Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Chế độ ăn tốt nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ

Theo BS. Phạm Văn Thân, đối với bệnh nhân sau đột quỵ, một chế độ ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa tái phát bệnh và các biến chứng nguy hiểm.
Bài tập cho bệnh nhân đột quỵ dạng nhẹ. Nguồn: VNE
Bạn có thể tham khảo những lời khuyên về chế độ ăn uống sau đây:
Chất đạm: ăn ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày. Nên chọn thực phẩm ít cholesterol và nhiều đạm thực vật như đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ; đạm động vật như cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc...
Chất béo: ăn ở mức 25 - 30g chất béo/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật và 2/3 là chất béo thực vật như vừng, lạc...
Vitamin và chất khoáng: có trong các loại hoa quả chín, rau củ, thịt cá trứng, sữa. Các thực phấm này chứa nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp ở người bệnh. Người tiêu thụ dưới 1.500mg kali/ngày sẽ có nguy cơđột quỵ cao hơn 28% so với người tiêu thụ 2.300mg/ngày. Vitamin giúp giảm quá trình lão hóa cơ thể, tiêu hóa tốt, tăng sức bền thành mạch máu…
Về năng lượng: khẩu phần ăn nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng ở 30 - 35kcalo/kg cân nặng/ngày. Nguồn năng lượng nên từ rau củ, khoai, đậu đỗ, cơm, cháo…
Chế độ ăn tốt nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ
Chú ý:
- Việc chế biến thức ăn cho người bị đột quỵ cần phải dễ tiêu hóa và hấp thu, ở dạng mềm, lỏng như súp, cháo, sữa. Ăn đều 3 - 4 bữa/ngày, không nên ăn quá no. Tránh dùng thức ăn lên men, gây kích thích như gia vị cay, nóng, rượu, chè, cà phê...
- Đặc biệt cần giảm muối và nước để tránh tăng huyết áp. Chỉ ăn muối ở mức 4 - 5g/ngày để giảm phù, giúp thận bài tiết các chất đào thải của chuyển hóa đạm, chất béo, tinh bột, đường. Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa, cà, hành muối, patê, xúc xích...

- Bệnh nhân cũng cần điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu nãonhư tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, tránh thừa cân, tránh căng thẳng thần kinh; không uống rượu bia, tập luyện đều đặn không quá sức...


Cách tập luyện đẩy lùi cơn chóng mặt

Giai đoạn 1: Chữa triệu chứng, từ 2-3 ngày, làm giảm các biểu hiện khó chịu.
Khi đang cơn, người bệnh cần nằm yên ở nơi yên tĩnh, ít ánh sáng, nằm nghiêng về phía không gây cơn.
Dùng thuốc an thần nhẹ (như seduxen, valium). Có thể dùng thuốc chống chóng mặt như uống tanganil, mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 1 viên.
Ăn nhẹ, dễ tiêu.
Giai đoạn 2: Nâng đỡ sức khỏe, từ 10 ngày đến 2 tuần.
Có thể hoạt động nhẹ nhàng, tránh đi lại trên cao, cheo leo, tránh gần các vật chuyển động nhanh (như xe cộ...).
Có thể uống tiếp trong 7 ngày nữa, mỗi ngày 2 viên tanganil, chia ra 2 lần.
Chuẩn bị cho luyện tập ở giai đoạn 3.
Giai đoạn 3: Tập luyện là phương pháp chữa trị cơ bản. Giai đoạn này cần kéo dài trong nhiều tháng.
Bài tập nhằm rèn luyện cho tiền đình (bộ phận tai trong có chức năng cơ bản của thăng bằng) chịu đựng các thay đổi tư thế, dần dần phục hồi hoàn toàn.
Người bệnh ngồi trên mép giường, nhắm mắt thư giãn rồi dần dần nghiêng đầu về một bên cho đến khi đầu nằm ngang trên giường, giữ tư thế này ít nhất 30 giây, trả đầu về tư thế cũ, lại ngồi yên trong 30 giây, đoạn tiếp tục làm động tác nghiêng đầu về phía đối diện. Lần đầu tập chỉ làm 3-4 lần động tác trên, sau đó tiến lên làm mỗi buổi tập 5-7 lần. Mỗi ngày tập 2 buổi, vào sáng sớm và tối trước ngủ, kiên trì tập trong 4-5 tuần hoặc dài ngày hơn.
Hiện nay không có thuốc đặc trị chóng mặt. Cách rèn luyện nêu trên đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới và đã mang lại kết quả tốt trong 80% các trường hợp.
Song song với kiên trì luyện tập như trên, người bệnh cần tránh các yếu tố gây kích động tâm thần, tâm lý, thần kinh, tránh các chất kích thích như rượu, thuốc lá.


Chóng mặt, bệnh hay tấn công người cao tuổi

Chóng mặt là một triệu chứng chủ quan của người bệnh. Người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít hoặc bản thân bị quay như đứng giữa một cơn lốc, có khi cảm thấy bồng bềnh như đi thuyền trên sóng hoặc bước hẫng, đi lại không vững hoặc đi như bị kéo lệch về một phía. Có lúc người bệnh thấy nhà cửa đu đưa, giường chao đảo, mặt đất dập dềnh. Trong một số trường hợp, chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi. Xử trí thế nào để giảm rủi ro do cơn chóng mặt?
Vì sao bị chóng mặt?
Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột nhưng chấm dứt cũng rất nhanh, chỉ trong mấy giây đồng hồ để rồi xuất hiện trở lại: chóng mặt có thể gặp từ 20-80 tuổi, hay gặp nhất ở quãng 50-60 tuổi. Chóng mặt có khi gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh.
Chóng mặt, bệnh hay tấn công người cao tuổi
Khi bị chóng mặt, người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít hoặc cảm giác bồng bềnh  chao đảo như  đi trên sóng.
Nguyên nhân của chóng mặt rất phức tạp, có khi cần sự phối hợp khám của nhiều chuyên khoa như tai - mũi - họng, nội khoa, thần kinh, mắt, Xquang và làm một số xét nghiệm khác. Tuy vậy, thường cũng chỉ tìm được nguyên nhân ở 30% các trường hợp.
Các nguyên nhân chính gây ra chóng mặt là: Chấn thương (va chạm, ngã, đụng đập, tai nạn giao thông...) gây ra chấn động tai trong; Nhiễm độc (rượu, thán khí, oxyt cacbon...); Dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình); Viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm màng não; Nhiễm virut; Rối loạn điều hành tuần hoàn trong tai, huyết áp dao động; Do ống tai ngoài bị bít (vật lạ, ráy tai...); Do có tổn thương trong não.
Chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi, hay gặp nhất loại chóng mặt kịch phát theo tư thế. Loại này đột ngột, trước đó không có bệnh gì rõ rệt, thường vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối lúc đi ngủ. Khi đang nằm, đầu nghiêng trên gối quay sang phải hoặc trái, hay quay cả người hoặc đang ngồi mà nghiêng đột ngột sang một bên, người bệnh thấy chóng mặt dữ dội. Thường cơn chóng mặt xuất hiện theo một tư thế nhất định hoặc theo một bên nhất định (bên phải hoặc bên trái).
Phần lớn người bệnh tự mình xác định được tư thế nào gây cơn chóng mặt, do đó tự tìm được cách tránh tư thế đó hoặc làm tư thế đó một cách từ từ, nhẹ nhàng. Xuất hiện bất ngờ, có cơn rất mạnh trong vài ba ngày, chóng mặt kịch phát theo tư thế thưa dần trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng; các cơn nhẹ dần, ngắn dần, rồi hết hẳn. Trong các năm sau, cơn có thể phát lại song nhẹ hơn. Tuy vậy, ở người cao tuổi vẫn có 10% người bệnh bị cơn tái đi tái lại trong nhiều năm, bệnh đã trở thành mạn tính.
Đối với người bệnh đang lên cơn chóng mặt, thầy thuốc chỉ nên khám tối thiểu, tránh làm tăng cơn chóng mặt và tôn trọng tư thế nằm mà người bệnh đã chọn, tránh di chuyển không cần thiết.
Nếu người bệnh đồng thời bị chóng mặt, ù tai, điếc có thể nghĩ đến một hội chứng tai trong, gọi là hội chứng Mơ-ni-e (Menière) do sũng nước ở tai trong. Tuy rất khó chịu, hội chứng này có xu hướng tự khỏi; người bệnh có thể hết chóng mặt song vẫn còn ù tai kéo dài và nghe kém.

Các chứng chóng mặt xuất hiện từ từ, xảy ra ở bất kỳ tư thế nào, không dữ dội song kéo dài trong nhiều ngày, có kèm theo rung giật nhãn cầu (động mắt), thường biểu hiện một tổn thương trong não, cần phải được các chuyên khoa phối hợp khám kỹ mới xác định được nguyên nhân và đề ra cách chữa hợp lý.


Nhận biết viêm bàng quang

Triệu chứng của viêm bàng quang ở NCT là tiểu gắt, buốt, đi tiểu nhiều lần do mỗi lần tiểu không hết nước tiểu, vì vậy, lúc nào cũng có cảm giác buồn tiểu. Nước tiểu có màu đục (có thể mủ hoặc cặn hoặc cả hai), có thể có máu (ít khi mắt thường nhìn thấy mà phải xét nghiệm nước tiểu và soi bằng kính hiển vi). Người bệnh có cảm giác bàng quang lúc nào cũng căng đầy, khó chịu ở vùng bụng dưới (vùng bàng quang). Đau vùng thắt lưng đau trên xương mu và đau vùng bụng dưới có thể gặp trong đa số các trường hợp viêm bàng quang. Một số trường hợp có sốt nhẹ, mệt mỏi. Nếu viêm bàng quang do sỏi thận nhiều trường hợp có cơn đau quặn thận bởi sự tác động của sỏi, nếu sỏi có nhiều góc cạnh (sỏi san hô) cơn đau càng dữ dội. Viêm bàng quang có thể dẫn tới viêm thận gây suy thận, một căn bệnh rất khó khăn trong điều trị.
Để chẩn đoán viêm bàng quang ở NCT, ngoài các triệu chứng lâm sàng nên hỏi kỹ tiền sử (viêm niệu đạo, nong niệu nạo, thông tiểu…) để có định hướng trong chẩn đoán. Siêu âm hệ tiết niệu là việc làm rất cần thiết, bởi vì, siêu âm sẽ cho biết tình trạng của hệ tiết niệu (viêm, sỏi, u…), trong đó có bàng quang. Nếu có điều kiện nên xét nghiệm nước tiểu (phân tích nước tiểu, soi cặn, nuôi cấy xác định vi khuẩn). Nuôi cấy vi khuẩn còn có giá trị trong việc thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn gây bệnh viêm bàng quang cho bệnh nhân đó nhạy cảm nhất với loại kháng sinh gì, trên cơ sở đó giúp cho bác sĩ điều trị lựa chọn kháng sinh thích hợp để điều trị có hiệu quả nhất. Ngoài ra, có thể chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu (CT).
Nhận biết viêm bàng quang
Nguyên tắc điều trị, dự phòng

Điều trị viêm bàng quang dựa trên cơ sở đã chẩn đoán xác định và tốt nhất là xác định được căn nguyên gây bệnh mới điều trị có hiệu quả nhất. Vì vậy, khi NCT nghi bị viêm đường tiết niệu (trong đó có viêm bàng quang) nên đi khám bệnh ở cơ sở y tế đủ điều kiện. Tùy theo căn nguyên gây bệnh, sẽ có hướng điều trị cụ thể và điều trị kết hợp cho từng người (điều trị sỏi tiết niệu, viêm tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến, tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến, viêm bàng quang…) mới thu được kết quả. Để bệnh chóng khỏi và tránh vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh (lờn thuốc), người bệnh không tự động mua thuốc để điều trị, phải theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình.


Người 50 tuổi nên uống sữa mỗi ngày

Sữa là một trong những thực phẩm có giá dinh dưỡng cao, dễ hấp thu, không chỉ thích hợp cho trẻ đang lớn mà còn cần thiết cho người lớn tuổi. Hãy điểm lại thông tin dinh dưỡng trong sữa dành cho tuổi trung niên, và lý do vì sao người từ 50 tuổi nên uống sữa mỗi ngày.
Sữa cung cấp nguồn đạm lỏng dễ hấp thu
Đặc điểm của đạm trong sữa là ở dạng lỏng dễ hấp thu và có giá trị sinh học cao, chứa tất cả các acid amin thiết yếu mà cơ thể chúng ta không tổng hợp được. Các acid amin thiết yếu này hỗ trợ cho hệ cơ chắc khỏe, ngăn ngừa tình trạng nhức mỏi cơ bắp, giúp tái tạo cơ bắp. Về giá trị của chất đạm trong sữa, 1 ly sữa (khoảng 250 ml) = 50g thịt = 50g cá = 1 quả trứng = 9 - 10g đạm. Mỗi ngày, nếu cân nặng trung bình 50kg, U50 sẽ cần khoảng 50g đạm. Như vậy uống 2 ly sữa (mỗi ly 230ml), người trung niên nhận được gần 1/2 các nhu cầu về đạm và các acid amin thiết yếu cho cơ thể.
Người 50 tuổi nên uống sữa mỗi ngày
Đa dạng vitamin và khoáng chất
Mỗi ngày, người trung niên cần khoảng 28 vitamin và khoáng chất để có thể ngăn chặn cơ thể mắc các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng , cải thiện và nâng cao sức khỏe. Để làm được điều này, lượng thực phẩm ăn vào phải cực kỳ đa dạng, tương đương với trên ba mươi loại khác nhau. Quả thực áp dụng chế độ ăn đáp ứng nhu cầu này không đơn giản chút nào. Đó là điểm khác biệt của sữa. Trong sữa hội tụ đa dạng vitamin và khoáng chất phù hợp với nhu cầu cơ thể như vitamin D, kali, phospho… Chính nguồn vi chất này khiến sữa đóng vai trò như một liều thuốc giảm căng thẳng, thư thái tinh thần giúp phục hồi thể lực nhanh.
Giàu acid béo tốt cho tim mạch, trí nhớ
Để phù hợp với nhu cầu năng lượng của độ tuổi U50, sữa dinh dưỡng đã loại bỏ hàm lượng acid béo no, không chứa Trans Fat (Acid béo chuyển đổi) và có hàm lượng cholesterol thấp rất có lợi cho chế độ ăn lành mạnh. Tuổi trung niên nên chọn sữa được bổ sung những dưỡng chất tốt cho tim mạch như hỗn hợp chất béo giàu PUFA, MUFA, cung cấp các acid béo thiết yếu linoleic và linolenic. Ngoài ra, một số chất như Cholin và Acid Oleic trong sữa sẽ giúp hỗ trợ trí nhớ và hoạt động hệ thần kinh của người tuổi U50.
Bổ sung chất xơ tốt cho tiêu hóa
Càng nhiều tuổi hoạt động co bóp, tiêu hoá thực phẩm càng giảm vì thế chế độ ăn giàu chất xơ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người trong độ tuổi U50 nên ăn nhiều rau, củ có màu sậm: khoảng 200 - 250g rau/ngày, ăn thêm hoa quả khoảng 150g/ngày nhằm cung cấp đủ chất xơ cũng như các vitamin và khoáng chất. Tương đương với hàm lượng này, U50 có thể dùng sữa dành cho tuổi trung niên được bổ sung thêm chất xơ FOS (fructo-oligosaccharides) kết hợp với chất xơ hòa tan giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và hoạt động tốt.

Có thể thấy, sữa chứa đầy đủ nguyên liệu cần thiết để cơ thể chúng ta xây dựng các tế bào mới khỏe mạnh, lại dễ hấp thu nên là thực phẩm lý tưởng cho người trung niên, đặc biệt là khi cần phục hồi sức khỏe. TS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng khẳng định: người trung nên uống sữa dành cho tuổi trung niên mỗi ngày để chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, làm chậm bước lão hóa, trong giai đoạn mà cơ thể hấp thu kém đi nhưng rất cần hấp thu dưỡng chất thông qua những thực phẩm chất lượng.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons