Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Buồn vui thế giới người già

Dân gian có câu: “Một mẹ già bằng ba mẫu ruộng” để nói lên sự “quý giá, giàu có” cho những ai có phúc vẫn được sống cùng cha mẹ già. Đồng thời đó cũng là lời đánh giá công lao người già theo tiêu chuẩn cụ thể, dễ hình dung nhất. Chuyện đời đúng là như vậy mà cũng không chỉ có vậy.
“Cô Tấm” ngày nay
Nếu đã mấy tháng mới gặp lại cô Yên (48 tuổi, ở Mê Linh - Hà Nội) ai cũng sẽ rất bất ngờ về sự gầy sút của cô. Hỏi nguyên nhân, cô buồn bã kể là do sự mất tinh thần, lòng thương tiếc người cha chồng mới “quy tiên”.
Cô Yên lấy chú Tình, con trai cụ Lý đã 29 năm. Thời gian đầu cô còn “ngúng nguẩy” chê chú, vì chú kém sắc hơn. Nhưng nhờ sự vun đắp của cụ Lý, một người cha chồng hiền lành, đức độ hết lòng thương yêu, chăm chút con cái nên vợ chồng cô đã vượt qua được những trục trặc ban đầu để sống với nhau hạnh phúc, nuôi con khôn lớn nên người.
 Ảnh minh họa
Khi gia đình của người con trưởng ấy yên ấm, cụ Lý lại tiếp tục chăm lo cho người con khác và hai cụ chỉ thực sự tách ra sống riêng hai người già với nhau, dành sự tự do, thoải mái cho năm đàn con cháu từ vài năm nay. Nói là ở riêng nhưng cụ vẫn cho con cái “xài chung” sức lao động của mình. Hằng ngày, cụ đến nhà con lớn quét sân, làm vườn; sang nhà con bé chăm gà, chăm heo… Tinh tươm gọn ghẽ đâu đó xong, cụ lại về nhà mình ăn cơm, chẳng nhận đồng “thù lao” của con nào. Cô Yên và các con dâu cụ ai nấy đều cảm động, xót bố lắm! Chẳng muốn cụ phải vất vả nên họ thường phải giấu bớt việc đi để cụ khỏi có cái mà làm. Thế mà cứ như có phép mầu, như có cô Tấm từ quả thị chui ra, lúc nào họ đi làm về là nhà cửa, vườn khe đều bóng bẩy đâu ra đó. Đều do bàn tay người cha đã ở tuổi cổ lai hy ấy. “Em thương cha em lắm! Lúc nào nghĩ đến cha, em cũng trào nước mắt. Cha lam làm đến phút cuối. Cả khi bác sĩ bảo cha yếu lắm rồi, vậy mà cha vẫn cứ cố tỏ ra mình khỏe để con cháu khỏi bận lòng. Cả một đời cha tận tụy hy sinh, chẳng nghĩ gì cho bản thân, làm sao mà chúng em quên được. Em sút mất gần 3kg từ khi cha bỏ chúng em mà đi…” - cô Yên nghẹn ngào tâm sự. Thật là một người cha hiếm có, một gương mẫu mực của tuổi già!
Cụ bà sợ… bóng tối
Thế nhưng cũng lại có cụ bà nọ, tuổi mới ngoài 60, vóc dáng còn khá nhanh nhẹn nhưng tinh thần thì lại sa sút tệ. Đã vài năm nay, lúc nào cụ cũng bị ám ảnh rằng… cái chết đang đến gần với mình hơn. Thế là cụ sợ đủ thứ: từ chiếc áo sơ mi có kẻ sọc trắng, sọc đen của con trai, cụ cũng không cho mặc vì bảo là “trông giống những… dải băng tang”. Ăn gì cụ cũng bảo độc hại, “ngộ nhỡ gây ung thư”. Đi ra đường thì cụ sợ đụng xe, đi máy bay thì sợ rớt; rồi sợ bị té xỉu và chỉ chịu đi khi có con trai hộ tống - bất kể xa gần. Bởi với con gái, cụ cho là không bảo vệ được cụ, còn con dâu thì không tin. Mà con trai cụ bận lắm, công việc bù đầu, làm sao anh nghỉ suốt ngày để tháp tùng đây đó, chăm chút cụ được.
Đặc biệt, cụ còn không chịu ngủ, không dám ngủ, khi không để đèn sáng trưng và cũng phải có con trai ở bên cạnh. “Nếu không, ngộ nhỡ sớm mai mẹ không dậy nữa thì sao?...” . Ôi chao là mệt. Tình thế này kéo dài đã lâu, cũng đưa cụ đi khám cả tâm lý lẫn bệnh lý. Cho cụ xem rõ kết quả là không có bệnh gì, mà vẫn chẳng ăn thua. Cụ luôn than mình rất mệt, rất cần người chăm sóc. Thật là nan giải!
Gia trưởng, độc đoán đến từng… “centimet”
Đó là tính cách của cụ Ng, 83 tuổi. Từ lúc còn trẻ khỏe, cụ đã vậy, càng già càng “đậm đặc” hơn. Cụ may mắn có 7 đứa con, dù cảnh nhà khó khăn, chúng vẫn ngoan ngoãn, tự giác học hành đến nơi đến chốn và giờ đều có công việc tốt. Người làng xã vẫn thường “ghen” với cụ rằng: “Ông bà hạnh phúc nhất làng. Bố mẹ nông dân khù khì mà con cái đều làm “thầy” cả”(thầy giáo, thầy thuốc và… “thầy cãi”). Giờ cụ sống bằng sự phụng dưỡng của con cháu, chẳng phải lo toan gì kinh tế. Vậy mà cụ vẫn bắt mọi việc phải như ý cụ, nhưng lại toàn là những ý… “tức cành hông”. Ví như cụ không cho con cháu xem tivi, sợ tốn tiền điện. Không cho bật quạt, bảo “trời mát, không cần”. Chiếc đèn ngủ bằng quả nhót, nửa đêm cụ cũng đập cửa bắt tắt. Rồi hơi một tí cụ hồ đồ, đổ tội con cháu chôm đồ của cụ. Cụ làm ầm ĩ lên cho mà xấu hổ với làng xóm.
Các con cụ rất khổ tâm, lớn tiếng với cụ, bỏ ra ở riêng thì không được, vì toàn là thầy cô, trí thức, sợ bị mang tiếng, mất uy tín, nói còn ai nghe. Cụ biết chắc thế nên cứ được nước. Những người con ấy từng phải vời các em của cụ đến phân giải, nhưng cũng vô tác dụng. Hoặc là cụ giả vờ điếc; hoặc cãi chày cãi cối nên họ cũng bó tay. Thậm tệ hơn, nhiều lúc vừa la lối, tiện trong tay có cây, que gì, cụ đều gõ lên đầu cả cụ bà - cũng đã gần 80 tuổi. Chẳng ai làm gì được cụ. Đành chỉ biết chịu đựng và chịu đựng
Mỗi nhà mỗi cảnh
Bài học về sự hiếu đễ, thảo kính với cha mẹ, đã là người có tri thức, nhận thức cơ bản, ai chẳng nằm lòng. Có cha mẹ, được sống cùng cha mẹ, nhất khi con đã lớn khôn, hiểu đời, hiểu chuyện và cha mẹ đã già - quỹ thời gian dương thế chẳng còn bao nhiêu, đó là niềm hạnh phúc vô biên với những người con. Và cha mẹ, cả đời sinh thành dưỡng dục ra con, công lao như trời bể, nên về già “có quyền mè nheo” cháu con chút chút cũng chẳng sao. Với truyền thống ngàn đời “nước mắt chảy xuôi”, các bậc ông bà, cha mẹ chúng ta hầu hết đều giữ đức hy sinh, nhường nhịn cho con cháu đến cả phút cuối. Như câu chuyện về cuộc đời cụ Lý ở trên là ví dụ điển hình. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế là sự xung đột giữa hai thế hệ người già - người trẻ trong nhiều gia đình, ở nhiều nơi, nhiều chỗ rất gay gắt. Ngoài yếu tố khách quan để thông cảm được là do tuổi già bị sa sút sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, làm hạn chế nhận thức lẫn hành vi. Có cả những yếu tố chủ quan của mỗi cá nhân người già: sự gia trưởng, độc đoán, thiếu thiện chí… Trong khi giải pháp “nhà dưỡng lão” còn chưa phổ biến ở ta - nhất là vùng nông thôn. Những người trong cuộc đành chỉ có cách là “nhịn như nhịn cơm sống”. Xã hội ta không chấp nhận sự thiếu đạo đức gia đình, con cái bất hiếu với ông bà cha mẹ. Nhưng cũng có những bậc người già cư xử như bạo hành con cháu.
Vẫn biết đời người ta “hai lần là con nít”. Song với người già, còn khó hơn với con nít. Con nít dọa còn biết sợ. Người già như… chẳng sợ gì. Nói với người già có lúc như nói với… người say rượu, chẳng có lý nào để thuyết phục được họ. Có người còn như… cố tình lẩm cẩm: nói năng rền rĩ như yếu lắm; cơm nhà không ăn, đi ăn chỗ khác như bị bỏ đói. Con cháu dễ bị mang tiếng. Nhiều gia đình rất bế tắc trong việc sắp xếp tổ chức cuộc sống cho người già. Sự chịu đựng về nhau không biết mức độ, giới hạn nào. Chất lượng cuộc sống của tất cả các bên đều bị ảnh hưởng nhiều. Đó là một thực trạng rất thật, nhưng biết làm sao, bởi sự già nua tuổi tác đâu chừa cho ai. Vậy chỉ dám mạo muội mong quý vị già nào đó, đừng cố tình làm mình “già” hơn, lẩm cẩm hơn, với những gì mà quy luật bất biến của cuộc đời đành cho mỗi chúng ta.
Chuyên gia tâm lý NGUYỄN THỊ KIM BẮC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons