Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

“Chuyện lạ” của người già

Chẳng phải là những thành tích, kỷ lục gì ghê gớm để được ghi vào sách "chuyện lạ Việt Nam", nhưng đối với người già lại là những điều quan trọng cần quan tâm nhất, bởi liên quan đến một thứ còn quý hơn… vàng, đó là sức khỏe.
Trẻ đẹp nhờ… đái tháo đường!
Thực sự là khi nói đến… chị, rất khó để chọn cách xưng hô. Với một người đã ngót nghét 60 xuân, gọi bằng chị e… phạm thượng. Nhưng nếu gọi bằng bà - theo đúng vai vế với người già - chắc còn mắc lỗi nhiều hơn, nên thôi đành vậy. Vì chị trẻ quá! Và đẹp nữa. Chị vốn vẫn đẹp từ thời con gái. Nghỉ hưu đã nhiều năm nên rảnh rỗi, chị tham gia hầu hết các câu lạc bộ vui chơi, văn nghệ, vì thế càng trẻ trung phơi phới từ dáng vẻ bề ngoài đến tâm hồn, cảm xúc. Đến nỗi ở bất cứ nơi nào chị đến, mọi người đều nhất trí bầu chị là “hoa hậu”: “hoa hậu giường nằm” (giường matxa của Hàn quốc); “hoa hậu yoga”, “hoa khôi thời trang tuôi…60”… Còn bạn bè chị ở nước ngoài mỗi dịp về chơi, đi đâu ai cũng đều muốn kéo chị đi cùng bằng được. Bởi nhìn thấy chị, họ như được sống lại, như vẫn nhìn thấy tuổi hoa mộng của mình từ nhiều chục năm về trước…
 Ảnh minh họa
Nhưng, điều bất ngờ hơn là khi hỏi chị, bí quyết nào để sự già nua chung của tuổi tác quên không đánh dấu với chị mà lại chừa ra như thế? Chị bảo rằng nhờ… bị đái tháo đường. Thật là “lạ” nhưng đúng là chị bị căn bệnh nan y thời đại này đã gần hai chục năm và giờ vẫn tiếp tục “chung sống hòa bình” với nó. Chị kể: thời gian mới biết bệnh, chị cũng buồn, bi quan lắm . Nhưng rồi chị đã quyết tâm làm  chủ sức khỏe của mình bằng một “chiến lươc” tập luyện và  “kỷ  luật ” ăn uống. Theo đúng tinh thần như một vị bác sĩ nổi tiếng của TP.HCM đã đúc kết: “Ăn sạch, ngủ đủ, tập đều, sống vui”. Chị bảo: đã từ lâu, nếu đi quãng đường dưới 2 - 3km là chị đi bộ chứ không có động chút cưỡi xe như trước nữa. Đồ uống thì hầu hết là các loại nước lá, cây cỏ thảo dược: rau cần, khổ qua, atiso… và lúc nào cũng mang theo một chai, dù là đi chợ. Chỉ trừ khi uống thuốc mới dùng nước trắng. Rượu bia thì không đụng đến một giọt, mặc ai chèo kéo cỡ nào. Thăm khám bệnh đúng theo định kỳ chỉ dẫn của bác sĩ. Tham gia văn nghệ, thể thao cho tâm hồn lạc quan, sảng khoái; bớt “sân, si” cho đầu óc thảnh thơi… Thế nên, chị cứ mãi trẻ trung với nước da trắng hồng chưa chút gợn nhăn, mái tóc ngắn uốn gọn bồng bềnh. Nhìn chị bận bộ đồ jeans trắng cùng chiếc áo thun ôm sát “ba vòng” vẫn chuẩn, thật tình đố ai dám gọi chị là “bà” - trừ mấy cháu thiếu nhi. “Cám ơn” bệnh tật! Không nhờ nó, chắc chị  cũng đã ăn uống thả giàn, vui chơi hết cỡ mà “phá tướng” như mấy bà bạn lâu rồi…” - chị thường đùa vui vậy mà xem ra chẳng sai tẹo nào.
Eo thon nhờ… khớp, gút!
Cũng tương tự trường hợp trên là chuyện của chị Duyên (lại “chị”), 63 tuổi, tiến sĩ, giáo viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học. Khoảng 5 - 7 năm trước, nếu ai từng biết chị mà giờ mới gặp lại chắc phải… mắt tròn mắt dẹt vì ngạc nhiên: chị trẻ trung, thon thả dến không ngờ. Đâu rồi cô giáo Duyên chỉ cao có 1m54 mà nặng gần 60kg, thêm nước da trắng nên người cứ tròn xoe, mũm mĩm như được… nặn bằng bột vậy. Mỗi lúc bạn bè đùa tếu, hỏi chiều cao, cân nặng. Cô toàn bảo lại chọc vào “nỗi đau” của cô.
Mọi sự chỉ thay đổi khi cô phát bệnh viêm khớp và gút cấp. Những cơn đau ở hai cổ chân, ngón cái rồi bả vai hành hạ cô đêm ngày như có hàng trăm ngàn mũi kim châm, nhức nhối lên tận óc. Cô bảo có lúc ai thảy mười cây vàng ngay trước mặt cũng không lê bước mà nhặt nổi… Thế rồi đi khám bác sĩ, được tư vấn thuốc thang điều trị. Cô đã ăn uống kiêng khem tập luyện để quyết đạt “chỉ tiêu” giảm ít nhất là 5 - 6kg cho xương khớp mình đỡ “khổ”. “Đó là một “cuộc chiến” với cám dỗ của thức ăn và sự trì trệ vận động bấy lâu nay, cam go chẳng kém gì… các chiến  sĩ ngoài mặt trận xưa kia(!). Nhất là mình lại thuộc người luôn… “xúc động với mọi loại thực phẩm”. Những lòng heo, gà, tim gan, bầu dục vốn là mòn ruột thế mà cũng phải… chia tay. Có lúc cứ đánh liều ăn, để rồi chỉ qua sáng hôm sau là… biết: xương khớp sưng vù nhức nhối. Thật là bệnh từ miệng vào. Thương mình nên cả nhà cũng phải “đồng cam cộng khổ”, cùng ăn chế độ nhiều rau dưa suốt một thời gian dài. Bây giờ thì ổn rồi. Mình giờ chỉ còn 50 - 51kg và ông xã cũng “mi nhon” lăm …” - chị cười vui tâm sự vậy. Thú thật, đã nhiều lần cùng đi dự liên hoan, buffet mới “cảm phục sự hy sinh” trong ẩm thực của chị. Thức ăn ngập tràn, món nào cũng bắt mắt, khoái khẩu. Vậy mà chị chỉ: 1 con tôm, 1 miếng chả giò, 1 miếng heo quay…, là khóa tiêu chuẩn. Chỉ có rau canh, trái cây, chị mới dám “thêm 1” nữa mà không sợ “phiền toái thay” cho sức khỏe
“Công dân gương mẫu” nhờ… ích kỷ!
Đây là chuyện của cô Hoa (65 tuổi, Q1, TP.HCM)/ Cô thì chẳng có bệnh tật gì trầm trọng. Người lại thon thả, nhẹ nhàng và xinh tươi như… hoa vậy. Đặc biệt, nhìn cô bận áo dài thì đúng là đang đứng giữa nắng trưa Sài Gòn cũng thấy "chợt mát", khối em, cháu tuổi 20, 30 còn kém xa. Vậy nhưng cô bảo chỉ thích và tự tin nhất với quần jeans, áo thun. Hình ảnh về cô luôn là mái tóc bum bê chấm vai - tuy có bạc nhưng được nhuộm chăm chỉ nên lúc nào cũng vẫn đen mun, chiếc balo đeo sau lưng trông nhí nhảnh như… "con cá cảnh" - theo cách gọi của giới trẻ, bộ đồ jeans gọn gàng. Cô là người của "chủ nghĩa xê dịch" nên đi du lịch với cô là nhu cầu không thể thiếu. Có tiền nhiều thì cô đi xa, ngoài nước. Ít thì cô về quê ngoài Trung rồi nhong nhong chiếc xe đạp đi thăm lại hết từng bờ ao, ruộng lúa. Nơi tuổi thơ cô cùng bạn bè chơi. nghịch ra sao. Mỗi năm ít nhất cô phải "đi bụi" hai lần như thế. Còn các tuor ngắn, dài thì phải ngót chục lần. Cô ở cùng hai người con dâu và đàn cháu nhưng nhà cửa lúc nào cũng ấm êm hòa thuận vì cô rất tâm lý, khoáng đạt. Các con dâu cô có thể đi từ sáng tới tối mới về nhưng chỉ cần "chào mẹ" và thông báo không ăn cơm nhà là cô vui vẻ, không bao giờ căn vặn lại là họ đi đâu? Tại sao đến bữa không về lo cơm nước cho cha mẹ, chồng con? "Vì nó đã đi tức có việc của nó và xét thấy không cần nói, không nói được. Mình không nên căn vặn để nó phải khó xử...", cô quan niệm vậy. Nói chung là cô rất tin tưởng và tôn trọng các con. Biết cô cũng có "mớ" tiền gửi ở ngân hàng để dưỡng già. Gặp lúc sốt đất, vàng "nhảy disco", người ta xếp hạng, đổi mưa gió chen chân bẹp ruột để mua lấy vài cây vài chỉ. Bạn bè vừa trêu, vừa sốt ruột hộ cô. Nhưng cô bảo mình không bao giờ bị cuốn vào cái tâm lý đám đông ấy. Tuổi tác lớn rồi, cần nhất là sự điềm tĩnh, an nhiên. Ham hố chi cho mệt. Phạm những gì làm ảnh  hưởng đến tinh thần sức khỏe thì cô tránh xa… Chê cô thế thì "ích kỷ" quá! Cô thừa nhận ngay. Nhưng thiết nghĩ, già ai cũng "ích kỷ" kiêu như cô thì cuộc đời đẹp thêm biết mấy. Bởi "ích kỷ" ham  vui mà cô hay đi đây đó, chẳng giúp… tăng trưởng cho, nhiều ngành du lịch, dịch vụ sao? Hay "ích kỷ" , muốn yên thân mà cô dễ dàng, yêu chiều con cái để nhà cửa luôn vui như hội, chẳng thêm thành tích (thực sự) cho phòng trào "Gia đình văn hóa" đó sao? Và vì "ích kỷ", chẳng ham vàng bạc mà cô cùng góp phần ổn định… kinh tế vĩ mô! Để ngành ngân hàng bớt cảnh "đi đêm lãi suất", lũng đoạn thị trường… cô xưng là "côn dân ưu tú" quá đi chứ!!!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người có “nghề tay trái” là viết lách mà văn chương thâm thúy, dí dỏm khó bì. Ông bảo rằng bạn ông nói là: không có người già. Tuổi 20 - 30 là quá trẻ; 30 - 40 là đang trẻ; 40 - 50 là hãy còn trẻ; 50 - 60 là trẻ không ngờ; còn 60 - 70 là trẻ lạ lùng… Thật ra, để được là người “trẻ lạ lùng” cũng không phải dễ. Trong cách sống, cách suy nghĩ phải có những cái “lạ” - như các cô, các chị nói trên: hồn nhiên, vô ưu, thiện tâm, trong sáng và năng nổ… Bởi sức khỏe, tuổi xuân là những thứ một đi không trở lại nếu ta không biết giữ gìn, chăm sóc nó.
Chuyên gia tâm lý NGUYỄN THỊ KIM BẮC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons