Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Chóng mặt, bệnh hay tấn công người cao tuổi



Chóng mặt là một triệu chứng chủ quan của người bệnh. Người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít hoặc bản thân bị quay như đứng giữa một cơn lốc, có khi cảm thấy bồng bềnh như đi thuyền trên sóng hoặc bước hẫng, đi lại không vững hoặc đi như bị kéo lệch về một phía. Có lúc người bệnh thấy nhà cửa đu đưa, giường chao đảo, mặt đất dập dềnh. Trong một số trường hợp, chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi. Xử trí thế nào để giảm rủi ro do cơn chóng mặt?
Vì sao bị chóng mặt?
Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột nhưng chấm dứt cũng rất nhanh, chỉ trong mấy giây đồng hồ để rồi xuất hiện trở lại: chóng mặt có thể gặp từ 20-80 tuổi, hay gặp nhất ở quãng 50-60 tuổi. Chóng mặt có khi gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh.
Chóng mặt, bệnh hay tấn công người cao tuổi
Khi bị chóng mặt, người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít hoặc cảm giác bồng bềnh  chao đảo như  đi trên sóng.
Nguyên nhân của chóng mặt rất phức tạp, có khi cần sự phối hợp khám của nhiều chuyên khoa như tai - mũi - họng, nội khoa, thần kinh, mắt, Xquang và làm một số xét nghiệm khác. Tuy vậy, thường cũng chỉ tìm được nguyên nhân ở 30% các trường hợp.
Các nguyên nhân chính gây ra chóng mặt là: Chấn thương (va chạm, ngã, đụng đập, tai nạn giao thông...) gây ra chấn động tai trong; Nhiễm độc (rượu, thán khí, oxyt cacbon...); Dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình); Viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm màng não; Nhiễm virut; Rối loạn điều hành tuần hoàn trong tai, huyết áp dao động; Do ống tai ngoài bị bít (vật lạ, ráy tai...); Do có tổn thương trong não.
Chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi, hay gặp nhất loại chóng mặt kịch phát theo tư thế. Loại này đột ngột, trước đó không có bệnh gì rõ rệt, thường vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối lúc đi ngủ. Khi đang nằm, đầu nghiêng trên gối quay sang phải hoặc trái, hay quay cả người hoặc đang ngồi mà nghiêng đột ngột sang một bên, người bệnh thấy chóng mặt dữ dội. Thường cơn chóng mặt xuất hiện theo một tư thế nhất định hoặc theo một bên nhất định (bên phải hoặc bên trái).
Phần lớn người bệnh tự mình xác định được tư thế nào gây cơn chóng mặt, do đó tự tìm được cách tránh tư thế đó hoặc làm tư thế đó một cách từ từ, nhẹ nhàng. Xuất hiện bất ngờ, có cơn rất mạnh trong vài ba ngày, chóng mặt kịch phát theo tư thế thưa dần trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng; các cơn nhẹ dần, ngắn dần, rồi hết hẳn. Trong các năm sau, cơn có thể phát lại song nhẹ hơn. Tuy vậy, ở người cao tuổi vẫn có 10% người bệnh bị cơn tái đi tái lại trong nhiều năm, bệnh đã trở thành mạn tính.
Đối với người bệnh đang lên cơn chóng mặt, thầy thuốc chỉ nên khám tối thiểu, tránh làm tăng cơn chóng mặt và tôn trọng tư thế nằm mà người bệnh đã chọn, tránh di chuyển không cần thiết.
Nếu người bệnh đồng thời bị chóng mặt, ù tai, điếc có thể nghĩ đến một hội chứng tai trong, gọi là hội chứng Mơ-ni-e (Menière) do sũng nước ở tai trong. Tuy rất khó chịu, hội chứng này có xu hướng tự khỏi; người bệnh có thể hết chóng mặt song vẫn còn ù tai kéo dài và nghe kém.

Các chứng chóng mặt xuất hiện từ từ, xảy ra ở bất kỳ tư thế nào, không dữ dội song kéo dài trong nhiều ngày, có kèm theo rung giật nhãn cầu (động mắt), thường biểu hiện một tổn thương trong não, cần phải được các chuyên khoa phối hợp khám kỹ mới xác định được nguyên nhân và đề ra cách chữa hợp lý.


Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Chứng quên ở người lớn tuổi

Theo các chuyên gia thần kinh, suy giảm trí nhớ là một phần tất yếu trong quá trình lão hóa tự nhiên, quá trình này diễn ra ở từng giai đoạn với từng cấp độ khác nhau, ở thể nhẹ thì gây ra tình trạng quên, đãng trí, nặng và trầm trọng hơn sẽ làm mất trí nhớ. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi khỏe mạnh vẫn phàn nàn chứng hay quên trong cuộc sống hằng ngày.
Biểu hiện sớm của chứng quên là khó khăn trong sử dụng tiền hàng ngày, sử dụng phương tiện giao thông, sử dụng điện thoại, mất kỹ năng mua sắm, khó khăn trong việc làm theo lời hướng dẫn và tìm đường trong thành phố. Nhân cách người bệnh cũng thay đổi, biểu hiện ở sự ngơ ngác, thờ ơ với người khác, luôn than phiền quên, không nhớ...
Ngoài chế độ ăn và tập luyện để tăng cường thể chất và trí nhớ thì bệnh hay quên ở giai đoạn sớm có thể chữa được và ít ra cũng làm quá trình bệnh chậm lại hoặc tạo cho người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Vấn đề đặt ra là khi có biểu hiện quên thì nên đi khám bệnh để được xác định nguyên nhân, mức độ quên, tìm các yếu tố nguy cơ và kịp điều trị sớm.
Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị đặc hiệu cho chứng quên do bệnh sa sút trí tuệ, quên sau tai biến mạch máu não, quên thông thường ở người lớn tuổi, quên do các bệnh trầm cảm, stress, Alzheimer... Alzheimer là bệnh đứng hàng đầu (chiếm 50-60%) trong các căn nguyên gây bệnh mất trí nhớ hiện nay. Một số thuốc có tác dụng duy trì trí nhớ và khả năng nhận thức dùng trong điều trị bệnh Alzheimer là các thuốc dinh dưỡng thần kinh, các thuốc tăng cường chuyển hóa, tuần hoàn não.
Vì vậy, đối với trường hợp của bác ngoài chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, thể dục đều đặn thì bác cần đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Người 50 tuổi nên uống sữa mỗi ngày



Sữa là một trong những thực phẩm có giá dinh dưỡng cao, dễ hấp thu, không chỉ thích hợp cho trẻ đang lớn mà còn cần thiết cho người lớn tuổi. Hãy điểm lại thông tin dinh dưỡng trong sữa dành cho tuổi trung niên, và lý do vì sao người từ 50 tuổi nên uống sữa mỗi ngày.
Sữa cung cấp nguồn đạm lỏng dễ hấp thu
Đặc điểm của đạm trong sữa là ở dạng lỏng dễ hấp thu và có giá trị sinh học cao, chứa tất cả các acid amin thiết yếu mà cơ thể chúng ta không tổng hợp được. Các acid amin thiết yếu này hỗ trợ cho hệ cơ chắc khỏe, ngăn ngừa tình trạng nhức mỏi cơ bắp, giúp tái tạo cơ bắp. Về giá trị của chất đạm trong sữa, 1 ly sữa (khoảng 250 ml) = 50g thịt = 50g cá = 1 quả trứng = 9 - 10g đạm. Mỗi ngày, nếu cân nặng trung bình 50kg, U50 sẽ cần khoảng 50g đạm. Như vậy uống 2 ly sữa (mỗi ly 230ml), người trung niên nhận được gần 1/2 các nhu cầu về đạm và các acid amin thiết yếu cho cơ thể.
Người 50 tuổi nên uống sữa mỗi ngày
Đa dạng vitamin và khoáng chất
Mỗi ngày, người trung niên cần khoảng 28 vitamin và khoáng chất để có thể ngăn chặn cơ thể mắc các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng , cải thiện và nâng cao sức khỏe. Để làm được điều này, lượng thực phẩm ăn vào phải cực kỳ đa dạng, tương đương với trên ba mươi loại khác nhau. Quả thực áp dụng chế độ ăn đáp ứng nhu cầu này không đơn giản chút nào. Đó là điểm khác biệt của sữa. Trong sữa hội tụ đa dạng vitamin và khoáng chất phù hợp với nhu cầu cơ thể như vitamin D, kali, phospho… Chính nguồn vi chất này khiến sữa đóng vai trò như một liều thuốc giảm căng thẳng, thư thái tinh thần giúp phục hồi thể lực nhanh.
Giàu acid béo tốt cho tim mạch, trí nhớ
Để phù hợp với nhu cầu năng lượng của độ tuổi U50, sữa dinh dưỡng đã loại bỏ hàm lượng acid béo no, không chứa Trans Fat (Acid béo chuyển đổi) và có hàm lượng cholesterol thấp rất có lợi cho chế độ ăn lành mạnh. Tuổi trung niên nên chọn sữa được bổ sung những dưỡng chất tốt cho tim mạch như hỗn hợp chất béo giàu PUFA, MUFA, cung cấp các acid béo thiết yếu linoleic và linolenic. Ngoài ra, một số chất như Cholin và Acid Oleic trong sữa sẽ giúp hỗ trợ trí nhớ và hoạt động hệ thần kinh của người tuổi U50.
Bổ sung chất xơ tốt cho tiêu hóa
Càng nhiều tuổi hoạt động co bóp, tiêu hoá thực phẩm càng giảm vì thế chế độ ăn giàu chất xơ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người trong độ tuổi U50 nên ăn nhiều rau, củ có màu sậm: khoảng 200 - 250g rau/ngày, ăn thêm hoa quả khoảng 150g/ngày nhằm cung cấp đủ chất xơ cũng như các vitamin và khoáng chất. Tương đương với hàm lượng này, U50 có thể dùng sữa dành cho tuổi trung niên được bổ sung thêm chất xơ FOS (fructo-oligosaccharides) kết hợp với chất xơ hòa tan giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và hoạt động tốt.

Có thể thấy, sữa chứa đầy đủ nguyên liệu cần thiết để cơ thể chúng ta xây dựng các tế bào mới khỏe mạnh, lại dễ hấp thu nên là thực phẩm lý tưởng cho người trung niên, đặc biệt là khi cần phục hồi sức khỏe. TS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng khẳng định: người trung nên uống sữa dành cho tuổi trung niên mỗi ngày để chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, làm chậm bước lão hóa, trong giai đoạn mà cơ thể hấp thu kém đi nhưng rất cần hấp thu dưỡng chất thông qua những thực phẩm chất lượng.


Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Một số rối loạn tâm lý thường gặp ở người cao tuổi



Hiện nay số lượng người cao tuổi ở Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo thống kê điều tra dân số năm 1999, có khoảng 6 triệu người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 8% dân số. Dự tính đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ lên khoảng 18%. Cùng với sự gia tăng các bệnh thực thể, các rối loạn tâm lý cũng là “bạn đồng hành” của những người cao tuổi. Các rối loạn tâm lý thường gặp là trầm cảm và lo âu. Các nghiên cứu quốc tế cho thấy rối loạn trầm cảm và lo âu gặp ở 25% bệnh nhân ở các cơ sở đa khoa. Một nghiên cứu mới đây tại Viện Lão khoa Việt Nam cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm kết hợp với lo âu ở các bệnh nhân cao tuổi nằm viện là rất cao, lên tới 40%.
Một số nguyên nhân thường gặp của rối loạn tâm lý ở người cao tuổi
Đầu tiên là các stress của việc tái thích nghi với hoàn cảnh sống mới, khi phải chuyển từ giai đoạn làm việc tích cực đến giai đoạn nghỉ hưu. Những người cao tuổi sau khi về hưu trải qua một loạt các biến đổi tâm lý quan trọng do nếp sinh hoạt thay đổi, các mối quan hệ xã hội bị hạn chế. Một số người trong số đó khó thích nghi được với giai đoạn khó khăn này nên mắc “hội chứng về hưu”, với tâm trạng buồn chán, mặc cảm, thiếu tự tin, dễ cáu gắt, nổi giận. Thứ hai là tâm lý tự nhiên của người cao tuổi là thường sợ ốm đau, bệnh tật, sợ chết. Như chúng ta biết, lão hóa là một quá trình tự nhiên không thể cưỡng lại được, làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với các yếu tố gây bệnh như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, các stress. Đây là mảnh đất “màu mỡ” để bệnh tật phát triển. Ngoài việc phải “thừa hưởng” những bệnh mạn tính từ giai đoạn trước đó của cuộc đời, người cao tuổi còn mắc thêm các bệnh khác nữa. Do vậy đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi là mắc nhiều bệnh cùng một lúc như tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, đái tháo đường, Alzheimer, Parkinson, các bệnh xương và khớp, bệnh phổi, phế quản, ung thư... Hậu quả là bệnh tật làm thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc tâm lý và nhân cách của người bệnh. Bệnh càng nặng, càng kéo dài thì sự biến đổi tâm lý càng trầm trọng.
Những người cao tuổi nào thường bị rối loạn tâm lý?
Về độ tuổi, có hai giai đoạn người cao tuổi hay bị rối loạn tâm lý, đó là độ tuổi từ 50-59 và tuổi trên 70. Các cụ bà thường mắc bệnh nhiều hơn các cụ ông. Những người có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng dễ bị mắc bệnh hơn. Những người bị mắc nhiều bệnh, kèm theo các chứng đau, phải nằm viện nhiều lần cũng dễ bị rối loạn tâm lý hơn.
Các hình thức rối loạn tâm lý ở người cao tuổi
Các rối loạn tâm lý ở người cao tuổi rất phong phú và đa dạng. Những biểu hiện nhẹ là khó chịu, lo lắng. Nặng hơn một chút là các biểu hiện rối loạn thần kinh chức năng, với các biểu hiện suy nhược cơ thể, lo âu, ám ảnh bệnh tật. Nặng hơn nữa có thể có các trạng thái rối loạn tâm thần, biểu hiện bằng các hội chứng hoang tưởng và rối loạn ý thức. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về rối loạn tâm thần ở bệnh viện đa khoa trên 25.000 bệnh nhân trên 14 quốc gia cho thấy 1/4 có rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm lý thường gặp nhất là lo âu. Lo âu có thể là biến chứng của điều trị hoặc xuất phát từ nhận định tiêu cực về tiên lượng bệnh của mình. Các biểu hiện lo âu thường rất đa dạng, phức tạp. Bệnh nhân cảm thấy sợ hãi, lo lắng về tương lai, dễ cáu, khó tập trung tư tưởng, căng thẳng vận động, bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau đầu, khô miệng, đánh trống ngực. Đôi khi người bệnh trải nghiệm cảm giác khiếp sợ, hoảng loạn, tuyệt vọng về bệnh tật, sợ chết. Bệnh nhân cũng có thể có các suy nghĩ ám ảnh như nghi bệnh, sợ bẩn... khiến phải rửa tay liên tục hay kiểm tra đi kiểm tra lại... Lo âu có thể kéo dài, gây trở ngại rõ rệt đến sinh hoạt, hoạt động nghề nghiệp, quan hệ xã hội của bệnh nhân. Rối loạn tâm lý khác cũng thường gặp là trầm cảm. Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy trong đời người, 13% người dân có cơn trầm cảm. Tuy nhiên người cao tuổi hay mắc chứng trầm cảm hơn. Ở người già, trầm cảm thường biểu hiện bằng sự lo lắng thái quá về sức khỏe, cảm giác buồn phiền, chán nản và mất niềm tin kéo dài. Những triệu chứng này thường kèm theo sự suy giảm nghị lực, mất tập trung, mất ngủ, chán ăn, khó ngủ và đi đến suy kiệt. Ngoài ra, họ còn có các biểu hiện khác như xa lánh vợ hoặc chồng, bạn thân, đau ốm liên miên, không hoạt bát, hay thất vọng, giảm trí nhớ, khó thích nghi với những thay đổi như việc chuyển chỗ ở hoặc những thay đổi trong nội bộ gia đình. Về mặt y khoa, trầm cảm là một rối loạn thuộc nhóm rối loạn khí sắc thể hiện sự ức chế của cảm xúc, tư duy và vận động. Người bệnh trải qua cảm xúc buồn rầu ủ rũ, nhìn sự vật xung quanh một cách bi quan ảm đạm. Bệnh nhân có tư duy chậm chạp, biểu hiện bằng suy nghĩ chậm chạp, liên tưởng không nhanh chóng, tự cho mình là thấp kém, có hoang tưởng bị tội, hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng nghi bệnh, có ý nghĩ và hành vi tự sát. Ngoài ra vận động cũng bị ức chế. Người bệnh ít hoạt động, ít nói, sững sờ, đờ đẫn, thường ngồi lâu một tư thế với nét mặt trầm ngâm suy nghĩ. Trầm cảm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cá nhân, gia đình, cũng như khả năng thực hiện các công việc xã hội, nghề nghiệp, nhiều trường hợp còn dẫn đến hành vi nguy hiểm cho bản thân và xung quanh như tự sát hoặc giết người rồi tự tử.
Tóm lại, trong cuộc sống hằng ngày các nhân viên y tế và người thân của bệnh nhân cần quan tâm nhiều hơn đến bệnh nhân để nhận biết và điều trị kịp thời rối loạn trầm cảm và lo âu ở người cao tuổi.
Luyện tập thể thao tăng cường sức khỏe là một biện pháp tránh trầm cảm của người cao tuổi.


Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Người già cũng phải chăm sóc da để tránh bị ngứa




Chúng ngúa da ỏ nguòi già, làm sao phòng tránh?

PGS.TS Nguyễn Duy Hưng, BV Da liễu T.Ư

Chứng ngứa da là một biểu hiện hay gặp ở người có tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người có tuổi. Chứng ngứa này hay gặp vào mùa hanh khô, mùa đông khi thời tiết khô lạnh, ít có điều kiện tắm thường xuyên.
Ngứa có thể khu trú hoặc lan rộng, có thể có thương tổn da hay chỉ có ngứa đơn thuần mà không có thương tổn da. Đó là chứng ngứa do da bị khô mà không có bệnh da. Trong trường hợp ngứa da như ông gặp phải, cần uống nhiều nước, ăn hoa quả, ăn nhiều rau.
Trong trường hợp khó bôi thuốc, có thể sử dụng các loại sữa tắm hoặc xà phòng có độ pH như của da và trong đó có kem dưỡng ẩm Ngoài ra, ông cũng nên bôi các kem dưỡng ẩm hàng ngày sau khi tắm rửa.


Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Sức khỏe tuổi 50 và những sự suy giảm đáng chú ý

Nhưng, nhiều người ở lứa tuổi 50 chưa thực sự nghĩ về sức khỏe bản thân, bởi họ cho rằng đây vẫn là tuổi cường tráng. Thực tế là mọi biến đổi trong nội tại cơ thể ở lứa tuổi này bắt đầu theo biểu đồ đi xuống, nghĩa là quá trình lão hóa bắt đầu tăng tốc. Để làm chậm quá trình lão hóa, cần chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Cơ thể con người của cả nam lẫn nữ đến năm 25 tuổi phát triển gần như hoàn chỉnh. Trong khoảng 20 năm tiếp theo, sự lão hóa đã bắt đầu diễn ra nhưng chậm, không đáng kể. Đến cột mốc tuổi 50, cơ thể bắt đầu có sự thoái hóa rõ rệt, thể hiện ở các cơ quan: da, tóc, xương khớp, cơ… cùng sự suy thoái của hệ nội tiết sinh dục với hoóc môn testosterone ở nam và oestrogen ở nữ.
Những thay đổi không mong muốn
Giảm khối cơ và sức cơ: từ sau 40 tuổi, cơ thể sẽ giảm 1% khối cơ mỗi năm. Nguyên nhân là tăng dị hóa protein, giảm đồng hóa protein từ đó dẫn đến tình trạng giảm khối cơ. Lúc đầu chỉ giảm khối cơ, kế đến là giảm cả khối cơ và sức cơ, nặng thì giảm luôn cả khả năng hoạt động. Suy giảm khối lượng cơ dẫn đến điều dễ nhận thấy, ở cả nam lẫn nữ là hiện tượng nhão sệ bắt đầu bộc lộ, cơ bắp giảm thay vào đó là lượng mỡ thừa tăng lên.
Tăng khối mỡ: từ sau tuổi 35, trung bình cơ thể tích lũy khoảng 0,7kg chất béo mỗi năm. Chất béo tăng - hệ cơ giảm sút, khoảng 200g khối cơ/ năm. Cơ là dạng mô rất năng động, 500g cơ có thể tiêu hao 35 calo/ngày chỉ với nhiệm vụ giúp cơ thể tồn tại. Chất béo là “trọng lượng chết” vì 500g chất béo chỉ tiêu hao có 2 calo/ngày. Điều này lý giải vì sao người lớn tuổi có khuynh hướng thừa cân, béo phì.
Giảm khối xương: khi còn trẻ, tốc độ tạo xương lớn hơn tốc độ huy động chất khoáng từ xương. Sự tạo xương thường đạt tới đỉnh điểm ở khoảng 30 tuổi. Sau thời kỳ này quá trình phân hủy cấu trúc xương cũ diễn ra mạnh hơn quá trình tạo mô xương mới làm mất dần cấu trúc xương. Mỗi năm giảm từ 0,5% - 2% xương xốp và 1% xương chắc.
Giảm trí nhớ: số lượng tế bào não trung bình của mỗi người là khoảng 100 tỉ nơron và bắt đầu giảm đi từ tuổi 20. Khi 50 tuổi, mỗi ngày có khoảng 10.000 nơron lão hóa dẫn đến hội chứng suy giảm trí nhớ... Trong các tế bào não có loại tế bào thần kinh có tên là Purkinje là cấu trúc cơ bản của tiểu não bị thoái triển theo thời gian, đến tuổi già sẽ xuất hiện run, động tác kém chính xác thường xuất hiện cùng lúc với sự suy giảm trí nhớ.
Theo PGS. TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM), ở người tuổi 50 trở lên, mạch máu não cũng có nhiều thay đổi và xơ mỡ động mạch gây ra những biểu hiện thiếu máu đến nuôi não cũng góp phần làm tiến triển nhanh hơn sự suy giảm trí nhớ. Lưu lượng máu qua não bình thường khoảng 750 - 1.000ml/phút, tức là khoảng 50 - 52ml/100g não/phút; khi dưới 30ml/phút sẽ bị thiếu máu não cục bộ.
Hệ tiêu hóa kém dần: tương tự như các cơ quan khác, hệ tiêu hóa của người từ sau 50 tuổi cũng suy giảm nhưng khó nhận biết hơn. Bác sĩ CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư (Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) cho biết, từ sau 50 tuổi bắt đầu xuất hiện tình trạng giảm vị giác nên ăn kém ngon. Cơ quan tiêu hóa cũng hoạt động kém đi: sức nhai giảm, dịch vị giảm và lượng men tiêu hóa cũng giảm dẫn đến kém hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn. Nhu động của ruột giảm dễ gây táo bón.
Làm gì để khắc phục?
Điều đầu tiên các thầy thuốc khuyên người ở lứa tuổi này: tiếp tục sống lạc quan yêu đời, chấp nhận quy luật của tuổi tác. Đây là quãng thời gian có thể thực hiện những chuyến du lịch dài ngày, thư giãn bên con cháu, hoặc tham gia các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, yoga…
Tuy về mặt sinh lý, sự lão hóa là điều tất yếu, nhưng ở khía cạnh khác, chúng ta vẫn có thể tác động để duy trì sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và hạn chế bệnh tật nguy hiểm khi về già, đó chính là chăm sóc sức khỏe chủ động, hướng đến phòng ngừa hơn điều trị.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: huyết áp, xét nghiệm cholesterol, triglyceride và đường máu, đo tỉ trọng xương, chụp tuyến vú ở nữ, xét nghiệm TSH trong máu (hoóc - môn kích thích bài tiết hoóc - môn giáp trạng)… để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị trong giai đoạn sớm.
- Rèn luyện thể lực với các hoạt động phù hợp như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp, yoga…
- Sống lành mạnh: luôn giữ trạng thái vui vẻ lạc quan, không rượu bia, thuốc lá.
- Chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng hằng ngày với nguyên tắc đầy đủ và cân đối, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch.
Bằng sự chăm sóc sức khỏe từ sớm bao gồm chế độ ăn uống có lợi cho sức khoẻ, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc sẽ giúp chúng ta làm giảm tác động của quá trình lão hóa lên cuộc sống.
Vẫn tiếp tục sống lạc quan yêu đời, chấp nhận quy luật của tuổi tác
Vẫn tiếp tục sống lạc quan yêu đời, chấp nhận quy luật của tuổi tác
Nếu bạn gặp 1 trong những dấu hiệu sau có thể bạn đang bị suy giảm sức khỏe:
- Hay cảm giác mệt mỏi trong người.
- Giảm sức nắm.
- Giảm các hoạt động thể lực, giảm tốc độ đi bộ.
- Cảm giác khó thở khi .gắng sức: leo cầu thang, lên dốc, khiêng vật nặng.
- Ăn uống khó tiêu,
chán ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa.
- Đau nhức các vùng cơ xương khớp, đau lưng.
- Thỉnh thoảng có những cơn đau thắt vùng ngực.
- Nhức đầu, chóng mặt, trí nhớ suy giảm.
- Hay bị cảm lạnh, ho khi thay đổi thời tiết.

- Sụt cân không chủ ý.


Người tuổi 50: ăn sao cho đúng?

Nhiều người quan niệm: tuổi 50 không cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, vì cơ thể không đòi hỏi nhiều năng lượng. Do vậy, họ có thói quen ăn uống tự do, ăn miễn sao thấy no mà không quan tâm đến thành phần dinh dưỡng bữa ăn nên hay bị thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng.
Những sai lầm
Việc ăn uống ở người tuổi 50 không đơn giản là chỉ ăn vừa no. Đơn cử: bắt đầu từ lứa tuổi 50, lượng cơ suy giảm ngày càng rõ rệt. Tuổi các lớn, lượng cơ càng mất đi. Protein là thành phần chính của cơ, cần cho duy trì khối cơ. Protein chất lượng cao giúp đáp ứng nhu cầu protein của người lớn. Tuy nhiên, hầu hết người cao tuổi ăn không đủ protein, dẫn đến giảm dự trữ cơ, giảm miễn dịch, tăng tổn thương da. Cung cấp thêm hơn 0,8g/kg/ ngày cho cơ thể giúp tăng đồng hóa protein cơ, ngừa mất khối cơ, cải thiện tình trạng mất sức ở người lớn tuổi.
Một số người dù đã 50 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen ăn uống tự do, nghĩa là ăn theo sở thích, ăn mặn nhiều, ngọt nhiều, ăn nhiều chất béo từ động vật… Những cách ăn uống này có thể dẫn đến mập phì, bệnh cao huyết áp, bệnh mỡ máu và những bệnh rối loạn chuyển hóa khác.
Ít người biết cách bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm thay thế khi cần. Sau những đợt bệnh ăn uống kém, hoặc sau thời gian dài mệt mỏi chán ăn dễ dẫn đến sụt cân, suy giảm sức khỏe.
Các nguyên tắc ăn uồng để khỏe
Theo BS. CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư (Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), để người tuổi 50 giữ gìn sức khỏe, làm chậm lại các nguy cơ lão hóa, mau chóng lấy lại sức khỏe, cần lưu ý các nguyên tắc sau:
Đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể hàng ngày:
Phụ nữ: không hoạt động thể lực cần khoảng 1.600kcal, hoạt động thể lực nhẹ cần 1.800kcal, có lối sống tích cực cần khoảng 2.000 - 2.200kcal.
Nam giới: không hoạt động thể lực cần khoảng 2.000kcal, hoạt động thể lực nhẹ cần 2.200 - 2.400kcal, có lối sống tích cực cần khoảng 2.400 - 2.800kcal.
Ăn đầy đủ, cân đối, đa dạng 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất:
Chất đạm: Nguồn chất đạm có thể lấy từ: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ... Phân bố đạm đồng đều trong các cữ ăn sẽ giúp tổng hợp protein ở mức tối ưu. Nhu cầu chất đạm: 1 - 1,2g/kg/ngày (chung), 1,2-1,5g/kg/ngày (nếu có bệnh cấp, mạn, trừ bệnh thận mãn chưa lọc thận), 2g/kg/ngày (nếu có bệnh nặng, chấn thương).
Chất béo: chiếm 20% - 30% tổng năng lượng, cần hạn chế các loại chất béono (có trong mỡ, da, phủ tạng động vật và chất béo transfat, trong những thực phẩm dùng dầu chiên qua chiên lại nhiều lần như: gà rán, khoai tây chiên…) và tăng cường các chất béo không no một nối đôi như Omega 3, Omega 6. Nên ăn ít nhất 3 lần cá mỗi tuần, ưu tiên những loại cá biển sâu như: cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá mũi kiếm... là nguồn cung cấp acid béo Omega 3 dồi dào tốt cho hệ tim mạch. Omega 6 có nhiều trong những loại dầu thực vật như: dầu hướng dương, dầu nành, dầu mè…
Chất bột đường: chiếm 50 - 60% tổng năng lượng. Nên dùng ít nhất phân nửa phần ngũ cốc là nguyên vỏ, nguyên hạt như các loại đậu đỗ, gạo lứt còn cám, các loại khoai, bắp…
Vitamin và khoáng chất: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi: để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Đây còn là nguồn cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trung bình người từ tuổi 50 cần khoảng 300 - 400g rau xanh, 200 - 300g trái cây mỗi ngày.
Uống thêm sữa giàu vitamin và khoáng chất mỗi ngày:
Ở Việt Nam, tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi ở mức 20% - 40% tùy vùng, đặc biệt thiếu hụt vi chất. Để đảm bảo vi chất cần thiết, ngoài việc khẩu phần ăn mỗi ngày phải đủ 4 nhóm chất cơ bản còn phải có ít nhất 15 loại thực phẩm. Điều này khó thực hiện đối với người sau 50. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên rằng từ sau 50 tuổi cần phải uống sữa bổ sung dinh dưỡng, ưu tiên loại sữa giàu vitamin và khoáng chất tương đương 2 ly sữa mỗi ngày. TS. BS. Lưu Ngân Tâm (Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, các loại acid amin thiết yếu và không thiết yếu là những loại acid amin dễ tiêu hóa, dễ hấp thu sẽ thúc đẩy tổng hợp protein, làm tăng sức cơ, tăng phục hồi thể lực, cải thiện chất lượng cơ cho người lớn tuổi. Do vậy, việc uống sữa mỗi ngày giúp người lớn tuổi bù đắp các thiếu hụt dinh dưỡng, duy trì sức khỏe và tăng sức đề kháng.
Lời khuyên về dinh dưỡng:
Duy trì cân nặng nên có
(theo BMI).
Áp dụng tháp dinh dưỡng trong lựa chọn thực phẩm.
Ăn đa dạng các loại ngũ cốc, đạc biệt chú ý ngũ cốc
nguyên hạt.
Ăn nhiều trái cây và rau xanh hằng ngày.
Đảm bảo an toàn thực phẩm.
Khẩu phần ăn ít cholesterol và chất béo bão hòa.
Chọn thực phẩm và đồ uống có ít đường.
Ít muối.
Hạn chế uống đồ uống có cồn và chất kích thích.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, cần tập luyện thể lực hàng ngày, vừa sức.
(TS.BS. Từ Ngữ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam)
Tháp Dinh dưỡng
Người tuổi 50: ăn sao cho đúng?
Các nhà khoa học dinh dưỡng đã xây dựng tháp dinh dưỡng để mọi người dễ dàng áp dụng, gồm 7 phần: ngũ cốc, rau củ, quả, thịt cá trứng…, dầu mỡ, đường và muối. Theo TS. BS. Từ Ngữ, người tuổi 50 có thể dựa vào tháp này để có sức khỏe tốt, nhưng mỗi người tùy sức khỏe và thể trạng của mình để điều chỉnh và áp dụng theo lời khuyên ở trên.
Theo chiều từ đỉnh tháp xuống đến đáy tháp dinh dưỡng thì các nhóm thực phẩm được khuyên ăn với số lượng từ ít đến nhiều.
Đỉnh tháp là nhóm thực phẩm mà bạn nên ăn hạn chế, vì nếu ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe (ví dụ như muối, đường…).

Càng xuống phía dưới tháp thì lượng thực phẩm tiêu thụ càng tăng lên ở mức độ nhất định (ví dụ 12kg lương thực cho 1 người trong 1 tháng).

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons