Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Bệnh zona ở người cao tuổi

Với người cao tuổi, khi hệ miễn dịch của cơ thể đã bị suy yếu, virút có cơ hội tấn công vào cơ thể gây ra một số bệnh lý, trong số đó có bệnh zona.
Nguyên nhân
Bệnh zona còn gọi là bệnh dời leo, do virút varicella zoster (VVZ) gây ra và đây cũng chính là loại virút gây ra bệnh thủy đậu (chickenpox).
VVZ sau khi gây bệnh thủy đậu sẽ nằm yên ở dạng không hoạt động ở các dây thần kinh cảm giác dưới da. Sau một thời gian dài hàng năm trời, khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, VVZ sẽ tấn công cơ thể gây ra bệnh zona.
Triệu chứng Người mắc bệnh zona sẽ có các triệu chứng sau:
- Cảm giác bỏng rát ở da.
- Đau nhức dữ dội nơi các dây thần kinh virút cư trú.
- Xuất hiện các mụn nước.
Tùy theo hướng di chuyển của virút ở các dây thần kinh, các mụn nước này có thể xuất hiện ở các vị trí sau:
- Ở một bên thân trên các xương sườn.
- Ở một bên cổ.
- Ở một bên cánh tay.
- Ở một bên mặt (có thể gây liệt tạm thời các cơ mặt).
- Ở một bên mắt (có thể gây viêm loét giác mạc).
Sau khoảng một tuần, các mụn nước này sẽ đóng vảy khô đi và thường để lại sẹo (giống sẹo bệnh thủy đậu), nhưng triệu chứng đau nhức có thể kéo dài hàng tháng hay hàng năm.
Các yếu tố thuận lợi gây bệnh
- Tuổi tác cao: bệnh zona thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi.
- Người bị stress (căng thẳng, lo lắng...).
- Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu.
- Người mắc bệnh bạch cầu, bệnh AIDS.
- Người đang điều trị với thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống ung thư…
Thuốc điều trị
Các thuốc dùng trong điều trị bệnh zona không chữa hết bệnh nhưng được sử dụng với mục đích:
- Giảm thời gian mắc bệnh.
- Ngăn ngừa sự lây lan.
- Giảm sự tổn thương của các mụn nước.
- Giảm các cơn đau nhức do viêm các dây thần kinh.
Gồm các thuốc sau:
Thuốc kháng virút:
Acyclovir là thuốc kháng virút có tác dụng hiệu quả trong điều trị bệnh zona, với điều kiện thuốc phải được sử dụng trong vòng 48 giờ kể từ khi phát bệnh.
Acyclovir được trình bày dưới các dạng sau:
- Dạng thuốc viên hay hỗn dịch dùng qua đường uống.
- Dạng bột đông khô dùng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch.
- Dạng thuốc kem và thuốc mỡ dùng ngoài da.
- Dạng thuốc mỡ tra mắt.
Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Acyclovir: buồn nôn, nôn, nhức đầu, đau bụng... Đối với phụ nữ có thai và cho con bú việc sử dụng thuốc Acyclovir cần phải thật thận trọng và có sự theo dõi của thầy thuốc.
Thuốc giảm đau:
Các loại thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol, aspirin hoặc nhóm thuốc kháng viêm nonsteroid (NSAID) như Ibuprofene, Diclophenac... thường được sử dụng để làm giảm cơn đau do sự tổn thương các dây thần kinh gây ra. Các thuốc này còn có thể phối hợp với codein để tăng hiệu quả giảm đau (như paracetamol + codein).
Một số loại thuốc như: Amitriptylin (thuốc chống trầm cảm ba vòng), Gabapentin (thuốc chống co giật) và các thuốc thoa tại chỗ có chứa Lidocain (chất gây tê), Capsaicin (hoạt chất có trong quả ớt) cũng được các thầy thuốc phối hợp sử dụng trong điều trị giảm đau của bệnh zona.
Ngoài ra, việc bổ sung các loại thuốc có chứa nhiều vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) và các chất khoáng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm các cơn đau do viêm dây thần kinh.
Đối với những bệnh nhân có những cơn đau dai dẳng, kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt mà việc điều trị nội khoa bằng thuốc không mang lại hiệu quả, phương pháp phẫu thuật cắt đứt các dây thần kinh bị tổn thương sẽ mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
DS. MAI XUÂN DŨNG

Ngừa bệnh hô hấp ở người cao tuổi trong mùa lạnh

Người cao tuổi (NCT), mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm trong đó sức đề kháng cũng giảm đi thì mọi loại bệnh tật có thể tấn công dễ dàng hơn, nhất là các bệnh gây ra bởi vi sinh vật (virut, vi khuẩn, vi nấm). Sự yếu kém trong việc tự bảo vệ của  NCT càng rõ nét mỗi khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa nhất là vào mùa lạnh. Trong các bệnh mà NCT dễ mắc phải trong mùa lạnh thì bệnh về đường hô hấp là loại bệnh hay gặp nhất.
Một số bệnh đường hô hấp mà NCT thường gặp
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gia tăng khi trời rét.
Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa lạnh NCT hay gặp nhất gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước; đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở. Viêm họng mạn tính kéo dài (thường gọi là viêm họng hạt), hoặc viêm mũi mạn tính rát, dễ gây nên viêm xoang, gây nhức đầu. Khi thời tiết thay đổi đều có khả năng tái phát trở lại. NCT vào mùa lạnh còn hay mắc viêm phế quản, viêm phổi. Một điều cần lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở NCT do lạnh thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ ít được người nhà quan tâm do đó dễ dẫn đến bệnh nặng cho đến khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng. Một số người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thì vào mùa lạnh thì bệnh rất dễ tái phát dễ xuất hiện các biến chứng. Yếu tố thuận lợi gây bệnh trước hết phải kể đến người nghiện hút thuốc lá, thuốc lào. Thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi (tổ chức phổi) do đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp nhất là vào mùa lạnh. Một số bệnh mạn tính kéo dài ở NCT như tăng huyết áp, đái tháo đượng, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh ở NCT.
Phòng bệnh  hô hấp vào mùa lạnh ở NCT như thế nào?
Cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh vừa chuyển sang rét đậm thì NCT nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà không nên ra khỏi nhà lúc sáng sớm khi thời tiết còn lạnh nhất là lúc đang có gió mùa. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối  sinh lý (có thể tự pha chế). Những trường hợp dùng răng giả cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ không để bám dính nhiều cặn, thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật cho đường hô hấp.
Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những NCT đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang. Mùa lạnh, NCT cũng cần tắm, rửa hằng ngày hoặc một tuần vài lần.     
  PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

10 nguyên tắc vàng để bảo vệ tim

Phụ nữ ở tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh về tim cao hơn vì đây là thời kỳ hormon giới tính có tác dụng bảo vệ tim đã suy giảm và hết hẳn, nhường chỗ cho sự tích lũy quá nhiều cholesterol. Để bảo vệ tim khỏi những "kẻ thù giấu mặt" này, có 10 nguyên tắc được các bác sĩ khuyên chúng ta nên áp dụng.
1. Giảm bớt khẩu phần ăn
Một chế độ ăn đa dạng và đủ chất sẽ giảm các nguy cơ mắc các bệnh về tim. Hàng ngày nên ăn trái cây, rau xanh, ngũ cốc, cá nhiều hơn thịt đỏ. Nên thay đổi thực đơn bằng các loại rau quả hai đến ba lần/tuần và cũng đừng quên làm các món ăn thêm hấp dẫn bằng nhiều loại gia vị, dầu ăn thực vật thay vì dùng mỡ hay bơ. Đặc biệt, không nên ăn quá mặn.
2. Theo dõi lượng cholesterol
Có nhiều trong gan động vật và một số thực phẩm khác như bơ, trứng, thịt…, cholesterol là một chất béo không thể thiếu cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu nó được tích trữ quá nhiều trong máu (khoảng hơn 2g/l) thì sẽ rất nguy hiểm. Cholesterol sẽ bám lại ở các thành động mạch, đặc biệt là các mạch gần tim, làm cho các mạch này hẹp lại, ngăn cản đường lưu thông của máu, gây tắc nghẽn động mạch. Để tránh hiện tượng này, nên uống ít rượu, giảm ăn đồ béo, đồng thời hạn chế sự tăng cân và không hút thuốc lá.
3. Không uống nhiều rượu
Uống rượu với liều lượng ít có lợi cho sức khỏe nhưng uống rượu quá nhiều sẽ làm tăng áp lực ở các động mạch. Đây chính là hiện tượng tăng huyết áp, vốn là kẻ thù của tim. Vì cung cấp nhiều calo nên rượu còn làm tăng cân, tạo điều kiện xuất hiện bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
4. Hãy uống nhiều nước
 Nên uống nước nhiều và uống từng ngụm nhỏ
Hãy uống nhiều nước ngay cả khi không khát. Không nên uống nhiều nước có gas, chỉ nên uống nước lọc, nước khoáng hoặc nước chanh hay nước có tác dụng giải nhiệt. Trà và cà phê là hai loại đồ uống có tác dụng kích thích đối với tim. Ngoài ra, các loại nước trái cây cũng rất tốt nhưng không nên quá lạm dụng bởi hàm lượng đường của nước trái cây ép khá cao.
5. Thường xuyên kiểm tra huyết áp
Bệnh huyết áp có tính di truyền. Nếu bố mẹ bị huyết áp cao thì các con càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh này, nhất là sau 50 tuổi. Tuy nhiên, vài biện pháp có thể đẩy lùi nguy cơ này là tránh ăn nhiều, đặc biệt với những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và tránh ăn mặn.
6. Phụ nữ hãy cẩn thận với thuốc lá và thuốc tránh thai
Nicotin trong thuốc lá là nguyên nhân làm hẹp các động mạch, thúc đẩy quá trình tạo kết tủa cục đông trong động mạch, giảm chất lượng của máu. Các oxít cacbon sẽ làm rối loạn quá trình hấp thụ của cơ thể và tạo thuận lợi cho việc tích trữ cholesterol. Người hút thuốc hay thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ bị bệnh tim cao gấp 6 lần người bình thường. Những người có dấu hiệu bất thường ở động mạch và trước 40 tuổi thường là những người nghiện thuốc lá. Còn đối với phụ nữ hay dùng thuốc tránh thai, nguy cơ bị mắc bệnh huyết khối cũng rất lớn.
7. Kiểm soát trọng lượng
Sự thừa cân là một yếu tố quan trọng gây tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường. Để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất hãy tìm cách giảm cân bằng các bài tập thể dục. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp một chế độ dinh dưỡng làm giảm cân với các hoạt động thể lực còn hiệu quả hơn cả thuốc. Hãy thường xuyên kiểm tra trọng lượng và hành động ngay khi cần thiết.
8. Ăn sáng nhiều
Hãy bắt đầu mỗi ngày bằng một bữa sáng thịnh soạn và kết thúc ngày bằng một bữa tối nhẹ. Với mục đích bù lại calo sau một đêm, nên không làm bạn béo vì năng lượng của bữa ăn sáng sẽ được cơ thể sử dụng cả ngày. Còn ăn vào buổi tối, năng lượng sẽ bị tích trữ lại trong cơ thể. Một bữa sáng đầy đủ phải bao gồm các protein có trong các thực phẩm như sữa, sữa chua, phô-mát, trứng… các gluxit trong bánh mì, ngũ cốc, hoa quả và các lipid trong bơ, sữa và phô-mát.
9. Đừng để béo bụng
Khi cơ thể tăng cân, trọng lượng thừa thường dồn vào bụng nhiều hơn là các nơi khác. Đôi khi có người không quá béo nhưng lại có vòng bụng lớn. Các lớp mỡ ở nội tạng, chiếm khoảng 30% trọng lượng cơ thể, khi bị loại bớt sẽ giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
10. Thường xuyên vận động
Đi xe đạp, bơi lội, đi bộ… là những môn thể thao nhẹ nhàng đòi hỏi sự bền bỉ, phù hợp với mọi lứa tuổi. Chúng giúp cơ thể có thể cung cấp nhiều oxy hơn cho các tế bào, làm tim hoạt động tốt hơn và cải thiện sự dẻo dai của cơ thể. Vận động còn giúp giảm cân, tránh tăng huyết áp và đái tháo đường. Mỗi ngày tập thể dục nửa giờ hoặc đi bộ ba lần mỗi tuần, mỗi lần 1 tiếng là đủ để đẩy lùi mọi bệnh tật.
 
DƯƠNG PHI
(ĐHYK-Hà Nội)

Chăm sóc bậc cao niên

Ngày Tết là dịp tốt để chúng ta bàn về việc chăm sóc sức khỏe cho các bậc “cao niên”. Đây là công việc đòi hỏi người chăm sóc vừa phải có lòng kính trọng đối với người già, vừa phải có kiến thức y học mới có thể làm tốt.
Bao giờ cũng phải tìm nguyên nhân bệnh tật, không nên quy tất cả cho tuổi tác. Theo một nghiên cứu, khoảng 80% người trên 80 tuổi có thể sinh hoạt được bình thường, có khả năng sống độc lập không bị lệ thuộc vào người chăm sóc. Vì vậy, người nhà và người chăm sóc không nên cho rằng tất cả các người già là sa sút trí tuệ, không thể chạy chữa được, không có hy vọng gì cải thiện tình hình… Khi quyết định một phương pháp xử trí, kể cả phẫu thuật thì riêng tuổi tác không phải là một chống chỉ định.
Bằng sự quan tâm của thầy thuốc và người nhà, nhiều việc có thể làm để ngăn ngừa sự phát sinh một bệnh cũng như dự phòng sự tiến triển xấu của bệnh đó ở người già. Những điểm chính cần đặc biệt chú ý để phòng bệnh ở người già gồm: Về dinh dưỡng: cần thực hiện cách ăn uống cho hợp lý và khoa học. Hạn chế tối đa thuốc lá, rượu, phấn đấu từ tuổi 65 dùng ngày càng ít, tiến tới loại bỏ hoàn toàn rượu và thuốc lá.
Vấn đề sử dụng thuốc: bạn nên rà soát lại tất cả các loại thuốc đang dùng cho người già, loại bỏ những thuốc không cần thiết hoặc có hại với sự giúp đỡ của bác sĩ. Những công trình nghiên cứu gần đây cho thấy: điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp làm giảm rõ rệt nguy cơ tai biến mạch máu não cũng như tử vong do bệnh tim. Thuốc khuyên dùng là thiazid hoặc giống thiazid (như chlorthalidon) coi như bước đầu, sau đó dùng liều thấp reserpin hoặc atenolol khi cần; dùng như vậy, tác dụng phụ của thuốc không đáng kể, rất ít độc hại. Bệnh nhân cao tuổi không nên chỉ thích những thuốc đắt tiền, bởi vì các thuốc vừa nêu đã được thực nghiệm là hiệu quả, rẻ, nên được coi là thuốc đầu tay.
Sử dụng các phương pháp chẩn đoán bệnh: bằng xét nghiệm, máy X-quang, điện tim, siêu âm, chụp cắt lớp trong những trường hợp triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Người già cần được khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh glôcôm, điều chỉnh kịp thời sự giảm sút thị lực, thính lực, khám chữa răng, làm răng giả nếu cần, chú ý phát hiện những tổn thương vùng miệng.
Tạo miễn dịch với một số bệnh: cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, uốn ván... Định kỳ làm xét nghiệm đờm cho các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao. Định lượng cholestorol huyết thanh, đặc biệt với bệnh nhân suy mạch vành hoặc có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Phát hiện sớm bệnh ung thư: vì ngày càng nhiều phụ nữ cao tuổi mắc bệnh ung thư vú và tử vong nên phụ nữ cao tuổi cần định kỳ khám, chụp tuyến vú, 6 tháng một lần cho đến 75 tuổi. Mọi người cao tuổi, cả nam lẫn nữ, đều cần phải khám định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm ung thư các loại. Những người thường dùng và dung nạp được thuốc aspirin liều thấp và estrogen (cho bệnh nhân nữ) được khuyên dùng vì các lợi ích phòng bệnh tim mạch và ung thư.
Việc luyện tập: đối với người cao tuổi, việc luyện tập thể dục có những lợi ích cho huyết áp, hệ tim mạch, hằng định nội môi về glucose, tỷ trọng xương, có tác dụng tốt đối với toàn thân, chống mất ngủ, táo bón, dự phòng khỏi ngã. Nhưng khi tập luyện cần loại bỏ những động tác quá mạnh với cột sống nhất là với những người đã mất chất xương. Trong luyện tập nên có sự hướng dẫn của nhân viên vật lý trị liệu, phải chú ý chuẩn bị những biện pháp đề phòng ngã. Người già nên tránh việc đi xe máy hoặc tự lái xe hơi, nhất là với người không hoàn toàn minh mẫn.
Quản lý bệnh tật: biện pháp có giá trị nhất trong việc đề phòng bệnh tật, tránh tai biến cho người cao tuổi là nắm vững tình hình sức khỏe, tiền sử, bệnh sử của họ. Người nhà và thầy thuốc phải chú ý tới những vấn đề bệnh nhân than phiền nhiều nhất, và cả những điều tưởng nhỏ nhặt, như: ngã, hay quên, lú lẫn, rối loạn tình dục, tiểu tiện không tự chủ. Chú ý những nguy cơ có thể có và tìm cách ngăn chặn, như đối với bệnh nhân giảm nhận thức, hay hút thuốc lá có thể gây nên hỏa hoạn do vô ý, hoặc bệnh nhân dùng nhiều thuốc ngủ có nguy cơ tắc ruột do ứ phân, mê sảng, lú lẫn.
Sẵn sàng can thiệp kịp thời: do người già bị suy giảm sức đề kháng nên các triệu chứng bệnh thường không rõ rệt, không điển hình, khi có bệnh cấp tính, cần cấp cứu, như: bệnh nhân bị viêm phổi nhưng không sốt; lú lẫn do tiểu tiện không tự chủ dẫn đến ngã. Do đó đối với những biến đổi nhẹ về chức năng của người già cũng cần quan sát kỹ, xác minh và xử lý khẩn trương. Những người già có nguy cơ cao gồm: trên 80 tuổi; sống một mình; mắc bệnh trầm cảm, không nơi nương tựa; giảm sút trí tuệ; bị ngã nhiều lần; đại, tiểu tiện không tự chủ; người trước đây không được quản lý tốt. Các đối tượng này cần được gia đình, người thân hoặc nhân viên sức khoẻ cộng đồng giúp đỡ.
Chăm sóc tại nhà: nếu làm tốt công tác an sinh xã hội cần phấn đấu để đa số người già được chăm sóc tại nhà. Nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng, cần dành một khoản kinh phí cho các dịch vụ: nhân viên dọn dẹp nhà cửa, nhân viên chăm sóc sức khỏe. Khi cần có thể tổ chức để gửi bệnh nhân già tại nhà chăm sóc sức khỏe ban ngày, người phục vụ bệnh nhân tại giường.
Hỗ trợ các hộ gia đình có người già cần chăm sóc tại nhà. Tổ chức dịch vụ phục vụ cơm nước đến nhà, dịch vụ di chuyển cho bệnh nhân tàn phế. Tổ chức chăm sóc cấp cứu bệnh nhân tại nhà, giúp gia đình người già thu xếp cuộc sống tại nhà.
Hỗ trợ cho gia đình: đối với các gia đình có bệnh nhân bị sa sút trí tuệ hoặc có những bệnh tật phức tạp, nhiều khi chính gia đình lại cần sự hỗ trợ của thầy thuốc hơn cả người bệnh. Vì vậy, thầy thuốc và các tổ chức xã hội ở cơ sở nên bố trí người hỗ trợ gia đình bệnh nhân về tinh thần và vật chất cũng như chăm sóc sức khỏe.
ThS. NGUYỄN HOÀNG

Sống khỏe...

Tôi nghe được một câu rất hay và thấy thật đáng suy ngẫm. Đó là “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc”.
Sống khỏe:Ai cũng thấy sức khỏe là vàng. Đời người là hữu hạn. Biết bao điều chúng ta hằng mong muốn được học hỏi, được cống hiến, được hưởng hạnh phúc… Nhưng không có sức khỏe thì không có gì hết. Những người bất hạnh nhất là những người thiếu sức khỏe. Ngày nay, nhờ tiến bộ lớn lao của y học mà rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bị đẩy lùi, tuổi thọ ngày một nâng cao. Ai cũng muốn trường thọ và cũng có một số biện pháp giúp sống lâu, khỏe mạnh, đó là:
- Tập thể dục: Vận động thường xuyên không chỉ giúp giữ gìn tính linh hoạt, đàn hồi và sự cân bằng của các khớp xương mà còn giữ cho trí não được minh mẫn và hệ tim mạch khỏe mạnh.
Ảnh minh họa (Nguôn Internet)
- Giảm stress: Theo một nghiên cứu trên những phụ nữ 100 tuổi của Trung tâm y khoa Boston (Mỹ), các cụ có cuộc sống tích cực, hoà đồng và thái độ ung dung thoải mái thì có khuynh hướng ít bị rối loạn thần kinh chức năng.
- Thời gian mang thai: Một số nghiên cứu mới đây trên Tạp chí Nature cho thấy, phụ nữ mang thai lần đầu trong độ tuổi 30-40 có khuynh hướng sống thọ hơn.
-Giấc ngủ: Một khám phá của Hiệp hội Ung thư Mỹ cho thấy, người ngủ quá nhiều có sức khỏe tệ hơn người ngủ đủ thời gian. Một người trung bình ngủ 7 giờ/ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất, còn 9 giờ/ngày có nguy cơ cao.
Ta phải tập cho mình một phong thái sống, nếp sống, một thời khóa biểu cho sự làm việc và nghỉ ngơi. Chữ “thanh” được hiểu là sự trong sạch, thanh khiết không bị vướng bất cứ một thứ cặn bã nào. Sự hướng thượng, lòng khoan dung, sự tha thứ, sẵn sàng làm điều tốt, điều thiện, mưu cầu lợi ích cho người khác thuộc thanh. Người luôn luôn thanh tâm là người luôn có cuộc sống an lành nhờ tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những tình cảm, tư tưởng thanh cao, tốt đẹp. Vì thế, họ luôn luôn được an vui, hạnh phúc. Chính nguồn vui, hạnh phúc này giúp họ có đời sống rất khỏe mạnh và an lạc.
Bữa ăn: Chủ yếu ăn nhiều hoa quả, rau xanh ít qua chế biến, ngũ cốc dạng hạt như đậu Hà Lan, củ quả và uống đều đặn sữa chua. Lưu ý, dùng dầu ôliu thay cho mỡ động vật, dùng canxi có trong cải bắp, cải bông, cam chanh, uống đủ nước mỗi ngày giúp nước tiểu sạch. Ngoài ra có thể dùng trà xanh, trà đen... giải khát mỗi ngày. Danh y Tuệ Tĩnh từ lâu đã đưa ra một bí quyết trường thọ rất nổi tiếng. Bí quyết này được tóm tắt trong hai câu dễ nhớ như sau: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Chữ bế tinh mà Tuệ Tịnh muốn nói đến là có ý khuyên chúng ta nên hạn chế tình dục, không nên hoang phí quá độ. Biết khi nào tiêu xài và khi nào nên lưu trữ. Tiêu xài thế nào là điều luôn luôn phải được nghĩ đến. Đó là chưa nói đến việc tiêu xài không có chọn lọc và cẩn thận sẽ đưa đến bệnh tật hiểm nghèo bất trị nữa. Dưỡng khí là đem năng lượng khí trời trong sạch vào hạ đơn điền để biến thành tinh khí, thành năng lực luân lưu khắp châu thân để bảo toàn sự sống. Phải bế tinh thì dưỡng khí mới có kết quả. Tinh cạn kiệt thì khí không thể điều động để trở thành năng lực nuôi sống, bảo toàn sức khỏe một cách tốt nhất được. Tồn thần cũng phải được hiểu là “giữ thần”. Thần được lưu giữ nhờ sự bình an trong tâm hồn, nhờ giấc ngủ yên lành không mộng mị. Quả dục là giảm thiểu sự ham muốn, sự đòi hỏi, sự thèm khát. Tham vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn.
 
Chính vì lòng ham muốn này đã dẫn dắt không biết bao nhiêu người đi vào vực sâu, mất an vui, hạnh phúc và gần nhất là sức khỏe bị suy mòn, tinh thần bị lụi bại. Vì thế, nếu muốn khỏe mạnh và sống lâu thì phải biết chế ngự lòng ham muốn, tính tham lam, thèm khát. Thủ chân tức là luôn luôn theo đuổi một điều gì mình cho là chân lý, là lý tưởng. Đời người phải hướng về một mục đích nào đó để phục vụ, để thờ phụng thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Thật là tội nghiệp cho ai đó cứ tưởng phương tiện là mục đích. Nếu biến phương tiện thành mục đích thì con người sẽ trở thành nô lệ cho những đối tượng tầm thường. Rất nhiều người coi tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, danh vọng, sắc đẹp là mục đích trong khi chúng chỉ là phương tiện. Cả đời họ chỉ lo chạy theo những thứ vật chất mau đổi thay, mau tan rã, không tồn tại lâu dài này. Tự biến mình thành nô lệ mà mình không bao giờ tỉnh thức. Luyện hình được hiểu là rèn luyện cơ thể. Nói một cách thật dễ hiểu là tập luyện cho thân hình luôn luôn khỏe mạnh, cường tráng.
 
Nhưng luyện hình mà Tuệ Tĩnh muốn nói không đơn giản chỉ là những động tác thể dục bình thường mà là những cách tập luyện toàn diện giúp cho nội lực luôn sung túc và đả thông được các huyệt đạo trong lục phủ, ngũ tạng. Cách luyện hình của người xưa tại Á Đông được truyền bá giới hạn trong các môn phái yoga, thiền và nhất là trong các môn phái khí công. Để đạt được cả hai phần thể chất và tinh thần, Tiên thiên khí công vừa có các cách luyện tập vận khí, đưa năng lượng khí trời trong sạch vào trong cơ thể làm thông các huyệt đạo, vừa đưa khí vào để biến tinh khí thành thần để thay thế thức ăn, thức uống. Ngoài các cách tập luyện về phần làm khang kiện thể chất, Tiên thiên khí công cũng có phần tập an định về tinh thần để đạt được sự an lạc, tự tại.
Từ xa xưa, con người đã dốc sức đi tìm các loại thuốc trường sinh nhưng không có cách nào thoát khỏi quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Ai cũng mong muốn trường thọ để được sống lâu với con cháu, vui hưởng tuổi già. Nhưng có lẽ không ai muốn mình vì bệnh tật mà phải sống đời sống thực vật, sống mà không biết gì, gây khó khăn, vất vả cho con cháu. Chính vì vậy, khi đã hết mệnh thì nên nhắm mắt xuôi tay, từ biệt cõi đời một cách thanh thản.
Chuyệnít của để dành có lẽ không trùng với tâm lý của nhiều người đương thời. Không ít người tìm đủ mọi cách, kể cả những cách phi đạo lý để tích lũy tiền bạc, nhà cửa, ruộng đất với mong muốn để lại sự vinh hoa, phú quý cho các thế hệ con cháu. Thực tế cho thấy, họ đã nhầm lẫn một cách tai hại. Con cái, cháu chắt đâu sống mãi được với kho tàng vật chất ấy. Ngược lại, có sẵn tiền của rồi còn cần gì học hành, phấn đấu. Kết quả là miệng ăn núi lở, của thiên trả địa hết. Và không ít những kẻ ăn không ngồi rồi ấy đã sa ngã vào con đường cờ bạc, nghiện hút, trai gái, thậm chí chết vì HIV/AIDS. Đấy là chưa kể đến sự mâu thuẫn lẫn nhau đến mất nhân tính do tranh giành của cải thừa kế. Tấm gương rõ nhất có lẽ ai cũng biết là việc quyết định sử dụng tài sản của người giàu nhất thế giới - ông chủ tập đoàn Microsoft nước Mỹ - Bill Gates. Trong di chúc soạn sẵn, ông chỉ dành cho mỗi đứa con của mình 10 triệu USD trong tổng số gần 53 tỷ USD giá trị gia tài của vợ chồng ông. Số còn lại, ông muốn chúng được chi dùng vào những việc công ích cho nhân loại, mà theo lời ông, số tiền đó quay lại với thế giới theo những cách ý nghĩa và hiệu quả nhất.
 Ảnh minh họa (Nguôn Internet)
Và cuối cùng, cũng là thành quả lớn nhất của một đời người sống và làm việc trong sáng, hữu ích - đó là để cho nhiều người thương tiếc. Tôi không bao giờ quên được cảnh nhân dân ta, cả già lẫn trẻ, đã khóc nức nở như thế nào khi nghe tin Hồ Chủ tịch qua đời. Sự thương tiếc Người là sự thương tiếc tận đáy lòng vị Cha già dân tộc đã hy sinh suốt cuộc đời vì hạnh phúc lâu dài của toàn thể nhân dân ta. Khó có ai ví được với Người, nhưng biết bao nước mắt đã tuôn chảy một cách chân tình của những người tham dự các buổi tang lễ những liệt sĩ, những học giả, những nghệ sĩ, những thầy giáo, thầy thuốc - những người đã để lại trong tâm khảm mọi người về một cuộc sống tốt đẹp, thủy chung, cùng với những hy sinh, những cống hiến lớn lao cho đất nước.
 
Tấm gương của những bậc trưởng lão sống suốt đời gương mẫu sẽ là của để dành quý giá nhất cho con cháu và những người thân thiết. Đó là bia mộ tinh thần còn mãi với thời gian và lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn gì sung sướng hơn khi được thanh thản về cõi vĩnh hằng khi không có gì phải ân hận trong suốt cuộc đời mình. Muốn được như vậy đâu có dễ. Phải vượt qua mọi cám dỗ của hư danh, tiền bạc, địa vị, dục vọng để sống thật có ích cho đất nước và để lại tấm gương tốt lành nhất cho các thế hệ con cháu.          
GS. NGUYỄN LÂN DŨNG

Người cao tuổi nên dùng kháng sinh như thế nào?

Trong suốt cuộc đời của một người cao tuổi (NCT) có thể có ít nhất là một lần hoặc nhiều lần bị nhiễm khuẩn dù nặng hay nhẹ. Và mỗi một lần bị nhiễm khuẩn như vậy có thể đã được dùng một loại kháng sinh nào đó, nay do thói quen dùng lại loại kháng sinh đó thì ít nhiều hạn chế tác dụng hoặc có trường hợp giảm hẳn tác dụng, chưa kể có khi còn gây nguy hiểm.
NCT có trở ngại gì khi dùng thuốc kháng sinh?
Do đặc điểm sinh lý của NCT cho nên có nhiều điều bất lợi khi NCT dùng thuốc kháng sinh. Khi dùng thuốc kháng sinh bằng đường uống thì khả năng hấp thu thuốc ở đường tiêu hóa sẽ giảm làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị (bệnh khỏi chậm hoặc không khỏi). Mức độ hấp thu thuốc kháng sinh giảm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ lão hóa của cơ thể từng người. Nếu mức độ lão hóa ít thì sự hấp thu tốt hơn nhiều so với  cơ thể có sự lão hóa nhiều. Và khi mức độ lão hóa tăng thì khả năng gắn protein vào huyết tương cũng giảm. Nếu kháng sinh gắn vào protein huyết tương giảm sẽ làm xuất hiện hiện tượng kháng sinh lưu hành trong cơ thể dưới dạng tự do và gây độc cho cơ thể.
Sự phân phối thuốc kháng sinh trong cơ thể NCT cũng có nhiều thay đổi, hiện tượng này tùy thuộc vào tính chất của từng loại thuốc kháng sinh và trạng thái bệnh lý của từng người. Ví dụ, khi NCT bị bệnh viêm thận mà dùng thuốc gentamicin thì thuốc sẽ gắn nhiều vào hồng cầu, do đó lượng gentamicin sẽ tăng cao trong huyết tương có thể gây thiếu máu và một số tai biến khác. Việc đào thải thuốc kháng sinh qua đường thận cũng sẽ giảm, nhất là các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm bêta-lactam, amynoglycoside, sulfamide, co-trimoxazol... do NCT có hiện tượng suy giảm nephron kéo theo suy giảm chức năng của thận.
 Một trường hợp dị ứng thuốc ở người cao tuổi.
Người cao tuổi mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm dần dần theo năm tháng, đặc biệt là hệ thống miễn dịch (hệ thống tạo kháng thể để chống lại các tác nhân lạ đối với cơ thể), não bộ. Vì vậy người cao tuổi phải hết sức thận trọng khi dùng kháng sinh vì thuốc đưa vào cơ thể người cao tuổi rất khác với thuốc kháng sinh đưa vào cơ thể trẻ hoặc người trưởng thành (nên lưu ý là người cao tuổi không có nghĩa là trẻ em cộng thêm một số tuổi).
Ngoài ra, ở NCT thường hay bị thiếu vitamin K, loại vitamin thường do một số tạp khuẩn đường ruột tổng hợp nên nhưng do dùng các thuốc kháng sinh đào thải qua đường tiêu hoá kéo dài (liều lượng và thời gian sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ, khi thấy rối loạn tiêu hóa thì tự mua thuốc uống) sẽ tiêu diệt một số vi khuẩn sinh vitamin K làm cho NCT thiếu đi một lượng vitamin K đáng kể. Mặt khác, một số vi khuẩn đường ruột có khả năng giáng hóa digoxin ở ống tiêu hoá, nếu dùng kháng sinh đào thải qua đường ruột quá nhiều sẽ làm tăng hấp thu digoxin và làm cho nồng độ digoxin trong huyết tương tăng cao, làm độc tính cũng tăng theo cho cơ thể NCT.
Một số thuốc kháng  sinh có ảnh hưởng đến chức năng của gan như sulfamid, lincomycin, clindamycin, nhóm quinolon, vì vậy khi NCT bị suy gan (đã được bác sĩ chẩn đoán) thì dùng các loại thuốc kháng sinh càng phải thận trọng.
Ngoài ra, có một số thuốc kháng sinh có chứa Na+, K+ tuy hàm lượng thấp nhưng khi dùng liều cao và thời gian kéo dài như carboxypenicillin, penicillin có thể gây độc cho người bệnh, đặc biệt là NC. Nhóm aminoglycoside gây độc cho thận, cơ quan thính giác (ốc tiền đình) nên khi dùng cho NCT phải được căn dặn kỹ càng và có hướng theo dõi cẩn thận (ví dụ, hẹn tái khám sau khi hết thuốc hoặc khi uống thuốc có hiện tượng gì bất thường cần thông báo cho bác sĩ biết ngay và ngưng thuốc để chờ ý kiến của bác sĩ). Một số thuốc kháng sinh như carbenicillin, colistin có khả năng làm giảm kali máu cho nên cần thận trọng khi dùng kết hợp với các thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, thuốc glyccoside trợ tim... Nên hạn chế dùng (hoặc chỉ dùng khi thật cần thiết) đối với nhóm chloramphenicol, rifamicin, nitrofurantoin, gentamicin, lincomicin.
Khi nào NCT cần dùng kháng sinh?
Trong mọi trường hợp kháng sinh chỉ được dùng khi bác sĩ khám bệnh xác định là có bệnh nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc vi nấm hoặc mắc bệnh nhiễm virut nhưng có bội nhiễm vi khuẩn (ví dụ bị mắc bệnh cúm do virut cúm nhưng viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn). Cũng có trường hợp người ta dùng kháng sinh phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật. Tuy vậy, trong các bệnh nhiễm khuẩn thì việc dùng kháng sinh nào là hoàn toàn do bác sĩ khám bệnh cho người bệnh đó quyết định trên cơ sở biết được chắc chắn vi khuẩn gì, kết quả của thực nghiệm kháng sinh đồ là điều lý tưởng nhất, nếu không sẽ dựa vào phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành (bởi vì mỗi cơ thể và mỗi một bệnh nhiễm khuẩn có thể dùng mỗi loại kháng sinh khác nhau).
Ngày nay các bác sĩ điều trị đều biết được để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh thì ngay từ đầu đều phải dùng kháng sinh phổ hẹp. Để tránh xảy ra hiện tượng dị ứng thuốc kháng sinh (lưu ý là có trường hợp dị ứng muộn) cần hỏi kỹ người bệnh về tiền sử sử dụng thuốc kháng sinh và cho làm phản ứng trước lúc sử dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt là loại thuốc kháng sinh tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Nên dùng kháng sinh sớm khi đã có chẩn đoán lâm sàng là bệnh nhiễm khuẩn. Nên tránh các thuốc kháng sinh có ảnh hưởng đến chức năng của thận, nếu bắt buộc phải dùng thì cần giảm liều và cần nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ đã khám bệnh và cho mình đơn thuốc kháng sinh.
PGS.TS.TTƯT.Bùi Khắc Hậu (Đại học Y Hà Nội)

Khắc phục chứng tiểu đêm ở người cao tuổi



Trong những biến đổi sinh lý của người cao tuổi thì tình trạng đi tiểu đêm là rất phổ biến. Có người mỗi đêm đi tiểu 5 - 6 lần, làm mất ngủ, dần dần thành thói quen và dẫn tới suy nhược.

Tiểu đêm ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do chức năng sinh lý bị suy giảm nhưng cũng có thể là do bệnh lý. Ở người cao tuổi, thời gian của giấc ngủ ngắn nên họ ít ngủ hơn, thường đi ngủ sớm nhưng thức dậy cũng sớm. Ít ngủ lại dễ gây buồn tiểu và ngược lại, đi tiểu đêm nhiều lần lại càng dễ gây cho người cao tuổi mất ngủ, đây là một vòng luẩn quẩn. Đối với những người cao tuổi có bệnh viêm đường tiết niệu, tiểu đường sẽ càng hay bị tiểu đêm. Ở người cao tuổi là nam giới, nếu bị u xơ tiền liệt tuyến thì hiện tượng tiểu đêm càng hay gặp, nhất là u xơ có kích thước lớn chèn vào cổ bàng quang, khi bàng quang chứa nhiều nước tiểu thì sẽ bị kích thích đi tiểu.





Để phát hiện và chữa trị chứng tiểu đêm có hiệu quả, những người đàn ông trên 40 tuổi cần được đi khám tuyến tiền liệt hàng năm, nhằm phát hiện sớm những vấn đề về tiết niệu để có hướng chữa trị kịp thời. Với những bệnh nhân đã mắc chứng bệnh này, có thể dùng thuốc Crila, loại thuốc được chiết xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung có tác dụng điểu trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt).

Đây là loại thuốc được chiết xuất từ lá cây Trinh nữ hoàng cung, đã được thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn như Viện Lão khoa, bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho kết quả rất khả quan và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên toàn quốc với chỉ định điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt - một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiểu đêm ở nam giới cao tuổi. Crila không chỉ có tác dụng giảm nhanh chứng tiểu đêm nhiều lần, nhất là các triệu chứng tiểu són, tiểu rắt, giúp người bệnh có giấc ngủ ngon và sâu hơn mà còn giúp phòng ngừa được u ác tính ở tuyến tiền liệt.

Theo ANTĐ

Người cao tuổi cần cảnh giác bệnh gì?

Trong những ngày Tết, do thay đổi về thời tiết kết hợp với thay đổi về nếp sinh hoạt, công việc và chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ... khiến người cao tuổi dễ gặp nhiều “rắc rối” về sức khỏe, nhất là với những người sẵn có các bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh liên quan tới tim mạch.
Đột quỵ não
Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh xảy ra khi tình trạng cung cấp máu cho một bộ phận não bị đột ngột ngừng. Có hai loại đột quỵ não: đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ chảy máu não. Bệnh thường xảy ra trong những hoàn cảnh sau: trong hoặc sau khi uống rượu, bia; thay đổi thời tiết, khí hậu; căng thẳng tinh thần hoặc thể lực; tắm nóng hoặc lạnh; thời gian khi đêm về sáng. Người cao tuổi đã có tiền sử các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, mỡ máu tăng cao, một số bệnh tim (bệnh hẹp van 2 lá, rung nhĩ…), rối loạn chức năng đông máu, béo phì… rất dễ bị đột quỵ não.
 Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây sẽ giảm bớt nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch.
Cần nghĩ đến đột quỵ não khi người bệnh có một hoặc nhiều triệu chứng sau: đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt, cảm giác nặng tay chân, không hoặc khó nâng lên được, có cảm giác như “tay chân của người khác”; đột ngột u ám, lẫn lộn, nói những câu vô nghĩa; đột ngột mất thị lực một bên hoặc cả hai bên mắt; đột ngột đi lại khó khăn, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động; đột ngột đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân. Trong gia đình có người thân xảy ra đột quỵ cần phải làm các việc như sau: đỡ bệnh nhân để họ không bị ngã; nếu bệnh nhân còn tỉnh cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất; nếu bệnh nhân hôn mê cần phải cho bệnh nhân nằm nghiêng, lau đờm dãi và xem tình trạng thở như thế nào. Không bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này vô tình có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Không cho bệnh nhân ăn, uống và đề phòng nôn, gây trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm. Phải gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến ngay bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời. Để tránh xảy ra đột quỵ não cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh van tim... bằng cách thực hiện tốt việc uống thuốc đều đặn. Không thuốc lá, không uống rượu, bia, hạn chế ăn mỡ động vật. Ăn nhiều rau, củ, quả. Duy trì tập thể dục. Tránh thay đổi đột ngột về tư thế, giữ ấm cơ thể...
Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử một vùng tim, hậu quả của thiếu máu cục bộ cơ tim. Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim là do vữa xơ động mạch vành. Mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch. Những người có các bệnh như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh tim bẩm sinh… hoặc những người béo phì, hút thuốc lá nhiều năm, nghiện rượu, bị stress, trong gia đình có người bị nhồi máu cơ tim… cũng dễ mắc bệnh này. Biểu hiện chủ yếu của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực điển hình: đau nhói bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 20 phút và không đỡ khi dùng thuốc giãn động mạch vành (nitroglycerin). Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn… Nhồi máu cơ tim là bệnh cần phải cấp cứu khẩn cấp. Nếu thấy biểu hiện của bệnh như trên cần gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.
Đón một cái Tết thật vui, bổ ích, hạn chế những nguy cơ bệnh tật như đột quỵ hoặc cơn nhồi máu cơ tim không may có thể xảy đến, người cao tuổi cần kiểm soát chặt chẽ chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống của mình. Ăn ít muối, hạn chế mỡ, ăn nhiều rau quả, tuyệt đối không uống rượu bia, hút thuốc lá. Thường xuyên kiểm tra huyết áp, kiểm soát các bệnh rối loạn mỡ máu, đái tháo đường theo hướng dẫn của thầy thuốc.
TS. BS. Tạ Bá Thắng

Loét da ở người già

Người cao tuổi thường mắc các chứng bệnh phải nằm lâu, cùng với tình trạng tiêu tiểu không tự chủ rất dễ gây loét da nhất là vùng xương cụt. Do vậy, sự quan tâm của gia đình giúp người già phòng ngừa loét là rất quan trọng. Nếu không được chăm sóc ngay từ đầu thì từ một vết loét nhỏ sẽ dẫn đến một vết thương có mủ, rất lâu lành gây thêm đau đớn cho bệnh nhân, nhất là đối với người cao tuổi khi sức đề kháng đã giảm khiến việc điều trị càng khó hơn.
Những dấu hiệu biểu hiện
Loét dễ xuất hiện vào mùa nóng, do tiết mồ hôi nhiều, sự ẩm ướt của việc tiểu tiện đối với những bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ, hoặc nằm lâu trên một mặt phẳng cứng, hoặc không thể tự xoay trở được thường xuyên như bệnh nhân bị liệt, nhất là liệt hai chân, bệnh nhân hôn mê do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não…
Vùng da thường tiếp xúc với mặt giường nhiều lúc đầu sẽ không đau hoặc đau ít, sau đó dần dần đỏ lên, vài ngày sau sẽ giống như một vết bỏng, có những mụn nước bao bọc, nếu không được chăm sóc cẩn thận rất dễ bị vỡ, có màu đỏ bầm và sau đó đen lại do hoại tử tổ chức phần mềm, khi sờ sẽ thấy lạnh. Do đó khi xuất hiện vết loét cần phải được chăm sóc để ngăn chặn sự lan rộng, vết loét càng sâu thì càng dễ nhiễm trùng dẫn đến việc điều trị lâu hơn, gây thêm đau đớn cho bệnh nhân. Trường hợp nặng có thể loét tới xương và nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Vùng da nào dễ loét nhất?
Bệnh nhân nằm bất cứ tư thế nào cũng rất dễ gây ra loét ở những nơi mà xương nhô lên, có lớp cơ và da bao bọc quá ít.
Tư thế nằm ngửa: dễ loét là vùng sau gáy, vùng xương cùng, hai bên xương bả vai, hai cùi chỏ, hai gót chân.
Tư thế nằm nghiêng: nghiêng về phía nào thì bên đó trực tiếp bị ảnh hưởng: vùng thái dương, phía ngoài và trong đầu gối, mắt cá ngoài.
Cơ thể của người cao tuổi do tiêu hoá kém, hấp thu dinh dưỡng chậm, sức đề kháng kém nên vết loét rất lâu lành. Vì vậy cho dù chỉ là một vết loét thật nhỏ, chúng ta cũng cần phải chăm sóc chu đáo, vì nếu để vết loét càng sâu rộng, sự xâm nhập của vi trùng ngày càng phát triển, sẽ xuất hiện nhiều tế bào hoại tử dẫn đến bội nhiễm phải cắt lọc loại bỏ tế bào chết, bệnh nhân càng đau đớn.
Chăm sóc và xử trí bệnh nhân bị loét
Ngay khi có sự xuất hiện một vùng da nào đó bị đỏ, nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng da đó để kích thích sự tuần hoàn máu, giữ vùng da đó luôn khô thoáng sạch sẽ. Phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bệnh nhân tiểu tiện, nếu bệnh nhân là nam nên gắn bịch nilông ở bộ phận sinh dục, nếu là nữ nên lót giấy thấm hoặc dùng quần lót bằng giấy. Ngoài ra vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng, cần bổ sung nhiều chất đạm, vitamin để tái tạo tế bào đã hoại tử, nâng thể trạng chống đỡ được bệnh tật đang cao mắc phải cùng với vết loét.
Điều trị vết loét cũng giống như điều trị một vết thương, cần thay băng và chăm sóc mỗi ngày, thường xuyên quan sát vết loét để tránh được hiện tượng lan rộng. Nếu muốn chăm sóc thay băng tại nhà, nên có một nhân viên y tế đến với dụng cụ đã được vô khuẩn; những vết loét có bề mặt lớn cần phải được bác sĩ thăm khám để có được phác đồ điều trị đúng, giúp vết thương mau lành hơn trên một cơ thể đã suy nhược.
Ngoài ra, phơi nắng vùng da bị hoại tử vào buổi sáng có thể giúp vết thương mau lành.
 BS. Hạnh Trinh
 

Phản ứng thuốc ở người cao tuổi

Ở người cao tuổi, phản ứng có hại của thuốc xảy ra nhưng lại có các biểu hiện lâm sàng dễ đưa đến ngộ nhận là do các rối loạn của tuổi già và do bệnh tật gây ra. Vậy những phản ứng có hại gì mà người cao tuổi thường gặp khi dùng thuốc?
Người cao tuổi với việc dùng thuốc
Tác dụng phụ của thuốc rất dễ xuất hiện ở người cao tuổi. Do người cao tuổi sức yếu, hay đau ốm và mắc các bệnh mạn tính nên thường dùng nhiều thuốc hơn so với người trẻ tuổi. Đặc biệt người trên 65 tuổi có thể phải dùng 5-6 loại thuốc mỗi ngày.
Số lượng thuốc dùng càng nhiều càng dễ xảy ra những phản ứng có hại. Người cao tuổi cũng hay lo lắng về sức khỏe của bản thân nên thường tự ý dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được chỉ định, thậm chí dùng thuốc là để phòng bệnh. Ngoài ra, do trí tuệ sút giảm, mắt nhìn kém, nghe không rõ, người cao tuổi thường nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng (như uống quá liều), về số lần dùng trong ngày (uống thuốc rồi lại không nhớ, tưởng chưa uống nên dùng thêm).
 Gia đình và người thân cần giúp người cao tuổi tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
Những phản ứng thường gặp
Buồn ngủ: Các thuốc có tác dụng gây ức chế hệ thần kinh trung ương đều gây buồn ngủ, kiểu ngủ gà ngủ gật. Như thuốc an thần gây ngủ, thuốc kháng histamin trị dị ứng, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc trị cao huyết áp, trị đái tháo đường dạng viên uống... cũng có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Nếu người cao tuổi dùng thuốc vào lúc cần có sự tập trung trí óc và phản ứng nhanh nhạy thì tác dụng gây buồn ngủ có khi rất nguy hiểm vì tai nạn xảy ra bởi ngủ gục.
Rối loạn giấc ngủ: Ngược với tác dụng gây buồn ngủ, thuốc giãn phế quản trị hen suyễn gây khó ngủ, một số thuốc lợi tiểu gây mất ngủ do phải tiểu tiện đêm. Đặc biệt, thuốc trị bệnh tăng huyết áp có thể gây ác mộng, thuốc glucocorticoid dùng lâu ngày có thể gây chứng ngừng thở khi ngủ, thậm chí một số thuốc an thần dùng trị mất ngủ gây tác dụng phụ gọi là ngủ chập chờn, không sâu.
Rối loạn nhận thức: Một số thuốc chống trầm cảm, chống co giật, thuốc chống co thắt, thuốc trị tăng huyết áp, thuốc trị bệnh Parkinson, thuốc trị suy tim, thậm chí một số thuốc kháng sinh cũng có tác dụng phụ gây lú lẫn, mất trí nhớ. Ở người cao tuổi, đây là rối loạn rất dễ nhầm lẫn với hiện tượng lão suy gây sa sút trí tuệ.
Táo bón: Ở người cao tuổi, do dùng nhiều thuốc nên tỉ lệ bị tác dụng phụ này rất cao. Đó là thuốc chống co thắt, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc trị loét dạ dày, tá tràng… nhưng họ cứ đinh ninh là mình bị bệnh táo bón.
Rối loạn tiểu tiện: Các thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co thắt, thuốc kháng histamin trị dị ứng, thuốc an thần kinh, thuốc trị bệnh Parkinson có thể gây khó tiểu hoặc gây chứng tiểu tiện không kiểm soát.
Rối loạn đường tiêu hóa: Do chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày ít đi, giảm sự tưới máu ở dạ dày ruột nên dễ bị phản ứng có hại của thuốc trị viêm khớp từ nhẹ là khó tiêu đầy bụng đến nặng là loét, xuất huyết đường tiêu hóa.
Té ngã: Thuốc trị tăng huyết áp dễ làm người cao tuổi hạ huyết áp tư thế đứng hoặc thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm làm rối loạn sự giữ thăng bằng làm cho người cao tuổi dễ bị té ngã. Người cao tuổi thường bị loãng xương nên khi bị té ngã dễ bị gãy xương, hậu quả phải nằm bất động lâu dài.
Rối loạn hoạt động tình dục: Không chỉ do tuổi tác mà có nhiều loại thuốc trong thời gian sử dụng có ảnh hưởng, làm giảm ham muốn, đặc biệt gây bất lực ở nam giới.
Cách hạn chế tác dụng phụ của thuốc
Để phát huy cao nhất tác dụng điều trị của thuốc và hạn chế thấp nhất tác dụng phụ do thuốc gây ra, người cao tuổi cần lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, tốt nhất hãy dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, theo sự hướng dẫn của dược sĩ. Khi bác sĩ cho đơn thuốc, phải dùng đúng thuốc theo đơn. Không được tự ý dùng thêm thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.
Khi đang dùng thuốc, nếu thấy có những rối loạn, những phản ứng bất thường, không nên tự ý bỏ, ngưng thuốc hoặc thay thế thuốc khác, mà nên trở lại khám bác sĩ đã chỉ định thuốc kể rõ sự việc để bác sĩ cho hướng xử trí.
Đối với một số phản ứng phụ thuộc loại gây khó chịu, có thể áp dụng các biện pháp điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống để khắc phục như: không làm việc đòi hỏi sự tập trung tỉnh táo nếu dùng thuốc gây buồn ngủ; ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước nếu thuốc gây táo bón... Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ về các biện pháp khắc phục này.        
 PGS.TS.DS.Nguyễn Hữu Đức
(Trường Đại học Y Dược TP. HCM)

Phương pháp mới điều trị thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác



Bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác thường xuất hiện sau tuổi 50 - 65. Bệnh xảy ra ở 20% những người trên 75 tuổi. Trong khoảng 50% trường hợp, bệnh tiếp tục ổn định mà không gây cản trở về thị lực hoặc có thể thoái lui một cách tự nhiên. 50% bệnh nhân còn lại sẽ phát triển và làm giảm khả năng nhìn.
Thoái hóa hoàng điểm gắn liền với tuổi tác, gây ảnh hưởng đến một số lượng người ngày càng tăng. Tại Pháp đây là nguyên nhân chính gây mất thị giác trung tâm không hồi phục.

Thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác được biểu hiện qua sự thoái hóa dần dần của vùng võng mạc trung tâm, vùng cho phép khả năng nhìn chi tiết và rất cần thiết cho việc đọc và nhận dạng các khuôn mặt.

Trong giai đoạn đầu, thường là không có triệu chứng, bệnh nhân đôi khi có thể nhận thấy sự biến dạng các đường thẳng (còn gọi là sự biến hình) và xuất hiện các đám mờ. Khi đó ở đáy mắt, xuất hiện những đám lắng đọng màu trắng (các đám tinh thể) ở dưới vùng trung tâm của võng mạc. Ở giai đoạn này, bệnh không đi kèm sự thoái hóa có nghĩa là có sự mất tế bào thần kinh. Khi đó người ta nói bệnh lý hoàng điểm gắn liền với tuổi tác (thoái hóa hoàng điểm sớm).





Thoái hóa hoàng điểm.


Bước tiến mới trong điều trị

Có hai loại thoái hoá hoàng điểm do tuổi tác: dạng teo thường tiến triển dần dần, hiếm khi gây mất thị lực đột ngột và dạng ướt hay còn gọi là dạng xuất tiết hay tân mạch. Dạng xuất tiết đặc trưng bởi sự tăng lên bất thường các mạch máu, các mạch này để cho dịch và máu đi vào vùng trung tâm của võng mạc. Dạng xuất tiết có thể tiến triển nhanh và ảnh hưởng đến thị lực trong vòng vài tuần hay vài ngày.

Từ vài năm trở lại đây, việc điều trị thoái hóa hoàng điểm dạng xuất tiết đã có những cải thiện một cách đáng kể với việc thực hiện liệu pháp chống tân sinh mạch, đồng thời sử dụng thuốc ngăn cản việc tạo tân mạch. Việc trị liệu này hướng đến trung hòa tác động của yếu tố tăng sinh nội mạc mạch máu, yếu tố liên quan đến việc điều hòa tính thấm và tăng sinh mạch máu. Các thuốc này có khả năng làm ổn định bệnh và trong một số trường hợp cải thiện thị lực cho phần lớn bệnh nhân bị dạng xuất tiết khi họ được điều trị kịp thời. Trong các trường hợp thoái hóa hoàng điểm dạng teo, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc dùng vitamin E, vitamin C, beta-caroten và kẽm sẽ làm bệnh chậm lại nhưng không làm bệnh ngừng tiến triển.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị phòng ngừa thực sự. Nhưng việc phát hiện sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt cho phép xác định một thoái hóa hoàng điểm và thông báo cho họ giảm bớt các yếu tố nguy cơ (nghiện thuốc lá, béo phì). Hơn nữa việc chẩn đoán thoái hóa hoàng điểm xuất tiết ở giai đoạn sớm để điều trị tăng sinh mạch máu trước, do đó không dẫn đến biến chứng.





Khám mắt cho người cao tuổi.


Cuộc chiến với các đại thực bào

Trong những năm tới, các nghiên cứu thoái hóa hoàng điểm sẽ là tìm kiếm một phương thức trị liệu với dạng teo và ức chế tăng sinh tân mạch, thay thế cho các bệnh nhân không đáp ứng với điều trị chống lại yếu tố tăng sinh nội mạc mạch máu. Các nghiên cứu tiến hành trong phòng thí nghiệm đã cho thấy, một sự tập kết các tế bào viêm - các đại thực bào trong lớp vỏ của các điểm tiếp nhận ánh sáng, trước khi có tăng sinh tân mạch và thoái hóa tế bào thần kinh. Có một yếu tố bẩm sinh về gen ở các bệnh nhân đã ngăn cản việc loại trừ các đại thực bào này khi chúng tập kết lại theo thời gian. Có nguồn gốc của các yếu tố gây độc tế bào thần kinh và tăng sinh mạch máu, các tế bào này có thể thúc đẩy tăng sinh tân mạch và thoái hóa thần kinh.

Quan niệm mới này đã cho phép chúng ta phát triển các kĩ thuật điều trị dược lý mới hướng tới việc ngăn cản tập kết đại thực bào trong lớp vỏ của điểm tiếp nhận ánh sáng. Ở động vật thí nghiệm, các trị liệu này có khả năng ngăn cản tốt sự thoái hóa của các điểm tiếp nhận ánh sáng cũng như việc tăng sinh tân mạch. Trong tương lai không xa, người ta sẽ tạo ra một trị liệu mới cho những dạng teo và xuất tiết của thoái hóa hoàng điểm theo tuổi.

BS.Lê Đào Nghĩa



Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

“Chuyện lạ” của người già

Chẳng phải là những thành tích, kỷ lục gì ghê gớm để được ghi vào sách "chuyện lạ Việt Nam", nhưng đối với người già lại là những điều quan trọng cần quan tâm nhất, bởi liên quan đến một thứ còn quý hơn… vàng, đó là sức khỏe.
Trẻ đẹp nhờ… đái tháo đường!
Thực sự là khi nói đến… chị, rất khó để chọn cách xưng hô. Với một người đã ngót nghét 60 xuân, gọi bằng chị e… phạm thượng. Nhưng nếu gọi bằng bà - theo đúng vai vế với người già - chắc còn mắc lỗi nhiều hơn, nên thôi đành vậy. Vì chị trẻ quá! Và đẹp nữa. Chị vốn vẫn đẹp từ thời con gái. Nghỉ hưu đã nhiều năm nên rảnh rỗi, chị tham gia hầu hết các câu lạc bộ vui chơi, văn nghệ, vì thế càng trẻ trung phơi phới từ dáng vẻ bề ngoài đến tâm hồn, cảm xúc. Đến nỗi ở bất cứ nơi nào chị đến, mọi người đều nhất trí bầu chị là “hoa hậu”: “hoa hậu giường nằm” (giường matxa của Hàn quốc); “hoa hậu yoga”, “hoa khôi thời trang tuôi…60”… Còn bạn bè chị ở nước ngoài mỗi dịp về chơi, đi đâu ai cũng đều muốn kéo chị đi cùng bằng được. Bởi nhìn thấy chị, họ như được sống lại, như vẫn nhìn thấy tuổi hoa mộng của mình từ nhiều chục năm về trước…
 Ảnh minh họa
Nhưng, điều bất ngờ hơn là khi hỏi chị, bí quyết nào để sự già nua chung của tuổi tác quên không đánh dấu với chị mà lại chừa ra như thế? Chị bảo rằng nhờ… bị đái tháo đường. Thật là “lạ” nhưng đúng là chị bị căn bệnh nan y thời đại này đã gần hai chục năm và giờ vẫn tiếp tục “chung sống hòa bình” với nó. Chị kể: thời gian mới biết bệnh, chị cũng buồn, bi quan lắm . Nhưng rồi chị đã quyết tâm làm  chủ sức khỏe của mình bằng một “chiến lươc” tập luyện và  “kỷ  luật ” ăn uống. Theo đúng tinh thần như một vị bác sĩ nổi tiếng của TP.HCM đã đúc kết: “Ăn sạch, ngủ đủ, tập đều, sống vui”. Chị bảo: đã từ lâu, nếu đi quãng đường dưới 2 - 3km là chị đi bộ chứ không có động chút cưỡi xe như trước nữa. Đồ uống thì hầu hết là các loại nước lá, cây cỏ thảo dược: rau cần, khổ qua, atiso… và lúc nào cũng mang theo một chai, dù là đi chợ. Chỉ trừ khi uống thuốc mới dùng nước trắng. Rượu bia thì không đụng đến một giọt, mặc ai chèo kéo cỡ nào. Thăm khám bệnh đúng theo định kỳ chỉ dẫn của bác sĩ. Tham gia văn nghệ, thể thao cho tâm hồn lạc quan, sảng khoái; bớt “sân, si” cho đầu óc thảnh thơi… Thế nên, chị cứ mãi trẻ trung với nước da trắng hồng chưa chút gợn nhăn, mái tóc ngắn uốn gọn bồng bềnh. Nhìn chị bận bộ đồ jeans trắng cùng chiếc áo thun ôm sát “ba vòng” vẫn chuẩn, thật tình đố ai dám gọi chị là “bà” - trừ mấy cháu thiếu nhi. “Cám ơn” bệnh tật! Không nhờ nó, chắc chị  cũng đã ăn uống thả giàn, vui chơi hết cỡ mà “phá tướng” như mấy bà bạn lâu rồi…” - chị thường đùa vui vậy mà xem ra chẳng sai tẹo nào.
Eo thon nhờ… khớp, gút!
Cũng tương tự trường hợp trên là chuyện của chị Duyên (lại “chị”), 63 tuổi, tiến sĩ, giáo viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học. Khoảng 5 - 7 năm trước, nếu ai từng biết chị mà giờ mới gặp lại chắc phải… mắt tròn mắt dẹt vì ngạc nhiên: chị trẻ trung, thon thả dến không ngờ. Đâu rồi cô giáo Duyên chỉ cao có 1m54 mà nặng gần 60kg, thêm nước da trắng nên người cứ tròn xoe, mũm mĩm như được… nặn bằng bột vậy. Mỗi lúc bạn bè đùa tếu, hỏi chiều cao, cân nặng. Cô toàn bảo lại chọc vào “nỗi đau” của cô.
Mọi sự chỉ thay đổi khi cô phát bệnh viêm khớp và gút cấp. Những cơn đau ở hai cổ chân, ngón cái rồi bả vai hành hạ cô đêm ngày như có hàng trăm ngàn mũi kim châm, nhức nhối lên tận óc. Cô bảo có lúc ai thảy mười cây vàng ngay trước mặt cũng không lê bước mà nhặt nổi… Thế rồi đi khám bác sĩ, được tư vấn thuốc thang điều trị. Cô đã ăn uống kiêng khem tập luyện để quyết đạt “chỉ tiêu” giảm ít nhất là 5 - 6kg cho xương khớp mình đỡ “khổ”. “Đó là một “cuộc chiến” với cám dỗ của thức ăn và sự trì trệ vận động bấy lâu nay, cam go chẳng kém gì… các chiến  sĩ ngoài mặt trận xưa kia(!). Nhất là mình lại thuộc người luôn… “xúc động với mọi loại thực phẩm”. Những lòng heo, gà, tim gan, bầu dục vốn là mòn ruột thế mà cũng phải… chia tay. Có lúc cứ đánh liều ăn, để rồi chỉ qua sáng hôm sau là… biết: xương khớp sưng vù nhức nhối. Thật là bệnh từ miệng vào. Thương mình nên cả nhà cũng phải “đồng cam cộng khổ”, cùng ăn chế độ nhiều rau dưa suốt một thời gian dài. Bây giờ thì ổn rồi. Mình giờ chỉ còn 50 - 51kg và ông xã cũng “mi nhon” lăm …” - chị cười vui tâm sự vậy. Thú thật, đã nhiều lần cùng đi dự liên hoan, buffet mới “cảm phục sự hy sinh” trong ẩm thực của chị. Thức ăn ngập tràn, món nào cũng bắt mắt, khoái khẩu. Vậy mà chị chỉ: 1 con tôm, 1 miếng chả giò, 1 miếng heo quay…, là khóa tiêu chuẩn. Chỉ có rau canh, trái cây, chị mới dám “thêm 1” nữa mà không sợ “phiền toái thay” cho sức khỏe
“Công dân gương mẫu” nhờ… ích kỷ!
Đây là chuyện của cô Hoa (65 tuổi, Q1, TP.HCM)/ Cô thì chẳng có bệnh tật gì trầm trọng. Người lại thon thả, nhẹ nhàng và xinh tươi như… hoa vậy. Đặc biệt, nhìn cô bận áo dài thì đúng là đang đứng giữa nắng trưa Sài Gòn cũng thấy "chợt mát", khối em, cháu tuổi 20, 30 còn kém xa. Vậy nhưng cô bảo chỉ thích và tự tin nhất với quần jeans, áo thun. Hình ảnh về cô luôn là mái tóc bum bê chấm vai - tuy có bạc nhưng được nhuộm chăm chỉ nên lúc nào cũng vẫn đen mun, chiếc balo đeo sau lưng trông nhí nhảnh như… "con cá cảnh" - theo cách gọi của giới trẻ, bộ đồ jeans gọn gàng. Cô là người của "chủ nghĩa xê dịch" nên đi du lịch với cô là nhu cầu không thể thiếu. Có tiền nhiều thì cô đi xa, ngoài nước. Ít thì cô về quê ngoài Trung rồi nhong nhong chiếc xe đạp đi thăm lại hết từng bờ ao, ruộng lúa. Nơi tuổi thơ cô cùng bạn bè chơi. nghịch ra sao. Mỗi năm ít nhất cô phải "đi bụi" hai lần như thế. Còn các tuor ngắn, dài thì phải ngót chục lần. Cô ở cùng hai người con dâu và đàn cháu nhưng nhà cửa lúc nào cũng ấm êm hòa thuận vì cô rất tâm lý, khoáng đạt. Các con dâu cô có thể đi từ sáng tới tối mới về nhưng chỉ cần "chào mẹ" và thông báo không ăn cơm nhà là cô vui vẻ, không bao giờ căn vặn lại là họ đi đâu? Tại sao đến bữa không về lo cơm nước cho cha mẹ, chồng con? "Vì nó đã đi tức có việc của nó và xét thấy không cần nói, không nói được. Mình không nên căn vặn để nó phải khó xử...", cô quan niệm vậy. Nói chung là cô rất tin tưởng và tôn trọng các con. Biết cô cũng có "mớ" tiền gửi ở ngân hàng để dưỡng già. Gặp lúc sốt đất, vàng "nhảy disco", người ta xếp hạng, đổi mưa gió chen chân bẹp ruột để mua lấy vài cây vài chỉ. Bạn bè vừa trêu, vừa sốt ruột hộ cô. Nhưng cô bảo mình không bao giờ bị cuốn vào cái tâm lý đám đông ấy. Tuổi tác lớn rồi, cần nhất là sự điềm tĩnh, an nhiên. Ham hố chi cho mệt. Phạm những gì làm ảnh  hưởng đến tinh thần sức khỏe thì cô tránh xa… Chê cô thế thì "ích kỷ" quá! Cô thừa nhận ngay. Nhưng thiết nghĩ, già ai cũng "ích kỷ" kiêu như cô thì cuộc đời đẹp thêm biết mấy. Bởi "ích kỷ" ham  vui mà cô hay đi đây đó, chẳng giúp… tăng trưởng cho, nhiều ngành du lịch, dịch vụ sao? Hay "ích kỷ" , muốn yên thân mà cô dễ dàng, yêu chiều con cái để nhà cửa luôn vui như hội, chẳng thêm thành tích (thực sự) cho phòng trào "Gia đình văn hóa" đó sao? Và vì "ích kỷ", chẳng ham vàng bạc mà cô cùng góp phần ổn định… kinh tế vĩ mô! Để ngành ngân hàng bớt cảnh "đi đêm lãi suất", lũng đoạn thị trường… cô xưng là "côn dân ưu tú" quá đi chứ!!!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người có “nghề tay trái” là viết lách mà văn chương thâm thúy, dí dỏm khó bì. Ông bảo rằng bạn ông nói là: không có người già. Tuổi 20 - 30 là quá trẻ; 30 - 40 là đang trẻ; 40 - 50 là hãy còn trẻ; 50 - 60 là trẻ không ngờ; còn 60 - 70 là trẻ lạ lùng… Thật ra, để được là người “trẻ lạ lùng” cũng không phải dễ. Trong cách sống, cách suy nghĩ phải có những cái “lạ” - như các cô, các chị nói trên: hồn nhiên, vô ưu, thiện tâm, trong sáng và năng nổ… Bởi sức khỏe, tuổi xuân là những thứ một đi không trở lại nếu ta không biết giữ gìn, chăm sóc nó.
Chuyên gia tâm lý NGUYỄN THỊ KIM BẮC

Bệnh Parkinson ở người cao tuổi

Bệnh parkinson còn gọi là bệnh liệt rung, là bệnh do suy thoái chức năng của hệ thống thần kinh. Bênh thường gặp ở người trên 50 tuổi và đa số là đàn ông, với tỷ lệ mắc bệnh là 1/500.
Người mắc bệnh Parkinson thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và có thể dẫn đến trầm cảm.
Nguyên nhân
Hiện nay y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson, nhưng nhận thấy ở người mắc bệnh, hàm lượng dopamin trong cơ thể giảm đi đáng kể!
Dopamin là chất dẫn truyền thần kinh thuộc nhóm catecholamin (gồm có: dopamin, noradrenalin, adrenalin) tập trung nhiều ở vùng hạch đáy (basal ganglia) của não. Dopamin đóng vai trò quan trọng trong việc cử động và phối hợp các động tác của cơ thể. Khi các tế bào sản sinh ra dopamin bị thoái hoá hay chết đi, gây nên sự thiếu hụt dopamin trong cơ thể và đây chính là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh parkinson.
Ngoài ra còn có một số yếu tố thuận lợi như:
- Thường tiếp xúc với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
- Có tiền sử về chấn thương vùng đầu, viêm não.
- Có bệnh xơ vữa động mạch...
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh Parkinson thường diễn tiến kéo dài:
- Lúc đầu bị run ở một tay, sau lan ra ở chân cùng bên rồi dần dần run ở cả hai bên.
- Người bệnh thường có tư thế cứng đờ, chậm chạp, khuôn mặt vô cảm, dáng đi khom về phía trước, hay mất thăng bằng.
- Người bệnh gặp khó khăn khi viết chữ, tâm trạng lo lắng thường dẫn đến trầm cảm.
Điều trị
Hiện nay y học vẫn chưa có thể trị hết bệnh Parkinson nhưng giúp ngăn chặn quá trình phát triển bệnh qua các phương pháp sau:
Phương pháp vật lý trị liệu:
Trong giai đoạn đầu của bệnh
Parkinson, viêc ap dun g phương phap vật lý trị liệu giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động và nâng đỡ về mặt tinh thần cho bệnh nhân.
Phương pháp dùng thuốc:
Levodopa: đây là thuốc chủ yếu dùng để điều trị bệnh Parkinson và RLS. Việc sử dụng levodopa sẽ giúp cho người bệnh giảm bớt những triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Levodopa là tiền chất của dopamin. Khi vào cơ thể, levodopa vượt qua được hàng rào máu não và chuyên hoá than h dopamin (dopamin không vượt qua được hàng rào máu não nên không thể sử dụng trực tiếp).
Tuy nhiên ở ngoại biên, levodopa bị các enzym decarboxylase chuyển hóa thành dopamin, nên levodopa thường được phối hợp với các chất ức chế enzym này như carbidopa, benserazid với các chế phẩm như: sinemet (levodopa + carbidopa), madopar (levodopa + benserazid). Đê  tăng hiêụ qua  điêu trị, levodopa thường được phối hợp với các thuốc sau đây:
- Amantadin là thuốc điều trị virut cúm týp A2 nhưng còn đuợc sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson.
Amantadin giúp kích thích sự phóngthích dopamin nội sinh.
- Các thuốc chủ vận dopamin (dopamine agonists) gồm cóbromocriptin, pergolid, pramipexole...kích thích trực tiếp lên các thụ thểdopaminergic.
- Các thuốc kháng tiết cholin: gồm có trihexyphenidyl, benzatrophine, procyclidine… Hiện nay các thuốc này ít được sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson.
Phương pháp ngoại khoa Phương pháp ngoại khoa được sử dụng khi các phuwong pháp trên không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn. Việc phẫu thuật não sẽ cải thiện đáng kể các triệu chứng run, cứng đơ... của người mắc bệnh Parkinson.
DS. MAI XUÂN DŨNG

Nuốt nghẹn

Khi ăn, thức ăn được vận chuyển từ miệng qua họng, xuống thực quản rồi đến dạ dày. Đầu tiên thức ăn được nhai, nghiền nát tại miệng, sau đó được đẩy ra sau họng. Tại đây thức ăn kích thích các thụ thể cảm nhận gây ra phản xạ nuốt để đẩy thức ăn qua họng tới thực quản. Ở thực quản nhờ sự co bóp nhịp nhàng của cơ thực quản mà thức ăn được đẩy xuống dạ dày. Bình thường quá trình này diễn ra một cách suôn sẻ, nhưng vì một lý do nào đấy mà thức ăn bị dừng lại tạm thời hoặc tắc lại trên đường vận chuyển thì xảy ra hiện tượng nuốt nghẹn. Nuốt nghẹn không phải là bệnh mà là triệu chứng biểu hiện của các bệnh lý khác nhau.
 Đề phòng nuốt nghẹn cần ăn chậm, nuốt từ từ.
Nguyên nhân nuốt nghẹn
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây nuốt nghẹn:
Ðể phòng nuốt nghẹn cần thay đổi cách ăn uống, ăn chậm nhai kỹ, nuốt từ từ. Những loại thức ăn có tính chất dai, nhầy, trơn cần cắt nhỏ trước khi ăn. Khi ngồi vào bàn ăn tinh thần cần được thoải mái, tránh bức xúc tức giận.
Nghẹn do rối loạn chức năng co bóp của thực quản: do ăn uống vội vàng, nhai không kỹ, nuốt miếng thức ăn to; do tính chất thức ăn, đặc  biệt các loại thức ăn đặc, nhầy, dai và dính dễ dẫn đến rối loạn chức năng nuốt. Phản xạ co bóp nhịp nhàng của thực quản bị rối loạn làm cho thức ăn, nước uống tạm thời dừng chuyển động gây nên nghẹn. Đầu óc căng thẳng, tức giận, uất ức trong khi ăn cũng dễ dẫn đến rối loạn co bóp thực quản gây nghẹn 
Nghẹn do bệnh lý:
Các bệnh lý tại thực quản: sẹo hẹp thực quản thường là di chứng để lại khi bị bỏng thực quản. Bỏng có thể do nhiệt nhưng rất hay gặp do uống nhầm phải hóa chất  như axit, kiềm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi gặp ở người lớn do bất cẩn trong sinh hoạt, lao động.
Các khối u thực quản: Thường là ung thư thực quản, cũng có thể là  khối u lành tính. Ung thư thực quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây nuốt nghẹn hay gặp ở người lớn.
Viêm thực quản, túi thừa thực quản, dị vật thực quản, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cũng gây nên nuốt vướng, nuốt nghẹn.
Co thắt tâm vị thường gây nuốt nghẹn kèm theo nôn ọe.
Các bệnh lý bên ngoài thực quản:  Bệnh Basedow, bướu giáp đơn thuần với kích thước lớn gây chèn ép thực quản cổ; Các khối u, hạch di căn vùng trung thất; Các khối u phế quản, phổi; Suy tim, dầy thất, tim to, phình mạch đều là những nguyên nhân gây chèn ép thực quản dẫn đến nuốt nghẹn.
Cần phải làm gì khi nuốt nghẹn
Những trường hợp nghẹn do phản xạ gây rối loạn chức năng co bóp thực quản chỉ cần uống một ngụm nước, vươn cổ, vươn vai hoặc vuốt dọc theo đường đi của thực quản là có thể hết nghẹn. Để phòng nuốt nghẹn cần  thay đổi cách ăn uống, ăn chậm nhai kỹ, nuốt từ từ. Những loại thức ăn có tính chất dai, nhầy, trơn cần cắt nhỏ trước khi ăn. Khi ngồi vào bàn ăn tinh thần cần được thoải mái, tránh bức xúc tức giận.
Trong trường hợp nuốt nghẹn lặp đi lặp lại nhiều lần, nuốt nghẹn tăng dần, thì cần phải đến bác sỹ để được thăm khám cẩn thận, phát hiện và có hướng xử lý kịp thời. Nếu nghi ngờ tổn thương tại thực quản bác sỹ tiến hành soi thực quản, bấm sinh thiết tổ chức u sùi làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định. Nếu nghi ngờ tổn thương ngoài thực quản thì tiến hành chụp phim XQ, chụp CT scan, MRI hoặc soi khí phế quản và các xét nghiệm cần thiết khác. Hướng điều trị sẽ được bác sỹ quyết định sau khi thăm khám cho bệnh nhân.
 ThS. Nguyễn Khắc Hòa

10 loại bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Là thuật ngữ được dùng nhiều trong thời gian gần đây để nói về căn bệnh sa sút trí tuệ ở người trung cao tuổi, bệnh rất đa dạng, chứa đựng nhiều bí ẩn mà khoa học chưa hiểu hết nên hiệu quả điều trị còn thấp và dưới đây là một số dạng sa sút trí tuệ thường gặp.
1. Bệnh suy giảm trí tuệ mạch
Suy giảm trí tuệ mạch (Vasaular dementia) là căn bệnh sa sút trí tuệ thường gặp, yếu tố gây bệnh là vì não không nhận đủ máu do mạch bị tắc, làm cho tế bào không nhận được máu, gây thiếu oxy và dưỡng chất, tạo nên hiện tượng loạng quạng. Nguyên nhân gây bệnh còn có lý do mắc bệnh đột quỵ, đái tháo đường và cao huyết áp.
 Ảnh minh họa
2. Sa sút trí tuệ hỗn hợp
Sa sút trí tuệ hỗn hợp (Mixed Dementia) là căn bệnh do trên một nguyên nhân, kể cả bệnh Alzheimer và suy giảm trí tuệ do mạch máu gây ra.
3. Bệnh sa sút trí tuệ thể DLB
Sa sút trí tuệ đi thể DLB (Lewy Body Disease) hay còn gọi là bệnh DLB là căn bệnh dễ nhận biết là có nhiều cặn protein bất thường hay các chất Lewy có trong các tế bào thần kinh thùy não. Các chất cặn lắng này làm gián đoạn chức năng của não bộ, làm suy giảm nhận thức và hành vi, làm cho chân tay bị run. Đây là căn bệnh khó chữa bởi có nhiều bí ẩn mà đến nay khoa học chưa khám phá hết .
4. Bệnh mất trí nhớ Parkinson
Bệnh mất trí nhớ Parkinson, gọi tắt PDD là bệnh thần kinh mãn tính tăng dần và ở giai đoạn cao, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ của con người. Tuy không phải tất cả những người mắc bệnh Parkinson đều dẫn đến sa sút trí tuệ, nhưng nó lại có cơ chế giống như bệnh mất trí nhớ thể Lewy nêu ở trên. Triệu chứng thường gặp như run tay, co cơ và gặp khó khăn trong phát ngôn. Các vấn đề liên quan đến suy nghĩ như nói năng và nhận thức cũng bị ảnh hưởng.
5. Bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương
Sa sút trí tuệ trán-thái dương (Frontotemporal Dementia, gọi tắt FD) là một dạng bệnh khá phổ biến trong nhóm bệnh về sa sút trí tuệ, rối loạn hiếm gặp do tế bào não ở thùy trán thái dương bị tổn thương gây ra. Căn bệnh này còn có tên là Pick’s disease, ảnh hưởng đến tính cách cá nhân, làm suy giảm kỹ năng giao tiếp xã hội, thường gặp ở nhóm người trên 65. Tuy không làm mất trí nhớ nhưng lại làm thay đổi tính cách. Ví dụ bệnh nhân không có khả năng tự kìm chế, không quan tâm đến công việc gia đình. Trước đây, căn bệnh này được xếp là bệnh tâm lý nhưng ngày nay qua nghiên cứu người ta phát hiện thấy là do suy thần kinh, việc chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời sẽ có tác dụng tích cực.
6. Bệnh suy giảm trí tuệ CJD
Suy giam trí tuê CJD (Creutzfeldt- Jacob Dementia) là căn bệnh rối loạn thần kinh thoái hóa hay còn được gọi là bệnh bò điên. Căn bệnh này diễn ra rất chậm, tỷ lệ mắc bệnh 1/1 triệu người và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Nguyên nhân gây bệnh là do virút gây ra, can thiệp vào não làm rối loạn các chức năng vốn có và gây suy giảm trí nhớ. Triệu chứng đa dạng như mất trí nhớ, suy giảm khả  năng phát ngôn, gây lộn xộn, đau cơ, co giật cơ bắp và ảnh hưởng trực tiếp quá trình điều phối khả năng đi đứng, di chuyển của con người và thường gây ngã, mắt mờ kèm theo ảo giác.
7. Bệnh NPH
NPH (No rma l P r e s s u r e Hydrocephalus) là bệnh tràn dịch não áp lực bình thường hay phình nước trong não thất là căn bệnh liên quan đến sự tích tụ dịch tủy não trong các khoang của não. Do không thoát được nên dịch ứ này đã làm tăng áp lực não, can thiệp đến chức năng não và dẫn đến suy giảm trí nhớ. Những người mắc phải căn bệnh này thường đi lại khó khăn, mất cân bằng, đặc biệt là khả năng kiểm soát của bàng quang, ngoài ra nó còn gây suy giảm nhận thức, đặc biệt là kỹ năng nói, xử lý tình huống và khả năng trí nhớ của não.
8. Bệnh Huntington
Bệnh Huntington (Huntington’s disease) là căn bệnh mang tính di truyền, gây ảnh hưởng đến nhận thức hành vi và việc di chuyển của người bệnh. Các triệu chứng thường gặp như suy giảm chức năng nhớ, phân biệt đúng sai, thay đổi tâm trạng, trầm cảm và nói năng khó khăn (hay nói lắp) ngoài ra còn xuất hiện tình trạng ảo giác, co giật không kiểm soát, kể cả cơ mặt và chân tay.
9. Suy giảm trí tuệ WKS
WKS là  căn bệnh suy giảm trí nhớ liên quan đến Hội chứng Wernickekosakoff Syndrome. Nguyên nhân gây bệnh là do thiếu thiamine (vitamin B1), nhất là nhóm người hay lạm dụng rượu bia, suy dinh dưỡng và nhóm người mắc bệnh ung thư giai đoạn di căn, hoặc những người có  hormone tuyến giáp cao bất thường, nhưng người chạy thận dài kỳ và dùng liệu pháp lợi tiệu quá lâu để chữa bệnh tim. Triệu chứng của căn bệnh thường hay lẫn lộn, trí nhớ kém nhất là nhớ ngắn hạn và đôi khi xuất hiện cả tình trạng ảo giác.
10. Suy giảm nhận thức thể nhẹ
Suy giảm nhận thức thể nhẹ, gọi tắt là bệnh MCI là căn bệnh do sử dụng các loại thuốc chữa bệnh gây ra. Người mắc phải căn bệnh MCI thường dễ nhận biết là suy giảm trí nhớ và đôi khi còn ảnh hưởng đến nhận thức, phân biệt đúng sai  và do diễn ra chậm nên không gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày dễ bị bỏ qua. Người mắc bệnh thường có những thay đổi đáng kể về tính cách, như suy giảm trí nhớ, mắc bệnh trầm cảm, bồn chồn, bực tức. Đây chính là biểu hiện của căn bệnh suy giảm trí nhớ ở thể nhẹ do dùng thuốc chữa bệnh gây ra.
KHẮC HÙNG

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons