Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Xử trí nghẹn ở người cao tuổi

Khi nuốt thức ăn, sự phối hợp các chức năng ở họng của người cao tuổi hay bị mất nhịp nhàng, làm cho thức ăn dễ rơi nhầm.

Người già, niêm mạc của ống tiêu hóa teo dần, thành biểu mô của niêm mạc miệng cũng mỏng hơn, lợi co rút lại, khiến khả năng nhai giảm nên dễ bị nghẹn, nhất là khi lơ đãng.
Nguyên nhân gây nghẹn…
Khi nuốt thức ăn, sự phối hợp các chức năng ở họng của người cao tuổi hay bị mất sự điều hành nhịp nhàng, làm cho thức ăn dễ rơi nhầm vào khí quản gây ho sặc sụa và nghẹt thở. Mặt khác, phản xạ về nuốt của cơ vòng đầu thực quản ở người cao tuổi rất chậm. Chính vì vậy, chỉ lơ đãng một chút, mải suy nghĩ hoặc ăn nhanh, ăn vội, nuốt miếng thức ăn lớn sẽ rất dễ bị tắc nghẽn thức ăn ở đoạn hẹp của thực quản do sinh lý hoặc bệnh lý.
… và các triệu chứng
Nghẹn thức ăn có thể gây tắc ở cổ họng, ở thực quản, khí quản hoặc cả hai. Nếu thức ăn làm bít tắc thực quản, đang ăn bỗng thấy nuốt khó, cố nuốt, nấc nôn oẹ. Miếng thức ăn sẽ di chuyển vào khí quản do phản xạ, của thanh môn mở ra. Lúc này, người bị nghẹn ho sặc sụa, nói không ra tiếng, khó thở tùy từng mức độ, có thể bị nghẹt thở.
 
Nếu thức ăn làm tắc khí quản, người bị nghẹn đột nhiên thở khó, sắc mặt đỏ tía rồi tím ngắt, thần sắc lờ đờ, nấc cụt. Nếu không được xử trí kịp thời và thỏa đáng, chỉ trong vài phút, tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng, cấp tính này sẽ dẫn tới tử vong. Chính vì vậy, xử trí ban đầu khi người cao tuổi bị nghẹn là rất cần thiết và quan trọng.
 
 Động tác xử trí nghẹn
Xử trí thế nào khi bị nghẹn?
Trường hợp nạn nhân vẫn tỉnh táo, hãy để nạn nhân ngồi, hơi cúi nửa người trên ra phía trước. Động viên họ gắng sức ho mạnh. Khi ho, sẽ tạo ra dòng khí nhằm đẩy thức ăn ra ngoài đường hô hấp hoặc ít ra cũng tạo được khe hở cho việc thở.
 
Người cấp cứu đứng ở phía sau, dùng khuỷu tay đập mạnh 4 cái vào vùng lưng giữa hai xương bả vai. Nếu tình huống cho phép, người cấp cứu đứng đằng sau, để nạn nhân hơi cúi về phía trước, ôm ngang bụng nạn nhân, hai tay khóa chặt, dùng ngón cái xiết mạnh vào bụng trên 4 lần theo chiều lên miệng nạn nhân. Làm vài lần để đẩy thức ăn ở khí quản, ở cửa thanh môn ra, hoặc tạo khe hở để phục hồi chức năng hô hấp (xem hình).
Nếu nạn nhân trong tình trạng bất tỉnh, cho nạn nhân nằm nghiêng. Người cấp cứu một mặt lấy ngón tay ấn lưỡi nạn nhân xuống, một mặt dùng khuỷu tay đánh mạnh 4 cái vào vùng lưng chỗ giữa hai xương bả vai.
Hoặc có thể để nạn nhân nằm ngửa, đầu ngả ra sau, người làm cấp cứu tỳ chặt khuỷu tay (có thể hai tay đan chặt) vào bụng nạn nhân, hích 4 cái hướng vào trong lên trên. Mục đích vẫn là tạo dòng không khí từ phổi, đẩy phần tắc nghẽn ra, tạo thông đường thở.
Nếu nạn nhân bị nghẹn bởi thức ăn có tính chất đặc, dính như bánh trôi, bánh gatô… thì ngoài cách cấp cứu nêu trên, phải để nạn nhân nằm nghiêng, dùng hai ngón tay móc hoặc kẹp thức ăn bị tắc ra. Chỉ cần lách được khe hở là có thể giữ được tính mạng nạn nhân.
Khi đã áp dụng các phương pháp trên mà tình trạng bệnh nhân vẫn không được cải thiện, phải tích cực ép ngực làm hô hấp nhân tạo: để nạn nhân nằm ngửa trên nền nhà (trên nền cứng), nắm hai tay nạn nhân ép xuống ngực nạn nhân rồi nhấc lên cao quá vai, làm liên tục. Sau đó nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh nguy cơ tử vong. 

Theo BS Lê Duy Cường - Sức khỏe & Đời sống

Rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ cao tuổi

Đây là điều không thể tránh được do tuổi tác nhưng nó có liên quan đến nhiều yếu tố, cả thể xác và tinh thần, dân tộc và kinh nghiệm sống.

Ảnh minh họa: IE

Phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn chức năng tình dục khi về già nhiều hơn nam giới. Vấn đề rối loạn chức năng tình dục phổ biến ở nam giới là rối loạn cương dương, rối loạn này tăng theo tuổi.
 
Ở phụ nữ có tuổi, yếu tố thường gặp gây ra rối loạn tình dục là hội chứng đường tiểu làm cho họ giảm ham muốn tình dục, tương đương với vấn đề lo âu trong sức khoẻ tâm thần. Biểu hiện của tình trạng này là khô, rát, sợ quan hệ...
 
Khi điều trị cho những người lớn bị rối loạn chức năng tình dục nhất thiết phải xem xét cả vấn đề thể chất và tinh thần. Vì vậy, người bạn đời cần thường xuyên gần gũi, động viên, an ủi về tinh thần giúp các bà vui vẻ.
 
Từ phía các bà, cần giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ, để xua tan mệt mỏi, chia sẻ kinh nghiệm người già... Mặt khác, trong chế độ ăn uống, phụ nữ nên bổ sung các hormon nữ bằng việc sử dụng sữa đậu nành, ăn giá đỗ...
    
Theo TS Lê Văn Vương Vệ 
(BV Nam học & Hiếm muộn Hà Nội)
Khoa học và Đời sống

Chóng mặt ở người cao tuổi có thể do thiếu máu não

Có nhiều cụ ngồi lâu khi đứng dậy thì bị mất thăng bằng, đi đứng không vững dẫn đến té ngã, ngất xỉu.

Chóng mặt ở người cao tuổi là một trong những tình trạng thường gặp nhất. Bệnh có thể lành tính nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân nguy hiểm gây ra và nó cũng là nguyên nhân dẫn tới những tai nạn nguy hiểm khác.
Các bác sĩ cho biết, chóng mặt ở người già không khác gì nhiều so với hiện tượng chóng mặt ở các lứa tuổi khác. Chóng mặt thường có kèm theo một số triệu chứng khác như quay cuồng, hoa mắt, ù tai gây rất khó chịu cho người bệnh và rất dễ tái phát.

Ảnh minh họa
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chóng mặt liên quan đến tiền đình, thiếu máu não là một triệu chứng thường gặp.
Có nhiều cụ ngồi lâu khi đứng dậy thì bị mất thăng bằng, đi đứng không vững dẫn đến té ngã, ngất xỉu. Những trường hợp này thường là nguyên nhân dẫn đến tai nạn gây chấn thương về xương khớp và sọ não.
Các bác sĩ khuyến cáo ở những người cao tuổi thường xuyên có các cơn chóng mặt kèm các dấu hiệu nhức nửa đầu hay cả đầu, tê yếu tay chân, mắt mờ và đặc biệt là mất khả năng nhận thức cần đưa bệnh nhân đi khám ngay tại cơ sở y tế.
Trường hợp khi đang ở nhà mà xuất hiện cơn chóng mặt, bệnh nhân ngay lập tức phải nằm nghỉ, không vận động và đi lại để tránh té ngã. Còn nếu đang đi trên đường, cũng cần đi ngay vào lề đường và ngồi nghỉ cho cơ thể ổn định hẳn hoặc nếu thấy quá mệt thì phải báo cho người nhà đến đón chứ không nên tiếp tục đi về nhà.
Chóng mặt ở người cao tuổi là một trong những tình trạng thường gặp nhất, có thể lành tính nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân nguy hiểm gây ra. Vì vậy, người bệnh khi bị chóng mặt cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Theo H.P - Lao động

Người cao tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Văn học dân gian có câu: “Ăn được ngủ được là tiên” vì nghĩ rằng đời sống cư dân trên trời của các vị tiên sung sướng ấm no hạnh phúc lắm.

Chẳng biết tiên có thật hay không, nhưng mà ăn ngon, ngủ yên là điều mà mọi người dưới trần thế đều mong muốn, đặc biệt là với quý bác tuổi cao.
 
Ảnh TL
Ngủ bao nhiêu là đủ?
Ngủ là thời gian trong đó cơ thể hoàn toàn thư giãn nghỉ ngơi để dưỡng sức và tu bổ các hư hao của mô bào trong suốt một ngày làm việc trí óc cũng như chân tay. Không có sự nghỉ ngơi này, thì con người trở nên rã rời mệt mỏi, không có sinh lực để làm việc, tính tình trở lên cau có, gắt gỏng, ngáp ngắn ngáp dài.
Với người bình thường, mỗi đêm ngủ khoảng từ 6 - 7 giờ là đủ. Riêng với các bác cao tuổi mà ngủ được một giấc liên tục khoảng 5 - 6 giờ là quá tốt, vì nhu cầu ngủ ở lớp tuổi này ít hơn ở thời kỳ trung niên, trai tráng.
Ở người cao tuổi, rối loạn giấc ngủ có thể là thiếu hoặc mất ngủ, tạm thời ngắn hạn hoặc kéo dài kinh niên. Mất ngủ tạm thời thường là do những ưu tư căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày hoặc khi du lịch nơi xa, lạ nước lạ cái khó ngủ. Mất ngủ ngắn hạn vài ba tuần lễ có thể là do thói quen ngủ kém hoặc là do đau nhức xương khớp.
Còn mất ngủ kinh niên có thể là do các bệnh thể chất trầm trọng như ung thư, loét bao tử, Parkinson… nhất là rối loạn tinh thần, buồn rầu trầm cảm, tức giận, ghen tuông. Cũng có nhiều bác ban đêm phải thức dậy tiểu tiện vài ba lần rồi khó trở lại với giấc ngủ. Do đó, mất ngủ là dấu hiệu của một bệnh hoặc một hoàn cảnh nào đó.
Thường thường, khi bị mất ngủ hoặc thiếu ngủ là ta ra tiệm thuốc mua vài viên thuốc ngủ, hoặc xin bác sĩ cái toa mua thuốc mà không khám bệnh để tìm nguyên nhân gây ra mất ngủ.
 
Chẳng hạn, một người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nan giải, luôn luôn ám ảnh lo nghĩ thì dù có uống cả chục viên thuốc ngủ thì khó khăn vẫn còn đó. Rồi lại tiếp tục uống thuốc, trở thành quen lờn với thuốc. Hoặc đau xương nhức khớp thì phải khám chữa với thuốc chống viêm chống đau.
 
Thuốc ngủ không phải là đáp số đúng đắn cho sự thiếu ngủ mà chỉ nên dùng tạm thời trong dăm ba ngày, chờ đợi tìm ra nguồn gốc gây mất ngủ rồi trị bệnh tận gốc.
Tiến sĩ Donald Bliwise, đại học Y khoa Memory ở Atlanta, Hoa Kỳ có nhắc nhở rằng: “Thuốc ngủ chỉ nên thỉnh thoảng mới dùng. Người ta thường không cần thuốc để ngủ. Nếu ai bị chứng mất ngủ kinh niên thì xin tham khảo ý kiến bác sĩ ngay”.
Ngoài ra cũng nên sắp xếp lại giờ ngủ, nơi ngủ, tạo ra một thói quen. Cơ thể có một đồng hồ sinh học, trong đó một số các sinh hoạt của con người được “thảo trình”, cứ tới giờ đó là phải thực hiện công việc đó. Có người cứ 7 giờ tối là đã có thói quen đi ngủ rồi thức dậy lúc 2 - 3 giờ sáng làm việc. Có người ngủ trễ hơn và dậy trễ hơn. Tạo ra thói quen này rất tốt để duy trì thức ngủ bình thường.
Để giấc ngủ là… tiên
Phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng khí, nhiệt độ vừa phải, nệm không cứng hoặc quá mềm.
Phòng tối hoặc hơi có ánh sáng nhẹ đo đỏ hoặc tim tím dễ kéo dài giấc ngủ hơn là ánh sáng trắng.
Phòng ngủ chỉ được dùng để ngủ, chứ không là nơi vợ chồng mang chuyện gia đình vào bàn luận gay go, hoặc nằm coi những phim ảnh kinh hoàng, tội ác, tình cảm quá thương tâm mủi lòng khóc lóc. Tránh những chuyện “lẩm cẩm” này để ta có thể đi vào giấc ngủ một cách thảnh thơi, bình an.
Nếu đang ngủ mà vì một tiếng động, một ác mộng, một ý nghĩ quấy rầy hoặc phải tiểu đêm mà không ngủ lại được thì đừng nằm trằn trọc trên giường, trở mình qua lại. Hãy đứng dậy, kiếm miếng nước uống rồi làm một công việc nhẹ nào đó, cho tới khi thấy buồn ngủ là vào giường nằm ngủ.
Tránh ăn quá no trước giờ ngủ. Ăn căng bụng, vào giường nằm thì thực phẩm trong bao tử hàng giờ đòi được tiêu hoá, làm sao mà ngủ cho được. Một chút trái cây, một ly sữa ấm tốt hơn cho giấc ngủ. Sữa có chất tryptophan, rất tốt để đưa ta vào giấc ngủ bình an.
Tránh những chất gây kích thích thần kinh như rượu, càphê thuốc lá, thực phẩm chứa nhiều gia vị quá cay chua.
Tránh tập luyện cơ thể quá sức, kích thích thần kinh khiến ta khó đi vào giấc ngủ. Các nhà chuyên môn khuyên nếu muốn, có thể tập vài động tác co duỗi cơ bắp nhẹ nhàng ba giờ trước khi lên giường. Có người khuyên làm mấy động tác như xoa mặt, xoa gáy, xoa tai, xoa bụng, xoa ngực mỗi nơi mươi lần, chà hai bàn chân, bàn tay cho máu huyết lưu thông, tinh thần thư dãn rồi thảnh thơi vào giường nằm ngủ.
Chú ý vị thế nằm ngủ
Vị thế nằm ngửa vẫn được coi như tốt hơn cả vì không gây ra đau cổ đau lưng, ít gây nhăn da mặt, giảm trào ngược chất chua từ dạ dày lên thực quản. Nhưng có thể khiến nhiều người ngáy nhiều hơn. Nên có một cái gối mềm ôm đỡ lấy đầu và cổ.
Nằm nghiêng cũng tránh được đau cổ đau lưng, bớt trào ngược thực quản, ít ngáy nhưng có thể tạo ra vài nét nhăn trên má áp vào gối, và xệ ngực vì cơ thịt căng về một phía.
Tránh nằm ngủ úp sấp, vì cột sống không ở vị trí ngay thẳng bình thường, mặt và cổ đè lên gối, vẹo về một phía suốt mấy giờ đồng hồ, sáng dậy thấy đau đau.
Tóm lại, ngủ là một trong “tứ khoái” của con người: ăn, ngủ, sinh lý và đại tiện. Một khâu nào đó trong tứ khoái này rối loạn là gây ra rối loạn chung cho sức khoẻ.
Theo BS Nguyễn Ý Đức - Sài Gòn Tiếp Thị

Cách trị chứng liệt dây thần kinh số 7

70-80% trường hợp mắc bệnh thường tự khỏi sau khoảng 1-3 tháng. Nhưng một số ca tiến triển xấu do chẩn đoán và điều trị sai.

Liệt mặt chính là liệt dây thần kinh số 7, thường gặp nhất là liệt mặt ngoại biên do lạnh. Bệnh có đặc điểm là phục hồi nhanh, song dễ để lại di chứng về vận động, thẩm mỹ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Triệu chứng:
 
Bệnh thường xảy ra đột ngột khi đi tàu xe hoặc tối ngủ nằm cạnh cửa sổ, bị gió tạt vào mặt. Người bệnh cười nói khó, đánh răng súc miệng nước trào ra một bên mép. Rõ nét nhất là mặt mất cân xứng: bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành.
 
 
Sự mất cân xứng càng rõ khi bệnh nhân làm một số động tác chủ động như khi nhe răng mồm méo lệch sang bên lành. Đặc biệt, mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng.
 
Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn.
70-80% trường hợp mắc bệnh thường tự khỏi sau khoảng 1-3 tháng. Nhưng một số ca tiến triển xấu do chẩn đoán và điều trị sai, gây biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc (do mắt nhắm không khép kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào gây nhiễm trùng), co giật cơ mặt (do hồi phục thần kinh không hoàn toàn) hoặc co cứng nửa mặt (do dây thần kinh thoái hóa).
Phòng ngừa và điều trị: 
- Cần tránh bị lạnh khi đi tàu xe và nên đóng cửa sổ khi ngủ để tránh gió lùa. Người già ban đêm không nên ra ngoài đi tiểu. Vào mùa nóng, không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt khi ngủ.
- Khi bị liệt mặt, cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não... Ngoài ra, cần điều trị sớm các chứng viêm nhiễm ở tai, mũi, họng và đề phòng chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm.
- Trong 7-10 ngày đầu, nên dùng thuốc chống viêm corticoid prednisolon, kháng sinh, tiêm bắp vitamin nhóm B (B1, B6, B12). Đồng thời, cần phối hợp tập vận động xoa bóp cơ mặt hằng ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 4-5 phút. Xoa từ cằm lên trán nhằm tăng cường tuần hoàn chống sự co cứng cơ mặt.
- Để bảo vệ mắt bên liệt khỏi gió bụi và tránh biến chứng viêm loét giác mạc, cần đeo kính râm lót gạc sạch bên trong và rửa mắt hằng ngày bằng dung dịch nước muối NaCl 9%o hoặc cloramphenicol 0,4%. Có thể dùng băng dính cắt theo hình chữ Y dán đảo ngược, một đầu vào trán, hai đầu kia vào môi dưới và môi trên để nâng cơ mặt khỏi bị sệ.
- Khi điều trị nội khoa có kết quả, cần giảm dần liều thuốc. Người bệnh nên đứng trước gương tự tập luyện phục hồi chức năng. Liệu pháp điều trị bằng phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa không có kết quả.
Theo BS Nguyễn Thế Anh - Sức khỏe & đời Sống

Động tác chống viễn thị tuổi già

Ngón tay của hai bàn tay gài chéo nhau và đưa lật ra trên trời, đầu bật ra đằng sau, mắt nhìn bàn tay ở một điểm cố định...

Khi về già, đôi mắt thường mờ đi, khiến nhiều người bị đục thủy tinh thể hoặc bị viễn thị. Dưới đây là một số bài tập giúp phòng chống bệnh.
 
Ảnh minh họa
 
Ðộng tác xem xa và xem gần
Chuẩn bị: Ngón tay của hai bàn tay gài chéo nhau và đưa lật ra trên trời, đầu bật ra đằng sau, mắt nhìn bàn tay ở một điểm cố định của một ngón tay.
Ðộng tác: Hít vô tối đa, giữ hơi và làm dao động tay, đầu thân qua lại từ 2 - 6 cái, mắt vẫn nhìn theo điểm cố định, thở ra triệt để, đồng thời đưa tay lại gần mặt độ 5cm mà vẫn cố nhìn rõ điểm cố định. Làm như thế 10 - 20 hơi thở.
Tác dụng: Luyện mắt để giữ khả năng điều tiết của thuỷ tinh thể; Chống viễn thị tuổi già.
 
Ðộng tác xem xa và xem gần
Động tác xoa mắt
Đặt 2 ngón tay giữa xoa mi mắt trong vòng hố mắt vừa sức chịu đựng của mắt, xoa mỗi chiều 10 - 20 lần.
 
Tác dụng: Ðề phòng và chữa bệnh mắt.
Ðộng tác đảo mắt qua lại
Ðưa một ngụm hơi vào miệng như một ngụm nước cho má phình lên rồi cho nó đảo từ má bên này sang má bên kia, kết hợp với đảo mắt cùng một hướng, đồng thời đảo xong thì gõ răng một lần. Ðảo từ 10 - 20 lần.

Theo PGS.TS Phạm Thúc Hạnh 
(Trưởng bộ môn Khí công - Dưỡng sinh, Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam)

Khoa học và Đời sống

Giúp người cao tuổi an toàn khi đi ra ngoài

Tuổi già cũng có nhu cầu giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội nhưng lại dễ gặp khó khăn trong khi di chuyển, thậm chí khó khăn trong vận động.

Có những trường hợp con cháu sợ ông bà, cha mẹ đi ra ngoài không an toàn, dễ gặp tai nạn nên muốn giữ các cụ ở trong nhà cho yên tâm. Tuy nhiên, cách này lại rất dễ làm cho các cụ cảm thấy cô đơn.

Vậy làm cách nào để giúp người cao tuổi đi ra ngoài, tham gia hoạt động xã hội mà vẫn đảm bảo sự an toàn?

Những hoạt động người cao tuổi thường muốn tham gia


Ảnh: Thanh Tùng

Bên cạnh những sinh hoạt trong đời sống gia đình, người cao tuổi cũng muốn có thêm người giao tiếp từ môi trường bên ngoài, cũng muốn đi đây đi đó để giải trí, nghỉ dưỡng, thư giãn, hoặc thỏa nhu cầu tâm linh. 

Do đó các cụ thường chọn đi tập thể dục, tập dưỡng sinh ở công viên, hoặc đi hành hương, thăm viếng đền chùa, tham gia câu lạc bộ văn thơ, câu lạc bộ chăm sóc cây cảnh… 

Những hoạt động này có thể trở thành thời khoá biểu hàng ngày - tập thể dục, dưỡng sinh, hoặc có thể là những chuyến đi xa, đi nhiều ngày - đi hành hương, đi du lịch.

Biết rõ vấn đề về sức khỏe để lường trước các nguy cơ

Cần quan tâm và biết rõ tình trạng sức khỏe, các vấn đề bệnh tật của ông bà, cha mẹ để có sự chuẩn bị tốt nhất khi các cụ đi ra ngoài. 

Cần nhắc ông bà, cha mẹ tuân theo sự hướng dẫn của thầy thuốc trong suốt chuyến đi như uống thuốc đúng giờ, đảm bảo thời gian vận động và nghỉ ngơi hợp lý. 

Đối với những chuyến đi xa hoặc dài ngày, cần chia sẵn thuốc để trong hộp chia thuốc (loại hộp này đã có bán ở các siêu thị, nhà thuốc), ghi sẵn ngày giờ uống trên nắp hộp để các cụ dễ tìm. 

Luôn để sẵn trong ví, túi áo quần của các cụ một bản ghi những điểm quan trọng của sức khoẻ như các bệnh đang có, nhóm máu, các thuốc đang uống, số điện thoại người thân… đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Biết trước lịch trình và lựa chọn phương tiện di chuyển

Có những trường hợp các bác, các cụ muốn đi bộ hoặc vẫn điều khiển được xe đạp, xe điện, xe máy và muốn chọn các loại xe hai bánh này để di chuyển trong phạm vi gần thì việc cần làm của người thân là kiểm tra độ an toàn của xe, nạp đủ xăng, điện, chọn mũ bảo hiểm tốt, báo trước những đoạn đường xấu. 

Trong trường hợp di chuyển bằng xe buýt, xe khách, tàu hoả, máy bay… thì nên biết trước đặc điểm đường sá, độ an toàn, chất lượng phục vụ của chủ phương tiện để quyết định lựa chọn. 

Nếu các bác, các cụ đi một mình, cần ghi sẵn địa chỉ, sơ đồ của những điểm liên lạc hoặc cấp cứu như bưu điện, trụ sở các cơ quan, uỷ ban, bệnh viện, trạm y tế… 

Trường hợp các bác, các cụ có dùng gậy, nạng hoặc xe lăn thì cần lưu ý có chỗ đặt để những vật dụng này một cách an toàn, thuận tiện trên các phương tiện vận chuyển.

Sắp xếp hành lý

Người già vốn lo xa và ngại làm phiền nên các cụ thường có xu hướng đem theo nhiều đồ dùng khi đi ra đường. 

Thêm nữa, các cụ cũng sợ đi xa thiếu đồ dùng thì khó đi tìm mua do khó chủ động di chuyển, hoặc mua chỗ lạ đắt hơn, tốn kém. Do đó, người thân cần giúp các cụ sắp xếp hành lý gọn nhẹ nhưng vẫn đầy đủ. 

Cần đảm bảo những đồ dùng thường xuyên (nước uống, khăn tay), hoặc khẩn cấp (điện thoại, thuốc, tờ ghi tình trạng sức khoẻ) hoặc giấy tờ cần xuất trình (vé di chuyển, chứng minh nhân dân) được để ở nơi an toàn, dễ lấy. 

Trên túi xách, có thể ghi tên, thông tin để liên lạc trong trường hợp các cụ để quên hoặc bị nhầm lẫn. Đối với tiền, nên hạn chế đem theo quá nhiều so với mức ước lượng sẽ chi dùng.

Đảm bảo sự chăm sóc và liên lạc kịp thời

Có những trường hợp rất cần sự có mặt, chăm sóc kề bên của con cháu. Tuy nhiên, cũng có khi các cụ không muốn làm phiền con cháu, hoặc con cháu không thể đi cùng, thì nên chuẩn bị trước để có được sự liên lạc kịp thời trong mọi trường hợp. 

Một chiếc điện thoại di động dễ sử dụng cho người già là điều cần thiết, trong đó lưu sẵn phím tắt với các số trong gia đình. Người trong gia đình cũng cần biết số điện thoại của những người tổ chức chuyến đi, những người đi cùng các cụ trong chuyến đi ấy. 

Dù không đi cùng ông bà, cha mẹ nhưng sự thăm hỏi qua điện thoại của con cháu cũng là một hành động chăm sóc có ý nghĩa.

Những điểm tâm lý cần lưu ý

Người cao tuổi rất cần sự quan tâm chăm sóc của con cháu nhưng các cụ cũng dễ tủi thân.

Do vậy, trong sắp xếp, hướng dẫn của những người làm con, làm cháu rất cần sự bày tỏ tình cảm, và cũng cần xử sự tinh tế, khéo léo nhằm tránh để các cụ hiểu lầm rằng đó là xét nét, theo dõi, kiểm soát hoặc cho rằng con cháu chỉ làm cho xong trách nhiệm, bổn phận. 

Đối với những chuyến đi chưa đảm bảo an toàn, hoặc không phù hợp tình hình sức khỏe của các cụ, người thân cần phân tích một cách ân cần tế nhị, nếu cần thiết có thể nhờ thêm trợ giúp từ thầy thuốc hoặc những người bạn của các cụ.

Giúp người cao tuổi đi ra ngoài, tham gia các hoạt động xã hội trong các điều kiện an toàn cũng là một cách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các cụ. 

Nhờ các hoạt động tích cực và tinh thần lạc quan an vui của các cụ, quá trình lão hóa sinh học có khả năng chậm lại, mặc dù không phải “cải lão hoàn đồng” nhưng điều quan trọng là các cụ cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống.

Theo Đoàn Bắc Việt Trân, đơn vị tâm lý - sức khỏe tâm thần,
TT Phòng chống chấn thương và bệnh không lây TPHCM 
Sài Gòn Tiếp Thị

Sốt ở người cao tuổi và cách xử trí

Khi người già sốt phải tìm cách hạ nhiệt ngay, hạn chế đắp khăn chườm mát lên vùng ngực hoặc sau lưng vì người bệnh sẽ dễ bị ho.

Do quá trình lão hóa cơ thể người cao tuổi thường hay mắc một số bệnh mãn tính như: cao huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, tiểu đường, trầm cảm, run người già, Parkinson... nên khi sốt nếu không biết xử trí ngay để nhiệt độ tăng quá cao, người cao tuổi có thể bị những tai biến do sự thay đổi về thân nhiệt ảnh hưởng đến các bệnh này.
 
Sử dụng các phương pháp hạ nhiệt tại nhà sớm và đúng sẽ giúp người cao tuổi tránh được các tai biến nguy hiểm.
Nhiều biến chứng do sốt
Khi người cao tuổi bị sốt cao có xuất hiện các tai biến như:  rối loạn ý thức như lơ mơ, mê sảng, tiểu không tự chủ hay trở nặng thêm các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường... Nếu nghi ngờ người cao tuổi bị sốt như khi thấy các triệu chứng như ớn lạnh, hơi thở nóng, tiểu gắt...  nên cặp nhiệt kế ngay để xem có sốt hay không. 

Không nên chủ quan vì cơ thể của người cao tuổi khi đã mắc phải bệnh thì thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn so với lúc còn trẻ. 

Đối với người cao tuổi khi cơ thể có sự biến động về nhiệt độ thì sự điều nhiệt cũng thay đổi dù với những nguyên nhân thông thường như cảm nhiễm thật nhẹ cũng làm nhiệt độ tăng cao đột ngột có khi ảnh hưởng lên hệ thần kinh.

Ở hệ tim mạch, sốt làm tim đập nhanh, mạnh hơn có thể là huyết áp tăng cao hơn, tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim có thể nặng hơn, có thể có rối loạn nhịp tim,... biến chứng  tim mạch rất hay xảy ra làm người cao tuổi bị sốt cao đột ngột. 

Còn đối với hệ thần kinh, ở mức độ nhẹ, sốt có thể gây nhức đầu, chóng mặt, tâm trí suy kém, nếu nặng thì sẽ bị rối loạn ý thức, mê sảng, co giật, tiểu không tự chủ... Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sốt sẽ làm cho ăn kém hơn, chán ăn, nôn ói, đau bụng, lưỡi đắng và đóng bợn trắng...
 
Người già bị sốt cũng có tình trạng nước tiểu ít, nóng, nước tiểu đậm màu, có khi dẫn đến tình trạng tiểu khó, tình trạng thở nhanh, ho, khó thở...
Lau mát rất hiệu quả
Khi người cao tuổi xuất hiện những triệu chứng như: môi khô, khát nước, thở nhanh, đổ mồ hôi cần cặp nhiệt kế ngay, nếu có sốt trên 38ºC và phải chuẩn bị ngay phương tiện để hạ sốt tại nhà. Sốt nhẹ, khi nhiệt độ từ 37,6ºC đến 37,9ºC, gọi là sốt vừa khi nhiệt độ từ 38ºC đến 38,9ºC, gọi là sốt cao khi nhiệt độ từ 39ºC trở lên. 

Nếu có sốt phải hạ nhiệt ngay, không nên để nhiệt độ cao thì mới hạ sốt. Lau mát là phương cách hạ sốt hữu hiệu, dễ thực hiện và ít tốn kém đồng thời mang lại những hiệu quả rất tốt. Không nên đắp chăn, không được mặc nhiều áo hoặc mặc áo ấm vì không những không hạ được sốt mà càng làm cho nhiệt độ trong người tăng cao. 

Dùng khăn tay nhúng vào chậu nước lạnh, vắt ráo nước đắp lên những vùng trán, hai bên hố nách... Đây là những nơi đi qua của các mạch máu lớn, nên khi chườm mát những vị trí đó thì việc hạ nhiệt sẽ mau có tác dụng hơn vì thế sốt sẽ mau hạ hơn, thỉnh thoảng cho bệnh nhân nằm nghiêng để lau vùng lưng. 

Hạn chế đắp khăn lên vùng ngực hoặc sau lưng vì khi đã hạ được sốt thì người bệnh sẽ dễ bị ho. Thường xuyên trở khăn, khi bệnh nhân có cảm giác dễ chịu hơn, trong người bớt bứt rứt thì ta nên kiểm tra lại nhiệt độ và mỗi lần kiểm tra nên lau khô nhẹ hố nách. 

Nên để khoảng 10-15 phút mới cặp lại nhiệt độ để tránh nhầm lẫn tưởng là sốt đã hạ do khăn lạnh làm giảm nhiệt độ da tại chỗ nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn còn cao.

Việc hạ sốt và dùng thuốc hạ nhiệt chỉ mang tính chất tạm thời. Sau khi nhiệt độ đã hạ nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ để được khám và được làm một số xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân của sốt và được điều trị tốt hơn.
Lưu ý khi hạ sốt bằng thuốc
Có thể sử dụng được paracetamol 0,5 g dạng viên uống hoặc dạng viên sủi bọt hay dạng viên đặt hậu môn để hạ sốt cho người cao tuổi. 

Phải hòa tan một viên sủi bọt với nửa ly hay một ly nước chín để nguội, có thể cho thêm 1 hoặc 2 muỗng đường, phải đợi cho thuốc tan hết mới uống. 

Do các viên sủi bọt đều có chứa sẵn một hàm lượng muối natri bicarbonate  nên người cao tuổi có một số bệnh mãn tính như cao huyết áp, thận... phải hết sức thận trọng khi sử dụng. Liều paracetamol trung bình dùng cho người lớn là 0,5 g một lần, từ 2 đến 4 lần/ngày. 

Paracetamol là thuốc phổ biến dễ sử dụng nhưng nếu dùng quá liều và dùng lâu dài, thuốc vẫn có nhiều tác dụng phụ và biến chứng khá nguy hiểm, nhất là ở người cao tuổi.
Theo ThS. BS Phan Hữu Phước - Người lao động

Phản ứng phụ do thuốc ở người già và cách dự phòng

Mặc dù chỉ chiếm hơn 10% tổng dân số thế giới, nhưng người già lại sử dụng một lượng thuốc gần tương đương với những người trẻ tuổi.

Nguyên nhân là do người già thường mắc đồng thời nhiều loại bệnh và gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe do quá trình lão hóa, do đó phải dùng nhiều loại thuốc để giải quyết các vấn đề này, có nhiều người phải dùng tới 7 -10 loại thuốc khác nhau mỗi ngày.
 
Cùng với sự gia tăng số lượng người già trên trái đất, số lượng thuốc được kê đơn điều trị cho người già cũng đang có xu hướng tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây do tuổi thọ của con người ngày càng kéo dài, số bệnh lý mạn tính cũng vì thế mà được tích lũy ngày càng nhiều theo tuổi.
 
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của y học đã cho ra đời rất nhiều loại thuốc mới dùng trong điều trị các bệnh mạn tính thường gặp ở người già như rối loạn mỡ máu, loãng xương, bệnh Alzheimer…
 
Quan điểm điều trị của các thầy thuốc ở nhiều nơi trên thế giới cũng có những thay đổi, phần lớn các bệnh mạn tính ở người già đều được điều trị một cách tích cực thay vì “sống chung” với bệnh như trước đây.
 
Vì sao người già dùng thuốc hay gặp tác dụng phụ?
Việc sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc có thể khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề gây ra do thuốc như các phản ứng phụ của thuốc, tương tác giữa các loại thuốc và độc tính của thuốc. Ở người già, những vấn đề này xảy ra thường xuyên hơn và mức độ cũng trầm trọng hơn so với người trẻ tuổi.
 
Nguyên nhân làm tăng tần suất tác dụng phụ do thuốc ở người già được cho là do những thay đổi của quá trình chuyển hóa và đào thải thuốc, giảm khả năng hoạt động bù trừ của các hệ cơ quan liên quan đến tuổi và ảnh hưởng của nhiều bệnh lý mắc kèm gây kéo dài thời gian tác dụng, tăng nguy cơ nhiễm độc, tăng tần suất tác dụng phụ và thay đổi tác dụng điều trị của thuốc.
 
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tần suất tác dụng phụ do thuốc ở nhóm tuổi 70-79 cao hơn 7 lần so với ở nhóm tuổi 20-29, tỷ lệ nhập viện do các phản ứng phụ của thuốc ở người già lên tới 17% so với tỷ lệ 5% trong cộng đồng chung.
 
Bên cạnh tần suất, mức độ phản ứng phụ do thuốc ở người già thường nặng nề hơn so với ở người trẻ tuổi, nguyên nhân là do giảm khả năng hoạt động bù trừ của các hệ cơ quan và việc dùng đồng thời nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ xuất hiện các tương tác thuốc nguy hiểm trên lâm sàng.
 
Tuy nhiên, phản ứng phụ do thuốc xảy ra phổ biến ở người già không chỉ là do tác động của tuổi tác, mà một phần còn do những yếu tố chủ quan trong việc kê đơn và sử dụng thuốc. Một ví dụ là các phản ứng phụ do thuốc ở người già thường có biểu hiện khá mơ hồ và khó nhận biết, như lú lẫn tăng lên, buồn ngủ nhiều, táo bón, khó đi tiểu, chán ăn, mệt mỏi...
 
Đây cũng là những vấn đề xảy ra khá phổ biến ở người già, do đó không ít trường hợp các thầy thuốc đã nhầm lẫn và xử lý các phản ứng phụ do thuốc này bằng cách cho dùng một thuốc khác và khiến người bệnh phải chịu thêm các phản ứng phụ mới.

 Cần hướng dẫn người cao tuổi dùng thuốc rõ ràng, tỉ mỉ
Những thuốc nào gây tác dụng phụ ở người cao tuổi?
Một số thuốc hoặc nhóm thuốc được xếp vào nhóm có nguy cơ cao gây ra các tác dụng phụ ở người già, thường gặp là:
 
- Các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim (amiodarone, disopyramide)
 
- Các thuốc kháng histamine thế hệ cũ (doxepin, chlorpheniramine, diphenhydramine, hydroxyzine, promethazine…)
 
- Thuốc kháng cholinergic (atropin),
 
- Thuốc chống trầm cảm (amitriptyline, fluoxetine)
 
- Các thuốc an thần kinh (thioridazine, mesoridazine)
 
- Barbiturate (ngoại trừ phenobarbital)
 
- Nhóm benzodiazepine (flurazepam, diazepam, lorazepam), digoxin
 
- Các thuốc chống viêm giảm đau (indomethacine, ketorolac, naproxen, meloxicam),
 
- Thuốc hạ huyết áp (nifedipine, methyldopa, guanethidine)
 
- Các thuốc giãn cơ (orphenadrine, methocarbamol, carisoprodol, chlorzoxazone, metaxalone, oxybutynin)
 
- Các thuốc xổ hoặc nhuận tràng (bisacodyl, cascara sagrada) và chlorpropamide.
Làm gì để hạn chế tác dụng phụ do thuốc ở người già?
Để hạn chế tối đa các phản ứng phụ do thuốc ở người già, nên thận trọng khi sử dụng những thuốc có nguy cơ cao gây các phản ứng phụ kể trên, cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ, dùng liều thấp nhất có thể hoặc thay thế bằng các thuốc ít độc tính hơn nếu đảm bảo được hiệu quả điều trị và điều kiện tài chính cho phép.
 
Bên cạnh đó, cần xem xét lại phác đồ điều trị của bệnh nhân định kỳ mỗi 6-12 tháng và khi có bất kỳ sự thay đổi nào về thuốc, theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện các phản ứng phụ ở những bệnh nhân lớn tuổi có sử dụng các thuốc hướng thần hoặc những người có dùng nhiều hơn 4 loại thuốc.
\
Hạn chế tối đa số lượng thuốc chỉ định cho mỗi bệnh nhân và tăng cường sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc, thường xuyên đánh giá lại chức năng gan thận để có những điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp, cân nhắc sử dụng các thuốc phối hợp hoặc dùng liều một lần mỗi ngày để cải thiện sự tuân thủ điều trị của người bệnh trong điều kiện tài chính cho phép. 
 Theo BS Nguyễn Hữu Trường Sức khỏe & Đời sống

Thực đơn cho người cao tuổi


Nếu trong gia đình có người cao tuổi, bạn cần chú ý đến việc lên thực đơn sao cho hội đủ các điều kiện: đủ dưỡng chất, dễ tiêu hóa, chất xơ.
Nếu trong gia đình có người cao tuổi, bạn cần chú ý đến việc lên thực đơn sao cho hội đủ các điều kiện: đủ dưỡng chất, dễ tiêu hóa, nhiều chất xơ, nhiều sinh tố.

Khi người ta trẻ, các món ăn có hai nhiệm vụ: giúp cơ thể hoạt động và phát triển. Khi lớn tuổi, thức ăn chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất là cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Vì thế, người bước qua 60 tuổi cần ăn ít đi về số lượng.

Nếu lúc còn trẻ mỗi bữa ăn hai, ba hoặc bốn bát thì nay nên bớt đi một bát cơm. Cần theo dõi cân nặng để điều chỉnh khi thấy có xu hướng tăng.





Hệ tiêu hóa người cao tuổi không còn “sung sức” như thời trẻ, độ co bóp yếu, nên khó đẩy chất thải ra ngoài. Chất thải càng ở lâu trong ruột già, càng tạo điều kiện cho vi sinh vật “bành trướng”, chúng làm đầy hơi, đầy bụng. Bụng trướng, đầy hơi cản trở sự hoạt động của tim và cơ hoành, gây mệt mỏi toàn cơ thể.

Vì vậy, khi lớn tuổi, cần ăn món dễ tiêu hóa và nhiều chất xơ như: cháo dựng bò (trong cháo có đậu xanh, đu đủ xanh, khoai mì, bí đỏ, nghệ hầm với chân bò, chân bê). Món này rất dễ tiêu vì được hầm nhừ và có sự hỗ trợ của nghệ.

Các món riêu cua, riêu cá… nấu với cà chua ăn cùng rau sống, rau thơm, bún; bánh canh cua nấu với nấm rơm, canh nấm, canh cua rau đay… rất có lợi cho sức khỏe người cao tuổi.

Người có tuổi nên dùng đạm thực vật vì gan đã đến thời “lười” tổng hợp đạm nên dễ thiếu chất này. Nên ăn các món như xôi đậu xanh, xôi đậu đen, xôi đậu đỏ, cơm gạo lức muối mè, bánh đa kê, cà ri cá đuối, tàu hủ xốt cà, tàu hủ “lướt ván”, xúp nấm, xúp nui sao, đậu xanh (hầm xương làm nước lèo)...

Người cao tuổi cần ăn năm bữa trong ngày, bao gồm hai bữa xế vào lúc 9g sáng và 3g chiều. Các bữa xế nên dùng trái cây có tác dụng nhuận tràng để hỗ trợ hệ tiêu hóa như: đu đủ, thanh long, bưởi, táo, cam, quít… (Các chất xơ trong trái cây giúp “quét” cholesterol ra khỏi ruột, góp phần ngăn chặn xơ vữa mạch máu).

Xen kẽ với trái cây là các món: xôi gấc, sữa đậu nành, sữa chua, đậu phộng nấu, một số bột ăn liền như: bột ngũ cốc, bột lúa mạch, bột tảo spirulina.




Nếu không muốn trở thành “khách hàng thân thiết” của bệnh viện, người cao tuổi cần hạn chế những món chứa nhiều đường, muối như: bánh bông lan kem bơ, bánh ít nhân dừa, bánh bía, bánh mì ăn với xúc xích, thịt hun khói, cá khô, các món mắm… Do đó, nhiệm vụ của người nội trợ trong gia đình là… quên các món nêu trên khi đi chợ.

Người cao tuổi thường không thấy khát dù cơ thể thiếu nước. Vì thế, bên cạnh ăn nhiều các món nấu trong nước, người nhà cần nhắc các cụ uống thêm nước. Cách uống như sau: uống nhiều vào buổi sáng, giảm dần và ngưng hẳn vào buổi tối để không bị tiểu đêm.

Theo Cát Tường - Phụ nữ TPHCM

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Phòng bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi

Người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp, trong đó bệnh thoái hóa khớp (THK) là hay gặp nhất.

Khi bị THK mà không phát hiện sớm để điều trị thì rất dễ dẫn đến tình trạng biến dạng khớp, làm hạn chế vận động, đôi khi  làm cứng khớp.
Cấu tạo của khớp
Khớp chính là phần tiếp nối giữa 2 đầu xương trong cùng một cơ thể, có bao khớp bao bọc xung quanh, có một lớp sụn mềm giữa 2 đầu xương và một loại dịch nhầy (dịch khớp) rất trơn để cho khớp cử động một cách dễ dàng…
 
X-quang kiểm tra khớp cho bệnh nhân
Nói đến THK thường muốn ám chỉ lớp sụn mềm ở ngay đầu xương bị thoái hóa là chính, ngoài ra THK còn có hiện tượng giảm phản xạ đầu xương và giảm thiểu đáng kể việc tiết dịch nhầy của khớp (dịch khớp).
 
Những khớp xương nào dễ bị thoái hóa nhất? Có nhiều khớp xương dễ bị thoái hóa nhưng hay gặp nhất vẫn là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân...
Nguyên nhân của THK
THK là hiện tượng khớp bị tổn hại (xơ hóa, biến dạng, vôi hóa…) có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng có 2 loại nguyên nhân chính:
Nguyên nhân nguyên phát: là nguyên nhân hay gặp ở những người tuổi cao. Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương. Có nhiều yếu tố thuận lợi gặp ở người cao tuổi bị THK xương như: tình trạng béo phì, di truyền, có chấn thương nhẹ nhưng thường hay xảy ra ở khớp.
Nguyên nhân thứ phát: xảy ra sau viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do nhiễm trùng (do vi khuẩn lao, vi khuẩn mycoplasma, vi khuẩn lậu…). Một số trường hợp do trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp như: bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn trong chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền…).
 
Ngoài ra, người ta cũng nhắc đến nguyên nhân tự miễn cũng có vai trò nào đó trong THK ở người cao tuổi. Người ta cho rằng, người trên 40 tuổi hay gặp THK có lẽ ở chừng mực nào đó có liên quan đến yếu tố tự miễn, cũng giống như trong viêm đa khớp dạng thấp, người ta thấy có các tự kháng thể thuộc loại globulin to kiểu IgM có tính đặc hiệu cao.
Triệu chứng chính
Đau tại khớp bị thoái hóa là dấu hiệu bao giờ cũng có, ví dụ như khớp gối bị thoái hóa có khi đau làm cho đi lại rất khó khăn và bị hạn chế trong vận động. Trong thoái hóa đốt sống thắt lưng thì khi cúi xuống, đứng lên, quay ngang… đều đau, đôi khi do thần kinh bị chèn ép làm cho đau dọc xuống dưới chân.
 
Đau khớp thường vào buổi sáng kéo dài khoảng nửa giờ, xuất hiện một vài khớp riêng lẻ bị thoái hóa, đau không có đối xứng. Thông thường, đau trong THK không kèm theo các dấu hiệu của viêm như: sưng, nóng, đỏ.
Cứng khớp hay gặp nhất là vào buổi sáng sớm lúc vừa ngủ dậy làm cho việc co, duỗi, đi lại khó khăn. Cứng khớp do THK chỉ kéo dài một thời gian ngắn (ít khi quá 15 phút).
Ngoài các triệu chứng điển hình vừa nêu trên, chẩn đoán THK cũng nên chụp X-quang, cộng hưởng từ để biết tình trạng của khớp như: hẹp khe khớp, mỏm gai bờ rìa, vành xương của sụn khớp xương đốt sống thắt lưng và các dấu hiệu khác, tuy nhiên trong các trường hợp mới bị THK thì các dấu hiệu này có khi chưa xuất hiện.
Khi đã bị THK nên làm gì?
Nếu bị đau nhiều cần giảm đau, động tác đầu tiên nên chườm lạnh (dùng khăn thấm nước lạnh), sau đó chườm bằng nước nóng (dùng khăn thấm nước nóng, nếu có điều kiện thì ngâm trong bồn tắm có nước ấm để cho người ấm lên, sau đó lau người khô và mặc quần áo).
 
Nếu không có điều kiện hoặc không muốn chườm lạnh, chườm nóng thì có thể xoa, bóp nhẹ nhàng rồi dùng dầu (ví dụ dầu gió), kem (typ kem deefheat) xoa vào khớp làm cho nóng lên.
Nếu thấy có hiện tượng cứng khớp thì cần tập co, duỗi (khớp gối, cổ chân), vặn mình nhẹ nhàng (khớp đốt sống lưng, thắt lưng), xoay cổ sang phải, sang trái một cách nhẹ nhàng (khớp đốt sống cổ).
Nếu các động tác vừa nêu trên thực hiện đều đặn mà không thấy bệnh thuyên giảm hoặc thuyên giảm nhưng rất chậm thì nên đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc và tư vấn thêm, tuyệt đối không tự động mua thuốc để uống hoặc tiêm vì các loại thuốc dùng trong điều trị THK cần được hiểu rõ cơ chế tác dụng chính và đặc biệt là các tác dụng phụ.
Phòng bệnh THK
Để hạn chế THK, người cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện…) tùy theo điều kiện của mỗi một người.
Để phòng tránh hiện tượng THK xảy ra thì ngay từ lúc tuổi ngoài 40 nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày như chơi thể thao, đi bộ, bơi… hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức.
 
Khi có hiện tượng nghi ngờ về khớp cần đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn đầy đủ. Nên đi khám bệnh định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của mình và biết cách phòng tránh. Đối với người cao tuổi cũng cần tập luyện nhẹ nhàng tùy theo sức mình và hoàn cảnh của riêng mình.

Cần có sự tập luyện các khớp xương như: xoay, xoa bóp, đi lại trong nhà, trong sân, trong ngõ (khi lên xuống cầu thang phải hết sức cẩn thận, đặc biệt những cụ tuổi đã cao, sức yếu thì không nên lên xuống cầu thang vì dễ bị sảy chân rất nguy hiểm).
Đi bộ là một hình thức tập luyện rất được nhiều người ưa chuộng nhưng cũng không nên đi xa quá và chiếm nhiều thời gian gây mệt mỏi, đôi khi còn phản tác dụng.
Theo ThS.BS. Mai Hương - Sức khỏe & Đời sống

Tập thể dục ở tuổi già

Tập thể dục đem lại lợi ích cho sức khỏe ở mọi lứa tuổi, và dĩ nhiên không loại trừ người có tuổi.

Nhưng trước khi bắt đầu rèn luyện thể chất, bạn nên tìm hiểu cách tập thể dục sao cho an toàn. Theo Hiệp hội Các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Mỹ đưa ra những gợi ý sau:
 
Ảnh: Shutterstock
 
1. Tăng hoạt động thể chất từ từ và tập nhiều thể loại khác nhau như đi bộ nhanh, chạy bộ, tập dưỡng sinh....
2. Tập các bài tăng sự dẻo dai, linh hoạt và chỉ nên tập ở mức độ thoải mái, vừa phải.
3. Có thể tập các bài tăng cường sức mạnh, nhưng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu hoặc chuyên gia thể dục.
4. Luyện tập các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng và hạ huyết áp; 5. Uống nhiều nước mỗi ngày; 6. Ăn nhẹ nhiều lần trong ngày và ăn tối nhẹ.
Theo Mai Duyên - Thanh Niên/ Healthday

Bổ sung sắt phòng bệnh điếc ở người cao tuổi

Khi ngoài 60 tuổi, thính lực của con người bắt đầu giảm đần, trường hợp nặng thì điếc hẳn.

Ngoài nguyên nhân sinh lý ra, hiện tượng điếc ở người cao tuổi còn có liên quan đến việc ăn uống không hợp lý, nếu biết sớm, chú ý điều chỉnh ăn uống thì có thể đề phòng được.
Khi về già, tế bào hồng cầu cứng sẽ dễ làm tắc các vi huyết quản, gây khó khăn cho tuần hoàn máu trong tai, cộng thêm sự thiếu chất sắt trong cơ thể, năng lực chuyên chở oxy của tế bào hồng cầu bị giảm sút, làm cho tế bào thính giác trong tai thiếu chất dinh dưỡng, qua đó sinh bệnh điếc.
Nếu bổ sung thêm chất sắt thì có thể làm giãn mạch máu, làm mềm các tế bào hồng cầu, bảo đảm tai được cung cấp đủ máu, qua đó ngăn chặn tình trạng giảm thính lực ở người cao tuổi.
 
Khi sang tuổi trung niên nên ăn cá, đậu nành, rau cải, cà rốt, các loại hải sản là thực phẩm chứa nhiều kẽm giúp bảo vệ ống tai tốt hơn.
Theo ThS Bùi Văn Tiến - Khoa học và Đời sống

Tiểu són ở người cao tuổi

Tiểu són hay chứng tiểu tiện không kiểm soát (TTKKS) là tình trạng bài tiết nước tiểu không tự chủ được.

Rối loạn này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ con nhưng thường gặp nhất ở người cao tuổi. Chứng TTKKS không được xem là bệnh mà là triệu chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
TTKKS có thể thoáng qua hay cấp tính (chứng này có thể tự khỏi khi các nguyên nhân được loại trừ) hoặc TTKKS mạn tính (do ứ nước tiểu ở bàng quang hoặc do cơ trơn ở niệu đạo có lúc không co thắt tốt, làm nước tiểu thoát ra không theo sự kiểm soát). Để trị chứng TTKKS tùy vào nguyên nhân bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cho phù hợp.
Ngoài việc dùng thuốc, người mắc có thể sử dụng phương pháp không dùng thuốc gọi là “tập luyện các cơ vòng tầng sinh môn”. Đây là phương án thường được áp dụng cho phụ nữ bị chứng TTKKS do stress.
Người bệnh sẽ tập làm co thắt và thư giãn các cơ quan quanh âm đạo, quanh niệu đạo, quanh hậu môn sẽ cải thiện được tình trạng này. Ngoài ra, cũng có thể tập phương pháp “tái huấn luyện bàng quang” hay phương pháp “sinh phản hồi” theo sự hướng dẫn của bác sĩ.  
Theo ThS Trần Anh – Khoa học & Đời sống

"Sinh hoạt" quá độ làm tăng nhồi máu cơ tim

Ở những người cao tuổi, đặc biệt là những người “thi thoảng” mới “lâm trận”, thì tình dục lại thực sự không hẳn tốt.

Ảnh minh họa
Tình dục vẫn được xem như là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Nó được coi là thứ gắn kết lứa đôi, là nhựa sống làm cho vợ chồng trở lên hòa quyện.
Nhưng có vẻ như nó chỉ đúng với những đôi uyên ương trẻ, còn ở những người cao tuổi, đặc biệt là những người “thi thoảng” mới “lâm trận”, thì tình dục lại thực sự không hẳn tốt. 

Nó có thể là một yếu tố tiềm ẩn gây nhồi máu cơ tim. Đó là một kết quả nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tạp chí khoa học của Hội Y học Hoa Kỳ. 
 
Nghiên cứu được thực hiện trên 6.000 người, từ 14 nhánh nghiên cứu nhỏ. Đối tượng nghiên cứu là những người đã có tiền sử nhồi máu cơ tim, người ta đi tìm hiểu nguy cơ hay công việc nào những người này đã làm hoặc hay làm trong khoảng 2 giờ trước khi bị nhồi máu cơ tim. 
 
Và thật bất ngờ, đa phần đều hoặc là vận động quá sức hoặc là tình dục quá khích. Dựa trên kết quả này, các nhà khoa học khuyên, nếu bạn là người có độ tuổi trung niên, lại ít khi “lâm trận”, thì cách tốt nhất là hãy bình tĩnh, từ từ, kẻo bị nhồi máu cơ tim.
 

Theo Thu Hiền - Sức khỏe & Đời sống/ AP

Phòng loét da ở người cao tuổi

Khi về già, mọi người thường không nghĩ nhiều đến chế độ dinh dưỡng, vì vậy, việc cung cấp dinh dưỡng cho da không đủ gây nên các bệnh lý về da.

Bệnh cũng có biểu hiện loét ở da mắt cá chân do ứ trệ tĩnh mạch bên dưới, do nằm lâu bởi một số bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương gãy xương... 


Các dạng loét da ở người cao tuổi do tì đè này chủ yếu do da ở vùng đó thiếu chất dinh dưỡng bởi máu không lưu thông được trong một thời gian dài, có người do yếu, không có người chăm sóc nên vệ sinh kém cũng rất dễ bị loét da. Loét da không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhưng dễ gây nhiễm khuẩn, ngứa khó chịu. 

Giữ vệ sinh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng là biện pháp hiệu quả phòng bệnh da ở người cao tuổi. Tuỳ theo từng nguyên nhân mà có các biện pháp nhằm ngăn ngừa loét da. Nếu do nằm lâu thì nên dùng đệm bằng hơi hoặc nước. 

Nếu do thiếu chất dinh dưỡng thì phải bổ sung, khi bị nhẹ có thể dùng một số thuốc mỡ có kháng sinh thoa vào các vùng bị loét để phòng bị nhiễm khuẩn. Khi nặng hơn phải thăm khám bác sĩ.    

Theo ThS. Bùi Văn Tiến - Khoa học & Đời sống

Nấm phổi ở người cao tuổi

Nấm phổi là một bệnh danh chung chỉ các bệnh phổi do nấm gây ra. Có nhiều loại nấm có thể gây ra nhưng thường gặp là các loài nấm Aspergillus.

Tỷ lệ bị nấm phổi chỉ vào khoảng 0,02% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh phổi và đa phần ở người trung tuổi, khả năng miễn dịch giảm. 
Tuy nhiên, nếu đã bị nhiễm nấm phổi thì mức độ lại nguy hiểm hơn nhiều do người nhiễm nấm chủ yếu là người mắc kèm theo các bệnh lý khác và nhiễm nấm thường gây những biến chứng nặng nề cho người bệnh.
Nấm phổi là một bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong
Tỷ lệ người bị tử vong do nấm phổi có thể lên đến 80 - 90%. Những đối tượng nằm trong tâm điểm nhiễm nấm là người mắc bệnh tự miễn đang phải điều trị ức chế miễn dịch, bị bệnh ung thư tiến triển, phải điều trị ức chế miễn dịch, người phải ghép tạng, can thiệp tế bào gốc, ghép tủy, người bệnh HIV...
Khi đã nhiễm nấm vào phổi thì nấm không chỉ gây bệnh đơn thuần ở phổi mà còn rất nhiều vị trí khác như não, màng não, gan, thận, lách, da, thượng thận, tim, mắt và máu. Đây là giai đoạn nặng và điển hình nhất của nấm phổi.
Vì vậy, cần phòng bệnh bằng cách, vệ sinh phòng ở, buồng nằm và buồng điều trị. Mở rộng cửa ra để lấy ánh nắng làm chết nấm mốc và làm khô phòng ở.   
Theo ThS.BS Đào Bích Vân - Khoa học & Đời sống

Thiếu vitamin B12 “làm não co rút”

Một cuộc nghiên cứu mới, người cao tuổi có mức vitamin B12 thấp trong máu có nguy cơ bị co rút não và mất khả năng nhận thức.

Thêm lý do để tăng cường bảo vệ khả năng nhận thức của người cao tuổi - Ảnh: Shutterstock
 
Theo trang tin Top News, Tiến sĩ Christine C. Tangney thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Rush (Mỹ) và các cộng sự đã nghiên cứu 121 người tuổi từ 65 trở lên ở phía nam thành phố Chicago.
Những người này được lấy máu để đo mức vitamin B12 và các chất chuyển hóa liên quan vitamin này vốn có thể là dấu hiệu chỉ báo tình trạng thiếu hụt vitamin B12.
Họ cũng trải qua các cuộc kiểm tra về việc ghi nhớ cùng những kỹ năng nhận thức khác.
Qua bốn năm rưỡi theo dõi sau đó, nhóm nghiên cứu chụp ảnh não của các đối tượng nghiên cứu bằng máy chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) để đo dung lượng não cũng như xem xét những dấu hiệu tổn thương não khác.
Kết quả cho thấy, có 4/5 dấu hiệu của tình trạng thiếu hụt vitamin B12 liên quan đến việc đạt điểm thấp hơn trong các cuộc kiểm tra về nhận thức và dung lượng não nhỏ hơn.
“Phát hiện của chúng tôi dứt khoát cần phải được giải thích thêm. Còn quá sớm để nói rằng việc tăng cường mức vitamin B12 ở người cao tuổi thông qua chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc bổ sung có thể ngăn chặn tình trạng này, nhưng đó là một vấn đề thú vị cần khám phá”, tiến sĩ Tangney cho biết.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Neurology.
Theo Khang Huy - Thanh Niên

Người già bị viêm cầu thận khó hồi phục

Khi càng cao tuổi các bộ phận trong cơ thể càng bị lão hóa. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sự lão hóa của thận ở người.

Khi có tuổi thì kích thước thận sẽ giảm đi, lưu lượng máu qua thận giảm và mức lọc cầu thận cũng giảm dần. Sự lão hóa của nhu mô thận dẫn đến thay đổi chức năng nội tiết và bài tiết nước tiểu của thận.
Trong nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, số lượng người cao tuổi trên 60 bị viêm cầu thận tiến triển nhiều hơn tuổi trẻ.
 
Triệu chứng chủ yếu là mệt, thiếu máu, cao huyết áp và đôi khi không có triệu chứng nào. Xét nghiệm nước tiểu cho thấy, có nhiều hồng cầu (tiểu máu), nhiều đạm.
Dù viêm cầu thận hay gặp ở người trẻ và trẻ em nhưng nếu xảy ra ở người cao tuổi thì tiến triển rất nhanh và không hồi phục.
 
Bệnh xuất hiện từ từ, thận sẽ suy giảm chức năng dần dần và thường kết hợp với thiểu niệu. Hay kết hợp với nhiễm trùng niệu.
Để phòng ngừa, người ta thường khuyên sinh hoạt và chế độ ăn uống theo dõi giống như người có nguy cơ bệnh mạch máu não hoặc bệnh mạch vành.    
    
Theo TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn Khoa học và Đời sống

Làm sao để tuổi già vẫn khỏe?

Bạn muốn khỏe mạnh khi ở độ tuổi 60 hoặc ngoài 60? Để duy trì được sức khỏe tốt vào độ tuổi này, hãy tập cho mình những thói quen tốt sau.

Vận động
Khi ở độ tuổi này, những người già sẽ hay té ngã dẫn đến gãy xương và bị thương. Vận động sẽ làm cho xương và các bắp thịt chắc khỏe hơn, dẫn đến ít té ngã hơn và xương cũng không dễ gãy. 
Các chuyên gia khuyên rằng nên vận động ít nhất 30 phút trong một tuần, chia ra làm hai lần mỗi lần 15 phút.

Vận động thường xuyên cũng tốt cho não của người già. Những nghiên cứu cho thấy rằng những người tập những động tác nhẹ nhàng chẳng hạn như đi bộ thì năng động và quyết đoán hơn người chẳng bao giờ vận động.
Những bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp những người già mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh tim khỏe hơn. Khi bắt đầu, có thể các cơ bắp sẽ hơi bị nhức mỏi nhưng đừng xem đó là một cái cớ để ngừng vận động. Nhức mỏi này sẽ biến mất trong một vài ngày sau đó khi bạn đã quen với những bài tập này. Tuy nhiên, trước khi tập bất cứ một bài tập thể dục nào đều nên gặp bác sĩ để được tư vấn.
Trong các bài tập vận động nhẹ nhàng, đi bộ là thích hợp nhất cho người già. Các chuyên gia khuyên rằng nên đi bộ hai lần mỗi ngày và mỗi lần kéo dài 15 phút. Hoặc nếu tập ba lần mỗi ngày thì mỗi lần đi bộ khoảng 10 phút.
Đối với những người mới bắt đầu tập thể dục ở độ tuổi xế bóng thì tập với bạn bè sẽ tốt hơn và giúp họ thường xuyên tập luyện. Vì vậy, các bác sĩ khuyên rằng nên rủ bạn bè hay hàng xóm đi bộ cùng. Nếu không có bạn, có thể tập đi bộ với một con chó.
Ngoài ra, làm vườn, câu cá, bơi lội hoặc khiêu vũ cũng là những bài vận động nhẹ nhàng thích hợp cho người ở lứa tuổi này.
Nếu chọn tập tạ thì hãy bắt đầu tập với những quả cân nhẹ, khoảng dưới hai ký. Nếu không có quả cân, bạn có thể tập với một quyển sách hoặc một chai nước khi bạn xem ti vi. Một cách khác để giúp các cơ bắp khỏe mạnh và dẻo dai là tập luyện với một dây kéo hai đầu.
Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều xơ
Thực phẩm chứa nhiều xơ sẽ cải thiện sức khỏe của người già. Làm cho ruột kết khỏe hơn, giảm nguy cơ bị tim, đái tháo đường týp 2, giảm cholesterol cao và ung thư. Những người đàn ông ở độ tuổi trên 50 nên ăn 30 gam thực phẩm nhiều chất xơ mỗi ngày còn phụ nữ nên ăn 21 gam mỗi ngày. Khi mới bắt đầu nên cố gắng ăn với một số lượng ít. 
Không nên thay đổi khẩu phần ăn ngay. Chẳng hạn, thay vì ăn hai lát bánh mì trắng nướng vào buổi sáng, họ nên thay đổi ăn một lát bánh mì nướng và một lát bánh mì nguyên hạt. Nếu thích uống nước cam mỗi ngày thì nên thay vào đó ăn một trái cam ba ngày một lần. Nếu thích ăn bánh snack thì thay vào đó ăn bỏng ngô ít béo.
Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ:
- Bánh mì để nguyên cám.
- Ngũ cốc.
- Bột mì lúa mạch đen.
- Bánh mì nguyên hạt.
- Trái cây như táo, lê hoặc dâu tằm.
- Trái cây khô như mận khô, mơ khô hoặc sung khô.
- Rau như bông cải xanh, cà rốt và đậu Hà Lan.
Trái cây và rau là những thực phẩm thêm vào khẩu phần ăn rất bổ dưỡng. Chúng không chỉ giàu chất xơ mà còn giàu vitamin và khoáng chất.
Theo Thế Gia - Sức khỏe & Đời sống/Family Health

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons