Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Hóa giải trầm cảm dựa vào cộng đồng

Những con số biết nói
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa: “Sức khoẻ là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không phải đơn giản là tình trạng có bệnh hay không có bệnh.” và “Sức khỏe tâm thần (SKTT) là sự cân bằng hòa hợp giữa bản thân với những người thân và môi trường xã hội.”
Hai phần cơ thể và tâm thần là một khối thống nhất hữu cơ, mật thiết, tác động lẫn nhau, thậm chí, phần không nhìn thấy - tâm thần còn quan trọng hơn cả phần nhìn thấy. Xã hội ngày càng phát triển, mức sống ngày càng cao, đời sống con người ngày càng phức tạp. Sự phức tạp về sức khoẻ cơ thể không nhiều bằng sự phức tạp về SKTT. Càng ngày càng thêm nhiều người rối loạn tâm thần (RLTT). Không kể giàu hay nghèo, trẻ con hay người lớn, thành thị hay nông thôn.
 Điều trị bệnh trầm cảm bằng liệu pháp tâm lý phù hợp với người nghèo. Ảnh: Thu Hương
Nguyên nhân trầm cảm cũng đa dạng:
Áp lực hằng ngày về công việc, gia đình, tình cảm, hôn nhân, học tập, quan hệ xã hội, nhất là bị sốc nặng như mất người thân, mất tài sản, mất việc…
Bệnh tật kéo dài, biến đổi thể chất, nội tiết khi mang thai, mãn kinh…
Tính tình nhút nhát, sống khép kín, ngại giao tiếp, không tự tin, cách nghĩ không tích cực, thường sai lầm về phương pháp tư tưởng…
Tính đến năm 2010, Việt Nam có tới 14,7% dân số có RLTT liên quan tới 6 bệnh thường gặp: tâm thần phân liệt (TTPL), động kinh, trầm cảm, lo âu, lạm dụng rượu, chậm phát triển tâm thần. Đây là kết quả nghiên cứu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Bảo vệ SKTT Cộng đồng (CTMTQG - BVSKTTCĐ), do Viện SKTT Quốc gia phối hợp với Bệnh viện Tâm thần (BVTT) TW tiến hành. Theo phân loại quốc tế thì có tới hơn 300 RLTT và hành vi. 15% dân số có thể mắc trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời họ.
Toạ đàm báo chí với chăm sóc sức khỏe tâm thần
Vừa qua tại Hà Nội Quỹ Cựu Chiến binh Mỹ tại VN (VVAF) và Diễn đàn các Nhà báo Môi trường VN (VFEJ) tổ chức cuộc tọa đàm về chăm sóc SKTT.
PGS. TS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện SKTT Quốc gia vui lắm vì lần đầu tiên có sự liên kết phối hợp giữa các nhà báo, các nhà khoa học và nhà quản lý về một lĩnh vực cấp thiết và nhạy cảm thế này. Các nhà báo giật mình không chỉ vì tỉ lệ người có vấn đề về SKTT ở Việt Nam và cả thế giới rất cao mà còn vì liên hệ bản thân và những người thân cũng thấy hình như đều có chuyện. Điều bất cập là tỉ lệ RLTT ngày tăng, trong khi các BVTT lại thiếu.
 
Cả nước chỉ có hai BV TW ở miền Bắc và miền Nam. Chỉ 33/63 tỉnh, thành phố có BVTT, còn lại chỉ có khoa tâm thần (TT) và nếu tính số bác sĩ (BS) trên dân số thì ta kém rất xa thế giới, chỉ đạt 1 BS/100.000 dân (thế giới là 1/30 – 50.000 dân). Trong khi đó, số sinh viên học chuyên khoa TT ngày càng ít đi.
Có một sinh viên y khoa đã trả lời tôi: “Chữa bệnh cho người bình thường còn bị người nhà bệnh nhân đuổi đánh nữa là những người TT”. Câu ấy chỉ là tính toán và cám cảnh thôi, câu sau mới, đáng lo: “Có mà TT mới đi học”, PGS.TS Trần Hữu Bình thừa nhận, sinh viên rất ngại vào học khoa mình. BS Trần Văn Mau, Phó giám đốc BVTT Đà Nẵng cũng cho biết, tất cả các BS đều phục tùng tổ chức mà về đây công tác chỉ có hai người tự nguyện xin về.
Hiện các BVTT, khoa TT chỉ có khả năng nhận điều trị các BN TTPL (điên) thôi, còn các bệnh TT khác thì điều trị tại cộng đồng. Năm 1998, bắt đầu triển khai CTMTQG - BVSKTTCĐ, nhưng ngành y tế rất thiếu đội ngũ chuyên môn, kinh phí nên mạng lưới bao phủ của chương trình không bắt kịp diễn biến các bệnh TT trong thực tế. Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, ngoài xã hội tác động xấu đến con trẻ, tỷ lệ li hôn tăng cao không chỉ gây sốc cho cha mẹ mà gây sốc cho con họ, nhất là trẻ em.
 
Bố mẹ mải kiếm tiền, không có thì giờ chia sẻ, theo dõi những diễn biến tâm lí của con, nhất là ở tuổi dậy thì, hậu quả là quan hệ tình dục trước cả tình yêu, hôn nhân sớm, li hôn sớm, bỏ nhà đi hoang, tự huỷ hoại cơ thể mình, tự sát; chơi trò chơi điện tử thâu đêm suốt sáng, tham gia các mạng xã hội, xem những cảnh nữ sinh đánh hội đồng bạn, bắt nạt, hành hạ, bạo lực, các chuyện lạm dụng tình dục, lừa gạt… cũng là con đường dẫn đến RLTT. Luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh đen tối dẫn đến lo âu, sợ hãi, trầm cảm, rất nhiều em có hành vi lệch chuẩn. Ấy là chưa kể những trẻ em chậm phát triển SKTT. Vì thế nhiều BVTT đã có thêm khoa trẻ em như Đà Nẵng, Khánh Hoà.
Rất mừng là ngày 22/7 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1215 phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người TT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó việc triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc chăm sóc sức khỏe tâm thần.  

Ghi chép của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons