Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Ðề phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu do u xơ

Nếu như phụ nữ từ tuổi trung niên trở lên hay gặp các viêm nhiễm về phụ khoa thì nam giới trong độ tuổi này lại có “nỗi khổ” riêng, đó là các vấn đề do u xơ tuyến tiền liệt (UXTTL) gây ra, trong đó có nhiễm khuẩn tiết niệu.
Thế nào là UXTTL?
UXTTL (hay còn gọi là u phì đại lành tính tuyến tiền liệt) là từ dùng để chỉ một quá trình phì đại của tuyến tiền liệt (TTL) do quá sản của các tế bào tuyến, tế bào đệm. Quá trình phì đại này có tính chất lành tính, phát triển nhanh từ tuổi 40 trở đi. Người ta ước tính có khoảng 50% đàn ông tuổi 60 có TTL quá phát và tỷ lệ này là 90% ở tuổi 70 hoặc 80. Vì vậy có thể nói, UXTTL là bệnh của người già.
Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng quá phát, phì đại của TTL cho tới nay vẫn chưa được biết rõ. Có nhiều giả thiết được đưa ra như vai trò của tinh hoàn trong việc tiết ra hormon testosterol, testosterol tăng cao trong máu có tính chất ức chế sinh một hormon khác là estrogen. Về già, lượng testosterol suy giảm dẫn đến tăng estrogen và chất này có khả năng kích thích các tế bào TTL tăng sinh... 
Ðề phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu do u xơ 1
 Tuyến tiền liệt bình thường (trái) và tuyến tiền liệt phì đại (phải). Tuyến tiền liệt phì đại chèn ép ngay cổ bàng quang gây ra ứ nước tiểu trong bàng quang.
Tại sao UXTTL hay gây nhiễm khuẩn tiết niệu?
Bình thường, nước tiểu từ bàng quang được đào thải dễ dàng ra ngoài qua niệu đạo. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ gây chèn ép ngay cổ bàng quang, chỗ đi ra của nước tiểu khiến cho dòng nước tiểu bị cản trở, bệnh nhân đi tiểu không thành dòng (nước tiểu chỉ rỉ qua miệng sáo) và gây ra ứ nước tiểu trong bàng quang. Mặt khác, khối u TTL khi phát triển to ra, gây chèn ép, kích thích liên tục vào thành bàng quang khiến cho bệnh nhân luôn có cảm giác buồn tiểu, bàng quang bị kích thích nhiều quá sẽ dẫn đến hiện tượng “liệt” điều này càng làm cho lượng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang. Nước tiểu ứ đọng sẽ là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn. Khi nhiễm khuẩn xảy ra lại gây phù nề, bít tắc thêm đường tiết niệu và hình thành một vòng xoắn bệnh lý.
Biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu do UXTTL
Ở bệnh nhân bị UXTTL thường có các triệu chứng như đái khó: bệnh nhân phải rặn nhiều, nước tiểu đi không thành tia, chỉ đi ít một, nhỏ giọt hoặc chỉ rỉ ra ngay miệng sáo. Nhiều trường hợp tắc hẳn khiến bệnh nhân không thể đi tiểu được. Lúc nào bệnh nhân cũng có cảm giác buồn tiểu, phải đi rất nhiều lần, nhất là về đêm.
Khi có nhiễm khuẩn xảy ra, bệnh nhân sẽ thấy đi tiểu khó hơn, đi tiểu buốt, đau miệng sáo hoặc đau lan lên hai bên thắt lưng nếu có nhiễm khuẩn lên đài bể thận. Nước tiểu đục bẩn, có thể có mủ hoặc máu. Sốt cao rét run là triệu chứng báo hiệu của nhiễm khuẩn tiết niệu. Làm xét nghiệm có thể thấy nhiều hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu và bạch cầu máu tăng cao. Cấy máu hoặc nước tiểu tìm chủng vi khuẩn hay gặp như các vi khuẩn gram âm...
Nhiễm khuẩn có thể gây nhiều biến chứng như làm nặng thêm tình trạng tắc nghẽn khiến bệnh nhân khó đi tiểu hơn, gây tiểu buốt, gây viêm nhiễm lan rộng tới niệu quản, đài bể thận và đôi khi gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hết sức nguy hiểm.
Điều trị nhiễm khuẩn do UXTTL bao gồm cho các loại kháng sinh như ciprofloxacin, amikacin, amoxicillin, azithromycine... kèm theo các thuốc sát khuẩn đường tiết niệu (xanh methylene...). Nhưng vấn đề cơ bản là phải giải quyết vấn đề tắc nghẽn, làm thông thoáng đường tiểu như cho các thuốc chống viêm, thuốc điều trị UXTTL và khi cần, phải phẫu thuật (nội soi hoặc mổ mở) để lấy bỏ khối u gây chèn ép.
Phòng bệnh là cách tốt nhất
Vì nhiễm khuẩn đường tiết niệu là do khối u phì đại gây tắc nghẽn nên việc dự phòng tốt nhất là... điều trị tốt khối u bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Bên cạnh đó, một số biện pháp dự phòng nhiễm khuẩn cũng có thể được áp dụng như tập đi tiểu theo giờ, đi tiểu chậm để lượng nước tiểu ra hết, vật lý trị liêu xoa bóp vùng bàng quang, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ... để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng. Bệnh nhân bị UXTTL đã có dấu hiệu tiểu khó cũng không nên uống nhiều nước, không uống rượu bia, chè, cà phê hoặc các chất lợi tiểu khác để tránh đi tiểu quá nhiều.
TS. BS. Vũ Đức Định

Chăm sóc người bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là một chứng mất trí, gặp khá nhiều trong cộng đồng. Alzheimer thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi, nhưng có thể xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hơn.
Nguyên nhân dẫn đến Alzheimer
Bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1906 bởi bác sĩ tinh thần kinh, người Đức, Alois Alzheimer. Ông đã chỉ ra căn bệnh này mang tính thoái hóa thần kinh, không thể chữa được, và có khả năng gây tử vong. Vì vậy, căn bệnh này được đặt theo tên ông là Alzheimer. Sau đó ít lâu, người ta cho rằng Alzheimer xuất hiện là do giảm tổng hợp của chất truyền đạt thần kinh acetylcholin (gọi là thuyết Acetylcholic). Tuy nhiên, giả thuyết này gần đây đã không được sự ủng hộ nhiều, bởi vì các thuốc dùng để điều trị thiếu hụt chất acetylcholine thực sự không có hiệu quả đối với bệnh nhân. Thay vào đó là các hiệu ứng liên quan đến hệ thống truyền đạt thần kinh bằng acetylcholin khác cũng được đề xuất, như việc tích tụ số lượng lớn các amyloid, dẫn đến việc viêm thần kinh lan dần. Đó là giả thuyết amyloid. Giả thuyết này cho rằng cho rằng Alzheimer là do sự tích tụ của amyloid beta (Abeta), nguyên nhân cơ bản của bệnh. Đồng thời, sự đột biến gen APOE4 (một yếu tố nguy cơ di truyền của bệnh Alzheimer) gây ra việc tích tụ quá nhiều amyloid trong não trước khi có các biểu hiện của bệnh Alzheimer xuất hiện. Tuy vậy, cho đến nay khoa học vẫn chưa biết một cách chính xác về nguyên nhân và tiến triển của bệnh Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy căn bệnh này có liên quan với các mảng và đám rối trong não. 
Chăm sóc người bệnh Alzheimer 1Người cao tuổi cần tích cực tham gia tập luyện

Các phương pháp điều trị hiện tại chỉ giúp giảm một phần nhỏ triệu chứng bệnh, chưa có phương pháp trị liệu nào có thể ngăn chặn hoặc làm chậm tiến triển của bệnh. Các nhà khoa học xác định rằng Alzheimer là một bệnh lý hết sức phức tạp và chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố di truyền và có khoảng 0,1% là do di truyền gen trội và thường bắt đầu mắc bệnh trước tuổi 65. Hoặc do có một số bệnh liên kết lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer như cholesterol máu cao, bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, nghiện thuốc lá hoặc bị strees liên tục. Cũng có ý kiến cho rằng yếu tố môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện Alzheimer, bởi vì người ta đã phát hiện ở một số bệnh nhân Alzheimer có lắng đọng nhôm trong não.
Tuy vậy, thống kê cho thấy đa số các trường hợp bị bệnh Alzheimer đều là ngẫu nhiên. Ngày nay, các nhà nghiên cứu về thần kinh học cho rằng sự xuất hiện bệnh Alzheimer là do mất dần nơron và synap thần kinh trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ não. Sự mất dần các tổ chức thần kinh trung ương này sẽ dẫn đến thoái hóa thùy thái dương, thùy đỉnh, một phần của thùy trán và hồi đai dẫn đến suy giảm trí nhớ không hồi phục. Các kết luận đưa ra là dựa vào kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Như vậy, Alzheimer là một bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi, thường khởi phát chủ yếu ở người cao tuổi (ở lứa tuổi trên 65).
Biểu hiện của Alzheimer
Bệnh Alzheimer thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi, nhưng đôi khi (hiếm) cũng thấy ở bệnh nhân dưới 40. Mặc dù ở các lứa tuổi khác nhau nhưng lại có triệu chứng lâm sàng giống nhau là mất trí nhớ rất khó hồi phục. Tuy vậy, theo thống kê thì tỉ lệ bị Alzheimer tăng dần theo tuổi tác, có khoảng 1 - 2% ở lứa tuổi 65, khoảng 5% ở tuổi từ 80 trở lên. Và ở độ tuổi 90, có tới 50% trong số họ thì ít nhiều cũng có vài triệu chứng của Alzheimer. Phụ nữ bị nhiều hơn nam giới, một phần vì giới nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới.
Bệnh biểu hiện lúc đầu thường quên, rõ nhất là quên tên những người thân trong gia đình mà hàng ngày gặp mặt, lúc nhớ, lúc quên, dần dần quên hẳn (vợ, chồng, con, cháu...) và cuối cùng có thể quên luôn cả tên mình. Sự biểu hiện của quên còn thể hiện ở nhiều sự việc hàng ngày như để quên đồ đạc, ví đựng tiền, kính hoặc vừa gọi điện cho bạn bè, người thân xong lại gọi lại. Dần dần theo năm tháng thì mất trí nhớ là rất điển hình và càng ngày càng nặng thêm, thậm chí “ăn rồi, bảo chưa”, quên ngày tháng, ra đường không biết đường về nhà mình. Rối loạn ngôn ngữ cũng bắt đầu xuất hiện, khó phát âm hoặc vừa nói xong nhưng không hiểu mình vừa nói những gì. Các động tác vận động bình thường bị rối loạn như không mặc được quần áo hoặc mặc rất khó khăn, tay run, đi lại khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến công việc cá nhân hàng ngày (vệ sinh cá nhân, ăn uống) và hay  bị chuột rút (vọp bẻ). Càng ngày càng thấy xuất hiện rối loạn nhận thức, mất dần khả năng tính toán đơn giản.
Ở một số người bệnh có thể có biểu hiện trầm cảm (khoảng 25%) nhưng không ổn định (lúc có, lúc không) và có khoảng 10% người bệnh có triệu chứng loạn thần (hoang tưởng). Nếu có điều kiện chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) não sẽ có hình ảnh teo não lan tỏa suy thoái thùy thái dương, thùy đỉnh và một phần thùy trán. Hậu quả của Alzheimer là  thoái hóa các khối cơ, nhất là cơ vận động dẫn đến người bệnh phải nằm liệt giường và mất mọi khả năng tự chăm sóc mình ngay cả việc tự ăn, uống. Người bệnh Alzheimer sau đó thường có các biến chứng bởi các tác nhân bên ngoài như: nhiễm trùng các vết loét do nằm lâu ngày hoặc viêm phổi... 
Chăm sóc bệnh nhân Alzheimer 
Cho đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị dứt điểm Alzheiner và cũng chưa có biện pháp hữu hiệu nào nhằm ngăn chặn sự xuất hiện hoặc ngăn chặn sự tiến triển bệnh một cách hữu hiệu nhất. Vì vậy, việc dùng thuốc để hỗ trợ cũng như sự chăm sóc người bệnh tại gia đình là hết sức quan trọng. Đề phòng Alzheimer thì cần tạo cho người cao tuổi một chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý. Người cao tuổi cần tích cực tham gia tập luyện thân thể như đi bộ, bơi, chơi thể thao (cầu lông, đánh cờ…) và tham gia câu lạc bộ dành cho người cao tuổi. Hàng ngày nên đọc sách, báo, truyện hoặc xem TV, nghe radio… để luyện tập trí não.
Do người Alzheimer ăn uống hạn chế cho nên gia đình cần hỗ trợ để người bệnh ăn đủ số lượng và chế độ dinh dưỡng cần đủ chất, ví dụ các loại thực phẩm cần nghiền nát hoặc thái nhỏ tạo điều kiện cho người bệnh để ăn, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Cần  vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân để tránh mắc thêm các bệnh khác làm trầm trọng thêm bệnh Alzheimer. Cần điều trị các bệnh kết hợp như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường. Kiêng rượu bia và không hút thuốc.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Chứng suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ là bệnh diễn ra khá phổ biến hiện nay, đặc biệt đối với những người cao tuổi (NCT)  do sự lão hóa của các tế bào thần kinh, do môi trường sống, stress, rối loạn giấc ngủ... Suy giảm trí nhớ biểu hiện bằng việc hay quên đơn thuần do tuổi tác, nhưng cũng có thể là biểu hiện ban đầu của sa sút trí tuệ là một bệnh do thoái hóa não tiến triển dẫn đến mất trí nhớ và có thể tử vong.
Quá trình phát triển của hệ thần kinh khi đến tuổi chuyển tiếp (49 - 53) là bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bệnh của các cơ quan chức năng, trong đó chức năng chung của tế bào thần kinh bị suy giảm. Xuất phát từ sự lão hóa của các tế bào thần kinh dẫn tới rối loạn các phản xạ, nhất là các phản xạ có điều kiện qua các hoạt động tâm lý như chậm chạp, trí nhớ suy giảm, xuất hiện tình trạng run, động tác kém chính xác.
Chứng suy giảm trí nhớ 1Tạo cho người cao tuổi môi trường sống yên tĩnh, giữ cho không khí gia đình thoải mái để duy trì và tăng cường trí nhớ
Suy giảm trí nhớ do tuổi
- Trí nhớ là sự lưu trữ thông tin trong hệ thống thần kinh trung ương, từ việc ghi nhận thông tin, lưu trữ thông tin cho đến tìm kiếm, truy xuất thông tin mà quá trình phát triển của hệ thần kinh bắt đầu từ trong phôi thai và hoàn chỉnh khi trưởng thành. Do đó, khi càng lớn tuổi, cơ thể càng ít tạo ra các chất trung gian cần thiết cho não hoạt động cho nên trí nhớ giảm đi cùng với sự tăng lên của tuổi tác. Sự suy giảm này chủ yếu là suy giảm về trí nhớ công việc, sự đãng trí, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng giữ ý nghĩ lâu dài như quên ngay một việc mình định làm, không nhớ vị trí để đồ vật mình vừa đặt xuống, thường xuyên phải tìm kiếm đồ dùng cá nhân như mũ, chìa khóa, quên hoặc khó nhớ tên người mới gặp.
- Do quá trình lão hóa tạo ra những thay đổi tại vỏ não mà trước hết là những biểu hiện của quá trình thoái hóa ở vỏ não, teo vỏ não ở các vùng khác nhau với những mức độ khác nhau.
- Bình thường, lưu lượng máu qua não vào khoảng 750 - 1.000ml trong một phút, tương đương khoảng 50ml/100g não/phút nhưng ở NCT do các mạch máu não có nhiều thay đổi và nhất là do xơ mỡ động mạch nên đến thiếu máu nuôi não, từ đó làm cho suy giảm trí nhớ tiến triển nhanh hơn.
Suy giảm trí nhớ là tiến triển tự nhiên trong quá trình lão hóa vừa do tình trạng lão hóa ở tế bào não, thoái hóa não, teo não, vừa do tình trạng thiếu máu đến nuôi não tức là tình trạng giảm tưới máu não.
Suy giảm trí nhớ do giảm tưới máu não lâu dài
NCT do quá trình lão hóa của tế bào thần kinh nên bị giảm sút quá trình hưng phấn - ức chế cho nên rất dễ thay đổi tính tình và trở nên khó tính, dễ bị kích động, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ...
Bên cạnh đó còn bị suy giảm khả năng tư duy, tập trung tư tưởng, chậm hiểu, hay quên, quên những chuyện mới xảy ra nhưng lại nhớ những chuyện thời xa xưa.
Ngoài ra, suy giảm trí nhớ còn có thể do các nguyên nhân như: rối loạn tâm thần, nhức đầu, chóng mặt sau khi suy nghĩ nhiều, chứng Parkinson.
Suy giảm trí nhớ do bệnh lý
Các bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương cũng làm cho NCT bị suy giảm trí nhớ như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, viêm não, rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, stress, nghiện rượu, lạm dụng thuốc ngủ...
Trong trường hợp này suy giảm trí nhớ có những biểu hiện sau:
- Quên cách sử dụng đã từng dùng rất thường xuyên.
- Quên những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn tiếp nhận và duy trì được khả năng nhớ những thông tin mới.
- Hay lặp lại một câu hay một câu chuyện trong cùng một buổi trò chuyện.
Suy giảm trí nhớ do tuổi là một tiến trình tự nhiên của sự lão hóa nên chưa cần thiết phải điều trị bằng thuốc mà chỉ cần áp dụng tích cực các biện pháp điều trị không dùng thuốc, như: phải thường xuyên hoạt động trí não, sống trật tự, có phương pháp, việc nào ra việc ấy, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ, liệt kê danh sách các công việc cần phải làm, lập thời gian biểu cho công việc hằng ngày, làm theo thời gian biểu công việc đã lập, đề ra những mục quan trọng cần chú ý thực hiện...
Khi xác định suy giảm trí nhớ do bệnh lý mới cần thiết điều trị nhưng phải theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Nếu phát hiện sớm điều trị kịp thời vẫn có thể khỏi hoặc làm cho quá trình tiến triển của bệnh chậm lại. Do đó, khi trong gia đình có người cao tuổi cần hết sức quan tâm đến sức khỏe tâm thần vì nếu khi thấy người cao tuổi có biểu hiện hay quên cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám xác định nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ để điều trị kịp thời.
 BS. HỒ VĂN CƯNG

Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng ngừa suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cần thực hiện những biện pháp sau:
- Tạo cho người cao tuổi môi trường sống yên tĩnh, giữ cho không khí gia đình thoải mái để duy trì và tăng cường trí nhớ.
- Cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp với thức ăn giàu chất sắt và các nguyên tố vi lượng cần thiết như phốtpho, kẽm, vitamin nhóm B, các loại dầu thực vật.
- Hạn chế uống rượu, bia vì chúng có thể thúc đẩy nhanh quá trình suy giảm trí nhớ, thậm chí mất trí nhớ ở người cao tuổi.
- Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn, tập luyện hợp lý, hài hòa.
- Tránh những căng thẳng, lo lắng.

Cẩn trọng với tăng acid uric máu

Tăng acid uric máu trong cộng đồng khá phổ biến. Nếu cách đây 2 thập niên, tình trạng tăng acid uric ở người Việt Nam ước tính chỉ 1 - 2% thì hiện nay, tỷ lệ đó đã tăng lên rất nhiều. Ngoài bệnh gút, chứng tăng acid uric máu còn thấy ở một số bệnh khác mà đa số gặp ở người cao tuổi (NCT).  
NCT tăng acid uric máu do đâu?
Tăng axit uric máu là do rối loạn chuyển hóa purin, gặp chủ yếu ở người trưởng thành, nhưng NCT chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Axit uric được tạo ra trong quá trình chuyển hóa các axit nhân của mọi tế bào trong cơ thể và được đào thải ra ngoài chủ yếu qua nước tiểu. Ở người bình thường, hai quá trình tạo ra và đào thải acid uric luôn luôn được cân bằng. Vì một lý do nào đó, đặc biệt ở NCT, quá trình chuyển hóa nhân purine bị rối loạn sẽ gây tăng acid uric trong máu. Hai hiện tượng: tăng thu nhận purin hoặc giảm bài xuất acid uric hoặc cả hai xảy ra song song ở trong máu đều dẫn đến tăng acid uric. Có 2 yếu tố thuận lợi dẫn đến điều này: Một là di truyền, ở những đối tượng có thể tạng dễ bị rối loạn chức năng phóng thích acid uric qua đường tiểu do có các bất thường về enzym chuyển hóa (chiếm tỷ lệ khoảng 1%); Hai là môi trường, phổ biến nhất là việc ăn, uống quá nhiều chất đạm có nhân purin có trong cơ thể động vật (thịt thú rừng, da gà, lòng, giò heo, nạm bò, tim, gan, thận, não, xúc xích, lạp xường), hải, thủy sản (lươn, cá mòi, cá nục) hoặc uống nhiều bia, rượu (trừ rượu vang). Yếu tố này chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 90%). Khởi phát thường do uống quá nhiều rượu, ăn nhiều phủ tạng động vật hoặc thủy, hải sản. Thực chất thì nhân purin có trong các loại thực phẩm không trực tiếp gây hại mà chỉ trở thành độc chất khi chúng đi cùng với mỡ động vật, bởi vì chất béo làm cản trở bài xuất axít béo. Hai yếu tố làm giảm sự bài xuất acid uric - đó là uống ít nước (không đủ 1,5 lít/ngày) và nhịn tiểu (với nhiều lý do khác nhau). Hai yếu tố này thường gặp ở NCT vì họ lười hoặc ngại uống nước do lo sợ đi tiểu nhiều, nhất là ban đêm, gây mất ngủ  và cũng vì vậy, họ thường nhịn tiểu. Càng nhịn tiểu, càng uống ít nước thì acid uric máu càng tăng. Do đó, một số người dù không ăn các loại thực phẩm chứa purin nhưng vẫn có chứng tăng acid uric máu. Ngoài ra, ở một số người có chỉ số acid uric máu tăng nhưng chưa rõ nguyên nhân như người bị bệnh tăng huyết áp, bệnh cường chức năng tuyến cận giáp hoặc có một số thuốc làm tăng acid uric máu (cyclosporin, pyrazinamid, ethambutol, liều thấp aspirin) hoặc ở người bị bệnh thận do nhiễm độc chì. 
Cẩn trọng với tăng acid uric máu 1Tăng acid uric máu gây bệnh gut.
Acid uric máu khi tăng cao gây tác hại gì?
Ở cơ thể người bình thường, sự chuyển hóa các chất có nhân purin tạo ra một lượng acid uric có tính chất hằng định ở trong máu (nam giới từ 180 - 420mmol/l, nữ giới từ 150 - 360mmol/l). Khi chỉ số acid uric máu tăng cao hơn bình thường được gọi là tăng acid uric máu. Như vậy, chứng tăng acid uric máu là do rối loạn chuyển hóa gây ra. Đứng hàng đầu trong chứng tăng acid uric máu là người đã và đang mắc bệnh gút. Khi bị bệnh gút thì chắc chắn có acid uric trong máu tăng. Tuy vậy, khi xét nghiệm thấy acid uric máu tăng thì chưa chắc là mắc bệnh gút (tất nhiên ngoài acid uric tăng thì bệnh gút còn có các triệu chứng khác, rất điển hình). Một số bệnh liên quan đến tăng acid uric máu như bệnh sỏi thận, suy thận mạn, bệnh đa u tủy xương, thiếu máu tan máu, bệnh bạch cầu (leucemia), dùng hóa chất gây độc tế bào trong điều trị bệnh ung thư, một số người tăng huyết áp hoặc bệnh đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu. Tăng acid uric máu gây bất lợi cho sức khỏe nhưng với NCT thì càng bất lợi hơn, vì khi tăng acid uric máu, nếu chúng kết tủa và lắng đọng ở tim, mạch thì sẽ gây viêm mạch máu, xơ vữa động mạch gây thiểu năng mạch vành, đột quỵ hoặc gây viêm màng ngoài tim. Nếu kết tủa ở vùng đầu thì có thể gây viêm kết mạc, viêm mống mắt, viêm tuyến mang tai, viêm màng não. Nếu kết tủa ở vùng sinh dục, các tinh thể uric gây viêm tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt. Theo một nghiên cứu tại Hà Lan, những bệnh nhân bị gút ở tuổi trung niên thường dễ bị tăng huyết áp (43%), tăng cholesterol máu (5%) và đái tháo đường (>50%). Vì thế, các chuyên gia về khớp có một nhìn nhận mới: bệnh gút là dấu hiệu sớm của các bệnh về tim, mạch.
Phòng ngừa thế nào hiệu quả?
Việc phòng chứng tăng acid uric máu đa số liên quan đến chế độ ăn, uống, trong đó các thực phẩm giàu purin là đáng quan tâm nhất. Vì vậy, những người đã từng có chứng tăng acid uric máu, nhất là có bệnh gút, cần ăn uống kiêng khem đúng mức. Không ăn các loại phủ tạng động vật như tim, gan, thận (bầu dục), lòng. Một số loại như da gà, vịt, ngan, ngỗng cũng nên hạn chế hoặc không ăn. Các loại thực phẩm như xúc xích, lạp sườn, thịt hun khói cũng nên hạn chế. Các loại hải, thủy sản cũng nên cân nhắc giữa điều lợi và bất lợi khi sử dụng với người có chứng tăng acid uric máu. Không nên uống rượu, bia (trừ rượu vang đỏ có thể sử dụng để khai vị khi thấy cần thiết); Uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ngày), không nên nhịn tiểu... Việc điều trị chứng tăng mỡ máu trên bệnh nhân có bệnh gút là giảm đau và dùng thuốc tăng cường đào thải acid uric máu.
ThS. Mai Hương

Phòng tránh chứng nhiều đờm như thế nào?

Quá nhiều đờm trong cổ họng là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều hơn cả vẫn là ở nhóm trung cao tuổi. Đờm là chất dịch đậm đặc, kết dính bịt kín lỗ mũi, cổ họng gây khó thở. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch làm việc tốt để kháng viêm. Tuy nhiên, nếu nặng và có quá nhiều đờm lại là dấu hiệu của nhiều loại bệnh, nhất là cảm cúm, cảm lạnh gây đau nhức, khó chịu cho con người.
Nguyên nhân
Dị ứng: một trong những nguyên nhân phổ biến nhất đối với bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng là do dị ứng phấn hoa, khói, ô nhiễm và thậm chí cả thực phẩm, chẳng hạn như những người không dung nạp lactose. Tất cả các nguyên nhân trên đều có thể gây bài tiết nhiều chất nhầy từ các màng nhầy. Những người quá nhạy cảm với khói thuốc, khói và các loại, hay khí độc nên tránh tiếp xúc với các môi chất gây bệnh. Khi đi ra ngoài, nên mang khẩu trang che mũi, miệng để hạn chế tiếp xúc môi chất độc hại.
Phòng tránh chứng nhiều đờm như thế nào? 1Hút thuốc là một trong những nguyên nhân làm bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng và trong mũi
Hút thuốc: một trong những nguyên nhân chính tạo bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng cũng như đờm trong mũi. Hút thuốc kéo dài có thể gây viêm màng nhầy và làm tăng sản xuất đờn trong mũi và cổ họng. Ngoài ra, nếu vừa hút thuốc lại nghiện rượu và các loại thực phẩm chứa caffeine cũng có thể làm cho bệnh tình thêm trầm trọng.
Phản ứng thực phẩm: bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng còn do nguyên nhân ăn phải một số loại thực phẩm có thể gây phản ứng, nhất là vào giai đoạn đầu mùa cúm. Rất đa dạng như sữa và các sản phẩm  đi từ sữa trứng, các sản phẩm từ lúa mì và ngũ cốc cũng có thể làm cho bệnh nhiều đờm trong cổ họng thêm trầm trọng.
Nhiễm trùng: nhiễm trùng xoang, viêm xoang là những căn bệnh gây tăng tiết nhiều chất nhầy, thực ra đây là cơ chế kháng viêm bởi chất nhầy giúp chống vi khuẩn xâm nhập nhưng có quá nhiều đờm lại là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Do virút: nhiễm virút được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng phát sinh bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng, như: virút gây bệnh sởi, ho gà, thủy đậu và bạch cầu đơn nhân.
Vấn đề sinh lý: bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng còn có yếu tố về sinh lý, chức năng sinh lý của mũi và cổ họng bị suy yếu làm cho đờm bị kẹt trong mũi và cổ họng. Ngoài ra, còn do căn bệnh có tên vách ngăn bị lệch, căn bệnh ở đó sụn làm nhiệm vụ tách mũi thành hai phần lại bị sự cố dẫn đến làm trệch đường lưu thông của đờm.
Bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng thường xuyên gây khó chịu và đôi khi còn chảy máu nhẹ, nó còn liên quan với các triệu chứng khác như: đau cổ họng hay viêm họng.
Vài cách phòng tránh và chữa trị
Đối với bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng người ta có thể dùng thuốc thông mũi, thuốc xịt mũi, thuốc nhỏ mũi và các loại thuốc long đờm. Nếu có nhiều đờm mà do dị ứng hoặc nhiễm trùng thì có thể điều trị bằng thuốc kháng histamine. Trong trường hợp bị nhiễm trùng, các bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh. Ngoài thuốc tây, để điều trị bệnh có quá nhiều đờm trong cổ họng người ta có thể áp dụng một số loại thuốc cổ truyền dưới đây:
Tinh dầu: có tác dụng loại bỏ đờm dễ dàng bằng cách massage với các loại tinh dầu xoa trên ngực và cổ họng. Cách làm như sau: trộn một muỗng canh dầu hoa oải hương hay tinh dầu bạc hà và húng tây, với  hai muỗng canh dầu ôliu và xoa lên cổ họng và ngực của người bệnh. Thủ thuật này có tác dụng nới lỏng đờm tích trong cổ họng, giúp ho và dễ thở bằng đường mũi.
Trà thảo dược: uống các loại trà thảo dược nóng như trà chanh hoặc trà hoa cúc pha thêm chút mật ong có thể giúp long đờm, thoát đờm một cách tự nhiên, riêng mật ong có tác dụng giảm kích thích, giảm đau. Các loại trà dược là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và giúp tăng cường hệ miễn dịch cũng như có tác dụng kháng viêm.
Tỏi và gừng: cả hai loại thực phẩm này đều có tác dụng kháng viêm và long đờm. Vì vậy, nhai vài lát gừng nhỏ sẽ có tác dụng tức thì. Riêng tỏi là một loại kháng sinh tự nhiên rất tốt, mỗi ngày nên ăn 5, 6 nhánh tỏi sẽ giúp ngăn ngừa viêm nhiễm.
Súc miệng nước muối: súc miệng nước muối có tác dụng giảm viêm và làm dịu họng, làm nóng  vùng cổ họng và cuối cùng giúp hóa lỏng chất nhầy nhanh. Có thể bổ sung dầu bạch đàn vào nước nóng để tạo hơi xúc miệng cũng có tác dụng giúp long đờm nhanh.
Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để nới lỏng đờm và chất nhầy.
Thổi mũi thường xuyên để ngăn chặn đờm chảy vào trong.
Hít thở trong hơi nước như trong bồn tắm, sông hơi hoặc tắm nước nóng sẽ giúp thở dễ và long đờm nhanh.
Hạn chế tiếp xúc với chất kích thích có trong chất tẩy rửa gia dụng, sơn, hóa chất hoặc khói thuốc lá.
Nên ăn thức ăn cay, cải ngựa hoặc ớt để giúp dễ thở và long đờm.
Bỏ thuốc lá, bởi khói thuốc kích thích cổ họng và làm cho tình trạng hô hấp thêm trầm trọng.
Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm như sữa, thực phẩm chiên nướng, nhiều đường, nhiều mỡ làm tăng sản xuất chất nhầy.
Ngoài các cách làm nói trên mọi người có thể tăng cường bài tập cho vùng ngực và phổi như thở sâu. Sẵn sàng ho và hắt hơi nếu có thể để thoát đờm ứ trong vòm họng. Uống trà nóng như trà bạc hà, trà chanh, cháo gà cho nhiều hành và rau thơm. Sử dụng các loại thảo dược như: rau thơm, cỏ cà ri, cam thảo và cây xô thơm... có tác dụng giúp thoát thải đờm dễ dàng. Riêng nhóm phụ nữ mang thai nên tránh dùng cam thảo và cây xô thơm, bởi  chúng làm tăng nguy cơ sảy thai. Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, cân bằng và điều độ. Những người mắc bệnh dị ứng thức ăn thì nên tránh xa những loại thực phẩm không hợp dễ gây bệnh. Nhóm người già nên bổ sung vitamin C, E và kẽm. Nên duy trì môi trường sống trong lành, năng vận động, tránh xa cuộc sống tĩnh tại, nằm nhiều và ngồi nhiều.

KHẮC NAM

Rối loạn cương dương ở người cao tuổi

Ở người cao tuổi vẫn còn có nhu cầu tình dục. Một trong những trở ngại để thực hiện hoạt động tình dục ở người cao tuổi là rối loạn cương dương!
Rối loạn cương dương (ED: Erectile Dysfunction)
Rối loạn cương dương (RLCD) hay còn gọi là bất lực, là một tình trạng rối loạn với biểu hiện dương vật không thể cương cứng hay không duy trì được sự cương cứng trong quá trình giao hợp.
RLCD thường tăng dần theo tuổi tác và ở người cao tuổi có khoảng 15 - 25% bị RLCD.
RLCD xảy ra khi các mạch máu lưu thông tới dương vật bị hẹp hay tắc nghẽn, cơ thể mất cân bằng nội tiết tố hoặc khi hoạt động của các dây thần kinh kích thích sự cương cứng bị rối loạn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra RLCD:
Nguyên nhân sinh lý:
- Một số bệnh lý mãn tính là nguyên nhân gây ra RLCD: bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, xơ vữa động mạch…
- Do mất cân bằng nội tiết tố: sự giảm sút testosteron là nguyên nhân gây ra RLCD.
- Do tổn thương các dây thần kinh kích thích sự cương cứng.
Các nguyên nhân sinh lý trên thường xảy ra ở người cao tuổi. Khi cơ thể lão hóa, hệ miễn dịch suy yếu nên thường mắc phải nhiều bệnh lý mãn tính (cao huyết áp, đái tháo đường…) ảnh hưởng đến các mạch máu và làm tổn thương các dây thần kinh.
Bên cạnh đó, sự suy giảm của hệ nội tiết cũng làm sụt giảm testosteron ở người cao tuổi.
Nguyên nhân tâm lý:
- Sự căng thẳng (stress).
- Sự lo âu, trầm cảm.
- Nỗi sợ hãi về sự thất bại trong quan hệ tình dục.
- Những vấn đề trong quan hệ vợ chồng…
Nguyên nhân do lối sống:
- Béo phì.
- Uống rượu hay hút thuốc lá nhiều.
- Lạm dụng các chất gây nghiện…
Nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc:
Ở người cao tuổi thường phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Một số loại thuốc khi được sử dụng trong một thời gian dài, sẽ phát sinh các tác dụng phụ gây RLCD như: thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần…
Rối loạn cương dương ở người cao tuổi 1Thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần... có tác dụng phụ gây rối loạn cương dương

- Nhóm thuốc cao huyết áp: methyldopa, nifedipin, captopril, atenolol, furosemid…
- Nhóm thuốc chống trầm cảm: fluoxetin, sertralin, amitriptylin, nortriptylin…
- Nhóm thuốc an thần: diazepam, lorazepam, buspiron…
- Nhóm thuốc kháng histamine H2: cimetidin, ranitidine, nizatidin…
Vì vậy, trong quá trình sử dụng thuốc nếu thấy xuất hiện tình trạng RLCD, cần phải thông báo cho thầy thuốc, để có thể thay thế các loại thuốc khác không gây ra tác dụng phụ RLCD.
Thuốc điều trị
Nhóm thuốc ức chế enzym phosphodiesterase-5 (PDE-5):
Đây là các thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị RLCD hiện nay, gồm có sildenafil (viagra), tadalafil (cialis), vardenafil (levitra)…
Khi có sự kích thích tình dục, nitric oxyt (NO) sẽ được phóng thích và kích thích quá trình tổng hợp GMP (guanosin monophosphat) vòng làm tăng lưu lượng máu đến dương vật, gây cương cứng.
Nhóm thuốc ức chế PDE-5 làm tăng sự cương cứng dương vật do làm tăng GMP vòng.
Khi sử dụng nhóm thuốc ức chế PDE-5 cần lưu ý:
- Không được sử dụng cho người có bệnh lý mạch vành (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim…), người bị đột quỵ, hạ huyết áp, suy gan, suy thận…
- Không được sử dụng đồng thời với thuốc có chứa nitrat như nitroglycerin, vì sẽ gây tác hại nguy hiểm trên tim.
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời với các thuốc cao huyết áp nhóm chẹn alpha như: doxazosin, terazosin… vì gia tăng nguy cơ hạ huyết áp
- Để đạt hiệu quả cao nhất, các thuốc này nên uống trước khi giao hợp 30 - 60 phút.
- Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như: đau đầu, đau cơ, khó tiêu, đỏ bừng mặt, mờ mắt…
Bổ sung testosteron: khi nguyên nhân gây ra RLCD là do sự sụt giảm testosteron trong cơ thể. Testosteron thường được trình bày ở dạng thuốc tiêm, thuốc viên, thuốc dán ngoài da…
Alprostadil là thuốc giãn mạch làm giãn nở các mạch máu, giúp tăng cường lưu lượng máu đến dương vật, gây cương cứng.
Alprostadil thường được trình bày ở dạng thuốc tiêm hay dạng thuốc đạn nhét vào đầu dương vật.
Cần lưu ý: các loại thuốc trên có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có hại, nên người cao tuổi không được tự ý sử dụng, cần phải được thăm khám và chỉ định điều trị của thầy thuốc chuyên khoa.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc hay bằng liệu pháp tâm lý, sự thay đổi lối sống bằng cách tăng cường vận động, giảm cân chống béo phì, không hút thuốc, hạn chế bia rượu, cai nghiện ma túy… sẽ giúp cải thiện tốt tình trạng RLCD.
DS. MAI XUÂN DŨNG

Thoái hóa khớp bàn tay và cách phòng ngừa

Người xưa có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.  Bàn tay rất khéo léo, linh hoạt và là một công cụ lao động vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, thoái hóa khớp bàn tay (THKBT) là một trong các bệnh khớp thường gặp ở người có tuổi, gây đau, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động và đời sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Ở Việt Nam, THKBT chiếm tỷ lệ 14%, đứng hàng thứ tư trong các vị trí thoái hóa khớp thường gặp. 
Thoái hóa khớp bàn tay và cách phòng ngừa 1Bàn tay bình thường và bàn tay viêm khớp.
Thoái hóa khớp thường đi kèm với tuổi tác
Tuổi trung bình của bệnh nhân THKBT là 60 - 65 tuổi. Tuy nhiên, từ độ tuổi 55 đã bắt đầu xuất hiện các biểu hiện của THKBT. Tỷ lệ THK tăng dần theo tuổi, cao hơn ở nhóm tuổi từ 60 trở lên và cao nhất ở nhóm 70 - 79 tuổi. Tuổi cao là yếu tố nguy cơ cao nhất của THK, có thể nói rằng tuổi càng cao, lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp bị giảm sút, sự lão hóa sụn càng rõ, làm cho sụn kém chịu đựng được các yếu tố tác động có hại lên khớp. Ngoài ra, người già vẫn phải làm việc thêm để kiếm sống, chăm lo các công việc trong gia đình như giặt giũ, bế cháu, các công việc nội trợ khác, họ lao động chân tay là chủ yếu, tạo điều kiện cho THK phát triển. Thứ hai, bệnh cũng thường gặp ở nữ giới (75%). Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi hormon như estrogen, dẫn đến thay đổi tế bào sụn khớp. Thứ ba, những người béo phì cũng dễ bị THKBT. Có tới 1/3 bệnh nhân THKBT bị béo phì. Thứ tư là THKBT thường xuất hiện sau một số bệnh lý bàn tay như sau chấn thương, gãy xương khớp, hoại tử xương, viêm khớp dạng thấp, gút mạn tính, đái tháo đường...
Dấu hiệu của THKBT thế nào?
Bàn tay phải hay bị thoái hóa hơn, vì đa số trong chúng ta đều thuận tay phải, dùng nhiều tay phải hơn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt. Trong số 5 ngón tay thì các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa (ngón I, II, III) hay bị thoái hóa nhất, do các ngón này phải hoạt động tích cực nhất như khi cầm, nắm, mang, vác, hay xách đồ vật. Còn trong các vị trí khớp của từng ngón tay thì khớp gốc ngón tay cái hay bị THK nhất, liên quan đến việc sử dụng các khớp này nhiều nhất khi cầm nắm đồ vật. Đặc biệt, khớp gốc ngón tay cái có hình yên ngựa, đảm nhiệm chức năng cầm nắm đồ vật của bàn tay, do đó dễ bị tổn thương hơn. Hiện nay, người ta đã chứng minh vai trò chắc chắn của yếu tố nghề nghiệp trong THK gốc ngón tay cái ở phụ nữ. Người bệnh than phiền đau khớp bàn tay 1 bên hoặc cả 2 bên, đau kiểu cơ học, tức là đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Đau tăng lên khi mặc quần áo, khi cài Tkhuy áo; đau khi nắm bàn tay lại, đau khi rót nước vào ly và đỡ đau khi nghỉ ngơi. Đau thường chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình. Vào buổi sáng, khi thức dậy, khớp bị cứng, khó cử động, kéo dài từ 15 - 30 phút. Cứng khớp sau khi nghỉ ngơi cũng thường gặp. Đó là dấu hiệu phá rỉ khớp. Dần dần bàn tay trở nên khó làm các động tác sinh hoạt thường ngày hơn, phát tiếng lạo xạo khi cử động, các cơ bàn tay teo nhỏ. Ở các giai đoạn muộn, 1/3 số người bệnh có các ngón tay bị biến dạng. Đó là do sự có mặt của các chồi xương, mọc ở khớp ngón xa (hạt Heberden) hay ở khớp ngón gần (hạt Bouchad), gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khoảng 50% số bệnh nhân THKBT gặp khó khăn khi thực hiện các công việc tự chăm sóc bản thân, nội trợ và các công việc trong sinh hoạt hàng ngày khác như chải đầu, giặt giũ, mặc quần áo, ăn, uống, chăm sóc con cháu, bế cháu. Có 4 dấu hiệu cơ bản của THKBT là gai xương, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, hốc xương. Có thể chụp thêm Xquang bàn tay để chẩn đoán xác định.
Thoái hóa khớp bàn tay và cách phòng ngừa 2Người cao tuổi tránh bê vật nặng để phòng thoái hóa khớp bàn tay.
Làm gì để phòng THKBT?
Cần tránh lao động, mang vác nặng. Không nên sử dụng đôi tay trong thời gian liên tục, quá dài.  Các thành viên trong gia đình và cộng đồng xã hội nên quan tâm, chia sẻ bớt gánh nặng của người cao tuổi. Tăng cường việc sử dụng máy móc hỗ trợ cho lao động và sinh hoạt nếu có thể. Việc phát hiện sớm THK bàn tay là cần thiết, vì sẽ giúp điều trị sớm, giảm thiểu các hậu quả của bệnh. Khi có các dấu hiệu như đau khớp bàn tay, biến dạng khớp hay cứng khớp buổi sáng, hạn chế vận động bàn tay thì nên đến khám chuyên khoa xương khớp để được tư vấn và điều trị kịp thời.
PGS.TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc
(Khoa Khớp - BV Bạch Mai)

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons