Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

“Hưu” mà không hưu

Sẽ đến một ngày, mỗi cán bộ, viên chức, người làm công ai cũng… nghỉ hưu. Đó là điều đơn giản và tất yếu nhưng mỗ người lại mang những tâm trạng khác nhau. Ở người này là “mong nghỉ, được nghỉ”, song ở người kia có thể là chuyện miễn cưỡng “phải nghỉ”.
“Bà nội @”
Đó là biệt danh con cháu đặt cho Bà Hương (P.12, Q. Tân Bình, TP.HCM) từ khi bà có cháu. Năm nay bà vừa tròn 60 tuổi. Nhận quyết định nghỉ hưu đã 5 năm khi đang là cán bộ “cỡ vừa” của một doanh nghiệp lớn ngành giao thông vận tải, bà nhanh chóng “nhận chức bà” kiêm “hiệu trưởng, hiệu phó, cô nuôi dạy trẻ” cho “nhóm trẻ gia đình” của ba cô con dâu với ba đứa cháu nội lần lượt ra đời đến nay đều từ 3-5 tuổi. Các con bà đều là viên chức, đi làm cả ngày và vẫn ở chung cùng bố mẹ.
 Năng tập thể dục và giao lưu với “các bạn già” cũng là cách sống khỏe và tạo sự thanh thản nơi tuổi hưu
Thật khó tưởng tượng một “đại gia đình” đông đúc 12 người - tính cả người giúp việc, với hàng núi công việc nhà như vậy mà lúc nào cũng vẫn thấy bà thong dong. Ông vẫn say sưa với công tác xã hội ở tổ dân phố và bà vẫn có thời gian để tìm hiểu về kinh kệ, thăm viếng cảnh chùa. Đặc biệt, nếu đến nhà bà vào lúc các cháu không đi trẻ thì mới thấy, chẳng còn đâu người cán bộ cả đời làm công việc tưởng như rất khô khan là kế toán, thống kê. Mà là một “chị lớn” đang diễn kịch “chú mèo mũi đỏ” với cháu gái lên 5. Hoặc khoanh tay “ạ” cháu trai lên 4, vì “bà nói sai: “Uống sữa” chứ không phải là “ăn sữa”. Rồi bà còn dạy các cháu hát hò với biết bao “tác phẩm” văn nghệ thiếu nhi do bà “tự biên, tự diễn”, làm các cháu cứ mê tít, có lúc không chịu đi học, đòi ở nhà “học trường bà nội cơ”… Không khí gia đình vui nhộn, chan hòa. Các con dâu bà câu nào cũng dạ thưa cha mẹ lễ phép, thực lòng. Hỏi cô con dâu cả sao bé lớn rồi không cho bé có em, tranh thủ lúc bố mẹ chồng còn khỏe? Cô bảo: “Từ từ, để cho bố mẹ cháu nghỉ ngơi cái đã kẻo thời gian qua vất vả vì đàn cháu quá…”. Thật là một đại gia đình đáng ngưỡng mộ! “Nhàu” nhưng chưa… “nhừ”
Ấy lại là chuyện của bà Bích (Q. Bình Tân, TP.HCM). Vốn là một phóng viên, thời gian bà nghỉ chờ quyết định hưu cũng là lúc con dâu đầu “nằm ổ”. Làm “tân bà nội” được 2 tháng, bà phải đi kiếm ngay công việc ở văn phòng của một người bạn để chuyển tiếp sau khi từ tòa soạn báo về. Bà bảo mình không thích hợp với việc nhà, lại còn phải ầu ơ ru cháu thì thật là trái khoáy. Có lẽ tại đặc thù công việc vốn phải đi lại, tiếp xúc nhiều nên tính cách bà là vậy. Làm việc xã hội mới là chỗ đứng của bà. Như ở văn phòng mới này, từ khi có bà về, mọi việc trôi chảy hơn và không khí xôm tụ hẳn lên. Các cậu nhân viên trẻ lúc rảnh rỗi thường xoắn xuýt quanh bà hỏi han đủ thứ. Từ chuyện hậu trường của làng báo, làng văn tới những kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết của một phóng viên kỳ cựu. Nhìn bà lúc ấy thật tươi trẻ, năng động. Đến mức bọn trẻ còn tếu táo gọi bà là chị, là “em”. Chúng bảo tuy bà U60 rồi, mới “nhàu” nhưng chưa “nhừ”, còn xinh tươi, hấp dẫn chán, “hưu” thế nào được, chúng nó chưa “cấp phép”… Được cái chồng con bà cũng hiểu, thông cảm nên việc nhà vẫn thu xếp tốt để bà không phải áy náy gì về vai trò “mẹ chồng”, “bà nội” của mình.
“Còn hăng say lắm”!
Cụ ông Hà Đức - một cựu quan chức của ngành công nghiệp khai khoáng là vậy. Cụ nghỉ hưu việc nhà nước hơn chục năm nay rồi nhưng tự cụ thì chưa. Rời công sở về tư gia từ ngày nào là cụ bắt tay ngay vào việc triển khai biết bao nhiêu dự án kinh tế. Công có, tư có mà dự án nào cũng ở tầm… khủng. Từ dự án lập hãng sản xuất máy bay tư nhân đến mô hình bệnh viện – khách sạn nghỉ dưỡng, trú đông cho các nguyên thủ quốc gia, tỷ phú, tài phiệt thế giới tại Phú Quốc mà chỉ riêng tiền xây hàng rào dự án đã hết… 8 triệu USD (!). Nhiều dự án lắm, nhưng hầu hết đến giờ vẫn nằm trên giấy mà lại ngốn sạch lương hưu của cụ - thuộc hàng kha khá, vào toàn những khoản như: trả tiền xe ôm, photo tài liệu… Điện thoại nhà cụ thì mỗi tháng chỉ được khoảng 10 -15 ngày là bưu điện phải cắt, đưa vào diện cảnh báo vì cước phí tăng bất thường. Con cháu cũng thỉnh thoảng đành “quên” hộ vài khoản cụ vay vì cụ đâu còn khả năng chi trả. Chúng bảo nhau thôi thì coi như chiều cụ, cho cụ tiền mua vui giải trí, như cụ khác mê tổ tôm… Bởi cụ còn hăng say làm việc lắm! Còn muốn cống hiến, hoạt động. Cụ chưa già, chưa hết năng lực đâu (dù cụ đã đột quỵ mấy lần) - chính cụ cũng thường nói như vậy mà.
Biết dừng đúng chỗ
“Dù không muốn thì vòng tuần hoàn “tre già, măng mọc” vẫn cứ diễn ra. Thế nên, dù là ở đâu, làm công việc gì cũng đều có điểm dừng và khi nó đến thì nên bình tĩnh, thanh thản mà đón nhận. Như vậy chẳng tốt hơn sao”. Đó là tâm sự của bà Hương và vì thế bà đã không hề bị hụt hẫng khi chuyển từ việc chuyên môn xã hội về làm “nội tướng” cho đại gia đình mình. Cùng với tài thu vén, bà đã tổ chức, sắp xếp việc nhà đâu ra đó để an hưởng hạnh phúc tuổi già. Thế nhưng cũng không phải về hưu là chỉ có cách rút về “hậu cứ”. Mỗi nhà mỗi cảnh, tùy trường hợp mà mỗi người có cách “hưu” khác nhau. Chuyện hưu của thời nay có điều giống và cũng có điều khác so với thời bao cấp: cũng có người muốn và người không. Điều kiện kinh tế bây giờ chắc chắn đầy đủ hơn thời trước nên nhiều người muốn được nghỉ ngơi sớm để hưởng thụ nhiều hơn. Hoặc khi về hưu mới là lúc họ bung ra làm ăn sau quá trình tích lũy và không còn bị cơ chế ràng buộc…. Nên đó là những số mong về, không “sợ hưu”. Ngược lại, những người ở những vị trí có “màu mè”, lợi lộc thì khi về hưu cũng đồng nghĩa với việc mất quyền, mất tiền. Với những đối tượng này thì sự hụt hẫng, cảm giác mất mát, thất thế khi về hưu là rõ hơn cả. Bởi không phải chỉ là tình yêu, thói quen trong công việc, sự thay đổi môi trường làm việc như những người bình thường khác. Dù là đối tượng nào, nên biết mình, biết người; biết chấp nhận, biết nhường nhịn, hy sinh mới là sự lựa chọn khôn ngoan và có lợi nhất. Bởi như thế mới dễ đem đến cho mình sự thanh thản.
Chuyên viên tâm lý NGUYỄN THỊ KIM BẮC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons