Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Alzheimer

Bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi (trung bình 65 tuổi), nữ gặp nhiều hơn nam. Năm 2006 có khoảng 26,6 triệu người mắc bệnh Alzheimer trên toàn thế giới, việc chi phí cho điều trị cũng như chăm sóc vô cùng tốn kém.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay khoa học vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân và tiến triển của bệnh, có thể không phải chỉ có một nguyên nhân mà do nhiều yếu tố kết hợp lại, trong đó tuổi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất (khoảng 5% bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer ở lứa tuổi trên 65 và 20% ở lứa tuổi trên 80); Yếu tố quan trọng tiếp theo đó là di truyền, khoảng 20% các trường hợp Alzheimer di truyền theo kiểu hình autosome trội với độ thâm nhập cao của gene và thường biểu hiện lâm sàng trước tuổi 60, những người mắc hội chứng Down (có 3 nhiễm sắc thể 21) tức là có thêm 1 phiên bản của gen APP thì hầu hết đều mắc bệnh Alzheirmer ở độ tuổi trên 40, đồng thời đột biến gen APOE4, một yếu tố nguy cơ di truyền của bệnh Alzheimer, gây ra việc tích tụ quá nhiều amyloid trong não trước khi có các biểu hiện của bệnh Alzheimer. Ngoài ra phải kể đến sự tác động của môi trường, học vấn, giới tính đến sự xuất hiện bệnh.
Biểu hiện lâm sàng
Bệnh tiến triển từ từ tăng dần, người bệnh mất dần khả năng thực hiện những vận động trong sinh hoạt hàng ngày, dẫn đến mất khả năng tự lập; Khó khăn về ngôn ngữ như không thể nhớ từ vựng; Khả năng đọc viết cũng mất dần; Sự phối hợp những cử động phức tạp cũng giảm dần theo thời gian vì thế người bệnh dễ bị ngã. Bệnh tiến triển tăng dần dẫn đến các vấn đề ký ức cũng kém dần đi, bệnh nhân không thể nhận ra những người thân của mình, trí nhớ dài hạn cũng bị giảm dần; Thay đổi trong hành vi và tâm lý cũng rõ hơn, những biểu hiện thường gặp là đi lang thang, khó chịu và bất ổn, khóc lóc, bùng nổ hoặc hung hăng một cách không chủ định, hoặc phản kháng lại sự chăm sóc của người thân; Khoảng 30% bệnh nhân bị ảo giác; Bệnh nhân cũng không nhận thức được bệnh tình của bản thân mình và mất kiểm soát chức năng đại tiểu tiện. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc. Ngôn ngữ giảm thiểu chỉ còn các cụm từ đơn giản hoặc thậm chí là những từ đơn lẻ, cuối cùng dẫn đến hoàn toàn mất tiếng nói. Mất cử động hữu ý do đó người bệnh phải nằm liệt giường và mất khả năng tự ăn uống. Thông thường bệnh nhân Alzheimer thường tử vong vì nhiễm trùng các vết loét do nằm lâu ngày, viêm phổi, suy kiệt...
Trong phần lớn các trường hợp, khi các triệu chứng của bệnh Alzheimer xuất hiện, người bệnh chỉ có thể sống được khoảng 7 năm, dưới 3% bệnh nhân sống thọ thêm 14 năm.
 Tế bào thần kinh ở bệnh nhân Alzheimer và người khỏe mạnh
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Alzheimer
 Chẩn đoán bệnh Alzheimer được dựa theo tiêu chuẩn của NINCDS-ADRDA (National Institute of Neurological and Communicative Disorders and Stroke – Alzheimer’s Disease and Related Disorders Association). Điểm nổi bật trong tiêu chuẩn chẩn đoán là sự suy giảm trí nhớ từ từ tăng dần, xuất hiện ở lứa tuổi 40 - 90, phối hợp với sự suy giảm một hay nhiều chức năng nhận thức như mất ngôn ngữ, mất nhận thức, mất vận động hữu ý, mất khả năng kế hoạch hóa, trừu tượng hóa, rối loạn hành vi. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy và điện não đồ hoàn toàn bình thường, có hình ảnh teo não trên phim chụp cắt lớp vi tính và tiến triển tăng dần theo thời gian. Tiêu chuẩn loại trừ chẩn đoán Alzheimer nếu sa sút trí tuệ xuất hiện đột ngột (do tai biến mạch não) hoặc do các nguyên nhân khác như Parkinson…
Sa sút trí tuệ được xác định bằng thăm khám lâm sàng và các test thần kinh tâm lý. 
Ðiều trị bệnh Alzheimer như thế nào?             
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu chữa bệnh cũng như dự phòng Alzheimer. Tuy vậy, mục đích điều trị nhằm chậm tiến triển bệnh, giảm bớt sự căng thẳng cho gia đình bệnh nhân và người chăm sóc.
Một số thuốc có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh như Ginkgo biloba do có khả năng bẫy gốc tự do, ngăn chặn sự tích tụ của Amiloid và độc tố gắn kết vào các oligomer…
Đã có nhiều thử nghiệm trên lâm sàng về thuốc chống viêm giảm đau không steroid, vitamin C, vitamin E, hoặc axit folic tuy nhiên chưa thấy hiệu quả.
Các thuốc điều trị triệu chứng: Thuốc kháng sinh nếu bệnh nhân có viêm phổi hoặc loét hay mảng mục do tỳ đè; thuốc chống trầm cảm (khi người bệnh bị trầm cảm); thuốc chống loạn thần; thuốc an thần…
Vai trò của gia đình và cộng đồng: Bệnh Alzheimer không có khả năng chữa khỏi, người bệnh sẽ dần dần mất khả năng tự lập, đòi hỏi gia đình hoặc người thân dành thời gian giúp đỡ, chăm sóc như chế độ ăn lỏng dễ tiêu, thay đổi tư thế chống loét, tập vận động tránh teo cơ cứng khớp, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, vỗ rung phổi…
Một số phương pháp có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer như đọc sách, chơi trò chơi hội đồng, hoàn thành câu đố ô chữ, chơi nhạc cụ, hoặc hoạt động xã hội…
BS. Khúc Thị Nhẹn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons