Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Hội chứng ruột kích thích:Chứng bệnh khó chịu & khó trị

Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome - HCRKT) là một bệnh hay gặp ở nước ta, chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người tuổi cao.
Đặc điểm của hội chứng ruột kích thích
HCRKT là sự rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Tuy vậy, những rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà chưa tìm thấy các tổn thương bệnh lý ở ruột. Đặc điểm của HCRKT là ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống do bệnh kéo dài làm người bệnh luôn lo lắng căng thẳng, mất ngủ, lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột, đồng thời rối loạn tiêu hóa làm giảm hấp thu của ruột. HCRKT còn được gọi là bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt hoặc viêm đại tràng mạn tính.
Trên thế giới, HCRKT là một trong những bệnh tiêu hóa khá phổ biến, tại Mỹ có tới 25% dân số mắc bệnh này, tại Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh vào khoảng 5 - 20%. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn 2 - 3 lần so với nam giới. Bệnh thường xuất hiện lần đầu tiên ở người trẻ tuổi, thường là trước tuổi 45, bệnh trở thành mạn tính kéo dài đến khi tuổi cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Tuy tỉ lệ mắc bệnh HCRKT khá cao như vậy nhưng cho đến nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân một cách chắc chắn của bệnh, nhưng có nhiều yếu tố liên quan tới rối loạn vận động của ruột, biểu hiện là đi ngoài phân lỏng (tăng nhu động ruột) hoặc rắn (giảm nhu động ruột) hoặc sền sệt, kèm theo đau bụng quặn, tùy từng lúc. Bệnh biểu hiện rối loạn trên toàn bộ ống tiêu hóa nhưng triệu chứng của bệnh thể hiện ở dạ dày và chủ yếu là ở đại tràng. Các biểu hiện này liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương và hệ thần kinh ruột (thần kinh thực vật). Các yếu tố của thần kinh trung ương biểu hiện như: sang chấn tâm lý (stress) hoặc do tác động của một số yếu tố ngoại lai như: vi sinh vật, vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt, môi trường sống ô nhiễm…
Hội chứng ruột kích thích:Chứng bệnh khó chịu & khó trị
Nên vận động cơ thể hàng ngày như tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi cầu lông.
Triệu chứng
Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất, trong đó thường thấy đau ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau có thể chạy dọc theo khung đại tràng.
Mặc dù vậy, triệu chứng quan trọng của HCRKT là tình trạng đau bụng quặn, thường di chuyển, lúc đau chỗ này, lúc đau chỗ khác. Đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác khó chịu, nặng tức, ấm ách khó chịu, đầy hơi, trướng bụng tập trung chủ yếu ở vùng dưới rốn. Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài từ 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó, không nhất thiết liên tục, kèm theo. Các triệu chứng đau quặn bụng, đầy hơi, khó chịu hay xảy ra vào buổi sáng, nhất là sau khi ăn sáng, người bệnh có cảm giác muốn đi đại tiện.
Một đặc điểm nổi bật là sau khi đi đại tiện xong, cảm giác khó chịu, đau quặn bụng sẽ hết ngay. Vì lý do này mà nhiều người rất ngại ăn sáng, nhất là mỗi lúc trên đường đi xa. Ngoài triệu chứng đau quặn bụng, một số bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, phân lỏng như nước hoặc phân sền sệt, có thể lẫn với chất nhầy, nhưng quan trọng hơn cả là phân không bao giờ có máu. Một số trường hợp đi đại tiện vài lần trong ngày, mỗi lần đi đại tiện không hết phân và vừa đi đại tiện xong lại buồn đi tiếp. Tuy vậy, có một số lại bị táo bón thường xuyên có khi một tuần mới đi đại tiện một lần, phân rắn, phải rặn mới đi đại tiện được thậm chí phải thụt tháo. Trong khi đó, có một số trường hợp thỉnh thoảng lại bị tiêu chảy từng lúc xen kẽ với táo bón. Ngoài triệu chứng về tiêu hóa, một số bệnh nhân cũng có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, trầm cảm, đau nhức cơ, hồi hộp, đau tức ngực, cảm giác khó thở và thường hay lo lắng về bệnh tật của mình. Kèm theo đau quặn bụng là trướng bụng. Trướng bụng là triệu chứng thường gặp. Đặc điểm của trướng bụng trong HCRKT là sau ngủ dậy, không thấy hoặc chỉ bị nhẹ, sau đó tăng dần. Ngoài ra có thể có các triệu chứng như buồn nôn, cảm giác vướng ở họng.
Hội chứng ruột kích thích:Chứng bệnh khó chịu & khó trị
Nguyên tắc điều trị và dinh dưỡng
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào dành cho HCRKT, hầu hết dùng thuốc điều trị triệu chứng. Tuy vậy, điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sau một đợt điều trị các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc mất đi một thời gian nhưng rất dễ tái phát. Với HCRKT, được khuyến cáo là không nên dùng kháng sinh để điều trị trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn đường ruột, người bệnh nên yên tâm chữa trị, lạc quan, không nên quá lo lắng vì hầu hết bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với mọi người bệnh, nhất là người cao niên, để nâng cao chất lượng sống cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, trường hợp bị táo bón thường xuyên, cần uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ, rau quả tươi. HCRKT cần tránh dùng các thức ăn chua, cay hoặc không dùng các loại có tính kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, thuốc lào. Người cao niên càng phải cần lạc quan, không lo lắng thái quá.

Nên vận động cơ thể hàng ngày: tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi cầu lông tùy theo sức và điều kiện của mình. Không nên kiêng khem quá mức sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng.

Thoái hóa đốt sống cổ chớ coi thường

Con người có 7 đốt sống cổ (từ C1 - C7). Từ C2 trở xuống, giữa hai đốt sống, có các đĩa đệm gian đốt sống. Mỗi đĩa đệm được cấu tạo bởi nhân nhầy, vòng sợi, mâm sụn và xung quanh đốt sống có các giây chằng, gân cơ bám vào. Vai trò của đĩa đệm cột sống cổ để liên kết các đốt sống với nhau. Mâm sụn gắn chặt vào tấm cùng của thân đốt sống bằng một lớp canxi có nhiều lỗ nhỏ, có tác dụng dinh dưỡng cho đĩa đệm (theo kiểu khuyếch tán) và bảo vệ xương khỏi bị nhân nhầy ép vào, bảo vệ đĩa đệm khỏi bị nhiễm khuẩn từ xương đi tới. Nhân nhầy di chuyển khi cột sống cử động và có tác dụng làm giảm xóc khi có lực tác động vào đốt sống.
Nguyên nhân và triệu chứng
Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng tụ can-xi ở các dây chằng dọc cổ, làm hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh biểu hiện bởi các triệu chứng lâm sàng. Thoái hóa cột sống cổ là một căn bệnh liên quan trực tiếp đến các đốt sống cổ và nguyên nhân là do quá trình thoái hóa và viêm khớpmạn tính kéo dài, thường xảy ra ở độ tuổi 55 trở lên. Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở người đã và đang có công việc luôn đòi hỏi ngồi lâu, cúi nhiều, ngửa nhiều hoặc ở người thường xuyên mang vác nặng trên đầu (đội vật nặng) hay ngồi trước màn hình vi tính hoặc xem vô tuyến quá lâu (người cao tuổi). Ở một số người cao tuổi còn lý do ít vận động, nằm một tư thế, ăn uống thiếu chất làm cho vùng cổ và vùng gáy không được thường xuyên cử động, hoặc khi nằm chỉ giữ nguyên một tư thế làm cho máu ít lưu thông, các tổ chức nuôi dưỡng kém. Ngoài ra còn có thể do tư thế ngủ (chỉ nằm một hoặc hai tư thế, dùng gối không phù hợp, không có thói quen chuyển mình…). Việc chèn ép rễ thần kinh và tủy sống còn có thể đưa đến sự thoát vị của các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống gây nên các biến chứng.
Biến chứng đáng chú ý nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có chèn ép tủy sống
Biến chứng đáng chú ý nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có chèn ép tủy sống
Triệu chứng:
Người bệnh có các cảm giác đau, mỏi, buốt khó chịu ngay cả khi nghỉ ngơi, mọi cử động đều gây nên đau đớn, đồng thời các động tác vận động cổ bị vướng (quay, ngửa, cúi...) và đau. Cơn đau vùng cột sống cổ kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, ảnh hưởng tới tư thế đầu cổ gây hiện tượng vẹo cổ, sái cổ. Cơn đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay ở cả hai bên, nhất là khi vận động. Trong một số ít trường hợp có thể bị mất cảm giác khéo léo của tay, đôi khi cánh tay và bàn tay có thể bị tê liệt. Có trường hợp ban đêm khi ngủ gặp không khí lạnh đột ngột, kết hợp với một tư thế nằm không thuận lợi, sáng sớm lúc ngủ dậy có thể bị cứng cổ, không tự đi được và rất sợ những cơn ho, hắt hơi.
Một số biến chứng
Biến chứng có thể gặp bao gồm các triệu chứng dây thần kinh bị chèn ép gây đau dọc từ cổ xuống vai (một hoặc cả hai bên cánh tay), chèn ép các thành động mạch đốt sống gây đau đầu, chóng mặt, chèn ép dây thần kinh gây đau nhức lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và tê, mỏi cánh tay, bàn tay, ngón tay.
Một hiện tượng khác có thể xảy ra là gây rối loạn tiền đình (đau đầu, chóng mặt, buôn nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm), làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt là người cao tuổi rất dễ bị ngã gây sang chấn. Bởi vì, thoái hóa đốt sống cổ làm tổn thương lỗ tiếp hợp ảnh hưởng đến sự lưu thông máu lên não. Biến chứng đáng chú ý nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có chèn ép tủy sống, thậm chí còn có thể gây bại liệt một hoặc hai tay, rối loạn cảm giác tứ chi, chèn ép rễ thần kinh, tủy hoặc gây rối loạn thần kinh thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ). Tuy vậy, cần lưu ý ở người cao tuổi có thể mắc nhiều bệnh khác dẫn đến đau đầu chóng mặt như tăng, hạ huyết áp, xơ vữa mạch máu, rối loạn tiền mãn kinh (ở nữ giới), hoặc tai biến mạch não hay u não… Chính vì vậy, người bệnh cần đi khám bệnh để được chẩn đoán sớm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi còn ở mức độ nhẹ, người cao tuổi cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp vật lý trị liệu an toàn dựa trên cơ sở khoa học (tránh vật lý trị liệu thô bạo làm cho bệnh thêm nặng) hoặc xoa bóp, châm cứu bài bản. Bên cạnh đó cần dùng thuốc giảm đau, giãn cơ (uống, dán, thoa ngoài da), thuốc tăng cường thần kinh hoặc vitamin nhóm B. Tuy nhiên cần có ý kiến của bác sĩ, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa khớp, thần kinh. Người cao tuổi không được vặn, lắc, bẻ cổ khi đã bị thoái hóa đốt sống cổ , đặc biệt là khi đã bị thoát vị đĩa đệm. Cần gối đầu với gối có độ cao vừa phải thật thoải mái (không cao, không thấp quá), khi ngủ nên có thay đổi tư thế và thỉnh thoảng chuyển mình để cho máu được lưu thông.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Ðau thắt lưng – “Tố cáo” bệnh gì?

Đau thắt lưng là một hiện tượng thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người luống tuổi. Nhiều người khi bị đau lưng là nghĩ ngay đến bệnh đường tiết niệu. Tuy nhiên, đau thắt lưng còn có thể là biểu hiện của thoái hóa cột sống lưng, chấn thương...
Mọi người có thể mắc triệu chứng đau thắt lưng (ĐTL) ngay cả tuổi còn rất trẻ. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, có nguyên nhân xảy ra ngay tại cột sống thắt lưng nhưng có thể do tổn thương ở một vị trí khác hoặc cơ quan khác trong cơ thể gây nên. ĐTL có thể do tác động cơ học hoặc do viêm nhiễm. ĐTL do tác động cơ học gặp chủ yếu ở lứa tuổi đã trưởng thành và người cao niên như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, gai đôi cột sống (cột sống thắt lưng, cùng cụt)... Thoái hóa cột sống thắt lưng thường hay xảy ra ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm bởi do trọng lực của cơ thể quá nặng tác động hàng ngày lên toàn bộ cột sống, trong đó cột sống thắt lưng chịu áp lực nhiều nhất (đứng hoặc ngồi làm việc nhiều giờ). Triệu chứng ĐTL được thể hiện khá sớm gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động, sức khỏe, buộc người bệnh phải đi gặp thầy thuốc. Ngoài do thoái hóa cột sống thắt lưng, mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột hoặc bưng, bê vật nặng không cân xứng làm thoát vị đĩa đệm cũng là một nguyên nhân gây ĐTL. Người bệnh có biểu hiện ĐTL dữ dội, nằm bất động, không cử động được phải cấp cứu. ĐTL còn có thể do viêm dây chằng, đĩa đệm, lao cột sống, ung thư cột sống, viêm khớp cùng chậu hoặc do viêm nhiễm ở một cơ quan lân cận khác như viêm phần phụ (nữ giới), viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đường niết niệu hoặc sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, niệu quản, bàng quang). Khi mắc các bệnh này, người bệnh thường ĐTL âm ỉ đồng thời với các triệu chứng chính của bệnh (đau dạ dày, sỏi tiết niệu, viêm phần phụ ở nữ giới).
Ðau thắt lưng – “Tố cáo” bệnh gì?
Người cao tuổi bị đau lưng nên định kỳ khám bệnh để được theo dõi điều trị tránh tái phát.
Để xác định nguyên nhân đau thắt lưng cần chụp Xquang cột sống thắt lưng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu. Nếu có điều kiện cần chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Ngoài ra, để loại trừ các bệnh có liên quan, các xét nghiệm cận lâm sàng là rất cần thiết (kiểm tra dạ dày, kiểm tra phần phụ ở nữ giới).
Điều trị đau thắt lưng, cách nào?
Khi biết rõ nguyên nhân gây ĐTL, thầy thuốc sẽ có chỉ định điều trị cụ thể. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mặc dù biết rõ căn nguyên gây ĐTL nhưng giải quyết triệt để căn nguyên đó không phải đơn giản trong ngày một, ngày hai hay trong vài ba tuần (ví dụ do thoái hóa cột sống, lồi đĩa đệm, gai cột sống). Vì vậy, người bệnh cần kiên trì chữa trị, không nên quá nôn nóng hoặc dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị. Bên cạnh đó, sau khi đã điều trị khỏi, cần tránh để tái phát, vì nếu để tái phát, ĐTL còn tăng hơn nhiều lần so với đau lần trước đó.
Ðau thắt lưng – “Tố cáo” bệnh gì?
Thoát vị đĩa đệm cột sống là một nguyên nhân gây đau thắt lưng.
Ngoài điều trị căn nguyên, người bệnh nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác cũng rất cần thiết như tập thể dục nhẹ nhàng tùy theo sức và mức độ bệnh của mình. Người bị thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc bị thoát vị đĩa đệm không thể tập thể dục như các bệnh nhân khác mà cần phải tuân thủ lời dặn, tư vấn của bác sĩ điều trị. Ví dụ như bị thoát vị đĩa đệm đi bộ trên nền phẳng, không đi xe đạp, xe máy, ôtô ở những nơi gây xóc nhiều, mấp mô, nhiều ổ gà...
Lời khuyên của thầy thuốc

Người bệnh không được tùy tiện dùng thuốc điều trị ĐTL mà cần tuân thủ một cách tuyệt đối y lệnh của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị hoặc cùng một lúc cả thuốc Tây y cả thuốc Đông y. Trong điều kiện cho phép có thể điều trị Đông Tây y kết hợp (uống thuốc Tây y kết hợp xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt hoặc lý liệu pháp). Người cao tuổi cần phải đi khám bệnh định kỳ để được theo dõi bệnh một cách liên tục đề phòng bệnh tái phát.

Người bệnh tim mạch đối phó với nắng nóng thế nào?

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời dao động 34 đến 40 độ C đã ảnh hướng rất lớn đến sức khoẻ mọi người, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là những người bị bệnh tim mạch.
Bệnh nhân đến khám tại khoa tim mạch tăng đột biến trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua.
Bệnh nhân đến khám tại khoa tim mạch tăng đột biến trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua.
Vậy người bệnh tim mạch bị ảnh hưởng thế nào trong thời tiết nắng nóng?
Theo thống kê tại khoa Tim mạch, Bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, tình hình bệnh nhân đến khám và điều trị tăng đột biến so với thời điểm đầu mùa hè và các năm trước. Bình quân mỗi ngày phòng khám tim mạch tiếp nhận khoảng 60-80 bệnh nhân đến khám, và 20-30 người phải nhập viện điều trị, trong đó chủ yếu bệnh nhân bị tăng huyết áp, suy tim, bệnh động mạch vành và đột quỵ, khá nhiều trường hợp vào khoa trong tình trạng nguy kịch. Những năm trước, thời điểm này số bệnh nhân điều trị tại khoa tim mạch dao động từ 50-60 bệnh nhân, nhưng đợt này có gần 100 bệnh nhân điều trị nội trú, tăng khoảng 60-80% so với cùng kỳ năm trước.
Để thích ứng với thời tiết nóng nực, cơ thể điều chỉnh bằng cách tăng tiết mồ hôi và giãn mạch máu ngoại biên. Khi tiết nhiều mồ hôi cơ thể sẽ mất nước, giảm thể tích máu lưu thông, trong khi đó tim vẫn phải co bóp để đảm bảo bơm đủ lượng máu đi khắp cơ thể. Do thể tích máu giảm nên tim phải làm việc nhiều hơn, tăng sức co bóp và tăng số tim trong một phút. Mặt khác khi vận động, mồ hôi ra nhiều, mất dịch nhiều, các cơ vận động đòi hỏi cần được cung cấp nhiều máu hơn. Khi mất quá nhiều dịch, thân nhiệt tăng lên, các cơ quan bị tổn thương, nhất là hệ thần kinh và tim mạch: người bệnh rất mệt mỏi, mất tỉnh táo, thiếu tập trung, tim đập nhanh, huyết áp tăng.
Đối với một số bệnh tim mạch như: suy tim, bệnh mạch vành, khi nắng nóng tim phải gắng sức co bóp, làm tình trạng suy tim tăng lên, có thể gây tử vong. Mặt khác, tim gắng sức sẽ tăng nhu cầu ôxy của tim nên dễ dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ gây cơn đau thắt ngực, mệt, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim. Những người đã đặt stent mạch vành hoặc van tim cơ học, việc mất nước khiến máu bị cô đặc, dễ tạo cục máu đông gây tắc stent hoặc kẹt van tim là những tình huống hết sức nguy hiểm.
Các thuốc tim mạch cũng góp phần ảnh hưởng tới người bệnh tim mạch trong thời tiết nắng nóng. Thuốc lợi tiểu làm mất nước, thuốc ức chế bêta làm giảm nhịp tim khiến tim không đáp ứng đủ như mức cần thiết để thích ứng với nắng nóng.
Những dấu hiệu nguy hiểm xuất hiện khi nắng nóng
Thời tiết nắng nóng gây ra hai hiện tượng kiệt sức do nóng và sốc nhiệt, những hiện tượng này rất dễ xảy ra đối với người bị bệnh tim mạch.
Kiệt sức do nóng: biểu hiện ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn, chuột rút, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, thở nhanh nông.
Sốc nhiệt: là tình trạng bệnh lý nặng nhất do nắng nóng, xảy ra khi cơ thể không còn khả năng điều hòa thân nhiệt. Thân nhiệt có thể tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn trong 10-15 phút. Sốc nhiệt có thể gây tử vong hoặc để lại những hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Những dấu hiệu cảnh báo gồm: thân nhiệt tăng trên 40 độ C; không ra mồ hôi; hoa mắt, chóng mặt; đau đầu dữ dội; nôn ói; da đỏ, nóng, khô; mạch nhanh, hoản loạn hay bết tỉnh.
Các biện pháp người bệnh tim mạch cần biết để phòng tránh khi nắng nóng
- Nên ở trong nhà vào thời gian nắng nóng nhất là từ 10 -15h, nếu có thể thì ở nơi có máy điều hòa nhiệt độ, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
- Nếu có việc phải ra ngoài cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, đội mũ. Nếu việc không cần thiết thì nên đi vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối.
- Không ăn quá no, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế lượng muối ăn vào. Nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể, không uống rượu, bia, cà phê. Cần phải uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Uống đủ nước. Tuy nhiên, cần lưu ý người suy tim tránh uống quá nhiều nước vì làm tăng gánh nặng cho hệ tim mạch. Người bệnh tim cần theo dõi cân nặng mỗi ngày để bù vừa đủ lượng nước, chẳng hạn khi cân nặng giảm 1kg có nghĩa mất đi 1 lít nước nên cần uống lượng nước tương ứng để bù vào.
- Hạn chế vận động thể lực để tránh mất muối nước và tăng gánh nặng cho tim.
Tóm lại, thời tiết nắng nóng gay gắt là mối nguy hại cho người bệnh tim mạch đặc biệt là người bị suy tim và bệnh động mạch vành, thường xuất hiện nhiều biến chứng phức tạp làm bệnh thêm nặng hơn và có thể ảnh hướng tới tính mạng. Vì thế, những người bị các bệnh về tim mạch trong lúc thời tiết nắng nóng cần hết sức thận trọng để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

TS.BS. Lê Văn Dũng

Ăn uống ngày hè với người cao tuổi

Tiết trời nắng nóng, ngột ngạt khiến người cao tuổi (NCT) mệt mỏi, ăn uống kém và khởi phát một số bệnh mạn tính. Nhưng NCT hoàn toàn có thể phòng tránh được nguy cơ bệnh tật do khí hậu gây ra bằng cách sống hợp lý, ăn uống thích hợp và điều độ.
NCT nên giữ chế độ ăn từ 3 - 4 bữa trong một ngày, đồng thời khoảng cách giữa các bữa đều nhau và nên thực hiện tương đối đúng giờ. Nếu NCT trong mỗi một bữa ăn không ăn được đủ số lượng cần thiết nhất là loại tinh bột (glucid) thì nên ăn tăng thêm bữa (xen vào giữa các bữa chính), ví dụ như vào khoảng 9 giờ sáng, 4 - 5 giờ chiều và khoảng 9 giờ tối. NCT tuổi bị mắc bệnh đái tháo đường đang dùng thuốc giảm đường máu lại cần ăn thêm bữa, vì trong các bữa chính bác sĩ đã có lời khuyên nên ăn hạn chế lượng glucid (cơm, bánh mì...).
Ăn uống ngày hè với người cao tuổi
Mùa hè, người cao tuổi cần ăn nhiều rau quả và bổ sung sữa tươi
Thức ăn không quá cầu kỳ: trong một ngày NCT nên duy trì được chế độ ăn thịt (chất đạm) với các loại khác nhau (thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ…), số lượng khoảng từ 1 - 1,2g/kg cân nặng. NCT chỉ nên ăn ít loại thịt đỏ như thịt bò, trâu, ngựa, dê, thịt chó… nhất là những người có bệnh về xương khớp (gút), bệnh đái tháo đường. Những loại thịt đã chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng, thịt hộp cũng nên hạn chế ăn. Hạn chế ăn các loại thứ ăn xào, rán, chiên. Không nên ăn mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà, nhất là những người đã được bác sĩ xác định là tăng cholesterol máu, tăng triglycerit máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành.
Lòng đỏ trứng gà, trứng vịt, chim cút rất tốt nhưng khi NCT có các bệnh về gan, mật (gan nhiễm mỡ, sỏi đường mật…) cũng nên hạn chế ăn. Các loại đường, bánh kẹo, sôcôla, nước giải khát có gas cũng không nên lạm dụng. Hạn chế dùng các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, mù tạt. Cũng nên lưu ý không nên ăn các thức ăn tươi, sống như rau sống, gỏi cá, nem chua, tiết canh, nem chạo. Nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt, ít nhất ăn từ 2 - 3 lần cá trong một tuần thay cho ăn thịt. Nên ăn nhiều rau, hoa quả tươi như: cam, táo, nho, bưởi… Mỗi ngày nên ăn một quả chuối.
Nên ăn nhiều rau xanh: rau xanh cung cấp các loại sinh tố cần thiết cho cơ thể và chất xơ để giúp cho việc tiêu hóa tốt tránh táo bón.
Không nên uống bia, rượu quá nhiều, cũng không nên uống cà phê nhất là vào buổi tối hoặc những NCT có bệnh về tim mạch, bệnh thận, bệnh đường ruột.
Uống sữa đều đặn: NCT nên uống khoảng từ 100 - 120 ml sữa, vì sự tiêu hóa của NCT thường kém cho nên cần phân ra uống nhiều lần trong một ngày nhằm tránh rối loạn tiêu hóa. Tuy vậy, đối với loại sữa đặc có đường, nên hạn chế uống. NCT cũng nên uống đủ lượng nước (số lượng nước trong một ngày đêm khoảng từ 1,0 - 1,5 lít là vừa đủ). Lượng nước này bao hàm cả lượng nước có trong thức ăn, hoa quả… Về sinh tố, NCT có thể bù đắp lượng vitamin thiếu hụt bằng cách ăn các loại quả như đu đủ, cà chua, cam, táo, xoài… ngoài ra có thể uống thêm mốt số loại vitamin A, B,C do bác sĩ kê đơn, hưỡng dẫn.
Các hoạt động khác
NCT nên tập thể dục hàng ngày đều đặn. Không nên chọn những phương pháp tập thể dục vượt quá sức mình. Tập thể dục bằng các động tác nhẹ nhàng, dễ thực hiện, nhưng thông dụng nhất, dễ thực hiện nhất vẫn là đi bộ. Tuy nhiên, không phải mọi NCT đều có thể đi bộ, vì còn tùy thuộc nhiều điều kiện kèm theo như sức khỏe còn tốt, không mắc một số bệnh như bệnh mạch vành, bệnh hen suyễn nặng, bệnh xương khớp nặng (ví dụ thoái hóa đốt sống thắt lưng kèm có gai đôi hoặc bị lồi đĩa đệm…). Đối với NCT còn khỏe mạnh thì mỗi ngày nên có tổng số giờ đi bộ khoảng 60 phút, nên chia làm 2 - 3 lần.
Những ngày mưa, thời tiết thất thường có thể tập thể dục trong nhà (với điều kiện là nhà đủ rộng). Buổi tối nên nghe tin tức, thời sự qua radio, đọc báo, hạn chế xem vô tuyến vào buổi tối. Một điều rất cần thiết đối với NCT nên đi khám bệnh định kỳ nhất là khi thấy các triệu chứng bất thường. Thuốc điều trị bệnh rất cần có chỉ định của bác sĩ không nên nghe sự mách bảo của người khác.

Chìa khóa giúp kéo dài tuổi thọ

Một chế độ ăn uống cân bằng, chăm chỉ luyện tập thể dục hàng ngày, học cách giảm căng thẳng, luôn tươi cười hạnh phúc.... là những phương thuốc thần kỳ giúp kéo dài tuổi thọ, nhất là với người lớn tuổi. Hãy tham khảo một số thông tin dưới đây để giúp người già luôn sống vui khỏe bên con cháu.
Uống nhiều nước mỗi ngày
Nước chính là thành phần quan trọng góp phần thanh lọc cơ thể, bài trừ các độc tố gây bệnh, giúp mắt sáng hơn, làn da khỏe hơn, tăng khả năng tập trung, bảo vệ sức khỏe tim mạch và chống viêm nhiễm hiệu quả cho người lớn tuổi.
Vì thế, việc đầu tiên cần làm sau khi thức dậy là uống 1 ly nước ấm để bổ sung nước cho cơ thể sau 1 đêm dài thiếu nước, đồng thời tăng cường chức năng giải độc.
Chìa khóa giúp kéo dài tuổi thọ
Uống 1 ly nước ấm ngay khi thức dậy giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Bữa sáng “thịnh soạn”
Vì đây là bữa quan trọng nhất trong ngày nên một bữa ăn sáng “thịnh soạn”, đầy đủ dưỡng chất, khỏe mạnh sẽ cung cấp năng lượng cho người lớn tuổi trong cả ngày hoạt động. Đồng thời, một bữa sáng đầy đủ sẽ cho bạn đầu óc minh mẫn, giúp tránh việc thèm ăn vặt, tốt cho hệ tiêu hóa.
Đừng bao giờ vì quá bận rộn hay dậy quá trễ mà bỏ bữa ăn sáng. Hành động này kéo dài sẽ là tác nhân khiến sức khỏe bị xuống cấp trầm trọng trông thấy.
Hải sản có lợi cho sức khỏe
Trong chế độ ăn hàng ngày, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 như cá. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn cá 2-3 lần/ tuần có thể làm giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, giúp thêm khỏe mạnh và sống thọ hơn. Một số loại hải sản như sò, nhím biển có thể ngăn ngừa tình trạng chết tế bào thần kinh - nguyên nhân gây bệnh Alzheimer ở người cao tuổi. Mỗi tuần ăn 230g hải sản còn giúp giảm 36 % nguy cơ tử vong do bệnh tim. Ngoài ra, người lớn tuổi ăn nhiều cá có thể tăng tuổi thọ thêm 2,2 năm. Hãy bổ sung hải sản với lượng vừa phải vào thực đơn trong tuần để đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong gia đình.
Chìa khóa giúp kéo dài tuổi thọ
Ăn hải sản thường xuyên có lợi cho sức khỏe
Ngủ đủ giấc
Ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm làm tăng nguy cơ tử vong sớm, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Vì vậy, tình trạng rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, tiểu đêm gây khó ngủ… là nguyên nhân gián tiếp khiến người già giảm tuổi thọ.
Để có giấc ngủ ngon, người già nên thư giãn trước khi ngủ. Phòng ngủ phải thoáng mát, yên tĩnh. Đặc biệt, nên tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ để tạo nhịp sinh học hợp lý cho bộ não.

Đối với những người lớn tuổi gặp các vấn đề tế nhị như mất kiểm soát đường tiểu, tiểu đêm... nên sử dụng tã giấy. Chọn tã giấy người lớn để chăm sóc giấc ngủ người già cũng là cách mang lại cảm giác thoải mái cho họ, đồng thời bảo vệ sức khỏe cũng như giữ gìn vệ sinh cá nhân được sạch sẽ.

Người cao tuổi chia sẻ bí quyết sống khỏe

Đây là cuộc thi do Báo Khoa học & Đời sống phát động lần thứ 3 (2014-2015) nhằm tạo sân chơi, diễn đàn cho bạn đọc lớn tuổi có cơ hội bày tỏ, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong tập luyện, ăn uống, giao tiếp hàng ngày để có cuộc sống khỏe về thể lực, minh mẫn về trí tuệ, thư thái về tâm hồn.
Tại cuộc thi năm nay, Ban tổ chức đã nhận được trên 1.000 bài viết của các tác giả ở nhiều lứa tuổi trên khắp mọi miền đất nước. Kết thúc cuộc thi ban tổ chức chọn ra 1 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba dành cho nhân vật; 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba dành cho tác giả. Tổng giải thưởng trị giá 32 triệu đồng. Lễ trao giải và tôn vinh nhân vật người cao tuổi sống khỏe - sống cao đẹp đã được Báo KH&ĐS phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 25/5, tại Hà Nội.
Ban tổ chức cho biết, cuộc thi khá khắt khe trong việc việc chọn lựa nhân vật và cách viết. Nhân vật được viết trong bài dự thi phải là người thật, việc thật của các cụ 60 tuổi trở lên (quốc tịch VN) có bí quyết sống hay, sống khỏe, sống có ích. Bài dự thi cũng có thể do chính các cụ viết về tấm gương của mình hoặc viết về người khác.
Thông qua cuộc thi, nhiều tấm gương người cao tuổi sống khỏe, sống cao đẹp đã được các tác giả chia sẻ đến cộng đồng như cụ Đặng Thị Hoằng 100 tuổi sống khỏe do không suy nghĩ tiêu cực, buồn phiền, hàng ngày vẫn lao động, chăm lợn gà, giặt giũ, cơm nước phụ con cháu, chế độ ăn uống đơn giản, ăn nhiều rau, ăn cá và trứng thay thịt nên sống khỏe. Hay như PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT DL Lương Thế Vinh, 79 tuổi, mắc ung thư gan nhưng đã chiến thắng được bệnh tật, tập thiền để đầu óc thư thái, sức khỏe nâng cao, tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Thầy Trần Sủng, 78 tuổi (ở Phú Thọ) say mê với công tác khuyến học, để có sức khỏe phục vụ công tác xã hội, thầy không uống rượu bia, không hút thuốc, duy trì đi bộmỗi sáng và chiều, cơm ăn thanh đạm, cốt sao êm bụng, thoải mái nên có sức khỏe tốt…
Bên cạnh đó, các tác giả cũng tìm ra nhiều nhân vật có kinh nghiệm sống hay như dùng khiêu vũ để sống thanh thản, không bệnh tật; dùng văn chương làm lẽ sống; đam mê môn vật để sống khỏe, hòa mình với thiên nhiên để đánh tan bệnh ung thư gan; luyện tập để hỗ trợ trị bệnh viêm xoang và giúp ăn uống tiêu hóa tốt…

Những lời khuyên đơn giản, bổ ích đối với người cao tuổi

Các bác sĩ cho biết người cao tuổi và sự đau yếu không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Điều quan trọng là phải duy trì một cách sống hợp lý, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu bị bệnh thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa khám sức khỏe để biết được nguyên nhân và tìm ra cách điều trị tốt nhất. Các bác sĩ và chuyên gia khoa học đã đưa ra những lời khuyên đơn giản và rất bổ ích cho mọi mặt của cuộc sống người cao tuổi.
Giữ chế độ ăn đúng giờ, ngày 3- 4 bữa ăn nhẹ.
Bớt dùng thịt đỏ (bò, lợn, chó…) thịt khô, đồ nướng, đồ hộp, chất bột, dầu mỡ, bơ, muối mắm, bột ngọt, ớt cay, hạt tiêu, đường và sữa béo. Không ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống và cơm bụi (quán chợ hay hè phố). Tăng cường ăn chất xơ, rau sạch, củ, quả tươi.
Uống nhiều nước buổi sáng. Dùng nước lọc hoặc chè tươi, nước vối, chè nụ. Không uống nước lã và nước quá lạnh.
Tránh ăn đêm, uống rượu mạnh, chè đặc, cà phê, giảm hoặc bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào.
Không kiêng khem quá gắt gao làm khó cho mình và gia đình.
Ảnh minh họa: alobacsi.com
Ảnh minh họa: alobacsi.com
Trang phục
Mặc áo quần vải rộng, thoáng mát mùa hè và đủ ấm mùa đông. Không mặc đồ ẩm ướt.
Tránh mặc hoặc mang các thứ nặng nề, rối rắm, khó đóng mở.
Không dùng giày dép chặt hoặc cao gót. Dùng bít tất vừa chân và hút được mồ hôi. Ra nắng phải đội mũ. Mùa rét có mũ ấm, găng tay, khăn quàng.
Sinh hoạt
Cố gắng tập thể dục đều đặn, dưỡng sinh (khí côngyoga, thái cực quyền…), đi bách bộ.
Người cao tuổi nên tập thể dục đều đặn, dưỡng sinh, đi bách bộ.
Người cao tuổi nên tập thể dục đều đặn, dưỡng sinh, đi bách bộ.
Duy trì lao động nhẹ nhưng phải từ từ và vừa sức mình, không nhấc các vật nặng như xô nước đầy, chậu cây cảnh, tivi, xe máy…
Nếu đi lại được thì hàng ngày phải ra khỏi nhà để tiếp xúc với cây xanh, môi trường sạch đẹp và trẻ em, bạn bè. Tránh nắng to và mưa, gió mạnh. Nên đại tiện đúng giờ giấc vào mỗi buổi sáng. Không rặn mạnh kể cả khi tiểu tiện. Nhà vệ sinh, phòng riêng nên có điện thoại, bình chữa cháy, nến, diêm hoặc đèn pin và dùng cửa ngăn bằng kính để có thể đập vỡ trong trường hợp khẩn thiết.
Những lời khuyên đơn giản, bổ ích đối với người cao tuổi
Phải giữ vệ sinh thiết yếu cho cơ thể và phòng ngủ của mình. Cửa sổ có rèm che. Chỉ dùng lò sưởi, quạt điện hoặc máy lạnh khi thật sự cần.
Uống ít nước vào buổi tối. Tối ngủ sớm, sáng dậy sớm. Không nên băn khoăn vì mơ nhiều hay mất ngủ, nhưng nếu ngủ không đủ 5 tiếng một ngày thì phải hỏi bác sĩ.
Nên ngủ thêm giấc ngắn vào buổi trưa, nhất là vào mùa hè. Cần có nơi tắm kín gió, khăn bông khô và máy sấy tóc. Tắm không lâu quá 10 phút. Không tắm và gội đầu ban đêm.
Giảm bớt các đồ điện và vật sắc nhọn trong phòng. Nên dùng đồ tre gỗ.
Thay kính lão và kính râm phù hợp thị lực. Trong nhà phải có đủ ánh sáng. Bớt xem truyền hình, nên nghe đài, đọc sách, nói chuyện, đi bộ hoặc chăm sóc cây cảnh, chim, cá...
Đi nhẹ, nói khẽ, tránh bậc thang cao và đường dốc quá. Không đi xe máy hai bánh.
Tránh xúc động mạnh. Không tranh luận vô bổ. Không xem phim kinh dị, bạo lực. Không nghe nhạc kích động hoặc sướt mướt, thê lương. Nên kết bạn, tập tành chung, giúp đỡ lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm trong một nhóm nhỏ những người cao tuổi hợp với mình.
Chăm sóc y tế
Trong nhà phải có tủ thuốc gia đình để ở chỗ ai cũng nhìn thấy dễ dàng. Thiết lập đường dây liên lạc thuận tiện với con cái, bác sĩ và bạn thân. Có sẵn số điện thoại của họ và điện thoại cấp cứu. Áp dụng các biện pháp sơ cấp như bôi dầu gió, xoa rượu thuốc, ngâm chân hoặc chườm nước nóng, đấm bóp (tẩm quất), bấm huyệt, châm cứu, thở sâu, yoga, thiền định…
Không tự dùng thuốc lạ hoặc các cách chữa bệnh theo lời mách của những người k h ô ng chuyên môn.
Không dùng chung kim châm cứu và tiêm. Nên trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp… và ghi lại kết quả đo để theo dõi sức khỏe được liên tục, dễ phát hiện sự bất thường.
Lưu ý những gì khiến cơn đau giảm và những gì khiến cơn đau tăng, dù chỉ là cơn ho nhẹ.
Đánh giá mức độ cơn đau trên thang điểm 10 và thông báo cho bác sĩ, sau đó tiếp tục ghi lại những lần bị đau. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người có chuyên môn và kinh nghiệm xử lý cơn đau. Trao đổi kỹ càng, chính xác, trung thực với bác sĩ về những biện pháp khống chế cơn đau, bao gồm các loại thuốc hay thảo dược.
Giữ cẩn thận tất cả các phiếu xét nghiệm, chẩn đoán và đơn thuốc với ngày khám, chữ ký, tên họ, địa chỉ và số điện thoại chính xác của bác sĩ khám bệnh cho mình. Nếu có điều kiện thì tránh xa các nơi ẩm ướt, ồn ào, vội vã, bụi bặm, đầy rác rưởi, khí thải độc hại và tàu xe nguy hiểm. Hàng năm nên điều dưỡng ở suối nước nóng, tắm bùn.

Không lạm dụng thuốc quá liều lượng, dù là mật gấu, sừng tê giác, nhân sâm, linh chi, cao hổ cốt, đông trùng hạ thảo hay các thực phẩm chức năng và biệt dược đắt tiền

Thuốc trị hen cho người bệnh tim mạch

Nhiều bệnh nhân hen, nhất là những người cao tuổi phải dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hay bệnh tim, hoặc cả hai. Trong trường hợp này bác sĩ và người bệnh cần lưu ý đến tác dụng của các loại thuốc trên đối với bệnh hen cũng như tác dụng của thuốc điều trị hen lên bệnh tim mạch.
Tác dụng của thuốc điều trị bệnh tim mạch lên bệnh hen
Trong số các loại thuốc điều trị tăng huyết áp hiện có, thuốc ức chế thụ thể giao cảm beta và ức chế men chuyển là những loại thuốc thường gặp nhất có tác dụng xấu lên bệnh hen.
Các chất ức chế thụ thể giao cảm beta: Có thể gây kích phát cơn hen vì trên đường hô hấp có sự hiện diện của các thụ thể beta. Để điều trị tăng huyết áp người ta dùng thuốc này dựa vào tác dụng ức chế thụ thể beta ở thành mạch làm giãn mạch nhưng đồng thời thuốc này cũng gây tác dụng ức chế tương tự lên đường thở gây co thắt đưa đến hậu quả nguy hiểm. Propranolol (inderal) là thuốc có hiệu quả đặc biệt mạnh lên khí quản gây co thắt và khởi phát cơn hen.
Thuốc trị hen cho người bệnh tim mạch
Người bệnh tim mạch cần thận trọng khi dùng thuốc trị hen
Vì thuốc ức chế thụ thể beta rất hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp nên người ta cố gắng bào chế loại thuốc có tác dụng chọn lọc trên tim gọi là thuốc ức chế chọn lọc thụ thể beta 1. Thử nghiệm trên lâm sàng cho thấy dù thuốc này an toàn hơn cho bệnh nhân hen thể nhẹ và vừa nhưng vẫn có xu hướng gây co thắt phế quản ở một số người. Do đó cần thận trọng khi dùng thuốc này cho bệnh nhân hen, hoặc tốt nhất là nên dùng liều thuốc đầu tiên tại bệnh viện để nếu có cơn hen khởi phát, bác sĩ có thể xử trí tức thì.
Thuốc ức chế thụ thể beta có hai dạng: dạng viên để chữa bệnh tăng huyết áp, bệnh tim; dạng thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh tăng nhãn áp. Nên nhớ thuốc ức chế thụ thể beta ngay cả dưới dạng thuốc nhỏ mắt cũng có thể làm triệu chứng hen xấu đi, vì vậy khi đi khám mắt bạn hãy báo cho bác sĩ biết bạn bị hen.
Thuốc ức chế men chuyển: Có thể gây tác dụng phụ là ho khan kéo dài với tỷ lệ lên đến 20% số người dùng thuốc. Cần lưu ý triệu chứng ho do thuốc gây ra có thể che giấu triệu chứng hen, và bản thân triệu chứng ho cũng có thể làm khởi phát cơn hen. Hơn nữa ho có thể làm trào ngược dạ dày. Đây cũng là yếu tố kích phát cơn hen. Vì thế thuốc ức chế men chuyển không được xem như thuốc chọn lựa hàng đầu cho bệnh nhân hen. Nếu cần thiết phải dùng nên theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ của thuốc.
Bản thân các thuốc ức chế men chuyển không kích phát cơn hen nhưng nếu đang dùng thuốc này mà có triệu chứng ho hãy báo cho bác sĩ biết. Các thuốc thường dùng có thể gây ra triệu chứng ho khan như: captopril (lopril), enalapril (renitec), lisinopril (zestril), perindopril (coversyl), quinapril (accupril)...
Adenosin: Thường được dùng điều trị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất; thuốc này cũng có tác dụng làm co thắt phế quản nên chống chỉ định cho bệnh nhân hen.
Thuốc điều trị tăng huyết áp an toàn cho bệnh nhân hen
Gồm các loại thuốc thuộc nhóm:
- Ức chế kênh calci như: nifedipin (adalate), nicardipin (loxen), amlodipin (amlor), felodipin (plendil), diltiazem (tildiem)...
- Đối kháng thụ thể AT 1 của angiotensin II ví dụ: irbesartan (aprovel), losartan (cozaar), telmisartan (micardis), valsartan (diovan)...
- Lợi tiểu: nhóm thiazid, furosemid, indapamid...
Hai loại thuốc ức chế kênh calci và đối kháng thụ thể AT1 của angiotensin II đã được chứng minh không gây nguy cơ hay tai biến nào cho bệnh nhân hen nên được xem là thuốc chọn lựa hàng đầu để điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân hen. Thuốc ức chế kênh calci có xu hướng được dùng nhiều hơn do được thử nghiệm lâu hơn và giá thành rẻ hơn.
Một tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc lợi tiểu là hạ kali máu. Một số thuốc điều trị hen như salbutamol cũng có tác dụng tương tự nên nếu dùng cùng lúc hai loại thuốc này cần thường xuyên theo dõi nồng độ kali máu.
Các thuốc clonidin, hydralazin vì chưa được kiểm chứng mức độ an toàn nên ít được sử dụng.
Tác dụng của thuốc điều trị hen lên bệnh tim mạch
Cơ thể người bệnh tim mạch trở nên dễ nhạy cảm với thuốc trị hen vì vậy các thuốc giãn phế quản có thể làm tăng nhịp tim. Các thuốc kích thích thụ thể beta 2 như salbutamol không làm tăng huyết áp nên có thể dùng cho người bị tăng huyết áp.
Nếu bạn có chứng tim loạn nhịp nhanh hoặc bệnh mạch vành, tim bạn có thể trở nên nhạy cảm với thuốc giãn phế quản ngay cả dưới dạng hít và làm cho bệnh nặng hơn. Hiện nay chưa có thuốc thay thế hoàn hảo nhưng có thể dùng ipratropium (atrovent) dù thuốc này có tác dụng giãn phế quản không mạnh và nhanh bằng nhưng ít có tác dụng kích thích trên tim hơn. Hiện nay có chế phẩm mới cùng nhóm với albuterol như levalbuterol (xopenex) dưới dạng dung dịch để phun khí dung. Thuốc này ít gây ảnh hưởng đến nhịp tim như albuterol.
- Theophyllin: Có tác dụng làm giãn phế quản nhưng đồng thời cũng làm tăng nhịp tim và tăng mức tiêu thụ ôxy của cơ tim nên chống chỉ định cho bệnh nhân có nhịp tim nhanh, suy mạch vành.
Các biện pháp phòng ngừa
- Luôn luôn đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc gì để biết có ảnh hưởng lên bệnh hen hay bệnh tim mạch bạn đang mắc phải không.
- Khi đi khám bệnh nhớ báo cho bác sĩ biết bạn bị hen và đang dùng thuốc gì.
- Trước khi dùng một loại thuốc mới cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ thuốc đó có ảnh hưởng đến bệnh hen không.
- Đang dùng một thuốc nào nếu thấy triệu chứng hen nặng hơn phải báo cho bác sĩ biết ngay.
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons