Lo lắng đột ngột. Theo Msn, căng thẳng ở độ tuổi 20 chỉ đơn giản là cảm giác bồn chồn, nhưng trạng thái này xuất hiện ở lứa tuổi lớn có thể là triệu chứng của một cơn đau tim, tiến sĩ, bác sĩ tim mạch Kevin R. Campbell tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cảnh báo. Đau ngực, khó thở và buồn nôn là triệu chứng cổ điển của bệnh tim mạch, nhưng lo lắng không có lý do ở những người lớn tuổi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ của căn bệnh nguy hiểm này.

Có những triệu chứng ở người
già không nên xem thường bởi chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo những bất
ổn của cơ thể - Ảnh: Shutterstock
Buồn không rõ nguyên nhân. Nồng độ progesterone thấp là nguyên nhân phổ biến gây tâm trạng xấu ở phụ nữ trên 40 tuổi, tiến sĩ Sara Gottfried (người Mỹ), tác giả của cuốn The Hormone Cure nói. Cortisol cao hoặc suy tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân gây nên trạng thái cảm xúc trên. Nếu nhận thấy cơ thể có các triệu chứng bao gồm khó chịu, thay đổi tâm trạng, lo âu và rối loạn giấc ngủ, cần tìm cách bổ sung progesterone. Thiền và yoga cũng có thể giúp giải phóng lượng cortisol cao trong cơ thể.
Đau bụng. Triệu chứng này có thể xuất phát từ nguyên nhân lành tính như không dung nạp lactose cho đến những lý do nghiêm trọng hơn bao gồm cả ung thư tuyến tụy hoặc viêm loét dạ dày, tá tràng, túi mật, bệnh viêm ruột. Nếu bị đau bụng liên tục và ngày càng dữ dội, thậm chí đau đến mức không ngủ được kèm theo sốt, nôn mửa, phân có màu đen hoặc đi tiêu ra máu cần nhanh chóng đến bác sĩ kiểm tra.
Ngứa ran hoặc tê tay. Đi xe đạp trên một quãng đường dài có thể khiến các dây thần kinh ở tay bị chén ép, gây tê hoặc đau tay. Tuy nhiên, nếu tay bị tê cứng hay ngứa ran trong khi đang ngủ hoặc trong các quá trình hoạt động thường xuyên khác ngoài thể thao hoặc tập thể dục, đó là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay (là tình trạng thần kinh giữa trong ống cổ tay bị chèn ép viêm sưng nề gây tê các đầu ngón tay, nhiều nhất là ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón đeo nhẫn), tiến sĩ David Geier, Giám đốc y học thể thao tại Đại học Y khoa Nam Carolina (Mỹ) cho biết.
Gãy xương thường xuyên. Loãng xương làm suy yếu xương và khiến xương dễ bị gãy. Vì thế, nếu gãy xương xảy ra ở bàn chân và cẳng chân và lặp đi lặp lại nhiều lần thì cần nhận biết đó là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ loãng xương ở mức báo động.
Chóng mặt. Cảm giác này có thể được mô tả giống như tình trạng đường trong máu hạ thấp hay chứng rối loạn nhịp tim, tiến sĩ Campbell cho biết. Ăn thức ăn có đường hoặc uống nước trái cây có thể dễ dàng xử lý các vấn đề đường trong máu, nhưng nếu xuất phát từ nguyên nhân rối loạn nhịp tim, có thể tính mạng sẽ bị đe dọa. Cần nhanh chóng đến bác sĩ kiểm tra nếu bị chóng mặt thường xuyên và dai dẳng.
Đau nhức bắp chân. Khi bắp chân đau nhức người ta thường liên hệ đến tác nhân là giày cao gót. Tuy nhiên, điều này không đơn giản bởi đó còn là biểu hiện của bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là một chứng bệnh có liên quan đến tình trạng máu đóng cục trong các tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể, thường gặp nhất là các tĩnh mạch ở chân. Khi cục máu đông bị bóc tách ra khỏi thành mạch, nó có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, gây tử vong. Phẫu thuật, thuốc tránh thai hoặc ngồi quá lâu có thể thúc đẩy hội chứng này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét