài thời gian dạo nhạc ban đầu bằng nhiều âu yếm thân mật hơn.
- Cảm giác vui thú tình dục sau khi xuất tinh của bạn vẫn có thể kéo dài hơn trước nhiều mặc dù khoái cực, cảm giác đê mê có thể ngắn hơn và thời gianxuất tinh ngắn hơn. Khi các xương khớp đã lỏng lẻo thì bạn có thể thay đổi tư thế, ví dụ nhường vợ ở trên để được mạnh mẽ và chủ động hơn.
- Một loạt thay đổi toàn thân cả về nội tiết lẫn các chức năng khác của các ông cũng thay đổi gần giống như thời kỳ mãn kinh của các bà. Nghĩa là: bẳn tính và trầm uất; hay quên và độ tập trung kém; mất ngủ, khó ngủ lại khi tỉnh dậy ban đêm, dậy sớm nhưng lại hay gà gật, có lẽ do thiếu melatonin; cơn bốc hỏa hay xảy ra ban đêm, đang ngủ tự nhiên người nóng bừng, vã mồ hôi và muốn ra ngoài lau mình; cường độ tình dục giảm mạnh sau 60 tuổi, có lẽ là hậu quả kết hợp của cả thể lực giảm và nội tiết giảm. Đấy là chưa kể đến một số thói quen gia đình, ông bà thích ngủ cùng cháu nội, cháu ngoại mà không ngủ chung với nhau nữa.
Khả năng sinh sản của các cụ ông như thế nào?
Nhiều cụ 60-70 tuổi hoặc hơn vẫn lấy vợ và sinh con. May thay, các cụ ông khi về hưu (60 tuổi trở lên) thì tình dục giảm, một số cụ “hưu” luôn cả tình dục nhưng khả năng sinh sản thì không hưu. Một nghiên cứu tỉ mỉ ở Đức trên 23 đối tượng già (60-88 tuổi) và 20 đối tượng trẻ (24-37 tuổi) để so sánh khả năng sinh sản của họ. Kết quả là nội tiết tố sinh sản của họ tương đương nhau. Tinh trùng có số lượng và mật độ tương đương, khả năng sinh sản được kết luận là như nhau. Trên thực tế, các cụ trên 60 tuổi muốn nghỉ ngơi thư giãn, hưởng thụ thành quả của mấy chục năm lao động hơn là muốn có thêm con nhỏ để lại phải đêm hôm chăm sóc. Do vậy nhu cầu thuốc chữa rối loạn cương phần nhiều vì suy giảm tình dục.
Chất lượng những đứa con sinh ra (dị tật, sức khỏe...) lệ thuộc vào tuổi của người phụ nữ nhiều hơn là tuổi của các ông bố.
Dùng thuốc chữa rối loạn cương không hiệu quả thì chữa cách nào?
Hoa Kỳ, nơi sản xuất và sử dụng đầu tiên thuốc viagra và có tới 70% thành công với thuốc. 30% còn lại phải tìm cách khác. Có nhiều cách:
- Tiêm thuốc giãn mạch máu vào ngay dương vật để kéo máu về làm cương to và cứng. Cần tiêm 1 mũi/1 lần giao hợp.
- Đặt một viên thuốc giãn mạch vào ống niệu đạo trước qua lỗ sáo.
Hai cách này có thể gây cương cứng kéo dài.
- Dùng ống hút chân không, cho dương vật vào ống và giảm áp dần ở ống bằng một dụng cụ bóp tay có cơ chế giống như làm giác hút. Có thể cứng trong vòng 30 phút. Càng ngày càng có nhiều người dùng cách này.
- Phẫu thuật vừa tốn kém, vừa khó nên ít người dùng.
- Đông y cũng có nhiều bài thuốc có kết quả tốt. Tuy nhiên cần có sự bắt mạch kê đơn của thầy thuốc đông y hoặc lương y.

Khó nuốt là dấu hiệu bệnh gì?

Có những người ăn chậm, nhai kỹ nhưng vẫn không thể nuốt hoặc rất khó nuốt, khi nuốt kèm đau rát.  Khi có hiện tượng này, đừng chủ quan vì đôi khi đây là dấu hiệu báo động của nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Khó nuốt khi nào?
Khó nuốt xảy ra khi có bất kỳ bất thường nào ở các cơ quan tham gia trong hoạt động nuốt; hoặc khi có tắc nghẽn đường di chuyển thức ăn từ miệng đến dạ dày. Khó nuốt thường do các nguyên nhân sau:
- Rối loạn vận động các cơ hầu họng, thực quản; tâm vị không giãn; trào ngược dạ dày - thực quản; các tổn thương về thần kinh như bệnh Parkinson, đột quỵ; tổn thương cột sống; các bệnh lý nội khoa khác như xơ cứng bì, đái tháo đường, nhược cơ,...
Khó nuốt là dấu hiệu bệnh gì?
Khó nuốt thường gặp ở người cao tuổi, sa sút trí tuệ.           Ảnh: M.Liên
- Khó nuốt thường gặp ở người cao tuổi, sa sút trí tuệ, càng lớn tuổi hiện tượng khó nuốt càng tăng. Còn khó nuốt ở trẻ em là do hệ thần kinh chi phối hoạt động của trẻ chưa hoàn thiện, thường gặp ở một số trẻ đẻ non, nhẹ cân.
- Khó nuốt do có dị tật bẩm sinh như hở màn hầu, lưỡi to, môi nứt,...
- Khó nuốt do tắc nghẽn: do dị vật, túi thừa ở thực quản, hẹp thực quản sau biến chứng của bệnh lý ở thực quản; các khối u, polyp, sẹo do bỏng,…
Biểu hiện chung của khó nuốt thường gây ho, nghẹn, cảm giác thức ăn bị vướng ở cổ họng, vướng lại trong ngực dọc theo xương ức, tăng tiết nước bọt, sặc thức ăn lên mũi… Riêng ở trẻ sẽ khó cho ăn, nước dãi chảy nhiều, ăn lâu trên 30 phút, bị trớ thường xuyên, hay hắt hơi sau khi ăn, giọng nói bị biến đổi sau khi ăn, giảm cân, hay tái phát viêm phổi,…
Điều trị chứng khó nuốt
Khó nuốt gây ra nhiều hậu quả như viêm họng, khàn tiếng, không dám ăn, suy dinh dưỡng, rối loạn nước và chất điện giải. Do sặc thức ăn, nước uống sẽ gây các biến chứng nhiễm trùng tại chỗ, viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi. Với những trường hợp khó nuốt do dị vật vào phổi gây co thắt thanh quản, suy hô hấp, tỷ lệ tử vong rất cao.
Khi triệu chứng khó nuốt lặp lại thường xuyên, bệnh nhân cần đi khám tại khoa tiêu hóa hoặc tai mũi họng để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị rối loạn nuốt tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí gây bệnh.
Nếu khó nuốt do rối loạn vận động ở vùng hầu họng thì sẽ phải thực hiện một số bài tập, học một số kỹ thuật để kích thích phản xạ nuốt, thay đổi chế độ ăn cho phù hợp để không bị sặc. Với chứng khó nuốt do hẹp thực quản thì nong bằng bóng qua nội soi. Trường hợp polyp, khối u, túi thừa hầu họng thì cần phẫu thuật cắt bỏ. Viêm thực quản, trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng, nhiễm khuẩn thì được điều trị bằng thuốc. Trường hợp các cơ quan vùng hầu họng không thể phục hồi, khó nuốt nghiêm trọng thì phải cần đến sự hỗ trợ của ống bơm để bơm thức ăn nước uống và dạ dày. Riêng ở trẻ em, nếu nguyên nhân là do vùng hầu họng chưa phát triển hoàn thiện thì có thể kích thích trẻ cười, nói để giúp thực quản mở rộng hơn.
Để dự phòng, khi ăn nên ăn từng miếng nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ… để tránh ho, sặc, dị vật rơi vào đường thở. Khi trông nom trẻ, không nên cho trẻ ngậm, mút đồ chơi. Ở những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản cần tránh ăn những thức ăn chua, cay, nóng. Ăn uống lành mạnh để phòng bệnh ung thư thực quản.

BS. Lê Thị Tuyết Phượng

Dự phòng chứng rối loạn tiểu tiện

Rối loạn tiểu tiện hay tiểu tiện liên tục là một dấu hiệu của nhiều bệnh, đặc biệt hay gặp ở người có tuổi.
Vì sao bị tiểu tiện liên tục?
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho rối loạn tiểu tiện, đặc biệt là tiểu liên tục ở người cao tuổi (NCT). Hệ thống đường tiểu (hệ tiết niệu) bao gồm thận, bàng quang, niệu quản và lỗ đái. Bộ phận nào cũng có thể lâm bệnh, nhưng trong chứng tiểu tiện liên tục thì nên quan tâm đến bàng quang, vì nó là cơ quan chứa nước tiểu và có thể mắc một số bệnh khá rắc rối. Viêm bàng quang là một trong các căn nguyên gây nên tiểu tiện liên tục, bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng nữ giới thường chiếm tỷ lệ cao hơn. Nguyên nhân thường do nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là do vi khuẩn E.coli, cầu khuẩn (Staphylococcus), hiếm gặp hơn là do vi khuẩn lao (Mycobacterium). Với bàng quang còn có thể do viêm bàng quang kẽ gây nên hội chứng đau bàng quang, ngoài rối loạn tiểu tiện, tức vùng bụng dưới, mỗi lần đi tiểu đau, rát, thêm vào đó có thể gây rối loạn giấc ngủ, đau đầu, mệt mỏi. Nguyên nhân của viêm bàng quang kẽ cho đến nay chưa được xác định một cách chắc chắn, vì vậy, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài ra còn gặp bệnh sa bàng quang cũng gây nên tiểu liên tục. Bệnh thường gặp do cơ sàn chậu hông và dây chằng bị yếu bởi sinh đẻ nhiều lúc đương thời (phụ nữ cao tuổi). Ở NCT thì phì đại tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến là những bệnh gây nên tiểu tiện liên tục, tiểu són, mót tiểu cả ban ngày lẫn ban đêm. Tiểu tiện liên tục còn có thể do mắc chứng ngưng thở khi ngủ kéo dài (khoảng trên 30 giây), bệnh đái tháo đường, bệnh suy tuyến giáp. Đối với bệnh đái tháo đường, do lượng đường trong máu không được kiểm soát, tăng cao sẽ gây tổn thương đến hệ thần kinh, gây mất cảm giác, không điều khiển cơ bắp dẫn đến đi tiểu nhiều, són tiểu. Suy giáp nếu không được điều trị sẽ dần dần làm giảm chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng trực tiếp đến chuyển hóa và gây ra nhiều biến chứng, trong đó có các loại bệnh về bàng quang gây rối loạn tiểu tiện (tiểu dắt, buốt, tiểu nhiều lần cả ngày và đêm). Một số tác giả cho rằng khi NCT tăng trọng lượng, nhất là có hiện tượng béo phì cũng có liên quan đến sức khỏe của bàng quang, bởi vì khi dư thừa trọng lượng cơ thể sẽ tác động lên cơ sàn chậu hông và lâu dần các cơ này bị suy yếu (đặc biệt là cơ bộ phận tiết niệu) làm rối loạn tiểu tiện.
Dự phòng chứng rối loạn tiểu tiện
Người cao tuổi tích cực đi bộ để tăng cường chức năng bài tiết của hệ tiết niệu.
Điều trị và dự phòng chứng tiểu tiện liên tục như thế nào?
Tiểu liên tục ở NCT là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, do đó, việc điều trị cũng gặp không mấy khó khăn. Vì vậy, khi mắc chứng tiểu tiện liên tục, cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện để có cơ hội tìm ra nguyên nhân. Người bệnh không nên quá lo lắng và nên tuân theo chỉ định điều trị, tư vấn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc như lợi tiểu, an thần... thì cần xin ý kiến của bác sĩ khám bệnh xem có nên giảm liều hoặc ngừng thuốc hay không. Đối với người tiểu tiện không tự chủ do không nhịn được khi chưa kịp vào nhà vệ sinh thì mỗi khi buồn tiểu, không nên ra nhà vệ sinh ngay mà cố gắng nhịn khoảng 5 phút rồi hãy đi. Lúc đầu có thể “tè” ra quần, nhưng sau đó bàng quang sẽ quen dần cho đến khi có thể chủ động đi tiểu được. Ngoài ra, cần vệ sinh bộ phận tiết niệu ngoài sạch hằng ngày, nhất là nữ giới, để tránh mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Luyện tập cơ thể thường xuyên, đúng động tác, chọn phương pháp phù hợp với từng người là hết sức cần thiết, trong đó nên lưu ý phương pháp đi bộ vì không tốn kém, dễ thực hiện. Những người có điều kiện thì nên chọn cho mình chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn tinh bột ngọt, mỡ động vật, tăng cường ăn rau, trái cây để tránh béo phì và tạo cho việc tiêu hóa tốt.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

5 điều quan trọng cần biết liên quan đến tuổi già

Hiểu biết về tuổi già sẽ giúp chúng ta luôn có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
1. Tuổi già không phải là căn bệnh
5 điều quan trọng cần biết liên quan đến tuổi già
Tuy không phải là căn bệnh nhưng con người lại có thể can thiệp để làm làm chậm quá trình lão suy, kéo dài tuổi thọ sinh học cho con người. Hiểu đơn giản hơn, tuổi già không phải là bệnh ung thư hay tim mạch mà nó là một quá trình “biện chứng”, chính vì vậy mà cổ nhân mới có câu, đại ý, sinh, lão, bệnh tử là để nói về chu trình cuộc đời con người.
2. Thế nào là lão hóa thông minh?
5 điều quan trọng cần biết liên quan đến tuổi già
Đó là việc cân bằng những mối nguy hại cho sức khỏe và cơ chế sửa chữa những mối nguy này. Một trong nhưng điều cần biết về tuổi thọ con người đó chính là telomeres, đây là đầu mút dạng nắp đậy của nhiễm sắc thể, có nhiệm vụ bảo vệ các thông tin di truyền không bị tổn thương, ngắn lại. Nếu các telomeres còn tốt và dài thì tuổi thọ con người sẽ được bảo toàn, tế bào không bị tổn thương. Đồng thời nếu cơ thể biết được cách tự sửa chữa khắc phục những nhuyết tật thì những telomeres này không bị ngắn lại. Vì vậy, biết cách cân bằng giữa những chất gây hại và có cơ chế “duy tu bảo dưỡng” thích hợp sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và thọ lâu. Các cách này rất đa dạng như: ăn uống cân bằng khoa học, năng luyện tập, ít tiếp xúc với môi trường độc hại, giảm stress, sống lạc quan...
3. Lão hóa không phải là vấn đề cấp bách mà nó là một bức tranh “toàn cảnh”
Điều này có nghĩa lão hóa là quy luật tất yếu, nó diễn ra trong suốt cả cuộc đời, con người cần hiểu những quy luật biện chứng này để can thiệp và kéo dài tuổi thọ. Một trong những yếu tố quan trọng mà người trong cuộc hiểu và làm được là hạn chế những môi chất gây bệnh, được các chuyên gia lão khoa gọi là Major Angers. Major Angers gồm 3 yếu tố:
Một, khi telomeres bị ngắn lại sẽ gây ra rất nhiều bệnh, điển hình là suy giảm trí nhớ mà người ta quen gọi là bệnh Alzheimer, nhưng nếu duy trì cuộc sống vận động sẽ có tác dụng làm chậm quá trình lú lẫn ở tuổi già.
Hai, các ty lạp thể làm việc không hiệu quả (Inefficient Mitochondria). Các ty lạp thể này được ví như những nhà máy sản xuất điện năng siêu nhỏ trong cơ thể nhưng một khi nó bị sự cố, làm việc không hiệu quả sẽ tạo ra những quá trình hóa chất bất lợi, gây bệnh tim mạch. Nếu người trong cuộc bổ sung acid béo omega-3 có trong cá hoặc ăn uống cân bằng khoa học sẽ giúp cho các nhà máy điện này hoạt động có hiệu quả hơn.
5 điều quan trọng cần biết liên quan đến tuổi già
Thứ ba, trong cơ thể không có Nitric oxide (NO), đây là một loại khí có tuổithọ ngắn, làm nhiệm vụ khai thông mạch máu giúp máu lưu thông tốt và có tác dụng cho nhiều bộ phận trong cơ thể. Khi người ta có tuổi, khả năng tạo khí NO bắt đầu giảm. Các hoạt động như: thở sâu, tập hít thở bằng mũi, tập yoga, ngồi thiền... có tác dụng kích hoạt sản xuất NO.
4. Bí quyết thọ lâu là có dây thần kinh dài
Theo nghiên cứu, dây thần kinh phế vị có trong não đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ cho con người nhưng điều này lại ít được quan tâm. Lý do, dây thần kinh này làm nhiệm vụ cung cấp thông tin từ ruột lên não và đến mọi nơi trong cơ thể và ngược lại. Để giúp cho dây thần kinh phế vị khỏe mạnh và làm việc tốt mọi người nên hạn chế chất gây viêm nhiễm cho cơ thể và tránh xa dùng chất kích thích và tăng cường luyện tập nhất là ngồi thiền.
5. Giấc ngủ còn quan trọng hơn cả ăn uống
Vì, giấc ngủ chất lượng có tác dụng giúp cơ thể bài tiết nhiều hoóc-môn quan trọng. Có nghĩa, sống vui sống khỏe, sống vô tư để có giấc ngủ tốt, đủ thời lượng và chất lượng. Làm được như vậy sẽ giúp cơ thể giảm chậm quá trình lão hóa.

Khắc Nam

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons